VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
NÓI VỀ ĐÁM GIỖ Ở NAM KỲ

 

NẤU TIỆC ĐÁM GIỖ

Hoài niệm - Sài Gòn xưa - Nam-Kỳ là vùng đất mới, hồi đó còn đất rộng minh mông mà người thì thưa thớt, xứ quê mùa có vô số kinh rạch sông lớn sông nhỏ, ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Xứ của những ngôi nhà lá nép mình bên dòng sông êm đềm. Người Nam-Kỳ sống quanh năm buồn hiu, thành thử ra có lễ tiệc gì là mừng húm, có dịp tụ bà con, chồm xóm đông vui trời ơi là khoái dữ lắm.

Ta nói... tới cái đám giỗ.

Đám giỗ là từ thuần Việt, giỗ tiếng Hán gọi là Cát-Kỵ (吉忌), kỵ là ngày giỗ.

Đám giỗ Nam-Kỳ rất gọn gàng, có hai ngày cúng kiếng như sau:

- Ngày tiên thường là ngày trước ngày giỗ, là con cháu làm mâm cơm cúng để báo cho người khuất sự cúng giỗ ngày hôm sau.

Tiên-thường (先嘗 ) nghĩa là hưởng trước. Tức là cúng vào ngày còn sống của người đã khuất. Cúng tiên-thường xong thì

- ngày hôm sau sẽ cúng chánh giỗ, tức là Chánh-kỵ (正忌), ngày chánh-kỵ tức là ngày mất của người đã khuất.

Phải nói Nam-Kỳ mần đám giỗ linh đình dù nghèo hay giàu, món ăn phải từ chục món trở lên. Do tâm lý sống thưa thớt, thành ra có dịp đông vui là mừng dữ lắm, cực chết cũng phải ráng mần. Hôm trước là con cháu đã lo chèo ghe ra chợ quận mua sắm đủ thứ, nếu nhà có nuôi bò hay heo thì có khi mần một con ở ngoài hè. Bà con cô bác xa gần ở quê có thói quen đi đám giỗ thì xách cặp gà cặp vịt biếu gia chủ như phụ đám giỗ.

Ban đêm nhà có giỗ bắt đèn sáng trưng, hồi xưa chưa có điện thì treo ba cái đèn manchon, rồi người lớn nhổ lông vịt, gói bánh tét, bánh ít, tiếng chặt thịt đồm độp, tiếng cười nói rang rảng cả một vùng.

“Hôm nay có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”

Người cao niên thì ngồi uống trà trên cái bàn kê giữa sân, bàn chuyện tám hoánh xa xưa, nhơn tình thế thái, anh em dòng họ lâu ngày gặp nhau hỏi thăm sức khỏe, công việc đồng áng, mệt thì leo lên hai bộ ngựa giữa nhà đã trãi chiếu bông đỏ lòm mà ngủ, cứ tự nhiên mà ngủ tới sáng.

Nhiều nhà khá giả có thêm màn ca hát, cho mời thầy đờn- đào hát tới đờn ca tài tử, xưa chỉ hát mộc không micro hay loa chát chúa như bây giờ. Giữa đêm thanh vắng tiếng đờn-kìm rỏn rặc, tiếng đờn-tranh réo rắc, tiếng đờn-cò mùi mẫn tha thiết, nhịp song lang cắc cắc nhịp nhàng, tiếng hát chơi vơi giữa đất trời sông nước thiệt là đã.

Sáng hôm sau vô giỗ chánh, thôi thì bà con tấp nập, con kinh trước bến nước sân nhà không còn chổ buộc dây, ghe xuồng dầy đặc. Mọi người đến lúc một đông, tiếng hỏi thăm rổn rảng.

"Anh Năm, chị hai, thiếm sáu mạnh giỏi hết há? Mấy cháu phẻ hết héng chị".

"Mèn đéc ơi, lâu mới gặp lợi anh Bảy đó nhôn, chị bảy dới mấy cháu mạnh hết hả anh Bảy..."

Đám giỗ vừa là dịp để con cháu họ hàng nhận mặt, nhớ mặt bà con, là dịp tụ hội con cháu dâu rễ. Có lẽ chỉ có ngày giỗ ông bà và Tết thì họ mới tề tựu đông như vậy.

Nói về cúng kiến:

Người Nam Kỳ cúng đủ món, nhưng kiêng kỵ cúng canh chua và mắm. Có lẽ hai món dân dã này ngày thường quá dụng, cúng thì tránh chăng? Chua quá và có mùi thì không chưng trên bàn thờ đặng. Thường thì chừng 10 giờ sáng là bày cúng, cúng chừng nữa tiếng đồng hồ hơn nửa cây nhang là dọn ra nhập tiệc. Những món ăn bày trên giường thờ sẽ để nguyên trên đó tới tàn tiệc luôn.

Người Nam-Kỳ có thói gởi đồ theo cho người đi ăn đám giỗ đem về nhà, vài trái cây, vài cái bánh, gói xôi, bịt chè, miếng thịt cho những người không đi ở nhà cũng thấy vui trong bụng.

Ở quê, chủ nhà còn bày cúng mâm chiều, mâm kiếu nữa.

Mâm chiều là mâm cơm gia đình sau một ngày quá cực khổ .

Kết thúc cái đám giỗ. Ta nói... rần rần mệt mà vui hết sức.


Hoài niệm - Sài Gòn xưa

 

Posted: 02/11/2022 #views: 1200
Add comment
:
Pages:  [-1]