VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
PUTIN SẼ CÙNG CHUNG SỐ PHẬN VỚI CÁC NHÀ ĐỘC TÀI BẠI TRẬN ?

 

Putin sẽ cùng chung số phận với các nhà độc tài bại trận ?

Một bức ảnh chân dung của tổng thống Nga Vladimir Putin được tìm thấy tại một địa điểm quân Nga dùng để giam cầm và tra tấn người Ukraina trước khi rút khỏi Kherson, ngày 15/11/2022. (REUTERS - Valentyn Ogirenko)

Thụy My (RFI) - Lịch sử cho thấy các chế độ độc tài rất dễ tổn thương khi bị bại trận : Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều sụp đổ sau cuộc chiến. Nga thua Nhật năm 1905 do đánh giá quá thấp đối thủ, còn năm 2022 sau khi gây chiến với Ukraina, số phận Putin sẽ ra sao ?

Nhật Bản 1905, Ukraina 2022 : Nga thất bại vì khinh địch

Bài phân tích của Les Echos khẳng định « Các nhà độc tài không thể sống sót sau những cuộc chiến thất bại ». Tác giả bài viết mạnh dạn so sánh chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và cuộc chiến ở Ukraina năm 2022. Đã có biết bao thay đổi trong 117 năm qua, về quân sự lẫn địa chính trị. Nhưng trong cả hai trường hợp, Nga đã chọn lựa chiến tranh với một đối thủ được cho là yếu hơn rất nhiều, và cả hai cuộc phiêu lưu quân sự đã diễn ra rất tệ hại - cho dù kết luận này có phần vội vã trong cuộc xâm lược Ukraina.

Trận hải chiến Tsushima là chiến thắng đầu tiên của một hạm đội châu Á trước châu Âu trong lịch sử hiện đại. Hải quân Nhật chiến đấu theo kiểu Anh, mạnh hơn và nhất là được chỉ huy tốt hơn Nga. Năm 2022, không thắng nổi Kiev coi như Matxcơva đã thất bại, trong khi người Nga vẫn tự cho mình là thượng đẳng so với người Ukraina.

Các chính quyền toàn trị rất dễ tổn thương khi bị bại trận. Cả Đệ nhất lẫn Đệ nhị Đế chế Pháp, cũng như Đức quốc xã đều không tránh khỏi số phận này. Năm 2022, chiến xa Ukraina chưa và sẽ không tiến vào cửa ngõ Matxcơva như xe tăng Liên Xô vào Berlin, nhưng việc Putin có sống sót về chính trị hay không đã được bàn luận. Cuộc chiến tranh là cuộc chiến « của Putin ». Chính ông ta đã quyết định, đã tiến hành và đã « thua », Putin là người trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm ngàn người, và việc hàng triệu người khác phải di tản.

Chính Putin là mối đe dọa của nước Nga

Tác giả bài viết những ngày gần đây tại Berlin đã có dịp lắng nghe tranh luận của những người Nga đã buộc lòng phải chạy khỏi một đất nước không còn nhận ra được. Đa số cho rằng không nên nói đó là chiến tranh giữa Nga và Ukraina, mà là một cuộc chiến do Putin tiến hành chống lại Ukraina. Họ cũng bi quan dự báo có lẽ phải lưu vong chừng mười năm hoặc hơn nữa.

Không thể không liên tưởng đến câu nói của tổng thống Emmanuel Macron « bảo đảm an ninh cho Nga ». Ai có thể đe dọa nước Nga ngày nay ? Chẳng lẽ là sự kháng cự của quân đội Ukraina, hay sự hiện diện ở biên giới của NATO, một liên minh phòng vệ ? Ngược lại, chính cách suy nghĩ và tính toán của ông chủ điện Kremlin mới nguy hiểm cho nước Nga, một lối suy nghĩ chừng như hoang tưởng. Tóm lại, mối đe dọa chính đang đè nặng lên cả nước là bản thân ông Putin.

Năm 1905, hội nghị San Francisco đã kết thúc cuộc xung đột Nga-Nhật. Chiến thắng của hạm đội Nhật Bản trước Nga đã tạo cơ hội cho nước Mỹ của tổng thống Theodore Roosevelt bước vào sân chơi của các « ông lớn », áp đặt giải pháp ngoại giao cho hai bên tham chiến. Emmanuel Macron ngày nay muốn đóng vai trò của Roosevelt xưa kia, Paris cũng là một San Francisco cho một hội nghị hòa bình mang tính quyết định ? Một tham vọng đáng quý, nhưng nước Pháp năm 2022 không phải là nước Mỹ năm 1905. Đó là một cường quốc mà những đề nghị lưng chừng bị phản đối ngay trong nội bộ.

Ukraina : Không có quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi

Về khả năng đàm phán, La Croix dẫn lời ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba nói với báo chí hôm 09/12 « không có quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi ». Tương tự đối với Oleksandra Matviïtchouk, chủ tịch Trung tâm Ukraina vì các quyền tự do dân sự (CCL) trong lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ở Oslo hôm 10/12. Cả hai nhân vật trên đều khẳng định các điều kiện để biến khao khát hòa bình thành hiện thực hãy còn xa vời, cho dù Vladimir Putin nhìn nhận « rốt cuộc, cần phải tìm ra một thỏa thuận ». Nhưng tổng thống Nga nói về « thỏa thuận », « dàn xếp » chứ không phải hòa bình.

Trên thực tế, không thể có hòa bình không công lý, và việc chiếm đóng một phần lãnh thổ Ukraina rõ ràng cản trở yêu cầu này. Cũng như không có hòa bình không sự thực, một sự thực mà tới nay không có quyền đề cập đến tại Nga. Tòa án bỏ tù tất cả những ai chỉ trích cuộc chiến tranh ở Ukraina hay bảo vệ nhân quyền. Trong bối cảnh đó, hầu như chỉ có Đức giáo hoàng là còn tin vào hòa bình, khiến Kiev bất bình vì Matxcơva vẫn tiếp tục tấn công Ukraina. Theo tờ báo, có những tiếng kêu trong sa mạc, đến một ngày nào đó cũng sẽ được lắng nghe.

Nga : Bản án kịch khung cho nhà đối lập tố cáo chiến tranh Ukraina

Le Monde nói về bản án tám năm rưỡi tù giam mà tòa án Matxcơva vừa tuyên hôm thứ Sáu tuần trước đối với nhà đối lập 39 tuổi Ilia Iachine vì phổ biến « thông tin sai lạc » về quân đội Nga. Đây là bản án nặng nhất về tội danh này, dành cho một trong những khuôn mặt cuối cùng chống lại chế độ Vladimir Putin. Được chất vấn trong cùng ngày, bên lề một hội nghị ở Kyrgyzstan, ông Putin làm ra vẻ ngơ ngác : « Ai vậy ? Một blogger à ? ». Y như thái độ trong nhiều năm trời đối với nhà đối lập Alexei Navalny. Trong khi Iachine là nhà đấu tranh thân cận với Boris Nemtsov, bị ám sát ngay trước điện Kremlin tháng 2/2015.

Iachine tố cáo « công tố thời Stalin » và tuyên bố : « Chính quyền muốn đe dọa nhưng chỉ bộc lộ sự yếu kém », ông nhắc lại câu nói lúc bị bắt « Tôi không sợ ! ». Trong phiên tòa trước đó, ông thẳng thừng lên án Putin : « Vladimir Vladimirovitch (...). Tên ông nay gắn liền với chữ "chết chóc" và "hủy diệt". Ông đã gây đau thương khủng khiếp cho nhân dân Ukraina, họ sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta (...). Ông đưa hàng trăm ngàn người Nga vào chỗ chết, nhiều người sẽ chẳng bao giờ còn được trở về nhà. Nhưng đối với ông đó chỉ là những con số thống kê ».

Le Monde cho biết hôm 07/04 trong một video dài ba tiếng đồng hồ trên YouTube (1,4 triệu lượt xem), Ilia Iachine đã đưa những hình ảnh về vụ thảm sát Bucha cùng với những phát biểu chính thức của quân đội Nga, tình trạng tang thương của thành phố Mariupol. Không chịu di tản theo lời khuyến cáo của những người thân, hai tháng sau, ông bị bắt. (RFI)

 

Posted: 13/12/2022 #views: 1452
Add comment
:
Pages:  [-1]