VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
CHIẾN TRANH UKRAINA, CƠ HỘI CHO CHÍNH SÁCH PHÒNG THỦ CHUNG CHÂU ÂU ?

 

(illustration) EU Commissioner for Internal Market Thierry Breton speaks during an interview with Reuters in Tokyo, Japan July 3, 2023. (Reuters - Isei Kato)

Thanh Hà (RFI) - Chiến tranh Ukraina và khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng phải chăng đang tạo cơ hội cho Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng thiết lập một chính sách phòng thủ chung ?

Hôm nay, 18/01/2024, Paris phối hợp với Washington chính thức khởi động chương trình « liên minh pháo binh » nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraina trước sức mạnh quân sự của Nga.

Một ngày trước đó, phát biểu tại diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « hợp lực » để đối mặt với « những biến động trên thế giới ». Paris nhắm tới việc 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu phát hành một công trái chung để tài trợ cho những « ưu tiên trong tương lai ». Thách thức đầu tiên trong số đó là tự chủ về quốc phòng.

Tuần trước, ủy viên châu Âu đặc trách về công nghiệp quốc phòng Thierry Breton đã đề xuất sáng kiến Liên Hiệp Châu Âu lập quỹ 100 tỷ euro để « tăng cường khả năng sản xuất vũ khí » trong bối cảnh chiến tranh Ukraina đang diễn ra sát cạnh cửa ngõ của khối này.

Liên Hiệp Châu Âu cần « tăng cường khả năng phòng thủ trên biển, trên không, trên bộ và cả trong không gian ảo », vào lúc mà các cuộc chiến tranh thông tin không ngừng gia tăng, thế giới phải đối mặt với hai cuộc xung đột vũ trang ở Ukraina và Cận Đông, an ninh hàng hải trong khu vực Hồng Hải bị de dọa, tình hình tại Biển Đông và eo biển Đài Loan cũng đang « nóng lên từng ngày ».

Theo một số nguồn tin thông thạo, trong ý tưởng của ủy viên châu Âu Breton, số tiền 100 tỷ euro nói trên nhằm « phát triển các nhà máy công nghiệp sản xuất vũ khí trên châu lục này, cùng nhau xây dựng một số cơ sở hạ tầng quân sự, kể cả khả năng Liên Hiệp Châu Âu cho ra đời một tàu sân bay mang dấu ấn của 27 thành viên ».

Đề xuất của Thierry Breton lập tức được nhiều quốc gia trong khối hoan nghênh, đứng đầu là Ba Lan, một quốc gia giáp ranh với Ukraina và Nga (qua ốc đảo Kaliningrad nhìn ra biển Baltic). Từ khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina, Ba Lan đã trên tuyến đầu giúp Kiev đối mặt với chiến tranh. Vacxava đang hướng tới mục tiêu dành đến 4 % GDP cho ngân sách quốc phòng. Ba Lan cũng là quốc gia mà trong hai năm qua đã hối hả ký nhiều hợp đồng trang bị quân sự với các nước, từ Hoa Kỳ đến Hàn Quốc.

Sáng kiến phát hành công trái chung gọi là « eurobond » để tài trợ cho các chi tiêu quân sự cũng đã được Estonia nhiệt liệt hưởng ứng. Từng thuộc quỹ đạo của Liên Xô cũ, Tallinn rất thận trọng với nước láng giềng to lớn sát cạnh là Liên Bang Nga.

Song « kẻ bênh, người chống » : Một số nước thành viên khác, như Đức hay Hà Lan, e rằng sáng kiến lập quỹ chung để phát triển công nghiệp quốc phòng « đẩy chi tiêu của toàn khối lên cao ».

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, 2024 có thể là thời điểm « thuận lợi » hơn bao giờ hết để Liên Hiệp Châu Âu dừng tranh cãi và thực sự bắt tay vào việc. Bởi vì, thứ nhất, ngày 24/02/2024 sẽ là kỷ niệm đúng hai năm Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, với câu hỏi kèm theo là sau Ukraina ai, sẽ là nạn nhân kế tiếp của Vladimir Putin ?

Yếu tố thứ nhì là xung đột vũ trang trên lãnh thổ Ukraina đã để lộ rõ những yếu kém của toàn khối châu Âu về mặt quốc phòng, về các phương tiện cung cấp và sản xuất vũ khí đạn dược.

Sau những nỗ lực viện trợ từ xe thiết giáp đến các hệ thống phòng không, chiến đấu cơ và đạn pháo cho chính quyền Kiev, các nước trong Liên Âu cũng cần khôi phục lại các kho vũ khí và trang thiết bị quân sự để tự vệ.

Yếu tố thứ ba cho phép hy vọng lần này Liên Âu sẽ đồng lòng về một kế hoạch phòng thủ chung chính là khả năng nhà tỷ phú New York Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2024.

Trong một phát biểu gần đây, cũng ủy viên châu Âu Thierry Breton tiết lộ, vào năm 2020, ông Trump trong cương vị tổng thống Mỹ, khi tiếp chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, từng tuyên bố « Liên Âu phải hiểu rằng nếu khối này bị tấn công thì Hoa Kỳ sẽ không bao giờ giúp đỡ. Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương đã cáo chung, Mỹ sẽ rút khỏi NATO ». Đáng lo ngại hơn nữa là không chỉ đảng Cộng Hòa và ứng cử viên Donald Trump, mà trước đó tổng thống Barack Obama của đảng Dân Chủ cũng đã từng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « bớt trông cậy » vào Washington.

Đương nhiên sáng kiến Liên Âu phát hành công trái phiếu chung để có nguồn tài chính nhằm tăng cường khả năng phòng thủ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Còn ít nhất hai trở ngại mà khối này sẽ phải vượt qua : Một là tùy thuộc vào kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 6 sắp tới đây và hai là tùy thuộc vào khả năng của toàn khối có được một tiếng nói chung.

Kế hoạch xây dựng một chính sách phòng thủ chung cho Liên Âu, để bớt phải lệ thuộc vào ô dù quân sự của Mỹ, đã nhiều lần được đề xuất, nhưng luôn gặp nhiều trắc trở. Nhiều thành viên trong khối này đã tin tưởng vào vũ khí của Mỹ hơn là của các đối tác châu Âu như Pháp. (RFI)

 

Posted: 18/01/2024 #views: 718
Add comment
:
Pages:  [-1]