VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
THỦ TƯỚNG ANH BORIS JOHNSON TỪ CHỨC SAU KHI BỊ ĐA SỐ NỘI CÁC BỎ RƠI

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson phải từ chức sau khi bị đa số nội các bỏ rơi

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở chính phủ ở Downing Street, Luân Đôn, 6/7/2022. (REUTERS - HENRY NICHOLLS)

Trọng Nghĩa (RFI) - Sức ép đã quá nặng nề. Đối mặt với hàng loạt đơn xin từ chức của các thành viên nội các, thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm nay, 07/07/2022 đã loan báo quyết định rời bỏ chức vụ chủ tịch đảng Bảo  Thủ đang cầm quyền, mở đường cho việc chọn người thay thế ông ở cương vị thủ tướng.

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu ngay trước phủ thủ tướng Anh ở số 10 Downing Street, Luân Đôn, ông Boris Johnson đã thuận theo ý muốn tìm người lãnh đạo mới của đảng Bảo Thủ. Ông nói: “Các nghị sĩ trong đảng Bảo Thủ rõ ràng là có ý muốn tìm ra một lãnh đạo mới cho đảng và qua đó là một thủ tướng mới”. Trên cơ sở đó, ông Johnson cho rằng tiến trình lựa chọn lãnh đạo mới cho đảng Bảo Thủ cần phải được khởi động ngay từ giờ và thời gian biểu sẽ được công bố vào tuần tới.

Thủ tướng Anh cho biết là ông đã bổ nhiệm một nội các để xử lý thường vụ công việc cùng với ông cho đến khi người lãnh đạo mới nhậm chức.

Ngay từ buổi sáng, kênh truyền thông Anh BBC cho biết là ông Johnson đã quyết định từ bỏ chức vụ lãnh đạo đảng cầm quyền, đảng Bảo Thủ Anh, điều kiện cần thiết để lên làm thủ tướng. Tuy nhiên ông có thể vẫn đứng đầu chính phủ cho đến mùa thu, trong khi chờ đợi đảng cầm quyền chọn người thay thế.

Như vậy việc các thành viên cao cấp trong chính phủ Anh ồ ạt từ chức trong ba ngày gần đây đã buộc thủ tướng Johnson phải từ chức, cho dù cho đến hôm qua, ông vẫn tỏ ý kiên quyết bám trụ.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, tính đến trưa nay đã có đến 57 thành viên trong nội các của thủ tướng Johnson loan báo từ chức, trong đó có 5 bộ trưởng, không kể đến hàng loạt bộ trưởng đặc trách hay quốc vụ khanh.

Thậm chí có người như bộ trưởng Giáo Dục mới, vừa được bổ nhiệm thứ Ba vừa qua để thay thế bộ trưởng cũ đã rời bỏ chính phủ, vào hôm nay cũng đã loan báo từ chức, trong khi tân bộ trưởng Tài Chánh mới được bổ nhiệm, cũng lên tiếng kêu gọi ông Johnson từ chức.

Theo giới quan sát, trong lịch sử nước Anh, việc các thành viên nội các ồ ạt từ nhiệm như hiện nay là điều chưa từng thấy. Đối với những người đã từ chức, thủ tướng Boris Johnson không còn khả năng lãnh đạo đất nước sau hàng loạt những vụ bê bối.

Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức - VnExpress

Thủ tướng Anh phát biểu từ chức trước văn phòng ở số 10 phố Downing, London hôm nay. (Reuters)

Quyết định từ chức của thủ tướng Boris Johnson dĩ nhiên đã được giúp cho đảng Bảo Thủ thở phào nhẹ nhõm. Trên mạng Twitter, ông Justin Tomlinson, phó chủ tịch đảng Bảo Thủ cho rằng đây là điều “không thể tránh khỏi”, và đảng cần “nhanh chóng đoàn kết lại để tập trung vào những gì quan trọng”. (RFI)

***

NHỮNG ỨNG VIÊN TIỀM NĂNG CHO CHỨC THỦ TƯỚNG ANH LÀ AI ?

Ứng cử viên tiềm năng nhất cho vị trí thủ tướng mới của Anh là ai?

BBC - Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ từ chức, điều đó có nghĩa là bây giờ sẽ có một cuộc bầu cử lãnh đạo để quyết định ai sẽ trở thành thủ tướng và nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ tiếp theo.

Họ sẽ phải đảm bảo sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Bảo thủ, với hai ứng cử viên cuối cùng sẽ tranh phiếu bầu của các thành viên Đảng Bảo thủ. Nhưng những ứng viên tiềm năng là ai?

Rishi Sunak

Những ứng viên tiềm năng cho chức Thủ tướng Anh mới là ai? - BBC News Tiếng  Việt

Rishi Sunak từng được một số người coi là ứng viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ trong tương lai.

Nhưng vài tháng qua, danh tiếng của ông đã bị giảm sút sau tranh cãi về vấn đề thuế của vợ ông, và không lâu sau đó ông bị phạt hành chính vì vi phạm quy tắc phong tỏa thời kỳ Covid.

Ông trở thành nghị sĩ vào năm 2015 - đại diện cho hạt Richmond, vùng Yorkshire.

Rất ít người bên ngoài Westminster - cách gọi chung cho quốc hội và chính phủ Anh, nghe nói về ông, nhưng ông là bộ trưởng tài chính vào tháng 2/2020.

Ông nhanh chóng phải vật lộn với đại dịch virus corona, chi những khoản tiền khổng lồ để cố gắng giữ nền kinh tế không bị rơi vào nợ nần trong suốt thời kỳ phong tỏa.

Việc vung tiền không hề dễ dàng với một người tự coi mình là người của đảng Bảo thủ ủng hộ đánh thuế thấp và chi tiêu hạn chế, nhưng nó làm tăng sự yêu mến của quần chúng với ông.

Việc ông sớm từ chức bộ trưởng tài chính hôm 5/7, cùng với người bạn và cũng là bộ trưởng Sajid Javid, có thể đã mở đường cho làn sóng từ chức bộ trưởng, mà cuối cùng đã buộc Boris Johnson phải ra đi.

Liz Truss

Những ứng viên tiềm năng cho chức Thủ tướng Anh mới là ai? - BBC News Tiếng  Việt

Vị ngoại trưởng Anh đã sớm tuyên bố ủng hộ ông Johnson sau sự ra đi của bộ trưởng tài chính và bộ trưởng y tế, củng cố vị thế của bà trong số những người trung thành với thủ tướng đương nhiệm.

Là người phụ nữ thứ hai lãnh đạo Bộ Ngoại giao, bà được ghi nhận thành tích vì đã đảm bảo việc thả tự do Nazanin Zaghari-Ratcliffe sau sáu năm và vì đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga và các đầu sỏ chính trị của nước này.

Được bầu lần đầu tiên vào năm 2010 làm nghị sĩ đại diện cho South West Norfolk, bà Truss trở thành nhân vật nổi tiếng trong số các thành viên đảng Bảo thủ với quan điểm tự do về kinh tế và thương mại của bà.

Nhưng phong cách của bà không phải lúc nào cũng thu hút được công chúng, và bà bị chế giễu về bài phát biểu tại hội nghị của đảng Bảo thủ năm 2015 mà đã trình bày một cách sôi nổi về việc nhập khẩu phô mai của Vương quốc Anh.

Điều đó không cản trở bước tiến của bà, và bà đã giữ một loạt các vị trí trong nội các - bao gồm đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong vai trò thư ký thương mại quốc tế - trước khi đạt được vị trí Bộ trưởng Ngoại giao hiện tại.

Sajid Javid

Nghị sĩ của Bromsgrove đã giáng đòn đầu tiên vào thủ tướng, nhấn mạnh sự cần thiết của tính liêm chính và nói với các nghị sĩ trong bài phát biểu từ chức của ông rằng ông đã kết luận: "vấn đề bắt nguồn từ người trên cao nhất".

Ông Javid trước đó đã tranh cử cho vị trí lãnh đạo vào năm 2019, lọt vào danh sách bốn người cuối cùng trước khi ông quyết định từ bỏ để ủng hộ ông Johnson.

Sự tán thành của ông được tưởng thưởng bằng chức vụ bộ trưởng tài chính, nhưng ông đã từ chức sau sáu tháng trong một cuộc tranh cãi về các cố vấn của mình, trước khi có sự quay trở lại đầy kịch tính ở hàng ghế đầu trong Nghị viện Anh với tư cách là bộ trưởng y tế vào năm 2021.

Là một nhà bảo thủ tài chính, người đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lạm phát gia tăng và nợ công, ông Javid đã vươn lên từ những khởi đầu hết sức khiêm tốn.

Ông sinh ra ở Rochdale vào năm 1969, là thế hệ đầu tiên trong một gia đình nhập cư từ Pakistan và cha ông từng làm người bán vé xe buýt. Ông Javid theo đuổi sự nghiệp thành công trước khi trở thành nghị sĩ Đảng Bảo thủ năm 2010.

Jeremy Hunt

Vị cựu ngoại trưởng vẫn duy trì sự hiện diện có ảnh hưởng trong Westminster từ hàng ghế sau trong Hạ viện, kể từ khi ông về thứ hai sau Boris Johnson trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo năm 2019.

Ông xem xét kỹ lưỡng chính sách của chính phủ trong suốt đại dịch với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Y tế Hạ viện.

Nhưng nếu ông ấy trở lại vị trí lãnh đạo, ông sẽ hy vọng các thành viên trong đảng có cái nhìn khác so với 3 năm trước, khi ông nói rằng lá phiếu của mình cho việc ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit là một rào cản không thể vượt qua.

Là con trai của một đô đốc, ông Hunt đã gây dựng cơ đồ của mình bằng cách thành lập Hotcourses - một trang web kết nối những người sắp trở thành sinh viên với các tổ chức giáo dục.

Trở thành nghị sĩ của South West Surrey từ năm 2005, ông Hunt tham gia chính phủ năm 2010 với tư cách là bộ trưởng văn hóa và cũng lãnh đạo Bộ Y tế.

Michael Gove

Bộ trưởng chuyên trách nhà cửa đã từng hai lần tranh cử vị trí thủ lĩnh đảng Bảo thủ và thủ tướng. Năm 2019, ông đứng thứ ba sau Boris Johnson và Jeremy Hunt.

Nhưng sự can thiệp nổi tiếng nhất của ông trong các cuộc tranh cử lãnh đạo là vào năm 2016, sau cuộc trưng cầu dân ý về EU, trong đó ông là một nhân vật cấp cao của phe ủng hộ ra khỏi EU.

Ban đầu ủng hộ ông Johnson, người cùng phe chủ trương rời EU, ông đã bất ngờ rút lại sự ủng hộ, nói một cách "miễn cưỡng" rằng ông Johnson không thể "cho thấy khả năng lãnh đạo hoặc xây dựng đội ngũ cho nhiệm vụ phía trước".

Năm 2010, ông trở thành bộ trưởng giáo dục và kể từ đó đã đảm nhận các vai trò của chính phủ, như là chánh văn phòng nội các, bộ trưởng tư pháp, bộ trưởng môi trường và gần đây nhất là bộ trưởng chuyên trách nhà cửa.

Nadhim Zahawi

Bọ trưởng tài chính hiện tại đã củng cố danh tiếng của mình như một người đáng tin cậy khi đảm nhận vai trò bộ trưởng đặc trách tiêm chủng trong đại dịch, và nhận được nhiều tín nhiệm từ việc triển khai thành công vaccine của Vương quốc Anh.

Ông nói đó là "công việc quan trọng nhất mà tôi từng làm" - mặc dù nó tạo tiền đề cho việc thăng chức trong nội các với tư cách là bộ trưởng giáo dục.

Việc thăng chức lên bộ trưởng tài chính sau khi ông Rishi Sunak từ chức đã không ngăn ông tham gia một nhóm các bộ trưởng 24 giờ sau đó để nói với ông Johnson rằng đã đến lúc phải đi.

Sinh năm 1967 tại Iraq, ông Zahawi và gia đình buộc phải chạy trốn khi Saddam Hussein lên nắm quyền.

Sau khi học kỹ thuật hóa học, ông thành lập một công ty bán hàng hóa Teletubbies trước khi xây dựng gia tài bằng việc thành lập công ty thăm dò ý kiến trực tuyến YouGov. Ông trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ của Stratford-Upon-Avon vào năm 2010.

Penny Mordaunt

Bà đã gây bất ngờ vào năm 2019, khi làm nên lịch sử bằng cách trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Vương quốc Anh - một điều phù hợp tự nhiên đối với một lính dự bị hải quân, người đã từng là thứ trưởng lực lượng vũ trang dưới thời David Cameron.

Nhưng bà Mordaunt có lẽ được biết đến nhiều nhất bên ngoài Westminster nhờ sự xuất hiện trên chương trình Splash! của ITV để quyên góp tiền từ thiện.

Trở thành nghị sĩ của Portsmouth North từ năm 2010, bà Mordaunt là cựu lãnh đạo của cánh trẻ của Đảng Bảo thủ và từng là nhân viên báo chí cho William Hague khi ông còn là lãnh đạo đảng.

Trước khi bước vào chính trường Westminster, bà là nhân viên báo chí của quận Kensington và Chelsea và Hiệp hội Vận tải Hàng hóa, khi bà hỗ trợ các tài xế xe tải Anh trong những lần Pháp phong tỏa các xe chở hàng từ Anh qua.

Tom Tugendhat

Phong cách của Tom Tugendhat hoàn toàn trái ngược với Boris Johnson - một người ôn hòa, ủng hộ chủ nghĩa thực dụng hơn là chủ nghĩa dân túy, một người đã ủng hộ ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Vì những đặc điểm này, ông Tugendhat, người được bầu làm nghị sĩ cho Tonbridge vào năm 2015, được nhắc đến như một nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai của đảng Bảo thủ trong những năm tới.

Sự hết mình của ông trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại có ảnh hưởng kể từ tháng 1/2020 đã tăng thêm sức nặng cho khả năng lãnh đạo của ông khi ông dựa vào chuyên môn quân sự của mình để xem xét kỹ lưỡng các vấn đề như ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu đầy xúc động trước các nghị sĩ, ông Tugendhat đã mô tả sự tức giận, đau buồn và thịnh nộ của các cựu binh khi bị "bỏ rơi" ở Afghanistan trong cuộc rút quân vội vàng của các lực lượng phương Tây vào tháng 8 năm ngoái.

Khi được hỏi vào năm 2017 liệu ông có muốn trở thành thủ tướng hay không, ông nói: "Tất nhiên. Tôi đã mua một vé, vậy tại sao tôi không muốn trúng số?"

Ben Wallace

Bộ trưởng Quốc phòng và cựu quân nhân ngày càng được chú ý kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, khi Vương quốc Anh đưa ra quyết định sớm hỗ trợ Kyiv vũ khí và đào tạo.

Ông phản đối Brexit, nhưng ông cũng có một chức vụ trong nội các vào năm 2019.

Ông từng phục vụ ở Đức, Cyprus, Belize và Bắc Ireland, nơi ông cản phá nỗ lực của IRA nhằm thực hiện một cuộc tấn công bằng bom vào binh lính Anh.

Ông cũng là một trong những quân nhân chính tham gia bảo vệ thi thể Công nương Diana từ Paris. (BBC)

 

Posted: 07/07/2022 #views: 1419
Add comment
:
Pages:  [-1]