VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
CHIẾN TRANH UKRAINA : BẮC TRIỀU TIÊN SẼ HỖ TRỢ NGA ?

 

Chiến tranh Ukraina : Bắc Triều Tiên sẽ hỗ trợ Nga ?

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm Lực lượng Phòng không của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Ảnh được hãng thông tấn KCNA công bố hôm 13/01/2015. (REUTERS/KCNA)

Phan Minh (RFI) - Chiến tranh tại Ukraina đã diễn ra được gần nửa năm và vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trong cuộc chiến này, phải chăng Nga sẽ có sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên? Đó là đề tài một bài viết đăng hôm 10/08/2022 trên trang mạng The Diplomat của Nhật .

Theo The Diplomat, nhiều nguồn tin của Nga và hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraina cho biết Bắc Triều Tiên có thể sẽ triển khai lực lượng vũ trang của mình cho các chiến dịch tại chiến trường Ukraina. Bình Nhưỡng đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước Cộng hòa ly khai vào ngày 13/07, và chỉ vài ngày sau đó đã có thông tin về việc công nhân Bắc Triều Tiên sẽ được cử đến để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết ở miền đông Ukraina. Bình Nhưỡng cũng có khả năng sẽ tham gia vào các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Donetsk.

Các thông tin về kế hoạch của Bình Nhưỡng điều động quân nhân đến Donetsk và Luhansk sau đó đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của các nước Cộng hòa nói trên, trước khi được công bố rộng rãi hơn trên kênh truyền hình nhà nước Nga Channel One Russia.

Mặc dù thông tin vẫn chưa được xác nhận, số binh sĩ Bắc Triều Tiên có khả năng triển khai tới Ukraina, mặc dù có thể không đến 100.000 người như chính quyền vùng Donbass  tuyên bố, vẫn là một số lượng đáng kể dựa trên xu hướng triển khai lực lượng ở nước ngoài của Bình Nhưỡng trong quá khứ và những lợi ích mà các nước Cộng hòa ly khai và chính bản thân Matxcơva có thể đạt được.

Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể điều quân sang Ukraina, bởi việc Bình Nhưỡng triển khai binh sĩ ra nước ngoài không phải là điều chưa từng xảy ra: Lực lượng vũ trang của nước này đã từng chiến đấu tại Việt Nam chống Hoa Kỳ và tham gia nhiều cuộc chiến tranh ở Trung Đông, chủ yếu chống lại các phe được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Bắc Triều Tiên cũng đã từng hỗ trợ một cách gián tiếp cho các đối thủ của Hoa Kỳ trong nhiều cuộc xung đột khác, từ chiến tranh biên giới Nam Phi cho đến chiến tranh Iran-Irak. Sau đó, Bình Nhưỡng đã cung cấp cho quân đội Iran pháo tầm xa cũng như phần lớn tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo The Diplomat, nếu Bắc Triều Tiên tin rằng lực lượng của họ có ảnh hưởng đáng kể đến diễn tiến cuộc chiến tranh ở Ukraina, họ có thể sẽ tìm cách buộc phương Tây phải tiếp tục tập trung vào khu vực Đông Âu và do đó sẽ không quan tâm đến Đông Á, đồng thời gây áp lực hơn nữa đối với Hoa Kỳ, bởi trên thực tế, Bình Nhưỡng và Washington vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Bình Nhưỡng cũng sẽ tích lũy được những kinh nghiệm quý báu khi chiến đấu chống lại Ukraina, quốc gia đã nhận được hàng chục tỷ đô la vũ khí, thiết bị quân sự từ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có sự hỗ trợ của tình báo, cố vấn của Mỹ. Nga có thể sẽ hỗ trợ quân sự Bắc Triều Tiên nếu nước này quyết định tham chiến. Bình Nhưỡng có khả năng sẽ được tiếp cận với hàng hóa, khí tài và các hỗ trợ kinh tế khác của Nga. Nếu tham chiến cùng Nga, kinh nghiệm của quân đội Bình Nhưỡng cũng có thể được đánh giá cao, do hai nước có chung đường biên giới và họ phải đối đầu với những đối thủ chung ở Đông Á.

Không giống như Trung cộng hay Iran, những nước đã chính thức bày tỏ lập trường trung lập trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, và do đó loại trừ khả năng cung cấp máy bay không người lái hoặc các thiết bị khác cho quân đội Nga, Bắc Triều Tiên đã chính thức lên tiếng ủng hộ Matxcơva. Cùng với Eritrea, Belarus và Syria, Bắc Triều Tiên đã bỏ phiếu bác bỏ nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina. Do đó, Bình Nhưỡng có thể là nguồn cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất cho Nga ngoài Belarus, bở vì cùng với Trung cộng và Iran, Bắc Triều Tiên là một trong số ít quốc gia ngoài phương Tây có trong tay một lực lượng quân sự lớn có khả năng mang lại lợi ích đáng kể cho Nga.

Trong khi Bắc Kinh và Teheran đang cố gắng cải thiện quan hệ với phương Tây, Bắc Triều Tiên có đường lối cứng rắn hơn, bởi trong nhiều thập kỷ qua, Bình Nhưỡng bị các nước phương Tây trừng phạt nặng đến mức hầu như họ không còn gì để mất khi ủng hộ Nga, cũng như củng cố quan hệ với Matxcơva và vùng Donbass. Điều này có thể giúp Bắc Triều Tiên hội nhập kinh tế tốt hơn với Nga, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế hai nước.

Mối quan hệ kinh tế với Donetsk và Luhansk cũng có thể mang lại cho Bình Nhưỡng nhiều cơ hội làm ăn quan trọng. Các nước Cộng hòa ly khai không phải là những quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, nên họ không có nghĩa vụ tuân theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về trừng phạt Bắc Triều Tiên. Do vậy, Donetsk và Luhansk nằm trong số hiếm hoi các lãnh thổ trên thế giới mà Bình Nhưỡng có thể tự do giao thương. Việc Bắc Triều Tiên cung cấp nhiều loại hàng hóa và các dịch vụ khác nhau, từ công nhân nước ngoài đến hệ thống pháo cho những quốc gia này sẽ không bị cấm như đối với các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc như Nga.

Lực lượng đặc biệt, lục quân và thậm chí một số bộ phận của pháo binh của Bắc Triều Tiên lớn hơn nhiều so với lực lượng của Nga, và kể từ sau Chiến tranh lạnh, sức mạnh của Bình Nhưỡng trên một số lĩnh vực có thể đã qua mặt Nga. Một ví dụ đáng chú ý được nêu ra lần đầu tiên hôm 23/07 vừa qua là các hệ thống tên lửa KN-09 và KN-25 của Bắc Triều Tiên. Cả hai loại tên lửa này đều có tầm bắn xa hơn bất kỳ tên lửa nào của nước khác, ngoại trừ của Trung cộng. Chúng có tầm bắn xa gấp nhiều lần so với các tên lửa của Nga hay HIMARS của Mỹ, vốn đã khiến quân đội Nga toát mồ hôi kể từ khi vũ khí này được cung cấp cho Ukraina trong thời gian gần đây.

Phát biểu trên kênh Channel One Russia, nhà báo Igor Korotchenko cho rằng các hệ thống pháo của Bắc Triều Tiên có thể có giá trị ở Ukraina và có thể được triển khai ra mặt trận. Ông Korotchenko nói : “Nếu Bắc Triều Tiên tình nguyện tham chiến cùng với hệ thống pháo của mình, chúng ta hãy bật đèn xanh cho họ. Nếu Bắc Triều Tiên bày tỏ mong muốn đáp ứng nghĩa vụ quốc tế của mình bằng việc chống lại chủ nghĩa phát xít Ukraina, chúng ta nên nhận sự hỗ trợ của họ”.

Các sĩ quan pháo binh Bắc Triều Tiên, đã hoạt động cùng với quân đội Syria trong chiến tranh Liban và trong các chiến dịch chống nổi loạn trong những năm 2010, có thể là một trong những lực lượng đầu tiên được triển khai tới miền đông Ukraina. Điều này sẽ gây ra một tác động đặc biệt đáng kể, nếu họ được triển khai cùng với các hệ thống pháo, đi qua lãnh thổ Nga và tới Donbass.

Ngoài các đơn vị pháo binh, các đơn vị đặc nhiệm của Bắc Triều Tiên có khả năng đóng một vai trò quan trọng ở Ukraina, sau khi đơn vị này đã từng được triển khai hoạt động trong các chiến dịch chống nổi loạn ở Syria. Bình Nhưỡng sở hữu lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới, với quân số ước tính từ 180.000 – 200.000 người. Họ đã được Anh Quốc mô tả là “có động lực cao, được giáo dục chính trị và được đào tạo tốt. Những đơn vị này sẽ liên tục tìm những sáng kiến, biến tất cả các sự kiện không lường trước được thành lợi thế cho mình, và đạt được mục tiêu của mình bằng bất cứ giá nào". Hai đơn vị đặc nhiệm của Bắc Triều Tiên được triển khai tới Syria trong những năm 2010 được các chỉ huy của lực lượng nổi dậy mô tả là "nguy hiểm chết người" trên chiến trường. Họ được huấn luyện để hoạt động phía sau chiến tuyến của quân địch, chống lại những đối thủ được trang bị và huấn luyện tốt hơn nhiều so với quân đội Ukraina. Việc lực lượng này được triển khai có thể sẽ có tác động đáng kể trên chiến trường tùy thuộc vào mức độ thích nghi của họ khi chiến đấu cùng với lực lượng Donbass và quân đội Nga.

Những thông tin về Bình Nhưỡng tham gia cuộc chiến dưới danh nghĩa những "tình nguyện viên" cho thấy rằng quân đội Bắc Triều Tiên có thể sẽ không công khai đụng độ với Ukraina, giống như Bắc Kinh từng can thiệp quân sự vào chiến tranh Triều Tiên dưới vỏ bọc những “tình nguyện viên” chứ không phải là Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng. Điều này nhằm tránh đặt Bình Nhưỡng vào một cuộc chiến chính thức với Ukraina và các nước ủng hộ Kiev.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, nếu triển khai quân tại Ukraina, Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ đụng với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Báo New York Times đưa tin Mỹ đã thiết lập “một mạng lưới biệt kích và gián điệp cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện quân sự” ở trong lãnh thổ Ukraina. Tờ báo viết: “Các đặc vụ CIA tiếp tục hoạt động bí mật, chủ yếu ở thủ đô Kiev, xử lý phần lớn lượng thông tin tình báo khổng lồ mà Hoa Kỳ đang chia sẻ với lực lượng Ukraina.”

Lực lượng biệt kích từ các quốc gia NATO khác như Anh, Pháp, Canada hay Litva cũng đang hoạt động trong lãnh thổ Ukraina. Họ huấn luyện và cố vấn cho quân đội Ukraina.

Gần đây, tạp chí Causeur của Pháp đã nêu rõ mức độ hiện diện và hoạt động của các lực lượng phương Tây ở Ukraina, trích dẫn các nguồn tin tình báo từ nước này, trong khi các nguồn tin chính phủ Nga luôn cáo buộc mức độ can dự sâu hơn của phương Tây vào các hoạt động tiền tuyến. Kết quả có thể là sẽ là một cuộc đụng độ trực tiếp giữa các “tình nguyện viên” Bắc Triều Tiên và một “mạng lưới bí mật” của phương Tây hỗ trợ Ukraina.

Các lực lượng của Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đã từng đối đầu tại nhiều cuộc xung đột trong quá khứ, gần đây nhất là ở Syria. Ukraina có khả năng sẽ là « sân đấu » mới nhất giữa hai nước, và có thể sẽ là một trong những nơi Bắc Triều Tiên huy động nhiều lực lượng nhất. Đây có thể sẽ là một chương mới trong cuộc chiến tranh kéo dài 70 năm qua giữa Bình Nhưỡng và Washington. (RFI)

 

Posted: 16/08/2022 #views: 1141
Add comment
:
Pages:  [-1]