VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
CHIẾN TRANH UKRAINA: BẮC TRIỀU TIÊN TRỞ THÀNH NGUỒN CUNG CẤP ĐẠN DƯỢC CHO NGA

 

Chiến tranh Ukraina: Bắc Triều Tiên trở thành nguồn cung cấp đạn dược cho  Nga

Ảnh minh họa: Tên lửa Uragan của quân đội Nga đang được bắn về phía quân đội Ukraina tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh do cơ quan báo chí bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 01/06/2022. (AP)

Trọng Nghĩa (RFI) - Nhật báo Mỹ The New York Times ngày 05/09/2022 đã tiết lộ một thông tin tình báo Hoa Kỳ, theo đó Bắc Triều Tiên đang trở thành nguồn cung cấp đạn pháo cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraina. Việc Matxcơva bị buộc phải quay sang Bình Nhưỡng để tìm mua đạn dược - và có thể là một số loại vũ khí khác - là dấu hiệu cho thấy Nga ngày càng bị tổn thất nặng nề trong cuộc chiến Ukraina.

Theo New York Times, một tài liệu tình báo Mỹ được giải mật cho biết là thương vụ vũ khí Nga-Bắc Triều Tiên này bao gồm hàng triệu quả đạn đại bác và rocket, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về thời điểm hoặc loại đạn mà Matxcơva đặt mua.

Trang thông tin Mỹ Axios ngày 06/09 trích dẫn một quan chức Mỹ cao cấp xác nhận tiết lộ của New York Times và cho rằng “vụ mua bán này cho thấy là quân đội Nga tiếp tục bị thiếu hụt vũ khí và đạn dược một cách trầm trọng ở Ukraina, một phần do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt” mà Matxcơva đang phải gánh chịu. Quan chức này nói thêm rằng Hoa Kỳ không loại trừ việc Nga sẽ tiếp tục mua “thiết bị quân sự bổ sung của Bắc Triều Tiên” trong tương lai.

Chiến thuật dội lửa của Nga bị hụt hơi

Theo các chuyên gia quân sự, việc Nga bị thiếu đạn pháo và rocket trên chiến trường Ukraina bắt nguồn từ chiến thuật dội lửa trên đầu đối phương được quân đội nước này áp dụng kể từ khi khởi động cuộc chiến đến nay.

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 07/09 nhắc lại ước tính của Lầu Năm Góc Hoa Kỳ theo đó kể từ sau thất bại trong chiến dịch đánh chiếm Kiev và chuyển quân qua tập trung đánh phá miền Đông và miền Nam Ukraina vào tháng Tư, Nga mỗi ngày trút đến 60.000 quả đạn pháo xuống mặt trận. Mức độ tiêu hao đạn dược khủng khiếp đó rất khó mà chịu đựng được, ngay cả đối với những kho vũ khí khổng lồ kế thừa từ thời Liên Xô mà quy mô và tình trạng luôn được Matxcơva giữ kín.

Tuần báo Pháp L’Express ngày 06/09 cũng ghi nhận là theo ước tính của chính quyền Kiev, vào cuối mùa xuân vừa qua, lúc mở ra cuộc tấn công vào vùng Donbass, Nga đã “bắn khoảng 20.000 quả đạn mỗi ngày”, những trận mưa lửa gây khó khăn rất lớn cho lực lượng Ukraina. Thế nhưng vài tháng sau, kho dự trữ đạn pháo thời Liên Xô của Nga đã tan chảy.

Kho đạn Nga bị Ukraina phá hủy

Một lý do khác khiến Nga phải cấp tốc đi tìm nguồn cung cấp đạn dược từ nơi khác đã được Le Monde nêu bật: Quân Đôi Nga đang phải đối mặt với chiến dịch phá hủy kho đạn mà lực lượng Ukraina đã đẩy mạnh từ đầu mùa hè, và ngày càng có thêm dấu hiệu thành công.

Nhờ được trang bị thêm nhiều hệ thống phóng pháo phản lực M142 HIMARS và M270 MLRS do phương Tây chuyển giao, các xạ thủ Ukraina đã có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 80 km, với độ chính xác chỉ vài mét. Hôm 05/09 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace khẳng định rằng kể từ tháng Sáu, Ukraina đã thực hiện 350 cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu “có giá trị gia tăng cao”, ý muốn nói đến các mục tiêu có giá trị chiến lược, trong đó có các kho vũ khí, đạn dược.

Thêm vào vấn đề đạn dược bị tiêu hao đáng kể tại Ukraina, công nghiệp vũ khí Nga lại không thể đáp ứng kịp nhu cầu chiến trường, đặc biệt trong bối cảnh Matxcơva đang phải gánh chịu tác hại từ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí và các linh kiện quân sự do các nước phương Tây áp đặt từ năm 2014 và được tăng cường sau ngày 24/02 khi Nga khởi động cuộc xâm lược Ukraina.

Theo một tài liệu được trang thông tin Mỹ Politico tiết lộ hôm 05/09, Matxcơva dường như đã lập ra một danh sách các linh kiện (máy biến áp, bóng bán dẫn, chất cách điện, v.v.) mà họ cần khẩn cấp để tiếp sức cho cuộc tấn công ở Ukraina.  

Vì sao Bình Nhưỡng lại trở thành nhà cung cấp cho Matxcơva   

Cho đến gần đây, trong quan hệ Nga-Bắc Triều Tiên, người ta thường chỉ thấy chiều đàn anh Matxcơva chi viện cho đàn em Bình Nhưỡng. Với cuộc chiến tranh Ukraina, quan hệ đang đổi chiều. Câu hỏi đặt ra là do đâu mà Bắc Triều Tiên lại có khả năng giúp đỡ đàn anh Nga như vậy?

Theo tuần báo L’Express, lý do quan trọng nhất là Bắc Triều Tiên cùng sử dụng các loại vũ khí như Nga, đặc biệt là loại đại bác 152mm, một tiêu chuẩn mà Liên Xô đề ra từ thời chống lại quân Đức trong Thế Chiến Thứ II. Đạn pháo 152 ly là một trong những đặc điểm của quân đội Nga và vẫn đang được sử dụng ở một số lớn các quốc gia trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ, trong lúc khối NATO lại sử dụng đạn pháo 155 mm.

Theo Le Monde, Bắc Triều Tiên có năng lực công nghiệp để sản xuất đạn pháo 152mm, cũng như pháo phản lực cho các hệ thống phóng tên lửa TOS-1, mà nhiều tài liệu khẳng định là đã được Nga sử dụng ở mặt trận Ukraina.

Đồng thanh tương ứng

Ngoài lý do kỹ thuật, còn có các nguyên nhân chính trị. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nặng nề mà phương Tây áp đặt lên Nga đã thúc đẩy Putin xích lại gần hơn với Kim Jong Un, mà quốc gia cũng bị bị cộng đồng quốc tế trừng phạt.  

Về ngoại giao, cùng với Syria, Bắc Triều Tiên là đồng minh khác của Matxcơva đã công nhận các nước cộng hòa tự phong Lugansk và Donetsk theo Nga ở miền đông Ukraina.

Nga chỉ có một đường biên giới nhỏ dài 18 km, là một con sông, ở cực đông nam của lãnh thổ với BắcTriều Tiên. Chỉ có một “cây cầu hữu nghị”, chủ yếu là đường sắt, kết nối hai nước. Thông qua con đường này, Bình Nhưỡng có thể cung cấp cho Nga những quả đạn 152 mm, được chuyển vận bằng tàu lửa qua vùng Siberia mênh mông trong vài ngày để đến mặt trận Ukraina.

Trên tuần báo L’Express, Léo Péria-Peigné, nhà nghiên cứu về vũ khí và triển vọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI đưa ra giả thuyết: “Điều này có nghĩa là Nga đã sử dụng hết hoặc là không còn quyền sử dụng kho dự trữ của Belarus. Việc phải cầu viện đến Bắc Triều Tiên ở đầu kia của lãnh thổ cho thấy là tình hình khó khăn hơn là Nga từng thừa nhận.”

Bắc Triều Tiên cũng sẽ cung cấp nhân lực ?

Ngoài vũ khí, đạn dược, Bắc Triều Tiên được cho là đã ngỏ ý sẵn sàng cung cấp đến 100.000 người để Nga sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraina, trong tư cách là chiến binh hay là công nhân tham gia vào việc tái thiết vùng Donbass mà Nga chiếm đóng.

Theo trang tin Mỹ Business Insider ngày 08/08 vừa qua, một kênh truyền thông nhà nước Nga Channel One Russia đã trích dẫn nhà bình luận quân sự Nga Igor Korochenko khẳng định rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đề nghị cung cấp một lực lượng 100.000 người để hỗ trợ các “hoạt động” của Nga ở Ukraina.

Theo nhân vật này, những “tình nguyện viên” đến từ châu Á này có năng khiếu đặc biệt cho các hoạt động “phản pháo”, tức là định vị các vị trí pháo binh của đối phương. Bắc Triều Tiên được cho là cũng đề nghị cử công nhân đến Donbass để giúp tái thiết.

Thông tin trên cần phải được kiểm chứng kỹ lưỡng, nhưng trên giấy tờ hàng trăm nghìn người được đào tạo bài bản đó chỉ là một phần nhỏ của một Quân Đội Bắc Triều Tiên được ước lượng lên đến 1,3 triệu binh sĩ tại ngũ và 600.000 quân dự bị, đứng hàng thứ tư trên thế giới về quy mô.

Vấn đề, theo Business Insider, số lượng không phải là chất lượng, và không có gì chứng minh cho năng lực của lính Bắc Triều Tiên. Quân Đội Nga từng được đánh giá là rất đáng sợ hồi đầu cuộc chiến Ukraina, nhưng chiến dịch xâm lược Ukraina đến nay đã hơn 6 tháng trong khi mà Điện Kremlin từng tin rằng chỉ kéo dài vài ngày. (RFI)

 

Posted: 07/09/2022 #views: 1162
Add comment
:
Pages:  [-1]