VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
VÌ NHÂN DÂN HAY VÌ ĐẢNG ?

 

Ký Thiệt - Ngày 3 tháng 3 vừa qua, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật H.R. 1về bầu cử với gần như tất cả dân biểu Dân Chủ đã bỏ phiếu thuận, trừ Dân biểu Bernie Thompson bỏ phiếu chống theo đảng Cộng Hòa. Không có dân biểu Cộng Hòa nào bỏ phiếu thuận.

Không mấy ai tin rằng Dự luật H.R. 1 sẽ tránh khỏi số phận hẩm hiu khi lên Thượng viện, vì cuộc bỏ phiếu tại đây cho vụ này sẽ áp dụng thủ tục “filibuster”, theo đó cần đa số 60 phiếu để được thông qua, chứ không phải đa số thường, trong khi hiện nay hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chia đều mỗi bên 50 phiếu tại Thượng viện.

Trong khi chờ đợi, Dự luật H.R. 1, dày ngót 800 trang, mang tên “Luật vì Nhân Dân” (For the People Act), đang là đề tài tranh cãi của hai bên bênh và chống.

Bênh, Dân biểu Carolyn Maloney, Dân Chủ – New York, nói  rằng dự luật H.R. 1 là “một gói luật pháp chống tham nhũng sâu rộng và ủng hộ nền dân chủ” và rằng nó “sẽ bảo vệ và mở rộng quyền bầu cử, khôi phục tính liêm chính của chính phủ và đặt nhu cầu và ưu tiên của người dân Mỹ lên trước các lợi ích đặc biệt”.

Các đảng viên Dân Chủ khác, trong đó có Dân biểu John Sarbanes, Maryland, đã nói rằng dự luật H.R. 1 sẽ “tái khẳng định quyền lực của Quốc hội trong việc quản trị đồng tiền trong chính trị, đảo ngược quyết định sai trái vào năm 2010 của Tối cao Pháp Viện trong vụ Citizens United chống Federal Election Commission”.

NBC News có một bài bình luận dài, “Democrats rethink the U.S. voting system. What’s in the massive H.R. 1”, ca ngợi đảng Dân Chủ đã soạn thảo bộ luật sâu rộng nhằm mục đích cải thiện tiến trình bỏ phiếu, đặc biệt là đối với những cử tri da màu.

Bài này nêu ra những ưu điểm của Dự Luật H.R. 1 như sau:

– Đơn giản hóa việc ghi danh cử tri.

– Tạo sự dễ dàng cho việc bỏ phiếu.

–  Công nhận quyền bầu cử của cựu tội phạm hình sự.

–  Chấm dứt sự lạm quyền.

–  Lập quỹ bầu cử do công chúng đóng góp, để chấm dứt sự đóng góp và ảnh hưởng của những nhóm lợi ích.

Chống, sau bài bênh của NBC, ngày 11 tháng 3 , tờ The Hill đã đăng một bài của Chris Talgo với tựa đề “H.R. 1’s attack on election integrity: How states can protect the vote”, với nhận định nhu sau:

“Sự chính trực của bầu cử là tuyệt đối thiết yếu cho một xã hội tự do vận hành, hãy để yên cho sự phát triển. Không có nó, chính quyền thiếu thẩm quyền hợp pháp và niềm tin của người dân vào chính quyền ấy có thể tan biến trong giây  lát.

“Thật không may, sự chính trực của bầu cử đang bị đe dọa tại Hoa Kỳ. Sự đe dọa lớn lao đến dưới hình thức Quyết Nghị 1 của Hạ viện “House Resolution 1” (H. R. 1), được đặt tên sai một cách thảm hại là “Luật vì Nhân dân” (For the People Act). Nói ngắn gọn, H.R. 1 sẽ mổ bụng tính chính trực của bầu cử bằng cách cho phép chính quyền liên bang thay thế các tiểu bang trong việc điều hành các cuộc bầu cử. Bằng cách đó, H.R. 1 sẽ cho phép các tiểu bang bầu bằng thư không giới hạn cùng với nhiều chính sách khác nữa sẽ làm hao mòn, chứ không phải củng cố, tính chính trực của bầu cử.

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence lên kế hoạch hậu chính phủ Donald Trump -  Nhật Báo Calitoday

Cựu Phó Tổng Thống Mike Pence miêu tả H.R. 1 như là “một bộ luật bầu cử bao đồng 800 trang sẽ làm gia tăng cơ hội cho gian lận bầu cử, dẫm đạp lên Tu Chính Án thứ Nhất, xa hơn sẽ làm hao mòn niềm tin vào các cuộc bầu cử của chúng ta, và sẽ vĩnh viễn làm tan loãng lá phiếu của những cử tri hợp pháp.”

Pence nói đúng. H.R. 1 là một bộ luật vi hiến sẽ làm suy yếu hệ thống vòm bầu cử của nước Mỹ.

Thật may mắn, H.R. 1 tuy đã được thông qua ở Hạ viện, sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tuyệt vọng tại Thương viện Hoa Kỳ – khi thủ tục “filibuster” ít nhất cũng còn hiệu lực.

Tuy nhiên, dù là triển vọng cho H.R. 1 trở thành luật của quốc gia còn thấp, các tiểu bang nên đứng ra hành động để bảo đảm tính chính trực của các cuộc bầu cử không bị hủy bỏ. Có nhiều chính sách các tiểu bang có thể dùng để duy trì tính chính trực của bầu cử. Đồng thời, có nhiều chính sách các tiểu bang nên tránh để cũng bảo đảm tính thiêng liêng bất khả xâm phạm của các cuộc bầu cử.”

Trong bài phát biểu tại CPAC 2021 ở Orlando, Florida, cựu Tổng thống Trump cũng đã chỉ trích dự luật H.R. 1, và cảnh cáo:

“Dự luật này sẽ hạn chế đáng kể ngôn luận chính trị, trao quyền cho chính phủ liên bang bịt miệng bất đồng chính kiến, và biến Ủy ban Bầu cử Liên bang thành vũ khí chính trị đảng phái. Ngoài ra, Dự luật này gần như xóa bỏ các yêu cầu về thẻ cử tri trên toàn quốc, chấm dứt tất cả các hạn chót về ghi danh cử tri”.

Theo tin của Trí thức VN, trong thời gian gần đây, nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa khác cũng đã lên tiếng cảnh báo về dự luật H.R.1.

Thành viên cao cấp nhất của Uỷ ban Quy tắc Hạ viện, Dân biểu Tom Cole,  Cộng Hòa –  Oklahoma, nói rằng tên gọi “vì nhân dân” của dự luật H.R.1 là một sự sai lầm lớn.

“Tôi cho rằng tên gọi của dự luật này đã bị đặt nhầm vì tôi không thấy rằng dự luật này có bất cứ điều gì liên quan tới người Mỹ”, ông Cole nói. “Đây là một dự luật để duy trì phe đa số Dân Chủ như hiện tại. Đây là một dự luật của phe đa số, cho phe đa số, và nhằm bảo vệ phe đa số nắm quyền trong nhiều năm tới.”

“Công chúng Mỹ sẽ bị thiệt thòi nhất vì chúng ta sẽ mất tự do”, Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, Dân biểu McCarthy (New York) nói trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News.

Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks (Alabama) nói trên chương trình phát thanh SiriusXM của Breitbart News hôm đầu tháng Ba rằng dự luật H.R.1, nếu được ban hành thành luật, sẽ biến các cuộc bầu cử Mỹ thành các cuộc bầu cử tại Liên Xô cũ, Cuba hay Bắc Hàn.

“Tóm lại, với H.R.1, thì tính đáng tin cậy của các buộc bầu cử Mỹ sẽ giống với uy tín của các cuộc bầu cử tại Liên Xô cũ, Cuba hay Bắc Hàn, nơi bạn có thể bỏ phiếu, nhưng phiếu bầu của bạn sẽ không được kiểm đếm”.

Đồng tình với ông Brooks, người dẫn chương trình của Breitbart Alex Marlow khẳng định: “Dự luật H.R. 1 cũng sẽ làm cho Đảng Dân chủ chiếm đa số mãi mãi. Đảng Cộng Hòa sẽ không bao giờ thắng cử được nữa nếu luật này được thông qua”.

Dân biểu Mo Brooks đã thiếu sót quan trọng khi ông quên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong nhóm những nước cộng sản, nơi mà “bạn có thể bỏ phiếu, nhưng phiếu bầu của bạn sẽ không được kiểm đếm”.

Thật vậy, tại Việt Nam ngày nay, bộ máy cai trị được cho là của nhân dân và phục vụ nhân dân. Từ Quân đội Nhân dân, đến Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân…cái gì cũng của nhân dân, “người chủ của đất nước Việt Nam”, như đảng Cộng sản VN nói.

Phải chăng đến ông Mo Brooks, một đại biểu Quốc Hội Mỹ, mà cũng tin như vậy, nên không phải ông ấy “quên”, nhưng cũng như bao nhiêu người Mỹ khác, ông đã không thấy Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam giống với Liên Xô cũ, Cuba hay Bắc Hàn.

Trong lúc tại Mỹ đang diễn ra cuộc tranh cãi về H.R. 1,  “Luật vì Nhân Dân” (For the People Act), thì cuộc đảo chính của mấy ông tướng xứ Miến Điện (Myanmar) cũng đang làm dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là trong bản tin ngày 8 tháng 3 của tờ The Guardian về vụ này có đăng kèm tấm ảnh nữ tu Ann Rose quỳ gối, với hai tay dang rộng, cầu xin cảnh sát hãy ngưng đàn áp, bắn giết người biểu tình ở Myitkyina, cầu xin họ tha mạng cho người biểu tình và thay vào đó, hãy lấy mạng của bà.

Hành động dũng cảm cao thượng của nữ tu này được ghi nhận vào thời điểm tình hình ở Myanmar đang trở nên căng thẳng hơn sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1 tháng 2. Khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra, quân đội chính phủ đã liên tục leo thang sử dụng vũ lực, hơi cay, vòi rồng, đạn cao su và đạn thật. Tính tới nay, hơn 50 người Myanmar đã thiệt mạng trong các vụ biểu tình những ngày qua.

Sự việc xảy ra tại thành phố Myitkyina, người biểu tình đã xuống đường vào ngày thứ Hai (8 tháng 3), mang theo nón và những đồ vật che chắn tự làm. Khi cảnh sát bắt đầu xuất hiện quanh người biểu tình, nữ tu Ann Rose Nu Tawng và hai nữ tu khác đã cầu xin họ rời đi.

“Cảnh sát đang rượt đuổi để bắt họ và tôi lo cho bọn trẻ” – nữ tu 45 tuổi kể lại khoảnh khắc bà quyết định quỳ gối cầu xin. Một lúc sau khi bà cầu xin, cảnh sát bắt đầu bắn vào đám đông biểu tình phía sau bà.

“Những đứa trẻ hoảng sợ và chạy ra phía trước… Tôi không thể làm gì khác ngoài việc cầu Chúa cứu và giúp đỡ những đứa trẻ,” bà nói.

Nữ tu kể lại bà nhìn thấy một người đàn ông bị bắn vào đầu và chết ngay trước mặt mình, bà cảm thấy đau nhói. “Tôi cảm thấy như thế giới đang sụp đổ. Tôi rất buồn vì điều đó xảy ra khi tôi đang cầu xin họ.”

Một đội cứu hộ địa phương xác nhận với AFP rằng hai người đàn ông đã bị bắn chết tại chỗ trong cuộc biểu tình hôm thứ Hai, mặc dù họ không xác nhận loại đạn được sử dụng là đạn thật hay đạn cao su.

Đây không phải là lần đầu tiên nữ tu Ann Rose chạm mặt với các lực lượng an ninh Myanmar. Hôm 28 tháng 2, bà cũng từng quỳ gối trước cảnh sát và xin họ ngừng trấn áp người biểu tình. “Tôi cứ nghĩ mình đã chết kể từ hôm 28 tháng 2. Tôi không thể đứng nhìn mà không làm bất kỳ điều gì”.

Và, ngày 10 tháng 3, ông Gió Bấc từ Việt Nam (?) đã phổ biến trên mạng truyền thông xã hội một bài mang tựa đề “Bắn dân: Tội ác Đồng Tâm tàn độc gấp nhiều lần Myanmar”, trong đó có đoạn như sau:

Thế giới đang phẫn nộ lên án hành vi quân đội nổ súng vào người dân biểu tình giết chết hàng chục người. Đó là tội ác man rợ nhằm bảo vệ cho cuộc đảo chính phi nghĩa lật đổ một chính quyền dân sự được nhân dân bầu chọn lại càng đáng phải lên án và ngăn chặn, trừng phạt.

Cùng thời điểm đó, tại Việt Nam đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm và chưa được dư luận quốc tế quan tâm đúng mức. Tuy số người dân Đồng Tâm bị giết ít hơn, nhưng về tính chất mức độ tàn độc, tinh vi và tác hại của vụ án này cao gấp nhiều lần so với hành động man rợ thô thiển của quân đội Myanmar.

Nền dân chủ mong manh của Myanmar vừa được hồi sinh sau hàng chục năm dưới chế độ độc tài quân sự một lần lữa đã bị quân đội lật đổ. Người dân Myanmar một lần nữa đứng lên biểu tình phản đối và đòi lại thể chế dân chủ tự do. Chính quyền quân phiệt Myanmar đã đàn áp đẫm máu và quân đội nổ súng vào lực lượng người dân biểu tình phản kháng làm nhiều người chết. Truyền thông khắp thế giới đã lên tiếng bênh vực. Mỹ và các quốc gia dân chủ tiến bộ đã phản ứng răn đe và áp dụng biện pháp trừng phạt. ASEAN đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp….

Trong những dòng dư luận đó, phê phán thích đáng nhất có lẽ là ý kiến của ông Balakrishnan Ngoại trưởng Singapore trước Quốc hội Singapore ngày 5 tháng 3: “Cầm súng bắn người dân nước mình là đỉnh cao nỗi ô nhục quốc gia. Chúng tôi ghê tởm với các hành động chống lại thường dân của các lực lượng an ninh”.

Những ý kiến lên án xác đáng và những biện pháp trừng phạt, ngăn chặn đã và sẽ áp dụng là hết sức cần thiết, là sức mạnh quan trọng giúp người dân Myanmar trong cuộc đấu tranh giành lại nền dân chủ.

Tuy nhiên, không chỉ có Myanmar, không chỉ có chế độ quân phiệt mới bắn vào dân thường, mà ở chế độ toàn trị cộng sản hành vi ô nhục chính quyền ra lệnh bắn dân đã thành thông lệ, thành biện pháp bảo vệ cho chế độ độc tài. Pôn Pốt tàn sát hơn 2 triệu dân Campuchia, Trung Cộng thảm sát hàng vạn thanh niên ở Thiên An Môn và mới đây ngày 9 tháng 3, Việt Nam vừa tuyên án phúc thẩm vụ thảm sát Đồng Tâm. So sánh về số người chết, cuộc thảm sát Đồng Tâm không nhiều như ở Myanmar nhưng tính chất, thủ đoạn, động cơ gây án, tàn độc hơn gấp nhiều lần.

Nói cách nào đó quân đội Myanmar bắn vào đoàn biểu tình là man rợ nhưng thô thiển, dễ bị nhận diện và lên án. Xã hội Myanmạr vẫn còn cho phép người dân tụ tập biểu tình. Truyền thông, báo chí Myanmar có bị đàn áp nhưng vẫn đứng về phía người dân, vẫn hoạt động chuyển tải tin tức, hình ảnh bạo lực thảm sát đến người dân trong nước và công đồng quốc tế. Theo AP, Chính phủ đã giam giữ hàng chục nhà báo kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, bao gồm cả Thein Zaw của hãng tin AP .

Cuộc đàn áp diễn ra khi quân đội gia tăng bạo lực chống lại các cuộc biểu tình đông người. Các báo cáo của các phương tiện truyền thông độc lập vẫn đang cung cấp tin tức quan trọng về các vụ bắt giữ và xả súng của quân đội ở các thành phố trên khắp Myanmar. Và họ đang sử dụng các nền tảng khác để phân phối báo cáo của mình, chẳng hạn như phương tiện truyền thông xã hội.

Dưới chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam, người dân Đồng Tâm hoàn toàn bị tước đoạt tất cả những quyền lợi, những điều kiện đó.

Người dân Đồng Tâm không dám đối kháng chính trị như người dân Myanmar. Họ không đòi thay đổi chính quyền, không chạm đến sự tồn vong của chế dộ. Họ bức xúc đấu tranh bảo vệ quyền canh tác hơn 50 mẫu đất ở cánh đồng Sên của cha ông để lại từ bao đời nhưng bị chính quyền cướp đoạt bằng một quy hoạch đất quốc phòng không hề có cơ sở pháp lý và thực tế nào. Họ kêu gọi được đối thoại, yêu cầu chính đáng là chính quyền cung cấp bản đồ quy hoạch đất quốc phòng nhưng không hề được đáp ứng.

Hành động phản kháng duy nhất của họ là tạm giữ một số Cảnh sát cơ động làm con tin để đánh đổi cụ Lê Đình Kình đã bị chính quyền lừa bắt trái phép trước đó. Trong khi cụ Kình bị đánh gãy chân, thương tổn nội tạng, bị giam giữ thì nhóm cảnh sát được nuôi dưỡng tử tế.

Ấy vậy mà đang đêm, thực hiện Kế hoạch số 419A chính quyền đem hơn 3000 cảnh sát trang bị cả xe bọc thép, máy phá sóng điện thoại, wifi ập đến bắt chết cụ Lê Đình Kình, một ông lão hơn 80 tuổi đời, một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng, đánh đập dã man và bắt đi hơn 20 người dân. Thân thể cụ Kình đã bị bắn thủng ngực, gãy lìa chân còn bị nhân danh Giám Định Pháp Y để mổ bụng phanh thây và bị đem làm vật trao đổi ép buộc gia đình phải khai nhận những điều sai sự thật theo ý muốn của chính quyền mới được đem về chôn cất.

Theo truyền thống Việt Nam, nghĩa tử là nghĩa tận, căm thù tội ác dến mức nào khi chết cũng phải buông xả. Cụ Kình nào có tội tình gì ngoài tội tin theo lời Nguyễn Phú Trong hưởng ứng đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ quyền lợi cho người dân. Ấy vậy mà đám tang cụ Kình vẫn không yên. Đồng Tâm, Thôn Hoành vẫn bị phong tỏa nhiều ngày sau đó. Người ngoài không được viếng tang, tiền phúng điếu bị quản lý, tịch thu. Con cháu cụ Kình chịu tang cha, ông trong tù với những trận đòn tra tấn dã man.

Tàn độc hơn để hợp pháp hóa và tăng thêm sức mạnh đàn áp cuộc khủng bố, thảm sát Đồng Tâm chính quyền còn dựng lên vụ án Đồng Tâm truy tố hàng chục người dân, trong đó có hai con và cháu cụ Kinh. Công An Hà Nội, những kẻ thủ ác thảm sát cụ Lê Đình Kình lại đóng vai cơ quan điều tra vụ án giết người (ba cảnh sát bị thiêu cháy thành than) và chống người thi hành công vụ. Tình tiết, chứng cớ cáo buộc các bị cáo hết sức hoang đường không tưởng.

Theo bản án ba cảnh sát bị rơi vào hố kỹ thuật (giếng trời) và bị Lê Đình Chức từ mái nhà đổ xăng từ chân xuống và thiêu cháy. Ai cũng biết rằng xăng bốc hơi, từ dưới lên, và phải có đủ oxy. Nếu có thật hành vi như cáo buộc thì người chết đầu tiên là anh Chức và phải có đến hàng tấn xăng mới có thể than hóa ba cảnh sát.

Tội ác Đồng Tâm không chỉ nhằm vào cụ Kinh và mấy chục hộ dân thôn Hoành.Với một dúm ngưới dân ấy việc gì phải huy động đến hơn 3000 quân trang bị tận răng. Mục tiêu của họ là trấn áp tinh thần phản kháng của 90 triệu người dân Việt. (ngưng trích)

Nếu Dân biểu Mo Brooks biết được những sự thật trên đây, ông ta sẽ thấy Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn tàn độc hơn cả Bắc Hàn, Cuba… mà ông dẫn chứng, và đúng như ông Marlow khẳng định: “Dự luật H.R. 1 cũng sẽ làm cho Đảng Dân chủ chiếm đa số mãi mãi. Đảng Cộng Hòa sẽ không bao giờ thắng cử được nữa, nếu dự luật này được thông qua”.

Và , “Luật vì Nhân dân” sẽ trở thành… Luật vì Đảng Dân Chủ!


Ký Thiệt

 

Posted: 19/03/2021 #views: 2503
Add comment
:
Pages:  [-1]