VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
Ý TƯỞNG ĐƯA QUÂN SANG UKRAINA CỦA TỔNG THỐNG PHÁP: NHỮNG THÔNG ĐIỆP CỦA « CHIẾN LƯỢC MẬP MỜ »

Hội nghị bàn về yểm trợ Ukraina, tổ chức điện Elysée, với sự tham gia của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và khoảng 20 lãnh đạo các nước châu Âu, Paris, ngày 26/02/2024. (AP - Gonzalo Fuentes)

Anh Vũ (RFI) - Chỉ nêu lên ý tưởng « không loại trừ » khả năng đưa quân đến Ukraina trong phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị quốc tế ủng hộ Kiev  tại Paris, ngày 26/02/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm dấy lên làn sóng phản ứng trong dư luận báo chí cũng như chính giới khắp nơi, nhất là ở phương Tây.

Lần đầu tiên tổng thống Pháp đã gợi ra khả năng các nước phương Tây có thể đưa quân đến Ukraina. Ông Macron tuyên bố : « hiện không có đồng thuận chính thức đưa quân trên bộ (tới Ukraina)... Trên đà này không có gì loại trừ, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần để Nga không thể thắng trong cuộc chiến tranh này ». Đồng thời nguyên thủ Pháp cũng thừa nhận « sự mập mờ chiến lược » đối với Nga.

Phát ngôn « mập mờ  » về một chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraina đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Kiev, đã được giới phân tích chính trị mổ xẻ dưới nhiều góc độ.

Theo AFP, đây là cách để tổng thống Pháp một lần nữa muốn đặt mình vào vị thế của một thủ lĩnh, như ông đã từng có phát ngôn làm dậy sóng dư luận phương Tây rằng NATO là tổ chức đã « chết não ».  Hay như khi ông Macron vẫn chủ trương duy trì đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi cuộc tấn công Ukraina được phát động hồi tháng 2/2022, khiến cho các đồng minh phương Tây của Pháp khi đó khó hiểu.

Lần này các đồng minh châu Âu đã có phản ứng ngay. Đầu tiên là  nước Đức, đối tác chính của Pháp. Thủ tướng Olaf Scholz hôm qua khẳng định « không một binh sĩ nào được gửi đến » từ các nước Châu Âu cũng như NATO. Một loạt các nước Châu Âu khác cũng lên tiếng với không ít dè dặt và lo ngại với ý tưởng của tổng thống Pháp.

Một nhà ngoại giao Châu Âu ẩn danh bình luận, ông Emmanuel Macron muốn « đẩy cao các thách thức và vai trò của nước Pháp để có được một chỗ ngồi trên bàn đàm phán xác định lại cân bằng an ninh Châu Âu ».

Theo phần đông các nhà phân tích, thông báo không đúng lúc sau một cuộc họp tổ chức vội vàng  của nguyên thủ Pháp có nguy cơ gây hiệu ứng ngược  lại với điều ông mong muốn. Bà Marie Dumoulin, chuyên gia tại Hội Đồng Châu Âu về Đối ngoại (ECFR) lý giải, « đó là một thông điệp gửi đến Nga, một cách để báo hiệu rằng không có chuyện mệt mỏi và các nước Châu Âu sẽ không buông tay ».

Nga cũng như các nước Châu Âu đang ám ảnh chuyện viện trợ quân sự của Washington cho Ukraina bị Quốc Hội Mỹ chặn. Khả năng Ukraina thất bại trên chiến trường ngày càng hiển hiện và nhất là viễn cảnh Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đối với cuộc xung đột tại Ukraina.

Nhà nghiên cứu của ECFR giải thích thêm, tổng thống Macron cũng muốn nói với công luận châu Âu rằng : “nếu chúng ta không muốn đi đến mức gửi quân (đến Ukraina) , chúng ta phải tăng cường hỗ trợ (vũ khí) ngay bây giờ”. Nhưng cuộc tranh luận có nguy cơ “phản tác dụng”, theo bà Marie Dumoulin.

Ông  Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu địa chính trị thuộc Institut Open Diplomacy, trả lời phỏng vấn RFI, nhận định việc đưa quân của phương Tây đến Ukraina là phi thực tế trước mắt cũng như lâu dài, nhưng phát ngôn của tổng thống Macron là cách thể khẳng định lại sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu với Ukraina bằng mọi giá. Đồng thời đây cũng là cách để thể hiện vị thế của nước Pháp là người đi đầu hậu thuẫn cho Ukraina để phản bác lại các chỉ trích cho rằng Paris vẫn chưa làm hết mình hay đúng tầm để ủng hộ cuộc kháng chiến chống xâm lược của Ukraina.

Theo Michael Roth, chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Hạ Viện Đức, vấn đề đưa quân đến Ukraina là không tưởng. Ông khẳng định « không ai muốn làm việc này một cách nghiêm túc, ngay cả ở Ukraina cũng không. Người Ukraina chỉ cần đạn dược, vũ khí phòng không, vũ khí tầm xa, drone».

Ngày hôm qua sau tuyên bố của tổng thống Pháp, trả lời một nhà báo, ông Volodymyr Zelensky đã nói ông không hề hy vọng binh sĩ của phương Tây đến chiến đấu tại Ukraina. Với ông, nhu cầu khẩn cấp với Ukraina và thực tế nhất lúc này là đạn dược và vũ khí hiện đại mà Kiev đang cần để chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Chuyên gia François Heisbourg, Thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Luân Đôn : «  Sự mập mờ  để  chơi bài răn đe đối thủ. Nhưng ở đây, ông Emmanuel Macron đã gieo rắc sự nhầm lẫn gây hỗn loạn trong các đối tác »  phương Tây. (RFI)

 

Posted: 29/02/2024 #views: 493
Add comment
:
Pages:  [-1]