VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
NAM HÀN TRỞ THÀNH ỦY VIÊN KHÔNG THƯỜNG TRỰC CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC

 

Quang cảnh chung của một cuộc họp của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân và CHDCND Triều Tiên, hay Bắc Hàn, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York hôm 20/03/2023. (Ảnh: Ed Jones/AFP qua Getty Images)

Jessica Mao - Nam Hàn một lần nữa đã được bầu chọn là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 180 phiếu thuận trong tổng số 192 quốc gia thành viên. Các nhà phân tích chính trị tin rằng điều này đánh dấu sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế và ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia này.

Đây là lần thứ ba quốc gia Đông Á này đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau các nhiệm kỳ 1996-1997 và 2013-2014.

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-Yeol đã đánh giá tích cực về kết quả này, xem đây là một thắng lợi đối với nền ngoại giao toàn cầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết tại cuộc họp báo hôm 07/06, việc được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an sẽ là một cơ hội tốt để Nam Hàn phát triển thành một trung tâm toàn cầu đóng góp cho nền hòa bình, an ninh, và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, đồng thời giữ một vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên cơ sở về các giá trị và quy tắc phổ quát.

Hãng truyền thông Chosun Ilbo cho biết hôm 07/06, Nam Hàn sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong sự ứng phó của quốc tế đối với mối đe dọa hạt nhân cùng sự đàn áp nhân quyền của Bắc Hàn, cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và mối đe dọa quân sự của đảng cộng sản Tàu (ĐCST) tại Hội đồng Bảo an cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các nền dân chủ khác.

Các lá quốc kỳ của Nam Hàn và Mỹ tung bay cạnh nhau tại Yongin, Nam Hàn, vào ngày 23/08/2016. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Ken Scar/Lục quân Hoa Kỳ/Tư liệu báo chí qua Reuters)

Chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an là cơ quan cốt lõi duy nhất có ràng buộc pháp lý quốc tế đối với các quốc gia thành viên. Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Vương quốc Anh, và Tàu cộng là các thành viên thường trực, 10 thành viên còn lại là thành viên không thường trực.

Các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an được bầu ra theo khu vực, có nhiệm kỳ hai năm. Giống như các thành viên thường trực, các thành viên không thường trực có quyền biểu quyết, diễn thuyết, triệu tập, và chủ trì các cuộc họp như nhau, nhưng chỉ các thành viên thường trực mới có quyền phủ quyết đối với các quyết định cuối cùng của Hội đồng Bảo an.

Vị thế và tầm ảnh hưởng được công nhận

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Tàu cộng, tin rằng có một số lý do đằng sau vị thế quốc tế ngày càng tăng của Nam Hàn.

Ông Lý nói với The Epoch Times hôm 09/06,

Thứ nhất, Nam Hàn luôn dẫn đầu về khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Thứ hai, Nam Hàn đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong môi trường đầy rối ren ở châu Á, bao gồm các vấn đề về Bắc Hàn, chiến tranh Nga-Ukraine, và Eo biển Đài Loan. Vị trí của nước này trong các mối bang giao quốc tế là rất quan trọng.”

Nam Hàn từ lâu đã là nước chiếm ưu thế trong lĩnh vực chất bán dẫn, với các công ty như Samsung Electronics và SK Hynix nằm trong số những nhà sản xuất vi mạch bộ nhớ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cả hai công ty này đều cần công nghệ và thiết bị của Mỹ.

Ông Lý cho hay, vì Tàu cộng là quốc gia thương mại lớn nhất với Nam Hàn nên họ cũng đang tránh bàn luận đến các vấn đề như cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCS Tàu.

Khi Hoa Kỳ tuyên bố thành lập “Liên minh Vi mạch 4” hồi năm 2022, Nam Hàn đã chần chừ đưa ra lập trường rõ ràng, vẫn mông lung giữa ĐCS Tàu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đài Loan.

Tuy nhiên, cán cân thương mại của Nam Hàn với Tàu cộng giảm mạnh vào đầu năm 2023. Sự thụt lùi về kinh tế buộc giới chính trị Nam Hàn phải xem xét lại lựa chọn của mình trong các mối bang giao quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Tàu cộng Lật Chiến Thư (Trái) cùng Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn Kim Jin-pyo (Phải) dự một cuộc họp báo chung ở Seoul, Nam Hàn, vào ngày 16/09/2022. (Ảnh: Kim Hong-Ji/Pool/Getty Images)

Cựu giáo sư này tin rằng sau khi trở thành thành viên không thường trực, Nam Hàn sẽ định vị lại chiến lược quốc gia và có lập trường rõ ràng hơn trong các vấn đề quốc tế.

Ông khẳng định nước này sẽ đứng về phía thế giới tự do khi giải quyết các vấn đề trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Diệp Trí Thu (Ye Zhiqiu), một chuyên gia truyền thông ở New Zealand, đồng ý với phân tích của ông Lý về vị thế của Nam Hàn trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Ông nói với The Epoch Times: “Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã vươn lên tầm chiến lược trên trường quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực dân sự mà còn trong lĩnh vực quân sự, nơi các loại vũ khí tối tân được sử dụng.”

Ông cho biết, “Sau đại dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế nhận ra rằng ĐCS Tàu đang sử dụng chuỗi cung ứng của mình để đe dọa và tống tiền một số quốc gia, đe dọa đến an ninh của họ. Do đó, nhiều công ty đang dịch chuyển chuỗi công nghiệp của họ ra khỏi Tàu cộng.”

“Cả thế giới đã nhận ra rằng vi mạch, một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng, không thể bị kiểm soát bởi ĐCS Tàu, vì vậy tầm quan trọng của Nam Hàn ngày càng được đề cao và xem trọng hơn. Vì vậy, việc Nam Hàn được kết nạp vào Hội đồng Bảo an là sự công nhận vị thế và tầm ảnh hưởng của nước này trên thế giới.

“Hiện tại, thế giới đang bị chia thành hai phe, cụ thể là phe do ĐCS Tàu lãnh đạo vốn đang đe dọa phe dân chủ tự do, và phe dân chủ tự do đang chiến đấu chống lại ĐCS Tàu, trong đó có bao gồm Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Do đó, phe dân chủ muốn đưa Nam Nam Hàn vào phe của mình để chống lại ĐCS Tàu.”

‘Chiến tranh công nghiệp’

Tại Hội nghị Chiến lược Quốc gia về Chất bán dẫn Nam Hàn được tổ chức hôm 08/06, ông Yoon Suk-Yeol đã ví cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với một cuộc chiến công nghiệp.

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol diễn thuyết trong cuộc họp báo tại hoa viên của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 26/04/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Ông Yoon cho biết cuộc chiến này đang diễn ra khốc liệt trên hai mặt trận là chất bán dẫn và các loại pin thứ cấp (hay pin sạc).

Ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp đặc trưng của Nam Hàn, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất cảng và 55% tổng giá trị đầu tư vào sản xuất thiết bị. Với sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và lĩnh vực quân sự, chất bán dẫn đã trở thành một yếu tố cốt lõi của an ninh quốc gia.

Tổng thống cũng cho rằng các vấn đề địa chính trị gần đây đang trở thành rủi ro kinh doanh lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp, không có doanh nghiệp nào không bị ảnh hưởng, vì vậy chính phủ Nam Hàn phải hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia thân thiện khác để giải quyết những vấn đề đó.

Ông Diệp Trí Thu đồng tình với quan điểm của ông Yoon rằng sẽ không có doanh nghiệp nào không bị ảnh hưởng.

Ông Diệp nhận định, “Lý giải của ông Yoon là chính xác … Là một quốc gia có nền kinh tế với mức phát triển khiêm tốn, Nam Hàn không thể một mình chống lại ĐCS Tàu. Chỉ bằng cách gia nhập phe dân chủ, quốc gia này mới có thể bảo toàn.”

“Bây giờ môi trường quốc tế đã diễn biến đến mức này, cách tiếp cận đứng ở thế trung lập và không muốn xúc phạm bên nào lỗi thời của Nam Hàn đã không còn khả thi nữa.”

*

Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Tàu cộng. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.

 

(Bản tin có sự đóng góp của Trương Chung Nguyên)

Biên dịch: Hồng Ân (etviet)

(Theo bản gốc từ The Epoch Times)

 

Posted: 17/06/2023 #views: 1295
Add comment
:
Pages:  [-1]