VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
NGA ĐÃ TRỞ THÀNH CHƯ HẦU CỦA TRUNG CỘNG NHƯ THẾ NÀO ?

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại điện Kremlin ngày 21/03/2023. (AP - Sergei KKarpukhin)

Thụy My (RFI) - Trên Le Figaro, chuyên gia Alexander Gabuev coi Nga là « chư hầu mới » của Trung cộng. Ông nhận thấy cuộc chiến tranh ở Ukraina đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây, Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung cộng để sống sót. Sự lệ thuộc này sẽ biến Nga thành công cụ, rất hữu ích cho cuộc cạnh tranh giữa chế độ Bắc Kinh với Washington.

Tình hữu nghị nhập nhằng giữa Matxcơva và Bắc Kinh

Chuyến thăm Matxcơva của ông Tập Cận Bình tiếp tục được các báo chú ý nhiều nhất.Les Echos nhận thấy « Dưới khung cảnh vàng son của Kremlin, Vladimir Putin và Tập Cận Bình mừng một tình hữu nghị vẫn luôn nhập nhằng ». Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng chuyến thăm ba ngày này « là một món quà thực sự cho Putin, bảo đảm một dạng đặc miễn ngoại giao hữu ích trong lúc này. Nhưng đó cũng là một nụ hôn thần chết ». Putin hiểu rằng Nga không là gì cả trước Trung cộng.

Le Monde nói về « sự ủng hộ có tính toán của Tập Cận Bình ». Cho đến nay, chừng như Trung cộng vẫn không trực tiếp giao vũ khí cho Matxcơva, và cũng không xuất khẩu ồ ạt các loại phụ tùng, chất bán dẫn đang bị phương Tây cấm vận. Kremlin hy vọng một thỏa thuận đổi vũ khí lấy công nghệ nguyên tử Nga mà Bắc Kinh đang cần, nhưng liệu Trung cộng có dám chấp nhận rủi ro bị trừng phạt ? Về phía Nga, 50 tỉ mét khối khí đốt lâu nay bán cho phương Tây nay sẽ đổi hướng sang Trung cộng. Nhưng ngoài năng lượng, ít có hợp tác trong những lãnh vực khác, và giới doanh nhân Nga vẫn thích làm việc với người châu Âu hơn là người Hoa.

Từ vài ngày qua, bộ Ngoại Giao Trung cộng giải thích chuyến công du của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích « hữu nghị, hợp tác, hòa bình ». Le Monde lưu ý trật tự này là quan trọng : Ukraina đứng ở cuối, sau quan hệ Nga-Trung. Hôm 16/03, China Daily đăng một bài viết dài ca ngợi các hoạt động của Tập Cận Bình từ mười năm qua, nhưng cả nước Nga lẫn Vladimir Putin đều không được nhắc đến.

Quá lệ thuộc vào Trung cộng, Nga trở thành chư hầu

Cũng về quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh, Le Figaro giải thích « Nga đã trở thành chư hầu của đế quốc Trung Hoa như thế nào ». Theo tờ báo, « tình hữu nghị không giới hạn » trên các tuyên bố chính thức chỉ là ngoài mặt.

Tháng 11 năm ngoái, hãng xe hơi Moskvitch tưng bừng giới thiệu mẫu xe mới Moskvitch 3, được quảng cáo là một thành tựu kỹ thuật. Đây là kiểu xe « nội địa » đầu tiên ra đời từ nhà máy của tập đoàn Pháp Renault - đã bán đổ bán tháo cổ phần lại cho hãng Nga AvtoVAZ và rời nước Nga sau khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraina. Tuy nhiên ngay sau đó một phóng sự của kênh truyền hình Za rouliom chuyên về xe hơi tiết lộ, kiểu xe này thực ra hoàn toàn được sản xuất và lắp ráp tại Trung cộng, rồi thêm vào vài phụ tùng để gắn nhãn « made in Russia ». Bị lộ tẩy, chính quyền bèn hứa sẽ có xe hơi « 100 % Nga » vào năm... 2025. Thị phần xe hơi Trung cộng từ 7 % năm 2021 đã tăng lên 18 % cuối 2022, và được dự báo sẽ là 60 % năm nay.

Xe hơi là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh lên nền kinh tế Nga kể từ sau « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina, khiến chuyên gia Alexander Gabuev của Viện Carnegie gọi Nga là « chư hầu mới » của Trung cộng. Ông nhận thấy « Cuộc chiến tranh ở Ukraina đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây. Bị trừng phạt, bị báo chí quốc tế tố cáo, bị tẩy chay khỏi các sự kiện văn hóa quan trọng của toàn cầu, Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung cộng ». Nhưng mối quan hệ sẽ ngày càng bất bình đẳng, theo với tốc độ mà chế độ Putin lệ thuộc vào Bắc Kinh để sống sót.

Cuộc xâm lăng Ukraina biến « đại ca » Nga thành đàn em Bắc Kinh

Đã xa rồi, cái ngày mà Liên Xô coi Trung Hoa cộng sản non trẻ của Mao là đàn em. Tháng 12/1949, « Người cầm lái vĩ đại » đến Matxcơva bằng xe lửa, phải chờ chực năm ngày mới được Stalin chiếu cố. Một nhà ngoại giao cấp cao từng tham dự nhiều cuộc họp thượng đỉnh có cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình nói với Le Figaro, chỉ cần quan sát cử chỉ đôi bên sẽ biết ai là ông chủ, và rõ ràng là ông Tập. Nhà phân tích Timothy Ash của BlueBay xác nhận, Putin muốn có quan hệ ngang hàng, nhưng không thể.

Theo Alexander Gabuev, hiện thời Matxcơva bán đại hạ giá tài nguyên cho Trung cộng, mời gọi các doanh nghiệp Hoa lục vào thị trường Nga nay đã không còn những người cạnh tranh phương Tây. Trong tương lai, Bắc Kinh hy vọng Matxcơva sẽ hợp tác trong tất cả những vấn đề mà Trung cộng quan tâm, theo điều kiện của Trung cộng. Ông Gabuev cho rằng, để làm hài lòng Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Nga không có chọn lựa nào khác là phải chấp nhận các điều kiện thương mại bất lợi cho mình. « Sự lệ thuộc của Kremlin vào Trung cộng sẽ biến Nga thành công cụ hữu ích cho chế độ Bắc Kinh, rất có lợi trong cuộc cạnh tranh với Washington ».

Với khả năng khuynh đảo đến 70 % thu nhập của tập đoàn dầu khí Rosneft, Trung cộng có thể áp đặt về chính trị hoặc đạt được những dự án đã thèm muốn từ lâu, như việc mở một căn cứ quân sự ở Bắc cực. Đồng nhân dân tệ đã vượt đồng đô la trong giao dịch ở thị trường chứng khoán Matxcơva, nay chiếm 40 %.

Ủng hộ Nga một cách vừa phải, Trung cộng chừng như không muốn đi xa hơn để không bị tách rời khỏi phương Tây. Liệu Tập Cận Bình có thể xoay đi khối vuông rubic, hứa cung cấp vũ khí cho Putin hay không ? Chuyên gia Vassili Kashine cho rằng việc này sẽ không công khai, vì Bắc Kinh vẫn luôn nuôi hy vọng thương lượng được với Mỹ, tránh đối đầu. (RFI)

 

Posted: 21/03/2023 #views: 1527
Add comment
:
Pages:  [-1]