VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
Hòa thượng Thích Không Tánh: Cộng sản làm tha hóa Phật giáo

Xin mời quí vị đọc bài Song Chi phỏng vấn Hòa Thượng Thích Không Tánh:

Thưa Hòa thượng Thích Không Tánh, 

Bài phỏng vấn Hòa thượng đã đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ số thứ Ba 21.2.2023, đây là đường link: 

https://www.diendantheky.net/2023/02/hoa-thuong-thich-khong-tanh-cong-san.html

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã bỏ thời gian trả lời phỏng vấn. 

Nhưng ở Việt Nam, có lẽ DĐTK bị chặn, nên Song Chi copy lại đây nội dung bài báo. Kính chúc Hòa thượng thân tâm thường an lạc. 

SC

Hòa thượng Thích Không Tánh: Cộng sản làm tha hóa Phật giáo

DĐTK: Chuyên mục phỏng vấn của Diễn Đàn Thế Kỷ về đề tài: “Phật giáo đã bị chính trị hóa, thương mại hóa dẫn đến “biến chất, biến tướng” ra sao và hậu quả của điều đó trong đời sống văn hóa, xã hội VN hiện nay”.

 

 

Hòa thượng Thích Không Tánh

Hỏi:

Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng Hội Đồng Điều Hành của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam, Trụ Trì Chùa Liên Trì ở Quận 2 SàiGòn (ngày 8/9/2016 Chùa Liên Trì đã bị nhà nước cưỡng chế, san bằng, phá bỏ mà không bồi hoàn thỏa đáng. Bản thân Hòa thượng Thích Không Tánh từ năm 1977 đến nay đã bị nhà nước cộng sản giam cầm 3 lần, tổng cộng 15 năm tù) 

* Thưa Hòa thượng, Phật giáo ở Việt Nam có sự dung hợp với tín ngưỡng bản địa, hay nói cách khác, các loại tín ngưỡng dân gian, ví dụ người Việt đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc…vào thờ trong chùa, đặc biệt là thờ Mẫu (Mẹ) ở các đền, phủ, người Việt cũng có tục thờ cúng tổ tiên; bên cạnh đó, Phật giáo ở Việt Nam có sự hòa hợp giữa Phật giáo với Khổng, Lão, trong nhiều thế kỷ (tam giáo đồng nguyên). Thực tế đó nói lên điều gì về Phật giáo ở Việt Nam cũng như đời sống tín ngưỡng của phần lớn người dân Việt? (tích cực: dễ hòa hợp? tiêu cực: pha tạp? dễ đi vào mê tín dị đoan?…)

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Phật Giáo với tinh thần xuất thế, lấy việc giải thoát, giác ngộ làm nền tảng, vốn dĩ không mê tín dị đoan như thờ Sơn thần, Thổ địa, bình vôi, ông Táo, trời thần, quỷ vật…nhưng vì phương tiện hóa độ nên Phật giáo thi thiết Năm Thừa (Nhân,Thiên,Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát ) để thích nghi với căn cơ trình độ cao thấp khác nhau của tín đồ Phật tử. Sự dung hòa và kết hợp nhuần nhuyễn của đạo Phật với các yếu tố văn hóa bản địa (tín ngưỡng dân gian) khiến đạo Phật trở nên thân thuộc và không tách rời với văn hóa dân tộc. “Mái Chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ Tổ tông” (Mãn Giác Thiền Sư).

Tuy nhiên, hiện tại tình hình mê tín dị đoan ở Việt Nam rất là nặng nề. 

Thế nào là mê tín, thế nào là chánh tín? Tín là một sự tin tưởng, là tín ngưỡng. Nhưng khi tất cả những cái gì không có cụ thể, không được chứng nghiệm, nắm bắt bằng chánh tín, trí tuệ, không được chứng minh bằng khoa học mà vẫn cứ tin tưởng một cách mù quáng là mê tín. 

Đứng về mặt tôn giáo từ xưa căn bản con người ta vốn sợ hãi trước các hiện tượng thiên nhiên của vũ trụ, lúc bấy giờ họ thờ cả thần sấm, chớp, mưa, lửa…Người Việt cũng có thờ Thủy thần, Sơn thần, Hà bá…

Trong khi đó đối với Phật giáo thì phải trải qua một quá trình thực chứng, tu nghiệm và khi mình chứng thực được cái gì đó là đúng, là có ích lợi thiết thực thì chúng ta mới tin tưởng. Như Đức Phật cũng nói “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Căn bản của đạo Phật là rất thực nghiệm, tích cực, khoa học, văn minh chứ không phải tin mù quáng. Những giá trị của Phật giáo ngày hôm nay là nhờ những bậc chân tu, thiền sư tư chứng, chứng đắc, thành tựu rõ ràng.  

Hỏi:

* Thưa, có người nói sự ảnh hưởng của đạo Phật ở Việt Nam chỉ ở mức độ tín ngưỡng chứ không phải là ở mức độ triết lý, triết học, thì điều đó có đúng không và nguyên nhân tại sao?

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Vì Việt Nam bị một ngàn năm đô hộ, nên nền văn hóa có phần xen lẫn pha trộn, nhất là bị ảnh hưởng văn hóa Khổng-Lão của Trung Hoa. Trong một ngàn năm bị đô hộ bởi văn hóa phương Bắc, nền văn hóa nước nhà nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng bị co cụm, nổi chìm theo vận nước, có thể tạm gọi đạo Phật Việt Nam trong thời kỳ nầy chỉ đạt mức tín ngưỡng thì cũng không sai. Tuy nhiên, đến thời kỳ Lý-Trần, khi nước nhà giành được độc lập, với tinh thần tự chủ, tự cường, đạo Phật lại phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng được giới trí thức trong xã hội, một đạo Phật mang đầy âm hưởng của Triết lý và Thiền học. Vạn Hạnh thiền sư, Trần Nhân Tông, hay Tuệ Trung Thượng Sĩ và những bậc anh tài Phật giáo khác…đã có công lớn trong việc định hình Phật giáo theo hướng học thuật, đáp ứng được sự thưởng ngoạn Phật giáo của tầng lớp trí thức. Đây là thời kỳ vàng son của Phật giáo nước nhà. Do đó nếu nói Phật giáo Việt Nam chỉ ở mức tín ngưỡng thì chưa đúng hẳn, mà Phật giáo còn bao hàm cả triết học và Thiền học của nó.

Hỏi:

* Chúng ta biết chủ nghĩa cộng sản là một thứ chủ nghĩa vô thần, hay nói cụ thể hơn là chủ nghĩa “TAM VÔ”: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Trước đây những người cộng sản ở Việt Nam còn tiến hành phá đền, chùa, thiêu hủy kinh sách, không thắp nhang trên bàn thờ ông bà, nhưng bây giờ thì chính họ, các quan chức từ trên xuống dưới lại rất siêng đi chùa, cầu may, phóng sinh v.v… Đa số dân chúng nữa, cũng rất siêng đi chùa, đền, rất siêng cúng, bái, cầu may, tin vào đủ thứ.

Hiện tượng đó phản ánh điều gì về xã hội Việt Nam hiện tại?

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Mác Lê là một thứ chủ nghĩa duy vật, vô thần, độc đoán, vô luân. Các nước có đảng cộng sản lãnh đạo đều như vậy, cho nên trong xã hội bây giờ tất cả những vấn đề về tâm linh, thiện ác, đạo đức, nhân quả người cộng sản họ không tôn trọng. 

Ngày nay thế giới người ta cũng đã lên án chủ nghĩa cộng sản phạm tội ác chống nhân loại. 

Nhưng ở Việt Nam bây giờ người ta lại siêng đi chùa, cầu khẩn, cúng bái, chẳng qua trong xã hội cái ý thức hệ chính trị đó không đáp ứng được như cầu của đời sống xã hội, chính vì vậy con người ta lại quay lại với thời xa xưa, bởi vì người ta không tin tưởng vào chế độ, vào chính quyền nữa.

Như chúng ta thấy, ở Việt Nam nào tù đày, đàn áp, dân oan mất nhà mất cửa bao nhiêu tai ương khổ nạn lúc nào cũng vây quanh, ập lên đầu, mà con người ta thì không có đủ khả năng để đối kháng lại thế lực bạo lực chính trị. Con người trở thành nhỏ bé, trở thành mê tín, vái lạy cầu khẩn thần linh cho mình được bình yên, tai qua nạn khỏi, dù biết rằng nhiều khi cũng không được.

Hỏi:

* Thưa, có thể nói tóm lại là hiện tượng người dân siêng đi chùa cho thấy một sự khủng hoảng niềm tin trong xã hội, khi con người không có niềm tin vào chính quyền, vào luật pháp, vào giáo dục, thì họ chỉ còn biết bấu víu vào tôn giáo! Còn quan chức cộng sản bây giờ đâm ra siêng đi chùa vì họ làm nhiều điều tham điều ác nên đi chùa, làm từ thiện cho bớt cảm giác tội lỗi?

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Đúng vậy. Chủ nghĩa Cộng sản chủ trương tiêu diệt tôn giáo. Trước đây họ dùng vũ lực để đàn áp và triệt tiêu các tôn giáo. Các cơ sở thờ tự dù nhà chùa hay nhà thờ đều bị bắn phá và đập bỏ không thương tiếc, với lý lẽ “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (Karl Marx). Tuy nhiên càng về sau Cộng sản nhận thấy rằng, cái mà họ không thể triệt tiêu được, đó chính là niềm tin tôn giáo vận hành âm ỷ bất diệt trong lòng mỗi người dân. Cho nên Cộng sản theo lời dạy của Lenin “Diệt không được thì kiểm soát để sử dụng làm công cụ”!

Hỏi:

* Chúng ta thấy Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam luôn luôn tìm cách kiểm soát, khống chế tất cả mọi thứ, tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng cũng không là ngoại lệ. Để kiểm soát Phật giáo, nhà nước đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các nhà sư nếu muốn yên thân thì gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư còn trở thành đại biểu Quốc hội, phát biểu nhiều câu rất mang “tính đảng”, trong khi những nhà sư độc lập hoặc trung thành với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì đều bị đàn áp một cách nặng nề. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam? 

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Vì Cộng sản đàn áp nên Phật giáo ngày nay tại Việt Nam lùi lại rất xa so với Phật giáo trước 1975. Phật giáo giai đoạn 1964–1975 (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) đã đạt một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa Phật giáo trong tinh thần nhập thế. Viện đại học Vạn Hạnh, các trường trung tiểu học Bồ Đề, nhà xuất bản Lá Bối, trường Thanh niên phụng sự xã hội, Cô, ký nhi viện, bệnh xá, các tổ chức thanh thiếu niên Phật giáo v.v… là những thành tựu mà Phật giáo đóng góp cho nước nhà trong thời kỳ này.

Hỏi:

* Thưa vâng, chúng ta biết từ những năm 20 của thế kỷ XX, tiếp theo sau một số quốc gia ở châu Á, Việt Nam đã có phong trào chấn hưng Phật giáo. Và trong giai đoạn 1954 –1975 thì cuộc chấn hưng Phật giáo tiếp tục, đưa đến một giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo với Viện Đại học như Hòa thượng vừa nhắc tới, rồi hàng trăm tờ báo, tạp chí về Phật học, bao nhiêu vị chân tu vừa là những học giả có kiến thức uyên bác, lỗi lạc…Phải nói là một sự phát triển về chiều sâu, và đúng hướng về mặt Phật pháp. Nhưng thưa Hòa thượng, cũng có những lập luận rằng bây giờ chùa chiền được xây dựng rất nhiều, to đẹp gấp bao nhiêu lần trước kia, số lượng sư thầy cho tới số lượng người dân đi chùa rất đông đảo, những điều đó cũng chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo vậy?

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Không phải cứ chùa to, tượng Phật lớn, người ta kéo nhau đi chùa nhiều…là bảo có tự do tôn giáo, là bảo Phật giáo phát triển. Đôi khi nhà nước Việt Nam cũng cố tạo ra một sự phát triển giả tạo bề ngoài, để cho thế giới thấy là ở Việt Nam cũng có tự do tôn giáo.

Hỏi:

* Thưa Hòa thượng, thời Đệ nhất Cộng hòa của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm từng bị mang tiếng là đàn áp Phật giáo, xin Hòa thượng cho một sư so sánh về chính sách đối với Phật giáo giữa thời kỳ đó với bây giờ dưới chế độ cộng sản?

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Theo tôi, thời đại hay cá nhân lãnh đạo nào cũng có hay dở, khiếm khuyết, không ai hoàn hảo! Riêng về Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm mang tiếng đàn áp Phật giáo hay không có đàn áp tôn giáo thì tùy nhận thức và tùy quan điểm, cách nhìn của mỗi cá nhân, đoàn thể tôn giáo, đảng phái nhận định.

Ở đây, chỉ so sánh giữa thời Việt Nam Cộng Hòa với thời độc tài Cộng sản có sự khác biệt là do thể chế chính trị.

Miền Nam thời đó theo thể chế Cộng Hòa, có tam quyền phân lập, có Tự do Dân chủ, có tôn trọng Nhân quyền, Tự do tín ngưỡng. Về kinh tế, giáo dục, văn học nghệ thuật đều phát triển. Về tôn giáo chẳng qua vì còn áp dụng Đạo dụ số 10 của thời Pháp, có sự phân biệt giữa Công giáo và Phật giáo nên dẫn đến một số hành xử không đúng, thiếu bình đẳng tôn giáo! Nhưng phải nói rằng đó là thời kỳ phát triển nhiều mặt của miền Nam Việt Nam.

Dưới chế độ duy vật, độc tài Cộng sản thì hoàn toàn không tôn trọng Nhân quyền, còn đàn áp tôn giáo! Và các quyền căn bản con người như tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, biểu tình…đều không được tôn trọng!

Hỏi:

* Trở lại với chuyện Phật giáo bị chính trị hóa, thưa Hòa thượng có thể nói rõ hơn những cách thức, chính sách mà nhà nước này đã sử dụng để chính trị hóa, để kiểm soát Phật giáo?

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Trước sự tàn ác, độc tài của cộng sản, nhiều người tu hành cũng chọn con đường phụ thuộc vào chế độ, bị chế độ lợi dụng.

Bên cạnh đó, nhà nước đã đào tạo ra một lớp tu sĩ là đảng viên, đóng vai sư, mặc cái áo tôn giáo, sử dụng tôn giáo làm công cụ tuyên truyền cho chế độ. Bởi vì nhà nước biết rằng quần chúng Việt Nam có số lượng Phật tử rất là đông, nhưng nếu nhà nước đứng ra nói thì quần chúng không ai tin nên họ cần đội lốt tôn giáo. Họ hay nói những ai lên tiếng chỉ trích nhà nước là “đội lốt tôn giáo” nhưng chính họ vừa lợi dụng tôn giáo vừa đội lốt tôn giáo.

Hỏi:

* Thưa, không chỉ bị chính trị hóa, Phật giáo còn bị kinh doanh hóa, thương mại hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ một số chùa chiền bày ra trò cúng sao giải hạn, có chùa tổ chức lễ cầu nguyện mùa thi cho các sĩ tử trước mùa thi, thậm chí có cả chuyện cầu hồn thỉnh vong rất là mê tín dị đoan… Nhưng đáng nói nhất là việc kinh doanh chùa.

Những năm gần đây, liên tục nhiều chùa chiền, tượng Phật, thiền viện được xây dựng, với danh nghĩa là du lịch tâm linh. Nhiều chùa, đền phải nói là rất to, tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, kiến trúc hoành tráng…để xây dựng cần quỹ đất rất lớn, kể cả san rừng bạt núi. Thưa Hòa thượng nghĩ gì về những tác hại của việc xây đình chùa kinh doanh như thế về mặt thiên nhiên, môi trường, về mặt văn hóa, hay chuyện làm xáo trộn cuộc sống của các dân tộc thiểu số v.v…? 

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Du lịch tâm linh chẳng qua cũng chỉ để kinh doanh làm ăn thôi. 

Có một điều này, trước năm 1975 chữ “tâm linh” ít được sử dụng, sao bây giờ họ lại sử dụng nhiều quá. Chẳng hạn như một người cộng sản nói chuyện bảo “Nói vậy chứ tôi đây cũng tâm linh lắm”, chỉ để chứng tỏ họ không hoàn toàn duy vật, vật chất. 

Cộng sản làm kinh tế lợi dụng cả tôn giáo không kiêng nể gì cả. Do cách quản lý yếu kém và nạn tham nhũng có hệ thống từ trên xuống dưới, nên nền kinh tế rơi vào suy thoái trong những thập niên gần đây. Khi ngân sách trung ương không còn đồng nào, hay nợ công ngày càng tăng, hoặc họ cho rằng: ” tiền trong dân còn rất lớn ” v.v… Nhà nước cộng sản tìm cách cướp ngay cả tiền chùa, vốn dĩ tiền do tín đồ Phật tử cúng dường lo cho Tam Bảo, để họ bổ sung ngân khố, và đôi khi biết đâu cũng có thể rơi vào túi riêng của các quan. Lợi dụng tôn giáo để tham nhũng rửa tiền là điều mà chúng ta có thể thấy được ở Cộng sản Việt Nam.

Hỏi:

* Đối với một nhà nước độc tài, mọi chính sách đều nhằm “ngu dân để dễ cai trị”, sinh hoạt phật giáo nói riêng cũng không là ngoại lệ. Càng pha tạp, càng dung tục, càng mê tín dị đoan thì càng có lợi cho chính sách đó của nhà cầm quyền. Trước thực trạng này, xin Hòa thượng cho biết Hòa thượng có những suy nghĩ, ý kiến gì như một đáp án có ý nghĩa xây dựng, cần thiết cho xã hội Việt Nam hiện nay? 

Hòa thượng Thích Không Tánh: 

Cộng sản làm tha hóa Phật giáo. Biến những giá trị linh thiêng cao đẹp của tôn giáo, của Phật giáo thành tầm thường. Con người trở nên vật chất, đạo đức thấp kém. Họ cũng làm tha hóa tầng lớp tăng lữ, tu sĩ nương vào đảng để hưởng thụ chứ không đặt nặng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức, chân thiện mỹ không được tôn trọng. Những hình ảnh sai lạc của các tu sĩ chỉ biết hưởng thụ này làm cho quần chúng mất niềm tin vào tôn giáo rất nhiều. Chỉ còn lại một số quần chúng mê tín thôi, thành thử ra phát triển rất khó. 

Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, phải độc lập với chính quyền Cộng sản. Sinh hoạt của Phật giáo phải tách riêng và đứng ngoài sự Giám sát của Cộng sản.

Cái sai lầm là từ ý thức hệ duy vật cho tới thể chế chính trị. Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị, khi thể chế chính trị thay đổi mới có tự do dân chủ, các quyền căn bản của con người được tôn trọng, các vấn đề khác trong đó có tôn giáo cho tới giáo dục cũng sẽ phát triển. Nhưng kể ra thì cũng khó lắm. Tất cả những ai đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ đều bị đàn áp rất mạnh mẽ. Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, thế giới người ta cũng lên án, vừa rồi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn muốn đưa Việt Nam vào danh sách CPC* Vấn nạn này rất khó. 

DĐTK

  • Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Không Tánh

*CPC (Countries of Particular Concern: Các Quốc gia đáng Quan tâm Đặc biệt)

Posted: 01/03/2023 #views: 703
Add comment
:
Pages:  [-1]