VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
CÁC DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI NỔI TIẾNG HOA KỲ CẦN PHẢI CHẤM DỨT QUỲ PHỤC TRƯỚC TRUNG CỘNG

 

Một sinh viên nêu cao biểu ngữ với một trong những khẩu hiệu được hô vang bởi đám đông khoảng 200.000 người đổ vào Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 4 năm 1989. (Ảnh: Catherine Henriette/AFP/Getty Images)

Newt Gingrich - Tuần vừa qua đánh dấu lễ tưởng niệm 32 năm biến cố thảm sát Thiên An Môn.

Vào ngày 04/06/1989, những người kháng nghị ủng hộ dân chủ đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để tham dự những cuộc biểu tình ôn hòa. Dưới sự dẫn dắt của các sinh viên, những người biểu tình lên án Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung cộng và đòi hỏi quyền tự do lớn hơn cho người dân Trung cộng.

Để đáp lại, Trung Cộng đã cử quân đội đến để dẹp tan các cuộc biểu tình. Nhà cầm quyền Trung Cộng chưa bao giờ công bố bất kỳ số liệu nào, nhưng chúng tôi biết Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tàn sát khoảng vài trăm đến vài nghìn người.

Đó là một cảnh tượng tàn bạo kinh hoàng. Tuy nhiên, về căn bản, phản ứng của các doanh nghiệp vận động hành lang ở Hoa Kỳ là phớt lờ những gì đã xảy ra và tiếp tục gắn bó với Trung cộng. Tính toán rất đơn giản: Mặc dù vụ thảm sát là [một tội ác] đê hèn, nhưng đơn giản là vì thị trường Trung cộng quá hấp dẫn nên có thể bỏ qua.

Phản ứng này của cộng đồng doanh nghiệp đối với vụ thảm sát Thiên An Môn là đặc trưng cho cách mà các tập đoàn Hoa Kỳ đã ứng xử với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Theo cách suy nghĩ đó, nhà cầm quyền Trung cộng càng vi phạm nhân quyền và đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nhiều bao nhiêu, thì sẽ càng có rất nhiều tiền họ có thể kiếm được—và sẽ bị mất rất nhiều nếu họ tỏ thái độ thù địch với Bắc Kinh.

Điều dễ hiểu là mọi doanh nghiệp đều muốn tiếp cận một thị trường quan trọng và béo bở như vậy. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, lòng yêu nước nên phải đứng trên chủ nghĩa tư bản.

Thật vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần phải thừa nhận rằng Trung Quốc là một chế độ độc tài toàn trị, và do đó không thể có một mối quan hệ kinh doanh thuần túy với Trung cộng. Trong mô hình của Trung Quốc, chính trị thống trị mọi thứ và cuối cùng là kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Nói cách khác, không có cái gọi là công ty tư nhân của Trung cộng, bởi vì cuối cùng, Đảng Cộng sản có thể lèo lái theo ý mình mọi tổ chức “tư nhân.”

Điều này khiến Trung cộng dễ dàng sử dụng sức ép kinh tế để củng cố sức ép chính trị của mình, đặc biệt là ở Hollywood.

Ví dụ, vào năm 2019, đoạn giới thiệu (trailer) phim “Top Gun: Maverick” của hãng Paramount Pictures, ban đầu cho thấy Tom Cruise mặc một chiếc áo khoác với hai miếng dán của quốc kỳ Nhật Bản và Đài Loan. Sau khi có sự phản đối kịch liệt từ Bắc Kinh, đoạn trailer đã thay thế các mảnh vải này bằng hai biểu tượng không rõ ràng.

Rõ ràng là các lãnh đạo Trung cộng không muốn bất cứ điều gì cổ vũ cho chủ quyền của Đài Loan hoặc đối thủ Nhật Bản của họ, vì vậy họ đã than phiền. Và Hollywood, vì lo sợ có thể mất quyền tiếp cận hàng trăm triệu dollar tại thị trường Trung cộng, nên đã tuân theo các yêu cầu của Trung Quốc.

Đây là một câu chuyện quen thuộc. Mới tuần trước, trong một màn thể hiện thực sự hèn hạ là, nam diễn viên John Cena, người từng là cựu đô vật chuyên nghiệp, đã phải xin lỗi Trung cộng bằng tiếng Quan Thoại vì anh đã đề cập đến Đài Loan như một quốc gia trước khi phát hành bộ phim mới “Fast and Furious” [có sự tham gia] của anh.

Và đừng quên khi vào năm 2019, ông Daryl Morey, tổng giám đốc đương thời của đội bóng rổ Houston Rockets thuộc NBA, đã gửi một tweet ủng hộ cuộc chiến giành tự do của Hồng Kông chống lại chủ nghĩa độc tài của Trung cộng. Ngay lập tức, Trung cộng gây áp lực rất lớn lên NBA, vốn có chỗ đứng lớn tại thị trường Trung cộng, và NBA đã phủ phục quy hàng không còn dám ủng hộ Hồng Kông nữa.

Trên thực tế, tình hình NBA nghiêm trọng đến mức khiến ông Chris Fenton, vị khách mời tuần này trên kênh podcast của tôi, “Newt’s World”, phải tính toán lại toàn bộ sự nghiệp của bản thân mình.

Ông Fenton, người đã có hoạt động kinh doanh sâu rộng với Trung cộng với tư cách là chủ tịch của DMG Entertainment Motion Picture Group và là Tổng giám đốc của DMG Bắc Mỹ trong 17 năm qua, tin rằng việc gắn kết với Trung cộng càng nhiều thì sẽ càng làm giàu cho Hoa Kỳ và truyền bá quyền lực mềm của Hoa Kỳ tới người dân Trung cộng.

Nhưng sau khi ông Morey gửi tweet của mình, thì ông Fenton nhận ra rằng lối tư duy cũ của mình (cho rằng kiểu thương mại không bị kiểm soát và sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mãi trên phạm vi toàn cầu sẽ tiết chế được Trung cộng và có lợi cho Hoa Kỳ về lâu dài) là sai. Trải nghiệm này đã khiến ông Fenton viết cuốn sách gần đây của mình, có nhan đề “Nuôi Rồng: Nội Tình về Hoàn Cảnh Khó Xử Trị Giá Ngàn Tỷ Dollar mà Hollywood, NBA và Doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt.”

Như ông Fenton đã giải thích với tôi, các doanh nghiệp vận động hành lang của Hoa Kỳ cần đứng về phía lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Trong nhiều thập kỷ, họ đã không nghĩ đến lợi ích an ninh của Hoa Kỳ, nhưng chỉ vào thời của cựu Tổng thống Trump mới đạt được những bước tiến lớn để khắc phục sự mất cân bằng đó.

Vẫn còn phải xem Hoa Thịnh Đốn hiện nay có thể phát huy tinh thần yêu nước đó dựa trên đà cải thiện đã có trước đây hay không, nhưng có một điều rõ ràng là: các doanh nghiệp và danh nhân của Hoa Kỳ cần phải chấm dứt quỳ phục trước Trung cộng.


 Newt Gingrich (Gingrich360.com)

Biên dịch: Chánh Tín (etviet)

(Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)

*

Tác giả Newt Gingrich, một đảng viên Đảng Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999 và là ứng cử viên tranh cử tổng thống vào năm 2012.

 

Posted: 12/06/2021 #views: 3362
Add comment
:
Pages:  [-1]