VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
NGƯỜI BẮC HÀN LÀM VIỆC Ở TÀU CỘNG (XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NHƯ VC) “BỊ BÓC LỘT NHƯ NÔ LỆ”

Công nhân tại một nhà máy dây cáp điện ở Bắc Hàn (Ed Jones/AFP qua Getty Images)

Jean Mackenzie - Tháng trước, có thông tin cho rằng những người Bắc Hàn làm việc tại Tàu cộng đã nổi loạn sau khi biết rằng họ sẽ không được trả lương mà thay vào đó, tiền lương của họ được dùng cho chương trình chế tạo vũ khí của Bình Nhưỡng.

Việc người Bắc Hàn phản kháng là chuyện hầu như chưa từng được nghe đến, vì nhà nước kiểm soát công dân trên gần như mọi khía cạnh. Những người công khai bất đồng chính kiến​​​ có thể bị xử tử.

Các cuộc bạo loạn trên, mặc dù chưa được xác thực, đã làm dấy lên mối lo về phúc lợi của hàng chục nghìn người Bắc Hàn đang làm việc ở nước ngoài để kiếm tiền về cho chế độ đang đói tiền mặt ở quê nhà.

BBC đã nói chuyện với một cựu công nhân Bắc Hàn ở Tàu cộng, người này cho biết những công nhân làm việc tại một số công ty đang làm ăn thất bát đã bị giữ lương.

Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin từ một người tự xưng đang là nhân viên IT, với cáo buộc họ đang bị "bóc lột như nô lệ".

Theo một cựu viên chức ngoại giao Bắc Hàn có nguồn tin riêng trong khu vực, bạo loạn đã nổ ra tại một số xưởng quần áo do Bắc Hàn điều hành ở vùng đông bắc Tàu cộng vào ngày 11/1. Vị này đã tiết lộ thông tin trên cho báo chí vào tháng trước.

Ko Young Hwan, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào những năm 1990, kể với BBC rằng ông nghe nói các công nhân đã nổi đóa khi biết số tiền lương chưa trả trong nhiều năm đã bị chuyển cho một quỹ dự bị chiến tranh ở Bình Nhưỡng.

“Họ trở nên bạo động và bắt đầu đập phá máy may và đồ dùng nhà bếp,” ông Ko nói. “Một số thậm chí còn nhốt các quan chức Bắc Hàn vào phòng và hành hung họ”.

BBC không thể xác minh lời kể của ông Ko về những cuộc bạo loạn này, do thiếu các nguồn tin có thể kiểm chứng độc lập. Bắc Hàn không chỉ cực kỳ bí mật mà các nhà máy của họ ở Tàu cộng cũng được canh phòng nghiêm ngặt.

Ước tính có khoảng 100.000 người Bắc Hàn được đưa ra nước ngoài, chủ yếu làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng ở đông bắc Tàu cộng, do chính phủ Bắc Hàn điều hành. Đây là nguồn cung ngoại tệ quý giá cho chế độ đang nằm dưới lệnh cấm vận. Theo ước tính, những lao động này đã kiếm về cho Bình Nhưỡng 740 triệu USD trong giai đoạn 2017 đến 2023.

Hầu hết thu nhập của họ được chuyển trực tiếp cho nhà nước. Nhưng ông Ko nói trong thời gian đại dịch, công nhân tại các xưởng may xảy ra bạo loạn đã bị cắt lương hoàn toàn và được báo rằng họ sẽ được nhận lại số tiền này khi trở về Bắc Hàn.

Nữ công nhân thiết kế giày tại một nhà máy ở Bình Nhưỡng (Kim Won Jin/AFP qua Getty Images)

Thông thường, một lao động sẽ làm việc ở nước ngoài trong ba năm, nhưng việc Bắc Hàn phong tỏa chặt biên giới để chống Covid đã khiến một số người bị mắc kẹt ở nước ngoài tới bảy năm.

Theo ông Ko, sự bất mãn đã bắt đầu nhen nhóm từ mùa thu năm ngoái, khi Bình Nhưỡng nới lỏng kiểm soát biên giới và bắt đầu cho phép công dân quay về nước. Một số lao động sốt ruột trở về để lấy lại tiền. Khi biết mình sẽ không được trả số tiền đó, họ đã nổi giận, ông Ko kể.

Một phiên bản tương tự của câu chuyện cũng được chia sẻ bởi Cho Han-beom, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) do chính phủ Hàn tài trợ. Ông Cho cũng dẫn các nguồn tin ở Tàu cộng. Ông tin rằng đã có 2.500 công nhân từ 15 nhà máy ở tỉnh Cát Lâm tham gia vào vụ nổi loạn, khiến đây trở thành vụ bạo động lớn nhất được biết đến trong lịch sử Bắc Hàn.

Mặc dù các sự kiện trên không thể được xác minh một cách độc lập, nhưng việc hàng chục nghìn công nhân Bắc Hàn ở nước ngoài không được về nước và ít nhất một phần thu nhập của họ đã bị giữ lại là chuyện có thật.

“Rất nhiều công nhân trong số này sẽ kiệt quệ về tinh thần và thể chất sau khi làm việc ở nước ngoài quá lâu mà không được trả lương, họ sẽ rất muốn về nhà”, ông Cho nói.

BBC đã nói chuyện với một người Bắc Hàn làm việc ở Tàu cộng từ năm 2017 đến 2021 để hiểu rõ hơn về tình hình của lao động ở nước ngoài. "Jung", chúng tôi không nêu tên thật vì lý do an ninh, cho biết ông là một trong những nhân viên có thành tích tốt nhất ở một công ty làm ăn khấm khá. Điều này có nghĩa là ông được cung cấp cái mà ông gọi là "điều kiện thuận lợi".

Mặc dù như thế, Jung cho biết ông chỉ nhận được 15% tổng thu nhập của mình, phần còn lại thuộc về cấp trên của ông và các dự án nhà nước, việc này khiến ông rất thất vọng. Ông Jung kể trong khi mình vẫn được trả lương hàng tháng, thì những người khác ở các công ty hoạt động kém bị giữ lương ngày càng nhiều hơn.

Ông nói: “Trong những tháng mùa đông giá rét, một số người còn không có sưởi trong phòng, họ cũng không thể rời khỏi khu nhà, cho dù để đi mua đồ dùng thiết yếu”. Ông Jung được phép ra ngoài một lần mỗi tuần cùng những người khác, nhưng trong thời gian Covid, ngay cả sự tự do hạn chế này cũng bị tước bỏ, ông đã không được phép rời khỏi nơi làm việc trong một năm.

Bất chấp những hạn chế, việc làm ở nước ngoài rất được săn đón tại Bắc Hàn vì họ có thể được trả gấp hơn 10 lần số tiền mà một người làm việc trong nước có thể kiếm ra.

Ứng viên đều được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo gia đình họ không có tiền sử phạm tội hoặc đào tẩu. Những công nhân được tuyển phải để lại gia đình ở trong nước nhằm ngăn việc bỏ trốn.

BBC đã xem được một email từ một người tự xưng là công dân Bắc Hàn hiện đang làm việc tại Tàu cộng. Nội dung trong đó cho thấy mức độ kiểm soát đối với người lao động đã tăng lên trong bốn năm qua.

Người này xưng mình đang là nhân viên IT làm việc tại đông bắc Tàu cộng và đã gửi email qua lại với ông Ko trong hơn một năm. Ông Ko kể người này mới liên lạc lại vào tuần trước sau khi hay tin về các cuộc bạo loạn.

Nữ tiếp viên người Bắc Hàn tại một nhà hàng ở Tàu cộng (Lucas Schifres/Getty Images)

Ông Ko nói với chúng tôi rằng ông đã xác thực danh tính của người này. Tuy nhiên, BBC không thể xác minh độc lập nhân thân cũng như tài khoản của họ do các biện pháp ẩn danh được dùng để bảo vệ an toàn.

Vị lập trình viên máy tính này viết trong email: “Nhà nước Bắc Hàn bóc lột nhân viên IT chúng tôi như nô lệ, họ bắt chúng tôi làm việc sáu ngày một tuần, 12-14 tiếng mỗi ngày”. Người này cho biết, các nhân viên làm việc thâu đêm cho các khách hàng ở Mỹ và Châu Âu, việc này gây ra mất ngủ kinh niên và nhiều loại bệnh khác.

Khi mới đến, người này được trả từ 15-20% thu nhập hàng tháng, nhưng vào năm 2020, ông nói rằng nguồn thu này đã bị cắt. Ông cáo buộc chính quyền Bình Nhưỡng sau đó đã ra lệnh khóa trái công nhân trong khu nhà vào ban đêm để ngăn họ bỏ trốn.

Người đàn ông kể chi tiết trong email về việc các quản đốc bị ép phải công khai lăng nhục những nhân viên làm việc kém hiệu quả bằng cách tát họ trước mặt mọi người, sau đó còn đánh họ đến đổ máu.

Ngược lại, ông cho biết những người có thành tích cao sẽ được thưởng một suất tới một nhà hàng Bắc Hàn, tại đó họ có thể chọn một trong số nữ tiếp viên để phục vụ trong cả buổi tối. Nhân viên xuất sắc nhất tháng sẽ được chọn đầu tiên. Ông ví nó như một quán bar tay vịn và cáo buộc những người quản lý "lợi dụng ham muốn tình dục của nam thanh niên, để dụ họ ganh đua và kiếm về nhiều tiền hơn".

Ông Jung, người từng làm công nhân ở nước ngoài, khẳng định những chuyến đi chơi này cũng có tại công ty của ông và được tổ chức thường xuyên hơn trong thời gian Covid “vì các công nhân bị mắc kẹt trong nhà và rất căng thẳng”. Ông cho biết nhân viên nam thường ở lại nhà hàng đến khuya còn phụ nữ sẽ được thưởng tiền.

Hanna Song, giám đốc điều hành Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Bắc Hàn (NKDB), cho hay người đi nước ngoài lao động thường chọn chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt và bị giám sát nghiêm ngặt vì họ có thể mang về nhà một số tiền nhỏ. Bà nói: “Nhiều người trong số họ cảm thấy bị bỏ rơi khi chính phủ đóng cửa biên giới trong thời gian Covid”.

Bà Song cũng xác nhận đã nghe nói về chuyện giữ lương, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.

Bất chấp sự tuyệt vọng của người lao động, Bình Nhưỡng dường như không có ý định đưa họ về. Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm Bắc Hàn gửi công nhân ra nước ngoài và yêu cầu tất cả các nước phải hồi hương lực lượng này muộn nhất đến cuối năm 2019.

Tàu cộng được cho là sẽ không muốn công khai vi phạm lệnh cấm này bằng cách tiếp nhận một đợt công nhân mới. Điều này đặt ra cho Bắc Hàn một câu hỏi hóc búa - làm sao giải quyết những bất ổn tiềm tàng khi nước này không cho công nhân hồi hương.

Một xưởng quần áo bỏ không ở Liêu Ninh, giáp biên giới Bắc Hàn. Các công nhân Bắc Hàn làm việc tại đây đã hồi hương sau lệnh cấm của Liên Hợp Quốc (Ryan Mcmorrow/AFP qua Getty Images)

Ông Ko cho biết sau khi các cuộc bạo loạn nổ ra, Bình Nhưỡng đã cử viên chức nước này tại Tàu cộng đến các nhà máy để trả cho công nhân một phần tiền lương còn thiếu, nhưng vẫn còn hàng triệu đô la chưa được trả.

Mặc dù khả năng cao là thông tin về bạo loạn toàn diện đã bị phóng đại, nhưng hầu hết các nhà phân tích mà BBC phỏng vấn đều đồng ý rằng chúng có thể đã xảy ra trong một mức độ nào đó.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với BBC rằng đã có "một số sự cố" liên quan đến công nhân Bắc Hàn ở nước ngoài do "điều kiện làm việc tồi tệ" và cho biết cơ quan này đang "theo dõi tình hình".

Bà Song cho biết thật khó để tưởng tượng một cuộc phản kháng quy mô lớn có thể bất ngờ nổ ra. “Các quan chức an ninh nhà nước có thể phát hiện và dập tắt ngay dù chúng mới chỉ mới là kế hoạch.”

Peter Ward, một chuyên gia về kinh tế chính trị Bắc Hàn tại Viện Sejong ở Seoul, cho biết rất khó để xác định liệu các tin tức nói trên có đáng tin hay không vì thiếu các thông tin có thể xác minh độc lập, nhưng xét theo tình hình của người lao động ở nước ngoài, các vụ việc trên "hoàn toàn có khả năng".

Tuy vậy, cho dù có đúng thì chúng cũng không đặt ra thách thức trực tiếp nào cho chế độ, Tiến sĩ Ward nhận định.

Ông nói: “Đây dường như là tranh chấp lao động, những người này không có mục đích lật đổ chính quyền”. Thay vào đó, ông cho rằng chúng sẽ là bằng chứng nữa cho thấy "chính phủ Bắc Hàn đang thực sự gặp khó khăn về tiền bạc, đến mức họ đang phải ăn trộm của công nhân theo đúng nghĩa đen".

Tiến sĩ Ward nói thêm rằng Bắc Hàn sẽ cần phải lưu tâm đến vấn đề này, nhất là khi nó có thể gây ra căng thẳng với Tàu cộng. Bắc Kinh sẽ không muốn thấy các cuộc nổi loạn trong nước họ và có thể sẽ quyết định ngừng tạo điều kiện cho những thỏa thuận lao động này.

 

Jean Mackenzie (Phóng viên thường trú tại Seoul)

(Leehyun Choi đưa tin bổ sung)

 

Posted: 04/03/2024 #views: 138
Add comment
:
Pages:  [-1]