VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
MỸ CẦN DUY TRÌ CHÍNH SÁCH ‘‘NGUYÊN TRẠNG’’ ĐỂ BẮC KINH KHÔNG LẤY CỚ TẤN CÔNG ĐÀI LOAN

 

Mỹ cần duy trì chính sách ''Nguyên Trạng'' để Bắc Kinh không lấy cớ tấn  công Đài Loan

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (G) nói chuyện với các phi công ở Giai Đông (Jiadong) thuộc Bình Đông (Pingtung), ngày 15/09/2021. Bốn phi cơ do họ điều khiển sẽ tham gia cuộc tập trận Hán Quang (Han Guang) chống Trung cộng đổ bộ. (AP)

Trọng Thành (RFI) - Năm 2022 vừa qua là năm mà tình hình hai bờ eo biển Đài Loan ngày một căng thẳng, với việc Trung cộng liên tục tập trận sát hòn đảo, nhiều lúc vượt qua đường trung tuyến, thậm chí vào sát lãnh hải và không phận Đài Loan. Trong giới chuyên gia và chính giới Hoa Kỳ, ngày càng phổ biến quan điểm cho rằng việc Trung cộng tấn công Đài Loan là gần như không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ có quan điểm khác. Bất chấp tham vọng của Bắc Kinh muốn thôn tính Đài Loan, viễn cảnh một cuộc chiến thảm khốc không phải là điều không thể tránh được. Trang mạng tạp chí quan hệ quốc tế Foreign Affairs số ra đầu năm 2023 đăng tải bài viết của hai học giả Ryan Hass và Jude Blanchette với tựa đề ''The Taiwan Long Game. Why the Best Solution Is No Solution'' (tạm dịch là “Đài Loan là một cuộc chơi dài. Vì sao phương án tốt nhất là không có một phương án cố định”). Mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu.

***

Quan điểm chủ yếu của hai học giả Mỹ về vấn đề hòa bình hay chiến tranh ở eo biển Đài Loan ra sao?

Các tác giả ghi nhận trước hết một đồng thuận đang hình thành trong giới chính trị Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, về một cuộc chiến không tránh khỏi với Trung cộng tại eo biển Đài Loan, và chính quyền Mỹ cần tập trung chuẩn bị cho cuộc chiến này.  Hai chuyên gia Ryan Hass và Jude Blanchette nhận định đây là một tình trạng nguy hiểm. Một ví dụ được đưa ra là việc tư lệnh Hải Quân Mỹ, Mike Gilday, hồi tháng 10/2022, cảnh báo Trung cộng có thể chuẩn bị xâm chiếm Đài Loan ‘‘trước năm 2024’’. Hai tác giả phê phán việc ‘‘càng để cho giải pháp quân sự bao trùm lên chiến lược chung của Mỹ về eo biển Đài Loan, thì rủi ro với các lợi ích của Hoa Kỳ, của các đồng minh của Hoa Kỳ, và của Đài Loan càng lớn’’. Chiến lược của Mỹ liên quan đến Đài Loan cần được đánh giá theo tiêu chí duy nhất : ‘‘Có tham gia vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan hay không, chứ không phải căn cứ vào việc có giải quyết dứt điểm vấn đề Đài Loan một lần cho mãi mãi, hoặc duy trì việc Đài Loan luôn thuộc về phe Mỹ’’.

Hệ quả trực tiếp của của chiến lược này là, thay vì chỉ đứng về một bên, Hoa Kỳ có thể khai thác lợi thế của một cường quốc phần nào có vị thế đứng giữa, cho phép thuyết phục hai bên, Bắc Kinh và Đài Bắc, có các hành động để ngăn ngừa xung đột. Washington cần phải hiểu chính xác ‘‘các tính toán tinh tế của Trung cộng’’ về Đài Loan, hơn là nhìn nhận một cách đơn giản hóa và một chiều là lãnh đạo Trung cộng dồn lực cho giải pháp quân sự, và đang xúc tiến việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Những yếu tố nào khiến hòa bình tại eo biển Đài Loan được duy trì trong nửa thế kỷ qua?

Các tác giả lược thuật hồ sơ eo biển Đài Loan, bắt đầu từ khi Mỹ công nhận chính quyền Đài Bắc và ký kết hiệp định đồng minh quân sự vào năm 1954, cho đến khi chấm dứt công nhận Đài Loan trong thập niên 1970. Washington đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Trung Hoa cộng sản, công nhận ‘‘một nước Trung Hoa duy nhất’’, nhưng vẫn duy trì quan hệ với Đài Bắc. Mỹ ra luật bảo vệ Đài Loan năm 1979, cung cấp các phương tiện giúp Đài Loan tự vệ, nếu Bắc Kinh xâm lược. Bảo vệ "Nguyên Trạng" hai bờ eo biển Đài Loan, hướng đến thống nhất Trung Hoa bằng con đường hòa bình là lập trường chính thức của nước Mỹ cho đến nay.

Có ba yếu tố khiến nguyên trạng hai bên bờ eo biển Đài Loan đã được duy trì, theo hai chuyên gia.

Thứ nhất là ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ.

Thứ hai là trong thời gian này, Trung cộng chỉ tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế thế giới.

Yếu tố thứ ba là Hoa Kỳ đã xử lý một cách ‘‘khéo léo’’ những thách thức từ cả hai phía, đe dọa sự bình ổn hai bờ eo biển, thường xuyên có các hành động dập tắt các tia lửa có thể làm bùng lên xung đột, trong đó việc ngăn cản ý đồ tuyên bố độc lập của Đài Loan.

Một ví dụ được đưa ra là vào năm 2003, tổng thống George W. Bush – trong một phát biểu bên cạnh thủ tướng Trung cộng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) - đã chỉ trích một số bình luận và hành động của Đài Loan, bị xem như là ‘‘gây mất ổn định’’. Còn vào năm 1995 – 1996, tổng thống Bill Clinton từng điều tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để phản ứng lại việc Trung cộng bắn thử tên lửa đe dọa hòn đảo. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt từ mươi năm nay, cả ba yếu tố giúp duy trì nguyên trạng nói trên đã thay đổi rất nhiều.

Tình hình đã thay đổi ra sao?

Thứ nhất là về quân đội Trung cộng. Chênh lệch về sức mạnh quân sự Mỹ - Trung đã giảm mạnh. Quân đội Trung cộng hiện tại đủ năng lực tấn công vào sâu trong lãnh thổ Đài Loan, cũng như tàu sân bay của Mỹ, đe dọa cả các căn cứ của Mỹ tại Nhật và đảo Guam.

Điểm thứ hai là tham vọng của Bắc Kinh ngày càng lớn hơn, cạnh tranh với Mỹ trên nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu.

Và điểm đáng chú ý thứ ba là chính quyền Mỹ đang có xu hướng ‘‘từ bỏ vai trò trọng tài’’, giúp hai bên giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Trọng tâm của Mỹ trong hồ sơ eo biển Đài Loan giờ đây chuyển hẳn vào việc chống lại đe dọa Trung cộng đối với Đài Loan. Một trong các biểu hiện tiêu biểu là việc tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan. Điều này có nghĩa là vị trí của Mỹ đứng ngoài thế đối đầu Trung – Đài gần như bị xóa bỏ.

Làm thế nào khai thác được các yếu tố có lợi cho hòa bình, giảm nguy cơ chiến tranh?

Có nhiều yếu tố và xu thế khiến khả năng Trung cộng tấn công Đài Loan, xung đột bùng nổ tại eo biển, là điều ngày càng trở nên có thể. Tuy nhiên, khả năng tránh khỏi một kịch bản chiến tranh cũng cần được nhìn nhận là có. Các phân tích của hai chuyên gia Mỹ tập trung làm sáng tỏ các khả năng giúp tránh chiến tranh. Để làm như vậy, trước hết phải không để cho quan điểm chiến tranh là định mệnh, chi phối toàn bộ chiến lược của nước Mỹ về eo biển Đài Loan. Việc chỉ dựa trên các kịch bản Trung cộng tấn công Đài Loan, được giới quân sự vạch ra, đẩy các nhà hoạch định chính sách Mỹ đến chỗ xây dựng chính sách chủ yếu phục vụ cho việc đối phó với các đe dọa ngắn hạn.

Đe dọa quân sự của Trung cộng tấn công Đài Loan rõ ràng là có thực, nhưng nếu chỉ duy nhất dựa vào đó để hoạch định chính sách, chính quyền Mỹ sẽ không khai thác được các lợi thế khác để tránh chiến tranh, và trước hết để tránh các động thái, hay xu thế, có thể rót dầu vào lửa một cách vô tình hay cố ý. Việc tuyệt đối hóa kịch bản chiến tranh cũng gây thêm căng thẳng cho chính người dân Đài Loan, vốn đã rất ngờ vực Trung cộng, ngày càng không chấp nhận thống nhất với Trung cộng. Sau khi Bắc Kinh ban hành luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, giải pháp “Một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đưa ra ngày càng bị người dân Đài Loan lên án, coi như bánh vẽ, một thủ đoạn nhằm thôn tính hòn đảo.

Mỹ không nên góp phần khiến tình hình hai bên bờ eo biển Đài Loan, vốn đã rất căng thẳng, trở nên căng thẳng hơn, đó là đề nghị của hai chuyên gia. Về phía Đài Loan, không được tuyệt đối hóa kịch bản chiến tranh. Về phía Trung cộng, đề xuất của hai chuyên gia Mỹ là “đừng đẩy Bắc Kinh vào chân tường’’, kích động họ không có cách nào khác là đi theo hướng chiến tranh. Theo các tác giả, cần phải làm rõ vấn đề là, chiến tranh chống Đài Loan cũng không phải là thượng sách đối với bản thân chính quyền Trung cộng. Nếu gây chiến với Đài Loan, Bắc Kinh hiểu rằng tổn thất với Trung cộng sẽ là vô cùng lớn về kinh tế, cũng như về quan hệ quốc tế. Mỹ cần thuyết phục Bắc Kinh là điều này hoàn toàn mâu thuẫn với chủ trương của Trung cộng vươn lên khẳng định ‘‘vị thế của một thế lực lãnh đạo toàn cầu’’. Xét theo nghĩa này, một xung đột với Đài Loan là ‘‘thảm họa cho Trung cộng’’.

Để Mỹ có đối sách đúng, phải chăng Washington cần xác định chính xác lập trường của Trung cộng trong vấn đề Đài Loan?

Đây là một điểm then chốt trong quan điểm của hai chuyên gia Ryan Hass và Jude Blanchette. Theo các tác giả, lập luận của một bộ phận giới quân sự Mỹ đã thổi phồng kịch bản Bắc Kinh xâm lược Đài Loan. Hệ quả là che lấp các kịch bản khác, các phương án khác, có khả năng giúp cho việc duy trì hòa bình, giảm nguy cơ chiến tranh.

Cho đến nay, theo các tác giả, chưa có gì cho thấy là lãnh đạo tối cao Trung cộng dứt khoát từ bỏ các phương án khác, và chỉ tập trung vào giải pháp quân sự, tấn công Đài Loan để thống nhất đất nước. Rõ ràng là lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình luôn đưa giải pháp dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan vào trong các tuyên bố liên quan Đài Loan, nhưng giải pháp quân sự vẫn chỉ được coi là một giải pháp, chừng nào các giải pháp hòa bình khác là không thể. Và cái mốc đặt ra cho sự thống nhất là năm 2049, tức rất xa. So sánh các phát biểu của lãnh đạo Trung cộng và lãnh đạo Nga, có thể thấy mức độ đe dọa của ông Tập Cận Bình khác xa với phát biểu của tổng thống Nga trước khi tiến hành xâm lăng Ukraina.

Tóm lại, theo hai chuyên gia Mỹ Ryan Hass và Jude Blanchette, Hoa Kỳ cần khai thác tối đa vị thế đặc biệt của mình trong vấn đề quan hệ Trung cộng – Đài Loan, bằng cách một mặt tiếp tục hậu thuẫn Đài Loan, nhưng mặt khác không để cho Trung cộng – Đài đi đến chỗ không còn có khả năng đối thoại. Washington cũng cần kiên định với quan điểm ‘‘sẽ chấp nhận bất cứ giải pháp nào giúp căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan được giải quyết bằng con đường hòa bình, và phù hợp với nguyện vọng của người dân Đài Loan’’. Về phía Trung cộng, Bắc Kinh cũng cần hiểu rằng, nếu muốn thống nhất bằng con đường hòa bình, thì ‘‘cần phải thuyết phục được người dân Đài Loan’’. Đối với hai chuyên gia Mỹ, “vấn đề Đài Loan” là một cuộc chơi dài, chừng nào mà hai bên bờ eo biển còn nói chuyện được về khả năng thống nhất trong hòa bình, cho dù sự thống nhất đó còn rất xa vời, thậm chí có thể không xảy ra, chừng đó chiến tranh vẫn có thể tránh khỏi.

Hai chuyên gia tin tưởng là Mỹ có thể làm được điều này cho dù tình hình hiện tại đã khác xa mấy chục năm về trước, thông qua các can thiệp nhằm hạ hỏa căng thẳng, tiếp tục vai trò điều hòa của Mỹ như trong nửa thế kỷ qua. Và để làm tốt được điều này, Washington cần hiểu rõ Bắc Kinh muốn gì vào các thời điểm cụ thể. Các động thái mới đây trong quan hệ ngoại giao Trung cộng – Mỹ, với các phát biểu có phần theo hướng hòa dịu của tân ngoại trưởng Trung cộng, chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ đến Trung cộng sắp tới dường như là các chỉ dấu cho khả năng giảm căng thẳng ngoại giao, bất chấp tình hình căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng, đến mức mà nhiều người ghi nhận như đang bên bờ vực chiến tranh. (RFI)

 

Posted: 05/01/2023 #views: 855
Add comment
:
Pages:  [-1]