VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
VŨ KHÍ TẦM XA – CÁNH TAY DÀI CỦA NHẬT BẢN

 

Vũ khí tầm xa – cánh tay dài của Nhật Bản | Viet Luan - Báo Việt Luận

Máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản bắn pháo sáng (ảnh: Getty Images)

Văn Sơn - CNN đưa tin, hôm thứ Sáu vừa qua Nhật Bản đã công bố kế hoạch an ninh quốc phòng mới, đây là động thái báo hiệu sự tăng cường quân sự lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến thứ II, tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và sửa đổi hiến pháp khi phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ một số quốc gia trong khu vực.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình Thủ tướng Fumio Kishida đề cập đến việc chính phủ đã phê duyệt ba tài liệu an ninh quan trọng – Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Phòng thủ Quốc gia và Kế hoạch Phát triển Lực lượng Phòng vệ – nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng bất ổn.

Kishida cho biết các biện pháp mới bao gồm các điều khoản cho phép Nhật Bản luôn túc trực một “khả năng phản công”, khả năng tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của một quốc gia khác trong trường hợp khẩn cấp và trong những trường hợp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada, thì đầu tháng 12, Thủ tướng cũng đã chỉ thị cho các bộ trưởng quốc phòng và tài chính đảm bảo ngân quỹ để tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lên 2% GDP vào năm 2027 so với mức 1% hiện tại.

Hiến pháp Nhật Bản thời hậu Thế chiến thứ II có những hạn chế nhất định và chỉ cho phép nước này thực hiện điều mà được gọi là bảo vệ quê hương đất nước. Nhưng Tokyo đang phải đối mặt với tình hình an ninh phức tạp nhất kể từ hàng chục năm qua.

Hôm thứ Sáu, đài truyền hình nhà nước NHK đã đưa tin: một thách thức chiến lược lớn nhất mà hiện chính phủ Nhật Bản đang phải đương đầu là Trung cộng, và cuộc đại tu quốc phòng an ninh trong giai đoạn này có ý nghĩa chiến lược.

Trung cộng luôn là đối thủ từ nhiều thập niên, và sự việc có thể trở nên xấu đi khi mà nước này ngày càng tăng cường phát triển lực lượng hải quân và không quân ở các khu vực gần Nhật Bản, và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku, một chuỗi đảo không có người ở do Nhật Bản kiểm soát ở biển Đông.

Bên cạnh đó, các tàu Trung cộng thường xuyên xâm nhập gần quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư, trong khi Nhật Bản điều máy bay chiến đấu tuần tra hầu như hàng ngày để đáp trả các máy bay Trung cộng đến gần không phận của nước này.

Đồng thời, Trung cộng đang gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà các nhà lãnh đạo an ninh Nhật Bản cho là rất quan trọng đối với an ninh của chính Nhật Bản. Vào tháng 8, Bắc Kinh bắn 5 quả tên lửa xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản gần Đài Loan để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Bắc.

Về phía tây, Nhật Bản đã luôn theo sát quá trình xây dựng kho tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã thử tên lửa 34 lần trong năm nay, trong đó có bắn một quả bay qua Nhật Bản vào tháng 10, một hành động mà ông Kishida gọi là “vượt quá giới hạn”.

Còn về phía bắc, việc Nga xây dựng các hòn đảo kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine và những lời lẽ hiếu chiến từ Moscow chỉ khiến Tokyo hiểu thêm rằng họ phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước nhiều mối đe dọa cùng một lúc.

Mặc dù Nhật Bản được coi là có một trong những quân đội hiện đại và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng vũ khí của nước này chỉ được thiết kế để tấn công kẻ thù trong một khoảng cách hạn chế. Tuy nhiên, chiến lược phòng thủ mới, mà đài truyền hình nhà nước NHK cho biết hồi đầu tuần này, sẽ trang bị cho Tokyo các loại khí tài như tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất, có thể tấn công các căn cứ của các kẻ thù tiềm năng như Trung cộng, Triều Tiên hoặc Nga.

Một ví dụ đơn giản chúng ta có thể hình dung là, theo một số quan chức của Lực lượng Phòng vệ thì các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Nhật Bản chỉ có thể tấn công mục tiêu đang bay tới khi nó ở trong phạm vi khoảng 31 dặm (50 km). Tuy nhiên, Trung cộng, chẳng hạn, có tên lửa có thể phóng từ nhiều loại máy bay chiến đấu từ khoảng cách xa tới 186 dặm (300 km).

Tất nhiên, Tokyo cũng cho biết bất kỳ vũ khí tầm xa mới nào mà họ có thể mua sẽ không phải là vũ khí “tấn công trước”, mà sẽ chỉ được sử dụng nếu kẻ thù tấn công Nhật Bản trước.

Hậu thuẫn từ Washington

Chiến lược phòng thủ mới của Tokyo đã nhận được sự khen ngợi từ đồng minh số một là Hoa Kỳ, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và cam kết bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản khỏi bị tấn công. Hoa Kỳ cũng vận hành một số cơ sở quân sự lớn ở Nhật Bản, bao gồm Căn cứ Hải quân Yokosuka, nơi đóng quân của Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết “Chúng tôi hoan nghênh việc Nhật Bản công bố các tài liệu chiến lược nâng cấp… phản ánh cam kết kiên quyết của Nhật Bản trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm là “Chúng tôi ủng hộ quyết định của Nhật Bản về việc bổ sung các lực lượng mới nhằm tăng cường khả năng răn đe trong khu vực, bao gồm cả khả năng phản công”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng lực lượng Nhật Bản rất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động quân sự tiềm năng nào của Mỹ nhằm chống lại Trung cộng nếu xung đột nổ ra.

Một thành viên của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, Ankit Panda cho biết “Quân đội Nhật Bản có năng lực khá lớn mạnh… Trong thời điểm xảy ra xung đột quy mô lớn ở Đông Á, bao gồm cả xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan, Nhật Bản sẽ đóng một vai trò rất quan trọng và thực sự có năng lực”.

“Nhật Bản sẽ là một đối tác rất quan trọng, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, trong thời điểm xung đột ở Đông Á.”

Trong nước, từ một cái nhìn khác từ đảng đối lập, hôm thứ Sáu vừa qua đảng này cho biết Kishida đã chưa thảo luận kỹ với họ về các chính sách an ninh quốc phòng.

Kenta Izumi, người đứng đầu Đảng Dân chủ Lập hiến của Nhật Bản, cho biết tại một cuộc họp báo: “Thông tin không được cung cấp kịp thời, không một lời giải thích và cũng không có cuộc thảo luận nào với công chúng hoặc Quốc hội, mặc dù chúng ta đang quyết định những thay đổi to lớn cho chính sách an ninh thời hậu chiến của quốc gia.”

Châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á

Nhưng Panda và những chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng không có biện pháp kiểm soát nào đối với các cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra nhanh chóng ở châu Á – và điều đó gây ra sự bất ổn trong khu vực.

“Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục làm gia tăng nhận thức về mối đe dọa từ cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những động thái này còn tiếp tục leo thang ở Đông Á. Nơi chúng ta không có biện pháp kiềm chế” Panda nói.

Trong vài tháng qua khi các báo cáo về việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản lần lượt được phổ biến, Trung cộng đã cảnh báo Tokyo về những hậu quả tiềm ẩn nếu gia tăng sức mạnh quân sự.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã cáo buộc Nhật Bản “thổi phồng căng thẳng trong khu vực để có cơ hội nâng cấp hệ thống quân sự” và nhắn rằng Nhật Bản cần “nghiêm túc nhìn lại lịch sử xâm lược của mình, tôn trọng những lo ngại về an ninh của các nước láng giềng, hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự, và làm nhiều việc hơn nữa vì hòa bình và ổn định khu vực”.

Một bài xã luận trên tờ Global Times của Đảng cộng Sản Tàu hôm thứ Tư đã chỉ trích gay gắt chính sách an ninh mới của Nhật Bản ngay cả khi nó chưa được công bố”.

Bài xã luận khẳng định “Tín hiệu mà chính sách an ninh mới của Nhật Bản phát ra chắc chắn là rất nguy hiểm”.

Tờ Global Times tiếp tục “Định hướng chiến lược an ninh quốc gia kiểu này chắc chắn sẽ đưa Nhật Bản vào một cuộc đối đầu nguy hiểm và man rợ, và kết cục sẽ là một hành động tự đào mồ chôn mình. Chúng tôi khuyên Nhật Bản nên bình tĩnh”.

Vấn đề nằm ở Đài Loan

Phần lớn căng thẳng giữa Trung cộng và Nhật Bản là nằm tại Đài Loan. Trong hơn 70 năm, hai bên Trung cộng và Đài Loan đều đã thành lập và duy trì bộ máy chính quyền riêng biệt, nhưng điều đó không ngăn được Đảng cộng sản cầm quyền của Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo – mặc dù nó chưa bao giờ nắm quyền kiểm soát.

Tháng 12 năm ngoái, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố rằng “tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản, và do đó là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật-Mỹ”, kêu gọi nhà lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình “đừng bao giờ hiểu sai” về tuyên bố này – và đến nay đây là một tuyên bố vang dội khắp Đông Á.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng chỉ đến khi Trung cộng tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan vào tháng 8 và bắn tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, thì Tokyo mới thực sự đứng lên và nhìn nhận kỹ hơn đến các kịch bản mà Bắc Kinh dành cho hòn đảo này.

Theo giáo sư Quách Dục Nhân của Đại học Quốc gia Trung Sơn, Đài Loan, người chuyên nghiên cứu chính sách quốc phòng của Nhật Bản, thì “Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh và thu hút sự chú ý của người Nhật về mối liên hệ an ninh giữa Đài Loan và Nhật Bản”.

Đài Loan có vị trí chiến lược, nó đứng đầu một chuỗi đảo rất quan trọng với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và bên kia là tuyến giao thông huyết mạnh của toàn bộ thế giới. Nếu hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh thì nó có khả năng khiến nền kinh tế Nhật Bản gặp nguy hiểm, đồng thời điều này cho phép hải quân Trung cộng tự do tiếp cận Thái Bình Dương.  

Yasuhiro Matsuda, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo và là nhà nghiên cứu cấp cao đã nghỉ hưu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản chia sẻ với CNN: “Lập trường của Nhật Bản rất rõ ràng và kiên định – Đài Loan là nền tảng cho an ninh của quốc gia; nó không đơn giản chỉ là một điểm bất đồng trong quan hệ song phương với Trung cộng”.


Văn Sơn (DKN)

 

Posted: 22/12/2022 #views: 1502
Add comment
:
Pages:  [-1]