VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
NGA -TÀU CỘNG TRONG TẦM NGẮM CỦA G7

 

Địa điểm tổ chức hội nghị G7 tại Hiroshima. Ảnh chụp ngày 17/05/2023. © REUTERS / ANDRONIKI CHRISTODOULOU

Anh Vũ (RFI) - Một loạt các cuộc họp thượng đỉnh diễn ra khắp nơi những ngày này đang thu hút sự chú ý của các báo Pháp. Trước hết thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G7, khai mạc tại Hiroshima, Nhật Bản thứ Sáu tới 19/05/2023. Đây là một kỳ họp thường niên đặc biệt, theo ghi nhận của giới quan sát, với mục đích gây áp lực với Nga và đoàn kết trước Tàu cộng.

Cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày từ 19/05 của các nước công nghiệp phát triển sẽ đề cập đến mọi lĩnh vực, từ năng lượng đến trí tuệ nhân tạo. Nhưng trọng tâm sẽ là bàn về những kẽ hở giúp Matxcơva tránh được tác động trừng phạt của G7 đối với kinh tế Nga, cũng như tìm kiếm một đường lối chung đối phó với siêu cường Tàu cộng.

Trang Quốc tế nhật báo kinh tế Les Echos có bài: “G7 nghĩ tới một “NATO kinh tế” chống lại Tàu cộng”. Mục đích đặt ra là thảo luận các giải pháp để đáp trả lại cách hành xử cưỡng ép của Bắc Kinh trong quan hệ kinh tế với các nước, như đã được dư luận quốc tế nói tới thường xuyên gần đây.

Bài báo nhắc lại một sự kiện liên quan đến Nhật. Đó là vào cuối năm 2010, sau những căng thẳng địa chính trị giữa Tokyo và Bắc Kinh trong vùng Biển Hoa Đông, các công ty lớn của Nhật hoang mang khi biết họ bị cắt nguồn cung cấp đất hiếm, loại nguyên vật liệu không thể thiếu để sản xuất từ các loại bình điện, chi tiết điện thoại thông minh, mạch bán dẫn cho đến hệ thống dẫn đường cho tên lửa. Vào thời điểm đó, 90% đất hiếm được sử dụng ở Nhật Bản đều nhập từ Tàu cộng.

Theo các chuyên gia cách hành xử kiểu như vậy của Tàu cộng ngày càng nhiều đối với Nhật Bản cũng như với các nước xung quanh khác. Một thí dụ khác được Les Echos dẫn ra là vào năm 2017, do bực tức với vụ Seoul cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, ngay lập tức Bắc Kinh đóng cửa cấm du khách đến Hàn Quốc, tiếp đó buộc Lotte, tập đoàn phân phối bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc, phải đóng hàng chục cửa hàng ở các thành phố lớn Tàu cộng.

Đến năm 2020, bực mình vì bị Canberra chỉ trích liên quan đến đại dịch Covid-19, Bắc Kinh trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu hàng loạt mặt hàng của Úc như rượu vang, thịt bò, than đá... Từ 2021, đến lượt các doanh nghiệp Litva rơi vào tầm ngắm trả đũa của Tàu cộng, sau khi nước này cho mở văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius.

Les Echos trích dẫn một nghiên cứu của Australia Strategic Policy Institute (Aspi) thống kê được “ từ 2020 đến 2022, Tàu cộng đã tiến hành 73 hành động cưỡng ép” kiểu như trên. Đó chính là lý do thượng đỉnh G7 muốn tìm cách đối phó với chiến thuật cưỡng ép kinh kế của Tàu cộng.

Theo nhà phân tích Shihoto Goto thuộc cơ quan tư vấn Wilson Center, được tờ báo trích dẫn, G7 đang tính đến việc xây dựng “một hệ thống an ninh kinh tế tập thể để đáp trả một dạng quân phiệt hóa kinh tế”. Có thể đó cũng là cách tiếp cận tương tự như điều 5 của NATO, “theo đó khi một nước bị tấn công kinh tế tức là những nước cùng chia sẻ những giá trị chung với nước đó cũng bị tấn công”. Viện Aspi của Úc đề xuất một cơ cấu đa phương giám sát các hành vi cưỡng ép để có các biện pháp trả đũa chung, đồng thời phải có sự tương trợ nhau giữa các quốc gia để bù đắp thiệt hại thương mại do các hành động cưỡng ép kinh tế, mặt khác các nước phải tìm cách đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để tránh lệ thuộc.

Les Echos nhận thấy, dù tất cả các nước G7 đều thừa nhận cần phải tăng cường an ninh kinh tế, giảm lệ thuộc vào một số cường quốc, tất cả các chính phủ, đặc biệt là Liên Âu, vẫn chưa sẵn sàng lên án trực diện cách hành xử của Bắc Kinh. Paris đã khẳng định “đây không phải là G7 chống Tàu cộng”. Như thế có nghĩa, theo tờ báo, thông cáo chung của G7 Hiroshima sẽ không nêu tên Tàu cộng. Dưới áp lực của thủ tướng Nhật và tổng thống Mỹ, chắc có thể sẽ có thông cáo riêng của thượng đỉnh để kêu gọi cộng đồng quốc tế “răn đe, đáp trả tập thể” các hành vi cưỡng ép kinh tế.

Mở rộng mặt trận chống Nga

Cường quốc thứ 2 được thượng đỉnh G7 Hiroshima dành sự quan tâm đặc biệt là Nga. Les Echos ghi nhận qua bài : “ Các lãnh đạo G7 đi tìm đồng minh chống Nga. Bài báo cho thấy tại Hiroshima lần này, G7 đang tìm cách lôi kéo các nước đang trỗi dậy để tạo một mặt trận chung chống Nga. Tóm lại, mục tiêu của G7 là siết chặt hàng ngũ đồng thời mở rộng quy mô. Có thể thấy điều này qua số khách mời dự G7 lần này có lãnh đạo các nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Úc.

Les Echos nhận thấy: “15 tháng sau cuộc xâm lược Ukraina, các lãnh đạo G7 muốn bảo đảm các trừng phạt Nga của phương Tây không bị lách”. Bởi bản thân thực thi các trừng phạt đó, các nước phương Tây trong đó có G7 cũng đã phải trả giá không nhỏ cho nền kinh tế của mình. Ngoài ra, thượng đỉnh G7 lần này dự trù sẽ tăng cường trừng phạt nhằm vào năng lượng và xuất khẩu, hai lĩnh vực giúp cho Mátxcơva có tiền chi phí cho cuộc chiến tranh tại Ukraina.

Tuy nhiên theo tờ báo, ý tưởng của Mỹ về lệnh cấm hoàn toàn trao đổi thương mại với Nga không có cơ may đặt được ở hội nghị Hiroshima. Các nước trong nhóm cũng không thể đạt được đồng thuận, nói gì đến lôi kéo các khách mới kể trên. Theo Les Echos, kết thúc hội nghị dự trù chắc sẽ có 5 tuyên bố về vấn đề nguyên vật liệu cơ bản, ủng hộ Ukraina, giải trừ hạt nhân, chuyển đổi năng lượng và an ninh lương thực.

Tàu cộng lấn sân Trung Á của Nga?

Một thượng đỉnh khác diễn ra gần như song song với G7 được les Echos chú ý tới. Ngày 18 và 19/05, chủ tịch Tàu cộng, Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo 5 nước Cộng hòa ở Trung Á thuộc Liên Xô cũ (Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, Turmenistan và Ouzbekistan).

Tờ báo nhận xét về sự kiện: “ Tàu cộng củng cố dấu ấn tại Trung Á”. Địa điểm được chọn cho cuộc gặp cũng mang nhiều ý nghĩa : thành phố Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa của Trung Hoa cổ đại.

Bắc Kinh đánh giá đây là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên trong năm của Tàu cộng. Trung Á đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong dự án hạ tầng cơ sở chủ chốt dưới thời Tập Cận Bình mà báo chí vẫn gọi là “Con đường tơ lụa mới”.

Les Echos nhận thấy, mục tiêu của thượng đỉnh không chỉ giới hạn ở vấn đề kinh tế hay năng lượng. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Bắc Kinh nhân hội nghị này để chứng tỏ minh là một đối tác về an ninh đáng tin cậy với Trung Á, khu vực từ trước tới nay vẫn dựa hoàn toàn vào sự bảo đảm an ninh của Nga.

Theo tờ báo, ý đồ muốn đóng vai trò chủ chốt trong khu vực Trung Á của Bắc Kinh không phải bây giờ mới có. Từ lâu nay Bắc Kinh vẫn coi Trung Á là vùng trọng yếu giúp Tàu cộng mở rộng thương mại và bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như là góp phần cho sự ổn định của Tân Cương.

Những năm gần đây Tàu cộng đang dần dần tìm cách cắm chân tại các quốc gia, vốn được coi là sân sau của Nga. Les Echos cho biết, Tàu cộng hiện là chủ nợ lớn nhất của Kirghizistan, lên tới 4 tỷ đô la, chiếm 40% nợ nước ngoài của nước này.

Hội Đồng Toàn Châu Âu ủng hộ Ukraina

Vẫn xoay quanh chủ đề các hội nghị thượng đỉnh, trên trang quốc tế của Les Echos, tờ báo có bài “Hội Đồng toàn châu Âu muốn giúp Ukraina thế nào”. Tổ chức ra đời từ năm 1949, tập hợp 46 quốc gia, đang họp thượng đỉnh tại, Reykjavik, Iceland. Đây là phiên họp toàn thể đầu tiên sau khi khai trừ Nga năm ngoái vì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.Theo tờ báo, thượng đỉnh lần này trước tiên là dịp để gửi “thông điệp ủng hộ và đoàn kết với Ukraina, nước cũng là thành viên của Hội đồng. Thượng đỉnh có mục đích xem Hội Đồng Toàn Châu Âu có thể hộ trợ tích cực Ukraina thế nào.

Ngoài hồ sơ Ukraina, hội nghị cũng sẽ quan tâm đến tình trạng thụt lùi về dân chủ tại Châu Âu cũng như các vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, một chủ đề đang rất thời sự.

Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan vẫn được ủng hộ

Nhật báo Le Monde đến với Thổ Nhĩ Kỳ, hôm Chủ nhật ( 14/05) vừa diễn ra vòng một cuộc bầu cử tổng thống, với bài phóng sự dài có tựa đề “Thổ Nhĩ Kỳ: Những động lực của phiếu bầu cho Erdogan”. Tờ báo cho thấy bất kể đất nước đang bị khủng hoảng kinh tế, chính quyền mất uy tín, tổng thống mãn nhiệm Recep Tayyip Erdogan vẫn thống trị chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng 1 bầu cử, theo kết quả kiểm phiếu chính thứ được công bố, ông Erdogan giành được 49,51% phiếu bầu, gần đạt được con số để thắng cử ngay vòng đầu. Ở cuộc bầu cử Quốc Hội đảng AKP của ông cũng có được đa số tuyệt đối, giành được 322 trên 600 ghế. (RFI)

 

Posted: 17/05/2023 #views: 794
Add comment
:
Pages:  [-1]