VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
BIỂN ĐÔNG: TRUNG CỘNG “NẮN GÂN” BIDEN GIỐNG NHƯ VỚI OBAMA

 

Biển Đông: Trung Quốc "nắn gân" Biden giống như với Obama

Ảnh minh họa : Tàu Trung cộng thả neo ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh chụp ngày 27/03/2021. (via REUTERS - PHILIPPINE COAST GUARD)

Thanh Phương - Với việc tập trung hàng trăm tàu (nay giảm xuống còn hàng chục tàu) tại khu vực Đá Ba Đầu, Trung cộng có vẻ như muốn trắc nghiệm quyết tâm của tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc thực hiện cam kết là Hoa Kỳ sẽ cùng với các nước đồng minh trong khu vực ngăn chận mọi hành động của Bắc Kinh nhằm lấn chiếm Biển Đông.

Theo phía Trung cộng, các chiếc tàu đang neo đậu sát nhau tại khu vực Đá Ba Đầu, trên cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, chỉ là để tránh gió bão, chứ không phải là tàu dân quân biển như tố cáo của Philippines. Nhưng theo lời ông Carl Schuster, một cựu quan chức Trung tâm Tình báo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, được hãng tin Bloomberg trích dẫn ngày 06/04/2021, không một ai lại đưa tàu đi tránh bão nhiều tuần trước khi bão ập đến. Nếu thật sự đó là những tàu thương mại, một ngày neo đậu, không có hoạt động gì, sẽ tốn mất hàng ngàn đôla.

Cho nên, người ta nghi là Bắc Kinh sẽ dùng chiến thuật giống như đã từng làm trong việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012. Trên mạng Twitter vào tháng 1/2021, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã nhắc lại chuyện chính quyền Obama trước đây đã không có hành động gì ngăn chận được Trung cộng chiếm đóng bãi cạn này, mở màn cho việc thực hiện kế hoạch của ông Tập Cận Bình xây dựng các cơ sở quân sự trên khắp Biển Đông.

Theo lời ông Carl Schuster, việc Trung cộng tập trung nhiều tàu ở khu vực Đá Ba Đầu là "một cuộc trắc nghiệm để xem chính quyền (Biden) phản ứng đến mức độ nào. Cách phản ứng của Mỹ sẽ quyết định cho cuộc trắc nghiệm kế tiếp".

Vào tháng trước, Washington đã tuyên bố sẽ sát cánh với Philippines, đồng thời tố cáo Bắc Kinh sử dụng lực lượng dân quân biển để "de dọa, khiêu khích các nước khác". Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, khi được hỏi về quan hệ với Trung cộng, tổng thống Biden đã nói là chính quyền của ông sẽ buộc Trung cộng tuân thủ các luật lệ trên Biển Đông và ở khắp nơi".

Nhưng theo nhận định của hãng tin Bloomberg, vấn đề là Mỹ phải đáp trả như thế nào cho tương xứng. Việc Trung cộng sử dụng các tàu cá thương mại chẳng khác gì một chiến thuật "vùng xám" để họ có thể bác bỏ mọi cáo buộc "sai lạc". Trong khi việc đưa hàng không mẫu hạm hay các chiến hạm khác đến khu vực Đá Ba Đầu có thể bị xem là một phản ứng thái quá, và khiến Hoa Kỳ có thể bị xem là kẻ gây hấn.

Nhưng nếu không có phản ứng gì thì Mỹ có thể bị trách là quá mềm yếu. Trong những năm qua, Washington đã liên tục thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông, gia tăng tần suất của các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải chung quanh các đảo đang tranh chấp ở vùng biển này. Chính quyền Biden cũng đã tái khẳng định là hiệp ước phòng thủ chung với Philippines sẽ được áp dụng trong trường hợp đồng minh châu Á này của Mỹ bị tấn công ở Biển Đông. Đây là điều đã được làm rõ dưới thời tổng thống Donald Trump, sau nhiều thập niên Washington cứ mập mờ về điểm này.

Cũng theo Bloomberg, một khó khăn khác đối với tổng thống Biden, đó là tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một nhân vật chủ trương thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, làm suy yếu liên minh truyền thống với Mỹ. Hãng tin này trích lời ông Rommel Ong, cựu thiếu tướng Hải quân Philippines, nay là giáo sư đại học ở Manila: "Khi nào mà tổng thống Duterte còn nắm quyền, các phương án hành động của Hải quân sẽ còn rất hạn chế. Không có một chiến lược nào khác ngoài các công hàm ngoại giao phản đối và những lời lẽ chống Trung cộng trên các mạng xã hội".

Sau cả tuần im lặng về vụ Trung cộng tập trung hàng trăm tàu ở khu vực Đá Ba Đầu, tổng thống Duterte hôm qua đã ra tuyên bố nói rằng vụ này nên được giải quyết một cách "hòa bình" và không để nó gây tổn hại cho quan hệ Philippines - Trung cộng.

Tuy vậy, theo lời Shahriman Lockman, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, lần này Hoa Kỳ "không còn ngây thơ", như trong vụ bãi cạn Scarborough năm 2012. Vào lúc đó, Washington đã thất bại, không dàn xếp được một thỏa thuận về việc Trung Quốc, Philippines đều rút ra khỏi bãi cạn Scarborough và điều này đã gây tổn hại rất nhiều cho uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á. Nhưng ông Lockman cũng lưu ý: "Hoa Kỳ đang rất cảnh giác về việc can thiệp vào vụ này, không biết là họ có sẽ bị chỉ trích là khiến cho tình hình leo thang hay không. Đây là một khả năng rất có thể xảy ra với một giới lãnh đạo thất thường ở Manila."

MỸ CẢNH CÁO TRUNG CỘNG VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ ĐÀI LOAN

Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông và Đài Loan

 Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 31/03/2021. REUTERS - POOL

Hôm qua, 07/04/2021, Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về những hành động ngày càng hung hăng đối với Philippines và Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh đến những nghĩa vụ của Washington đối với các đối tác châu Á.

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price khẳng định : « Một cuộc tấn công vũ trang chống các lực lượng quân sự, các tàu hay các phi cơ của Philippines tại vùng Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sẽ buộc chúng tôi thi hành các nghĩa vụ chiếu theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ».

Ông Ned Price nói thêm : « Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của đồng minh Philippines trước những thông tin về sự tập hợp liên tục của lực lượng trên biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại khu vực gần Đá Ba Đầu ».

Khoảng 200 tàu của Trung cộng đã bị tuần duyên Philippines phát hiện từ ngày 07/03 ở khu vực Đá Ba Đầu, thuộc Cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, cách tỉnh Palawan của Philippines 320 km. Nhưng đa số các tàu này sau đó đã phân tán ra những khu vực khác của quần đảo Trường Sa. Từ mấy tuần qua, Bắc Kinh vẫn từ chốt rút các tàu của họ, mà Manila khẳng định là đã xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Căng thẳng cũng đã bùng lên giữa Trung cộng với Đài Loan. Theo Đài Bắc, hôm qua đã có thêm 15 phi cơ Trung cộng, trong đó có 12 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trong những tháng gần đây, hầu như ngày nào cũng có phi cơ Trung cộng xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Tình hình lên đến mức mà ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) hôm qua đã tuyên bố Đài Loan sẽ « chiến đấu đến cùng » nếu bị Trung cộng tấn công.

Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price đã bày tỏ mối « quan ngại » của Washington về những hành động này của Bắc Kinh. Ông Ned Price nhắc lại là chiếu theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), Mỹ có nghĩa vụ cung cấp vũ khí cho Đài Loan nếu đảo này bị Trung cộng tấn công.

Trong bối cảnh căng thẳng này, hải quân Mỹ thông báo là chiếc khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường John S.McCain hôm qua đã đi ngang qua eo biển Đài Loan trong một chuyến đi « bình thường ».


Thanh Phương (RFI)

 

Posted: 08/04/2021 #views: 1464
Add comment
:
Pages:  [-1]