VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
ĐẢNG NÓI LO CHO HẠNH PHÚC CỦA DÂN HAY CHỈ “ĐẦU MÔI, CHÓT LƯỠI” ?

 

Đảng nói lo cho hạnh phúc của dân hay chỉ 'đầu môi, chót lưỡi'? — Tiếng Việt

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 5/10/2020 (AFP Photo)

RFA - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời lãnh đạo cho rằng, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập, Đảng luôn hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân.

Giới chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thường cho rằng, tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ là nguồn gốc của mọi thành công, là quan điểm trị quốc chủ đạo.

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA hôm 8/7 từ Nha Trang, nhận định:

Lâu nay Đảng Cộng sản Việt Nam cứ đưa ra những khẩu hiệu vì nhân dân mà phục vụ, nhưng trên thực tế lời nói và việc làm cách xa nhau lắm. Đơn cử như khi Nhà nước Việt Nam đang còn tranh giành quyền kiểm soát đất nước, họ đưa ra khẩu hiệu ‘ruộng đất cho dân cày’... đến khi Việt Minh chiếm được thành phố nào thì đều tác động vào nông nghiệp, giảm sưu thuế của chế độ cũ cho dân bớt khổ. Hay họ tiến hành cải cách ruộng đất, lấy đất của địa chủ để chia cho nông dân chưa có đất. Chính vì những động tác đó nên người nông dân cho con em mình ra mặt trận chiến đấu để giành quyền tối thượng về cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng khi đã kiểm soát được đất nước, thì suốt mấy chục năm nay Luật đất đai của họ quy định rõ ‘đất đai’ thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý.”

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, chính vì Luật đất đai này, nên đất của người dân bao đời nay tự nhiên mất trắng về tay nhà nước, người dân chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu, Nhà nước muốn lấy lúc nào thì lấy, thậm chí người dân sử dụng phải theo mục đích của nhà nước, chứ không phải muốn làm gì thì làm, muốn bán cho ai thì bán. Ông Tạo nói tiếp:

“Từ những năm 90 trở đi, khi Nhà nước có chủ trương phát triển mạnh kinh tế tư nhân, các chủ dự án bất động sản đã móc nối với quan chức nhà nước tiến hành thu hồi đất của người dân, đền bù rẻ mạt, họ làm giàu trên những miếng đất đó bằng cách làm những dự án bất động sản bán với giá cao khủng khiếp, gấp vài chục lần cho đến hàng trăm lần. Những cái đó tạo ra bất ổn xã hội, tạo ra một lượng dân oan hàng trăm ngàn người khắp ba miền đất nước. Những người mất đất đi khiếu kiện bị quy là thành phần chống đối, nhiều người bị khủng bố, thậm chí bỏ tù. Nói thiệt người dân không có hài lòng với đất nước, nhưng nhà nước cộng sản nào cũng nắm bạo lực trong tay, người dân không một tấc sắt nên đa số cúi đầu cam chịu, nhưng không hài lòng.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ông lo ngại tình trạng này nếu kéo dài thì xã hội Việt Nam khó lòng mà yên ổn.

Trong các văn kiện Đảng cũng cho rằng, hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hiện thực hóa mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân theo tinh thần các Đại hội của Đảng.

Nhạc sĩ Lê Thiệu khi trả lời RFA từ Sài Gòn liên quan vấn đề này cho biết thực tế:

“Làm gì có hạnh phúc, người dân một số ít nào đó giàu có nhưng cũng không hạnh phúc được, vì bây giờ thực phẩm bẩn, thậm chí người giàu cũng không biết ung thư chết lúc nào, tai nạn giao thông xảy ra lúc nào. Đó là người giàu, chưa nói người nghèo chạy ăn từng bữa khổ te tua. Nên hạnh phúc của đa số người dân là điều rất mơ hồ mà cá nhân tôi là một trong những người dân tôi chưa từng thấy. Đảng cố giữ đảng, cố giữ chế độ thôi, còn thực sự họ không lo lắng gì cho người dân nghèo khổ, coi như là bỏ mặc, nói chung dân người nào sống được cứ sống, khổ thì cứ khổ...

Ảnh minh họa: Quang cảnh một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.  (AFP)

Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Vậy phải hiểu các đảng viên coi ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’ là gì? Liệu họ có coi trọng hơn ‘lợi ích của Đảng’?

Một người không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận xét với RFA:

“Bề ngoài thì bao giờ cũng nói vì lợi ích quốc gia, vì nhân dân, vì đất nước. Nhưng bởi vì cái đảng này độc tài, có một đảng thôi, không có ai cạnh tranh quyết liệt. Ví dụ đảng này có một người bộ trưởng hay ủy viên trung ương chẳng hạn mà có điều tiếng, chưa nói đến tham nhũng rõ ràng... thì cả cái đảng đó từ chức để đảng khác lên, thì lúc đó mới chính thức là vì nhân dân. Nhưng bây giờ họ nói họ vì nhân dân đất nước nhưng họ vẫn cứ một đảng, rồi nếu họ có tham nhũng, vi phạm nhân quyền, cướp đất đai tài sản của nhân dân... thế nhưng khi xử án thì chính đảng viên đảng cộng sản lại xét xử chính người của họ.”

Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Còn nhân dân có thể hiểu là tập hợp đông đảo những người dân thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, tôn giáo... đang sống trong một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như ‘nhân dân Việt Nam’.

Khi trả lời RFA hôm 8/7/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, giải thích thêm:

“Hạnh phúc của nhân dân không đặt trên bình diện cá nhân. Bình diện cá nhân thì hạnh phúc là chuyện riêng tư, đảng và nhà nước hay bất kỳ ai có quan tâm cũng chịu, không can thiệp được. Ở đây là đặt trên bình diện của một cộng đồng, vấn đề không phải là quan tâm, không phải là ở trên quan tâm dưới, mà là chính quyền ăn thuế của người dân, dân nuôi chính quyền, thì hành xử sao cho đời sống của nhân dân càng ngày càng tăng lên. Cái đó không phải là vấn đề đạo đức, mà trước hết là vấn đề chính danh của chính quyền. Một chính quyền mà không làm sao để cho người dân đời sống càng ngày càng tăng trưởng, thì chính quyền ấy mất đi tính chính danh. Vì thế khi nói quan tâm như vấn đề riêng tư là không đúng, nên bỏ cách nói đó, nhiệm vụ của chính quyền là nên đặt ra vấn đề nhiệm vụ hơn thuần túy chỉ là đạo đức.”

Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu chỉ có một đảng cầm quyền thì các vị lãnh đạo muốn nói gì cũng được. Nếu người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mà nhân danh Đảng, cam kết cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức chính trị xã hội khác, ai tốt hơn sẽ lên lãnh đạo..., thì lúc đó người dân sẽ tin rằng các nhà lãnh đạo đó vì nhân dân, vì đất nước... (RFA)

 

Posted: 10/07/2022 #views: 2128
Add comment
:
Pages:  [-1]