VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ LÃNH HẢI CỦA VIỆT NAM THEO LUẬT BIỂN QUỐC TẾ

 

Một số vấn đề về quản lý lãnh hải của Việt Nam theo Luật biển Quốc tế —  Tiếng Việt

Hải quân Hoa Kỳ thực hành "đi qua không gây hại" trên Biển Đông (The US Navy)

RFA - Luật Biển Việt Nam yêu cầu tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam thì cần có “thông báo” trước. Hoa Kỳ cho rằng yêu cầu này trái với Công ước Quốc tế về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Hoa Kỳ không chỉ phản đối Trung cộng mà hằng năm còn thực hành quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải một số thực thể địa lý do Việt Nam quản lý để phản đối yêu cầu nói trên trong Luật biển Việt Nam.

Lãnh hải là không gian biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Như Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy đã trao đổi với RFA ở bài trước, Việt Nam chọn những điểm xa bờ, có khi đến khoảng 80 hải lý, để làm điểm cơ sở. Điều này làm cho vùng nội thủy của Việt Nam trở nên rộng quá mức so với yêu cầu của UNCLOS và tập quán quốc tế.

Hoa Kỳ phản đối lãnh hải của Hoàng Sa do Trung cộng xác lập

Hồi tháng 5 năm nay, Hải quân Hoa Kỳ cho tàu thực hành quyền “đi qua không gây hại” trong “lãnh hải” của nhiều thực thể địa lý trên Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo để phản đối một số nước liên quan.

Trong đó, Trung cộng là bên phản ứng mạnh mẽ nhất khi Hải quân Hoa Kỳ đi vào lãnh hải của Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Trung cộng đã công bố đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa. Đây là một hành động vi phạm UNCLOS và đã bị Hoa Kỳ phản đối.  

Hồi tháng 5 năm ngoái, khi tiến vào vùng “lãnh hải” mà Trung cộng thiết lập một cách bất hợp pháp ở Hoàng Sa, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã lập luận như sau để phản đối lập trường của Trung cộng:

“Hoa Kỳ phản đối tuyên bố năm 1996 của Trung cộng về các đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa. Bất kể quốc gia nào có chủ quyền đối với các đảo thuộc Hoàng Sa, quốc gia đó không được phép vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh toàn bộ quần đảo đó vì như vậy là bất hợp pháp. Công ước Quốc tế về Luật Biển đã thể hiện vừa rõ ràng vừa toàn diện về các trường hợp mà các Quốc gia có thể không sử dụng đường cơ sở “bình thường”. Các đường cơ sở thẳng không thể được vẽ một cách hợp pháp tại Hoàng Sa theo luật biển quốc tế như được phản ánh trong Điều 7 của Công ước Luật Biển. Hơn nữa, luật pháp quốc tế không cho phép các Quốc gia lục địa, chẳng hạn như Trung cộng, thiết lập các đường cơ sở xung quanh toàn bộ các nhóm đảo phân tán. Với những đường cơ sở này, Trung cộng đã cố gắng yêu sách các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn những gì họ có thể được hưởng theo luật pháp quốc tế. Bằng cách tiến hành hoạt động đi qua không gây hại tại đây, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng những vùng biển này nằm ngoài những gì Trung cộng có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của mình, và rằng các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Hoa Kỳ cũng phản đối Việt Nam về đường cơ sở

Hoa Kỳ phản đối mạnh đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa mà Trung cộng vẽ một cách bất hợp pháp nhưng không phải là Việt Nam không có vấn đề với vấn đề lãnh hải khi đối chiếu với UNCLOS. Tất nhiên là mức độ vi phạm hay trái ngược với UNCLOS của Việt Nam nhẹ hơn nhiều so với Trung cộng. Ở đây, có sự khác biệt về lập trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đối với cách quản lý vùng lãnh hải theo UNCLOS.

Điều 8 của UNCLOS quy định rằng những vùng nước xưa kia không thuộc nội thủy, sau này trở thành nội thủy thì tàu bè các nước vẫn được đi qua không gây hại. Như vậy, ngay cả khi tàu chiến Mỹ “đi qua không gây hại” trong nội thủy của một số “đảo” “đá” ở Trường Sa, Côn Đảo trên Biển Đông hay Thổ Chu trong vịnh Thái Lan thì vẫn hành xử đúng luật.

Tuy nhiên, Luật Biển Việt Nam, ở Khoản 2, Điều 12, yêu cầu tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam thì cần có “thông báo” (notification) trước. Như vậy Việt Nam không yêu cầu tàu nước ngoài phải “được phép” (permission).

Đối với điều khoản nói trên trong Luật biển Việt Nam, Hải quân Mỹ lập luận rằng:

“Trung cộng, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với một số hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan đều vi phạm luật quốc tế khi yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải nhận được sự phê chuẩn hoặc thông báo trước thì mới được thực hiện quyền “đi qua không gây hại” trong lãnh hải của những thực thể địa lý liên quan.

Theo luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp quốc, tàu của tất cả các quốc gia - bao gồm cả tàu chiến của họ - được hưởng quyền “đi qua không gây hại” qua lãnh hải.

Luật pháp quốc tế không cho phép đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu “phải được cho phép” hoặc phải “thông báo” trước để được “đi qua không gây hại”.

Vì vậy Hoa Kỳ đã thách thức các yêu cầu này. Bằng cách tiến hành “đi qua không gây hại” mà không “thông báo” trước hoặc “xin phép” bất kỳ bên nào, Hoa Kỳ đã thách thức những chế tài bất hợp pháp do Trung cộng, Đài Loan và Việt Nam áp đặt. Hoa Kỳ đã chứng minh rằng quyền “đi qua không gây hại” không bị chế tài như vậy.”

Vấn đề nhỏ, tác động không lớn

Việt Nam và Hoa Kỳ có hai cách nhìn khác biệt nhau về cách quản lý của quốc gia ven biển đối với quyền đi qua không gây hại của tàu nước ngoài trong lãnh hải. Trao đổi với RFA, Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, nhận xét:

“Tôi cho rằng luật Việt Nam về đường cơ sở thẳng và quyền đi qua không gây hại không phù hợp với UNCLOS bằng quan điểm của Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là mối đe dọa cho Mỹ, không có khả năng áp đặt quan điểm của mình  lên bất cứ nước nào, và có lẽ Việt Nam cũng ngầm chấp nhận rằng đường cơ sở 1982 không phù hợp với UNCLOS.

Vì vậy, dù Mỹ vẫn khẳng định quyền lợi của họ, Mỹ và Việt Nam không có những sự căng thẳng trên biển như giữa hai nước này và Trung cộng.” (RFA)

 

Posted: 18/10/2022 #views: 4502
Add comment
:
Pages:  [-1]