VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
CÔNG VIÊN HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO - MỘT BIỂU TƯỢNG KHÔNG THỂ THIẾU TẠI THÀNH PHỐ CALGARY, ALBERTA, CANADA

Ý Dân
 
Tại sao cần biểu tượng ?
Biểu tượng là một hình tượng có thể là một kỳ đài, một công viên, một tòa tháp, một quảng trường, khắc ghi hình ảnh của một cá nhân hay tập thể, một ý nghĩa đáng tôn vinh, một biến cố trọng đại dựng nên ở những nơi công cộng, dễ gây sự chú ý và để lại ấn tượng lâu dài trong ký ức của công chúng. Các chế độ cầm quyền, từ thời phong kiến cho đến thời cận đại, thường tạc tượng của người lãnh đạo và dựng lên tại những công viên, đường phố, như tượng Hoàng Đế Nã Phá Luân của Pháp, tượng Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ, Hitler của Đức Quốc Xã, Lenin và Stalin của Liên Xô, Kim Chính Nhật của Bắc Hàn, v.v... Người ta cũng thường tạc tượng của những vị anh hùng dân tộc đã làm nên những công trạng hiển hách trong việc dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi, như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học của Việt Nam, v.v...
 
Biểu tượng vinh danh những lãnh đạo của các chế độ độc tài thường chỉ tồn tại trong thời gian chế độ đó còn cầm quyền, nhưng khi chế độ đó suy tàn, sập đỗ thì dân chúng sẽ hạ bệ và đập phá để xóa đi những ấn tượng không tốt như tượng của Hitler, Lenin, Stalin, Saddam Hussein, v.v... và rồi đây sẽ còn nhiều nhà độc tài khác sẽ bị hạ bệ khi người dân đứng lên giành lấy quyền tự quyết của mình. Ngược lại, những biểu tượng đặc trưng cho một ý nghĩa, một giá trị tinh thần thiêng liêng, cao quý hoặc tôn giáo thì được mọi người dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào cũng luôn được tôn kính, trùng tu và gìn giữ như các Thánh Gandhi, Mục Sư Martin Luther King , Đức Mẹ Maria, Chúa Giêsu, Đức Phật, các vị Thánh Tổ, Tượng Nữ Thần Tự Do,v.v...; Biểu tượng ghi tên những người lính Mỹ đã hy sinh để bảo vệ thành trì tự do cho miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của Chủ Nghĩa Cộng Sàn tại Đông Nam Á đặt tại Washington DC (U.S. national memorial Monument) là những thí dụ điển hình. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật đã cho xây công viên Hòa Bình (Hiroshima Peace Memorial Park) và Thiền Đường (Nagasaki National Peace Memorial Hall) để dân chúng đến tưởng niệm và cầu nguyện cho nạn nhân bị chết vì bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, nhắc nhở với thế giới không nên dùng vũ khí nguyên tử để sát hại lẫn nhau.
 
Ngoài ra có những biểu tượng ghi lại một biến cố lịch sử trọng đại như vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989 đã được dựng lên ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Mỹ. Biểu tượng lên án chủ nghĩa Phát Xít đã được dựng lên tại thành phố Hamburg, Đức Quốc, Vienna, Áo Quốc... Và đài tưởng niệm hàng trăm triệu nạn nhân đã bị giết, bách hại bởi chủ nghĩa CS trên thế giới đã được dựng lên tại nhiều nơi ở Canada, Anh, Pháp, Úc, Mỹ...
 
 
Tại sao biểu tượng Hành Trình Tìm Tự Do của Người Việt Tỵ Nạn cần phải được khắc ghi ?
Hơn 4 thập niên đã trôi qua kể từ ngày Miền Nam Việt Nam bị cộng sàn Việt Nam cưỡng chiếm, áp đặt Chủ Nghĩa Cộng Sàn, một chính sách độc tài toàn trị, lên khắp cả nước. Làn sóng người Việt bỏ nước ra đi để tìm tự do, hơn 50% đã không may bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển. Số còn lại may mắn được đi định cư khắp các châu lục. Nay, tập thể người Việt tự do Hải Ngoại khắp nơi trên thế giới đa số đã thành đạt, ai cũng có công việc làm ăn, nhiều người giàu có, nhà cửa, xe cộ, con cháu học hành đỗ đạt, làm ông này bà nọ… Có điều lâu dần mọi người quên bẵng đi cái quá khứ hãi hùng khi mà cuộc sống không nhà, không cửa, không cơm ăn, không áo mặc, lây lất trên vùng kinh tế mới hay về sống lại trên vỉa hè thành phố; những đêm dài thao thức sợ hãi vì không có hộ khẩu, trạm trú, tạm vắng; những ngày tháng lao nhọc trong các trại cải tạo trên rừng núi Việt Bắc; những đêm dài thức trắng để chôn dầu vượt biển với ước mơ được sớm đào thoát ra khỏi địa ngục ở trần gian.
 
Nếu có ai may mắn, đã bước lên được con thuyền mong manh chở số người quá tải, lênh đênh trên sóng nước đại dương với bao bất trắc, hiểm nguy từng phút từng giây chực chờ ập đến: Bão tố, hết dầu, hết thức ăn nước uống, thuyền chết máy, thuyền lủng, và… hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, giết người quăng xuống biển, …thì đó chính là do phúc phần mà thoát được hiểm nguy trong đường tơ kẽ tóc. Có một số ít may mắn đến được các trại tị nạn, thì lại mỏi mòn chờ đợi Liên Hiệp Quốc và Đệ Tam Quốc Gia cứu xét để đi định cư, trong đó cũng có nhiều người thiếu may mắn, không đủ tiêu chuẩn tị nạn chính trị, đã bị trả ngược về lại Việt Nam. Đó chính là cái giá phải trả của những người con dân nước Việt, quyết định đánh đổi sự sống của chính mình cho hai chữ Tự Do.
 
Dĩ nhiên không ai muốn ôm hoài trong tâm tưởng những nổi thống khổ trong cuộc đời mình. Nhưng chúng ta thử bình tâm hồi tưởng và sống lại chỉ vài phút giây trong những tình huống ở trên để thấy giá trị tự do chúng ta có được ngày hôm nay quả là một cuộc hành trình đầy cam go, gian khổ, và đầy nước mắt, nhưng rất can đảm, may mắn và đầy ơn phước từ nhiều nhà bảo trợ hảo tâm, nhiều quốc gia mở rộng bàn tay cứu vớt, giúp đỡ và tiếp nhận chúng ta vào đất nước của họ. Sự kiện đó đáng được ghi nhớ và phải phổ biến để các thế hệ con cháu Việt Nam cũng như người ngoại quốc khắp nơi trên thế giới trân quý, gìn giữ, bảo vệ hai chữ Tự Do như một di sản không thể đánh mất được. Mỗi một người tị nạn bỏ nước ra đi, đã tự mình viết lên một trang sử bi hùng với một lựa chọn không đắn đo: Tìm sự sống trong cái chết vì hai chữ TỰ DO, sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả, cho dù hậu quả đó xấu nhất đến với mình.
 
Rồi cũng hãy hồi tưởng và sống lại với cảm giác trong những giây phút khi bước lên được chiếc thuyền vượt biển, giây phút ra khỏi tầm kiểm soát của công an biên phòng rồi ra tới hải phận quốc tế, giây phút được cứu vớt lên những chiếc thuyền lớn chở đến (hoặc thuyền mình tự đến) các trại tị nạn, giây phút bước lên chiếc Boeing 747 để đi định cư. Mỗi giây phút đó là một sự hồi hộp, thử thách, gây cấn, nhưng qua được là hạnh phúc thiên đường, bay bổng lên tới tận mây xanh, một cảm giác vừa bước ra và thấy lại sự sống từ cõi chết - hơn xa hẳn và không thể so sánh được với cảm giác mà ta đang vui sướng khi có được vật chất, tiền tài, danh vọng, thành đạt của ngày hôm nay.
 
Có khi nào chúng ta tự đặt cho mình một câu hỏi: Tại sao ta được may mắn như thế so với 50% số người đã bỏ mình trên đường vượt biên, làm mồi cho cá trên đường vượt biển hay với những người đang còn kẹt lại trong vòng kìm kẹp của đảng Cộng Sản Việt Nam, sống lây lất chịu đựng cho qua kiếp này ở quốc nội ? Thật ra không phải ngẫu nhiên mà ta được may mắn hơn hẳn hàng triệu người khác kém may mắn hơn ta đâu ! Nếu tin vào định luật nhân quả và thuyết luân hồi, thì lý do ta hưởng được cái phước đến được một nơi chốn tự do, có đời sống an lành, ấm no, hạnh phúc của ngày hôm nay là do kết quả của việc làm hành thiện của chính ta trong một hay nhiều kiếp quá khứ nào đó mà ta đã đóng góp vào những việc công ích giúp cho nhiều người được tự do, thoát ra khỏi sự giam cầm, tù tội, áp bức… Nhân thiện trong tiền kiếp nay đã trổ quả lành hiện đời, nên mọi việc hanh thông, may mắn, thành tựu viên mãn, đến được bến bờ tự do và có cuộc sống tốt đẹp. Nhân nào Quả đó là vậy!
 
Và cũng xin nhớ rằng, người xưa có câu "Hưởng phước, bất hưởng tận. Hưởng tận, tức nghèo cùng”, nghĩa là có được phước báu xin đừng hưởng hết, vì nếu hưởng hết thì phước tận, không còn. Cũng như ta có tiền trong ngân hàng nếu đem ra tiêu hết thì balance sẽ là con số zero hoặc là số âm, nhưng nếu ta vừa tiêu xài vừa làm ra tiền rồi ký thác (deposit) lại trong trương mục (account), thì lúc nào tiền trong ngân hàng luôn rủng rỉnh, không hết. Bởi vậy, hôm nay có được đời sống tự do, chúng ta cần phải tiếp tục đóng góp vào những việc công ích chung, tiếp tục xiển dương giá trị tự do, để thế giới này giảm thiểu các chế độ độc tài, nhân loại ngày càng được tự do, dân chủ, nhân quyền, đời sống công bằng, bình đẳng và đầy nhân tính hơn. Hành động bo bo, ích kỷ chỉ biết lấy mình, gia đình mình, miễn sao no cơm ấm áo là được, mặc ai làm gì thì làm, nhắm mắt làm ngơ trước những nổi thống khổ của người khác, là một phương cách làm cho trương mục phước báu (Account of Merit) của mình chóng cạn kiệt. Tương lai khi gặp những hoàn cảnh khó khăn trắc trở, rơi vào tình trạng bế tắc, không biết đâu mà mò!
 
Một số người Việt Hài Ngoại đã trở về các trại Tị Nạn ở Đông Nam Á như Sakeo, Nong Samet,Thái Lan; Paula Bidong ở Mã Lai; Bahasa, Kuku ở Nam Duong; Manila, Mindanao, Subic Bay ở Phi Luật Tân; Sham Shui, Kai Tak ở Hong Kong để xây nghĩa trang, đài tưởng niệm cho những thuyền nhân không may đã bị tử vong khi đang còn nằm trong các trại tị nạn.
 
Tại Montreal, Liên Hội Người Việt Canada cũng đã có những nỗ lực xây dựng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân. Tập thể người Việt Hải Ngoại tại Úc cũng đã lập Văn Khố Thuyền Nhân để ghi lại cuộc hành trình vượt biên vượt biển của Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam. Đó là những việc làm đáng ca ngợi.
 
Nay, Dự án xây Công Viên Hành Trình Tìm Tự Do của Thuyền Nhân Việt Nam ở thành phố Calgary được Cộng Đồng Người Việt và một số người tâm huyết ở đó thực hiện tại góc đại lộ 17th Ave & 26 Street SE, đang nằm trong thời gian vận động quyên góp cho kinh phí trên 1 triệu Gia Kim, lễ đặt viên đá đầu tiên và khởi công đã thực hiện vào ngày 30/4/2021. Dự kiến sẽ hoàn tất vào mùa xuân 2022.
 
Tại sao lại Thành phố Calgary ?
 
1) Thành phố đầu nguồn đón đưa du khách đến và đi từ khắp nơi trên thế giới:
Thành phố Calgary thuộc tỉnh bang Alberta, nước Gia Nã Đại, nằm ở hướng Đông cách rặng núi Thạch Sơn (Rocky Mountains) khoảng 1 tiếng 20 phút nằm về hướng Tây. Trước khi đại dịch Covid xảy ra, thành phố này hằng năm có hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để bắt đầu một chuyến đi thưởng ngoạn những nét đẹp hùng vĩ nhất của rặng Thạch Sơn ở Canada nổi tiếng khắp thế giới. Lượng du khách, chỉ riêng từ nước láng giềng phương Nam như Mỹ đã có nhiều người lái xe từ những tiểu bang xa xôi tận miền Đông sang như Virginia, New York, North Carolina, Massachusetts, ...hay từ miền viễn Tây California, Seattle,... miền Trung Mỹ Texas, New Mexico… sang tận Alberta hàng năm. Thử đi lên Banff, Lake Louise hay Jasper National Parks sẽ thấy có rất nhiều biển số xe lạ, mới biết du khách Mỹ qua Canada du lịch rất nhiều. Lý do thứ nhất là tiền dollar Mỹ (hay tiền Euro) cao hơn tiền Canada, nên qua Canada du lịch du khách thấy rẻ, ăn xài thoải mái. Lý do thứ hai Canada là đất nước rộng mênh mông, đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Nga, có nhiều thắng cảnh, núi non, thác nước, sông hồ, biển cả, đỉnh núi tuyết trắng xóa, hàng hàng lớp lớp nối tiếp nhau, che phủ cả bầu trời xanh ngắt giữa ánh nắng chói chang của mùa hè, một hình ảnh thiên nhiên tương phản thật khó tìm, chỉ có thể nhìn thấy trong tranh vẽ, tuy vậy vì ở độ cao nên khí hậu mát mẻ , trong lành và đặc biệt - đẹp nổi tiếng trên thế giới - một thiên đàng hạ giới không thể không đi cho biết, có đi rồi mới biết là tới Alberta chẳng muốn về. Rặng núi Thạch Sơn ở miền Tây Canada bao phủ một diện tích 991, 691 km², rộng gấp ba lần diện tích nước Việt Nam, trải dài và ăn sâu vào nội địa của ba tiểu bang British Columbia, Alberta và Saskatchewan, có độ cao trung bình khoảng 3,954 mét từ mặt biển, đỉnh núi cao nhất là Mount Albert - cao 4,401 mét. Trên rặng núi Thạch Sơn có hơn 10 cái hồ đẹp với màu nước xanh trong như ngọc bích, quả là một bức tranh tuyệt tác mà tạo hóa đã tô điểm, vẽ nên khiến du khách, một khi có cơ hội xem qua, không khỏi bàng hoàng rung động, trầm trồ, và lưu luyến muốn trở lại hàng năm.
 
2) Thành phố đầu tàu kinh tế Canada:
Thường trước khi lái xe lên Banff, Lake Louise và Jasper, 3 địa danh nổi tiếng để nghỉ ngơi trong những khách sạn, ăn uống, cắm trại, leo núi,..nối tiếp ở giữa có những thắng cảnh đẹp mê hồn, du khách phải đáp máy bay xuống phi trường quốc tế ở thành phố Calgary nơi mà có khoảng 21-25 ngàn người Việt đang sinh sống tại đây. So với các thành phố khác như Montreal, Toronto, Vancouver, người Việt ở Calgary không đông bằng, nhưng có một khu phố khá sầm uất tập trung trên đại lộ 17th Ave SE, với nhiều tiệm ăn Việt Nam ngon nổi tiếng, các doanh nghiệp, cơ sở thương mại của người Việt có thể nói lớn nhất so với trung tâm thương mại của các cộng đồng sắc tộc khác tại thành phố này. Trước 2016, khi giá dầu hỏa còn cao, Calgary - cũng như Dallas ở Mỹ - từng là thủ phủ dầu hỏa vì tất cả Đại Bản Doanh (Headquarters) của các đại công ty đều đặt tại Calgary. Hằng ngày có hàng ngàn người ùn ùn kéo về Calgary nhờ tìm được việc làm, đông đến nổi không có đủ nhà để cho thuê. Cư dân mới đến phải tạm thời dựng lều cắm trại tại các công viên công cộng, ngày đi làm chiều về chui vào lều ngủ như người homeless. Phải một thời gian khá lâu, các công ty địa ốc mới xây dựng và cung cấp đủ cho những người mới nhập cư. Cũng nhờ vậy thành phố đã phát triển, nới rộng, đường cao tốc mọc lên như mạng nhện. Alberta được xem là một tỉnh bang năng động và giàu có nhất của Canada. Nhưng gần đây Mỹ đã khai thác dầu hỏa bằng kỹ thuật Hydraulic Fracking nên đã làm cho giá dầu hỏa xuống rất thấp, ảnh hưởng đến việc khai thác dầu khí và kinh tế ở Alberta bị xuống dốc. Thêm một cú giáng kế tiếp mới đây, sau khi giành được chức vụ tổng thống từ TT Donald Trump, TT Joe Biden đã ký sắc lệnh thu hồi giấy phép công trình ống dẫn dầu Keystone XL từ Alberta qua nhiều tiểu bang Mỹ, nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính nóng lên hàng năm do khí CO2 không thoát ra được khỏi tầng Ozon (O3) bao bọc bầu khí quyển của trái đất. Tuy nhiên, với khoa học tiến bộ, gần đây các nhà Khoa Học Gia Nhật Bản (Dr. Fujishima) đã tìm ra phương pháp dùng năng lượng mặt trời điện giải nước với gia tốc ánh sáng để phóng thích khí Hydrogen kết hợp CO2, biến thành Methanol, một dạng năng lượng có thể dùng cho xe cộ, máy móc. Như vậy, dầu hỏa vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng như một trong những năng lượng chính trong một thời gian lâu dài trong tương lai. Kinh tế Alberta chắc chắn sẽ được phục hồi trong vài năm tới mà không sợ bị ô nhiễm môi trường.
 
Calgary và Edmonton là hai điểm đầu và cuối của Rặng Thạch Sơn, đón và đưa du khách trên thế giới hàng năm đổ về. Đại lộ 17th Ave SE tại Calgary là con đường sầm uất với nhiều quán ăn, Bar, siêu thị thực phẩm, và nhiều cửa hàng khác, chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều người đến khi ghé qua Calgary. Không những thế, con đường 26st SE lại là địa điểm cuối đường, đổ dốc sang downtown thành phố Calgary, nên việc xây dựng Công Viên Hành Trình Tìm Tự Do, với điạ điểm đã được chọn rất lý tưởng này, sẽ được nhiều người chú ý và biết đến nhiều hơn.
 
Sự đóng góp cần thiết của tập thể người Việt Tỵ Nạn Tự Do:
Như đã viết ở trên, mỗi người Việt Tị Nạn vượt biên, vượt biển đều đã tự mình viết nên một trang sử bi hùng cho cuộc đời mình. Cộng Đồng Người Việt Calgary khi khởi xướng xây dựng Công Viên Hành Trình Tìm Tự Do đã và đang thay mặt mọi người, thu thập và đúc kết lại những trang bi hùng sử đó thành một pho sử chung, để sau này truyền đạt lại với các thế hệ Việt Nam kế tiếp sinh trưởng trên đất người, nhắc nhở rằng cha ông đã phải trải qua một hành trình gian khổ và hiểm nguy như thế nào để có được đời sống tự do. Nên khi may mắn được sinh ra trên mãnh đất tự do này, phải làm gì để cuộc sống có giá trị, rạng danh những thế hệ hậu duệ Việt Nam. Mặt khác, công viên này là một hình thức Cộng Đồng Tị Nạn Việt Nam biểu tỏ sự cảm kích và biết ơn sâu xa nhất với những nhà Bảo Trợ Hảo Tâm, chính phủ Canada nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung đã có từ tâm cứu vớt chúng ta lên từ hố thẳm của cuộc đời, tái tạo được một cuộc sống khá toàn hảo như ngày hôm nay. Vì vậy, là người nhận được những lòng tốt và ơn phước đó, chúng ta không thể “qua cầu rút ván và phủi ơn" như không có chuyện gì xảy ra. Sự đóng góp dù ít dù nhiều, nhưng tất cả gộp chung, sẽ hun đúc lại thành một tinh thần bất diệt cho hai chữ Tự Do và tấm lòng Tri Ân của Cộng Đồng Tị Nạn Việt Nam nơi xứ người.
 
Tượng Nữ Thần Tự Do tại New York là sự kết hợp giữa hai nước Pháp và Mỹ, do kiến trúc sư Bartholdi vẽ kiểu. Công việc xúc tiến gây quỹ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về phía người Mỹ. Năm 1885 công việc xây dựng bệ tượng bị đe dọa đình chỉ vì thiếu ngân sách. Chủ bút của nhật báo New York World, Joseph Pulitzer, phải khởi động cuộc vận động quyên góp để hoàn thành dự án. Chiến dịch vận động của ông đã thu hút trên 120.000 người ủng hộ. Trong số người góp tiền, đa số góp dưới một đô la mỗi người. Chính nhờ tinh thần của bức tượng này mà cả thế giới hiện nay đều biết và ngưỡng mộ, mọi người khắp thế giới đều xem nước Mỹ là Thiên Đường Tự Do và đa số đều muốn đến định cư kể cả cán bộ cao cấp ở các nước độc tài và cộng sản trong đó có Tàu Cộng và Việt Nam.
 
Hy vọng Công Viên Hành Trình Tìm Tự Do sẽ không bị đình trệ như dự án Nữ Thần Tự Do vì thiếu hụt ngân sách, mà sẽ được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người Việt khắp nơi vì "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao". Mong lắm thay!
 
 
Ý Dân
 
Canada, hè 2021.
 
Xin lưu ý: Muốn biết thêm chi tiết về dự án "CÔNG VIÊN HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO" xin nhấn vào đường link này 
 
 
Posted: 27/06/2021 #views: 3854
Add comment
:
Pages:  [-1]