VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT TẠI ĐÀI LOAN: “LUÔN KHẮC KHOẢI NỖI NHỚ TẾT QUÊ NHÀ”

Lao động Việt đón Tết tại khuôn viên văn hóa Việt Nam ở thành phố Gia Nghĩa

Lữ Gia Hùng & Thương Lê (BBC) - Hòa chung không khí với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới mừng đón năm con rồng, người Việt đang sinh sống tại Đài Loan cũng tưng bừng ăn Tết Nguyên đán.

Đây là là dịp nghỉ lễ lớn nhất tại Đài Loan, khi hầu hết các công ty cho nhân viên nghỉ sáu ngày, các lao động Việt cùng nhau tụ họp và cầu cho một năm mới bình an, suôn sẻ.

Theo số liệu thống kê từ chính quyền Đài Loan, có khoảng 260.000 lao động Việt Nam tại Đài Loan (năm 2022), chưa kể người Việt sinh sống lâu dài ở hòn đảo này.

Họ đang chuẩn bị như thế nào và cách họ làm vơi đi nỗi nhớ nhà ra sao ?

Ba năm mới được về một lần

Từ thành phố Gia Nghĩa ở miền nam Đài Loan, anh Trần Tuấn Rôn (người Quảng Trị, 32 tuổi), công nhân của công ty chuyên sản xuất pallet gỗ, nói với BBC đây là lần thứ sáu anh đón Tết xa nhà.

“Mình đã qua Đài Loan được sáu năm và theo hợp đồng thì ba năm mình mới được phép về quê một lần. Vì vừa về thăm gia đình vào cuối tháng 5/2023 nên Tết này mình ở lại đón Tết với rất nhiều anh chị em lao động khác tại căn nhà nhỏ ấm áp tại khuôn viên văn hóa Việt Nam này,” anh Tuấn Rôn chia sẻ.

Trung tâm mà Tuấn Rôn nhắc đến là không gian do đạo diễn gốc Việt Nguyễn Kim Hồng cùng người chồng Đài Loan Thái Sùng Long, một nhà làm phim tài liệu, sáng lập vào năm 2017.

Theo thời gian, địa điểm với tên gọi Người Việt tại Gia Nghĩa này trở thành nơi giao lưu tương tác của lao động Việt Nam, người nhập cư và cả cộng đồng địa phương.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Marie Claire, bà Hồng nói rằng Người Việt tại Gia Nghĩa là một không gian mà bà luôn mong ước tạo ra từ khi còn trẻ.

Ban đầu, kế hoạch đơn giản chỉ là có một nơi người Việt Nam tụ họp hoặc giao lưu với cộng đồng địa phương, "để cho nhiều người Đài Loan thực sự hiểu được văn hóa Việt Nam và từ đó tôn trọng chúng tôi," bà nói.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các lao động Việt sẽ phân công nhóm trang trí khuôn viên, nhóm tổ chức đi chợ chuẩn bị thực phẩm nấu nướng cúng ông bà tổ tiên sau đó ăn uống và cùng nhau đón giao thừa.

Đồng thời, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức tại đây giúp giới thiệu văn hóa Việt Nam và mô tả điều kiện làm việc của lao động nhập cư với người dân địa phương và cả du khách quốc tế.


Đón năm mới Giáp Thìn nơi xứ người (Thái Sùng Long)

Anh Lê Anh Ngọc, người Quảng Bình, 26 tuổi, cũng là một người thường xuyên tới trung tâm Người Việt tại Gia Nghĩa.

Nói đến Tết, anh không giấu nỗi nhớ quê: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có một nơi như thế này, để tôi có thể đón Tết cùng bạn bè. Nhưng tôi cũng cảm thấy buồn mỗi dịp Tết vì nhớ gia đình ở Việt Nam."

Anh Ngọc cho biết không khí Tết ở Đài Loan không sôi động như ở Việt Nam nên với anh, nỗi nhớ nhà, gia đình và bạn bè càng trở nên da diết.

Nhân dịp năm mới, mong muốn của anh là có mức lương tốt hơn.

Làm việc trong một nhà máy đến nay đã sáu năm, anh tâm sự rằng làm việc ở Đài Loan thực sự vất vả, giờ làm việc kéo dài và rất mệt mỏi, thế nhưng mức lương nhận được theo anh là chưa tương xứng.

Đồng quan điểm, anh Tuấn Rôn hy vọng rằng chính phủ Đài Loan có thể hỗ trợ mức lương xứng đáng hơn cho lao động người Việt.

Ngoài ra, theo anh, mức lương thấp cũng như thời gian làm việc kéo dài, anh và các đồng hương còn gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ  


Khoảnh khắc vui tươi trước thềm năm mới (Thái Sùng Long)

Tụ họp để vơi nỗi nhớ nhà

Giống như những lao động ở Gia Nghĩa, thành phố được mệnh danh là vựa lúa của Đài Loan, nỗi nhớ gia đình cũng luôn thường trực trong lòng bà Nga Nguyễn, người đang sinh sống tại Cao Hùng.

Bà Nga năm nay đã hơn 50 tuổi, quê ở vùng nông thôn miền Trung Việt Nam và đến xứ Đài từ hơn 20 năm trước.

Do hoàn cảnh khó khăn và chồng mất sớm, bà một thân một mình đến thành phố Cao Hùng kiếm sống và gửi tiền về nuôi cha mẹ già và hai con gái nhỏ nơi quê nhà.

Ban đầu, bà Nga làm công nhân trong một nhà máy điện tử, sau đó chuyển sang chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện.

Sau 20 năm sống tiết kiệm, cuối cùng bà đã mua được một căn hộ nhỏ gần một bệnh viện lớn ở Cao Hùng và ổn định cuộc sống tại đây.

Khi nói về Tết Nguyên đán, bà Nga kể rằng bà hiếm khi về quê thăm gia đình trong nhiều năm qua do giá vé máy bay đắt đỏ trong dịp lễ tết.

Mẹ của bà cũng chỉ mới sang Đài Loan được một lần. Sau đó, mẹ của bà đã qua đời vì bệnh tật, bà không còn cơ hội cùng mẹ đón Tết.

Hiện tại, đôi khi bà Nga vẫn phải làm việc trong dịp Tết.

Nếu có thời gian nghỉ phép, bà Nga sẽ tụ họp cùng các chị em người Việt và bạn bè Đài Loan để nấu các món ăn Việt Nam, sửa soạn đầu tóc và tặng quà cho nhau. Họ cũng đến chùa để cầu nguyện một năm mới suôn sẻ.


Mâm cỗ cúng Tết cổ truyền của người Việt tại Đài Loan (Thái Sùng Long)

Trao đổi với BBC, bà Nga nói bà biết ơn vì bạn bè và cộng đồng ở Đài Loan là những người thấu hiểu hoàn cảnh và giúp bà bớt cô đơn mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Bà cũng chia sẻ rằng công nghệ, chẳng hạn như gọi video, đã giúp bà kết nối với gia đình ở Việt Nam dễ dàng hơn.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng nỗi nhớ nhà, bà Nga vẫn quyết tâm tiếp tục làm việc ở Đài Loan, mong mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em mình.

Năm nay, nhiều lao động Việt Nam tại Đài Loan đón Tết Nguyên đán bằng cách tụ họp, chuẩn bị các món ăn truyền thống và tham gia những hoạt động do các trung tâm văn hóa như Người Việt tại Gia Nghĩa tổ chức.

Những không gian như vậy phần nào giúp không khí ngày xuân trở nên vui vẻ, nhưng trong lòng họ vẫn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà và nỗi lo về những khó khăn trong công việc mà họ phải đối mặt hằng ngày.

 

Lữ Gia Hùng - BBC News Tiếng Trung & Thương Lê - BBC News Tiếng Việt (Từ Hong Kong và Bangkok)

 

Posted: 10/02/2024 #views: 268
Add comment
:
Pages:  [-1]