VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
QUÊ HƯƠNG TÔI ĐÂU ? TỔ QUỐC TÔI DÂU ?

 

“Không! những người lính nầy, cũng như những người Việt tỵ nạn cộng sản không là người vô tổ quốc!”

Kim Hoa - Trong vùng nắng ấm của  Nam California ngày 26 tháng 10, năm 2019, trước mộ phần của 81 chiến sĩ nhảy dù như đang rực sáng với những tràng hoa tưởng niệm  tươi thắm đặt dài trên mộ và chung quanh, hàng trăm người, Việt Nam lẫn ngoại quốc, đến thăm viếng, đón chào.  Họ đang âm thầm cầu nguyện và ngậm ngùi cho thân phận những chiến binh anh dũng, đã hy sinh trong nghĩa vụ bảo vệ an bình, tự do cho miền Nam Việt Nam, giờ đã được an nghỉ trong nghĩa trang tại Little Saigon, Westminster, là nơi cư ngụ của người Việt nam tỵ nạn cộng sản. Họ được gởi hài cốt mình trên mảnh đất không phải là quê hương mình !!??!!

Sau 54 năm kể từ ngày những chiến binh này tử nạn, trải qua nhiều năm chờ đợi tại Hawaii và hai lần bị từ chối được đưa về an táng tại Việt Nam chỉ vì họ đã hy sinh cho dân mình, cho một nước Việt Nam Cộng Hòa đã không còn tồn tại sau biến cố đau thương 30 tháng 4, 1975.

Tại buổi lễ truy điệu những chiến sĩ đã ra đi khi tuổi đời còn trẻ, khi những người vợ của họ còn trong lứa tuổi đôi mươi, với đứa con bé bỏng còn ẳm trên  tay, ông Jim Webb, cựu Bộ Trưởng Hải Quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, cựu Nghị Sĩ Dân Chủ tiểu bang Virginia, người đã đóng góp tích cực trong việc giúp đưa hài cốt của những quân nhân về nơi an nghỉ sau cùng, đã phát biểu:

“Họ là những chiến sĩ vô danh và thực sự là những người vô tổ quốc sau khi họ đã chiến đấu và hy sinh cho một đất nước mà hiện nay đã không còn.”

Không! những người lính nầy, cũng như những người Việt tỵ nạn cộng sản không là người vô tổ quốc!

Tổ quốc Việt Nam vẫn còn đó, nó đang bị chiếm đóng do sự phản bội, bởi những kẻ ngu dốt nhưng lắm mưu mô, giỏi đàn áp.

Tuy nhiên, sự hy sinh của những chiến binh nầy, cũng như của tất cả những quân nhân kiêu hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và những người Việt nam liều mình bỏ nước ra đi sau tháng tư đen đã được ông vinh danh:

“Đây sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của cuộc hành trình phức tạp dài 54 năm, bắt đầu trong một cuộc chiến ác liệt, xé nát đất nước Việt Nam để lại 58,000 quân nhân Hoa Kỳ và hàng triệu người dân Việt Nam phải bỏ mạng. Những quân nhân này sẽ được an táng tại một nơi ghi nhớ sự can đảm và sự đóng góp của hàng trăm ngàn người Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Những người đã liều mạng ra khơi trong giai đoạn nguy hiểm nhất, hy sinh tất cả để có thể đến được đất nước Hoa Kỳ này.”

Các anh bây giờ đã đến với tập thể người Việt.  Từ bây giờ bạn bè, chiến hữu, thân nhân và đồng hương thăm viếng các anh mà không sợ bọn cộng sản vô thần theo dõi, nếu được an nghỉ tại Việt Nam!

Phần mộ của 81 chiến sĩ nhảy dù này nằm cạnh tượng Thuyền Nhân Việt Nam, bên cạnh hàng trăm, hàng ngàn ngôi mộ của người Việt Nam đã nằm yên trên mãnh đất tự do Hoa Kỳ mà có thể gọi là quê hương thứ hai của họ.

Vậy QUÊ HƯƠNG THỨ NHẤT của họ như thế nào và đang ở nơi đâu?

Đối với người Việt hải ngoại, thuộc thế hệ thứ nhất, đã chọn con đường vì tự do, vì quyền được sống một cách có ý nghĩa cho mình, cho con cháu mình, quê hương thứ nhất đó không hoàn toàn giống nhau.

Quê hương thứ nhất của tôi (cũng như của những người được may mắn sống an vui trong thành phố, nơi không trực diện với những trận pháo kích, với bom đạn) chất chứa bao hình ảnh đẹp, nên thơ của tuổi học trò.  Thời gian đó tôi chỉ biết cố gắng học cho thành đạt để góp một bàn tay trong việc phát triển đất nước.

Dù đang trong thời điểm chiến tranh khốc liệt mà trong khoảng thời gian hai mươi năm trong lý tưởng dân chủ, tự do của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi đã được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng.  Tuổi trẻ chúng tôi lúc đó không nghĩ đến việc kiếm cho thật nhiều tiền để có một đời sống xa hoa.  Chúng tôi yêu quê hương mình như một mảnh đất đầy tình nhân ái, hiền hòa của tình yêu đồng loại, của hàng xóm thân yêu.

Đối với những người sống trong vùng lửa đạn, quê hương thứ nhất của họ đáng lẽ phải hết sức thanh bình với cánh diều tung gió, với cánh đồng ngập lúa vàng, với bờ đê, con sông tình tứ thì bom đạn đã cướp đi người thân, phá tan căn nhà thân yêu.  Quê hương đó đã bị dập vùi bởi bàn tay cộng nô!  Nét đẹp của quê hương trong thời kỳ trước chiến tranh đối với người dân trong tình cảnh nầy chỉ còn là trong ký ức, họ cố gìn giữ để mong một ngày sẽ được sống lại thời huy hoàng đó.

Nghĩ tới những đứa trẻ cùng tuổi với mình mà không được may mắn như mình và khi lớn lên trong thời chiến phải ra trận mạc mà tôi cảm thấy buồn đau thấm thía. Tôi được an tâm học hành và có được thời niên thiếu quá đẹp cũng là nhờ sự hy sinh của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.  Họ đúng là những người có cuộc sống thật ý nghĩa và là ân nhân của người dân miền namViệt Nam.

Trong cuộc chiến trước 1975, tôi đã từng được thấy hình ảnh các chiến binh Việt Nam tay bồng đứa bé, tay nắm chặt cánh tay của bà mẹ già trên bước đường di tản. Tình người, tính tương trợ đó hiển hiện khắp nơi và ở trong trái tim của tất cả người dân miền Nam thời ấy. Nó thật tương phản với việc một tên lính việt cộng đã tàn nhẫn thảm sát gia đình 7 người của  một nhân vật vừa được chính phủ Hoa Kỳ đề cử lên Thiếu tướng và đảm nhận chức Phó Đề Đốc Hải Quân, ông Nguyễn Từ Huấn, người duy nhất được sống sót trong cuộc thảm sát đó và mất hết tất cả và phải nương tựa vào gia đình người chú thân yêu.

Quê hương trong tâm thức của một đứa bé vừa lên 9 tuổi như ông Huấn trước đó là một một gia đình hạnh phúc với năm anh chị em, dưới bàn tay chăm sóc của mẹ trong khi người cha bận bịu với trách nhiệm trai thời chiến. Căn nhà vang tiếng cười, tiếng nói, với những kỷ niệm, với bao tình cảm chứa chan đã bị hủy hoại bởi con người cộng sản không có tính người!

Khi may mắn thoát khỏi Việt Nam cùng gia đình người chú, ông Huấn, lúc đó đã được 16 tuổi, không khỏi xúc động khi đặt chân lên đảo Guam và được chào đón, được ân cần giúp đỡ của các chiến binh Hoa Kỳ, những người không cùng màu da, không cùng một xứ sở.

Trong bài phát biểu tại Lễ thăng cấp Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 10/10/2019 tại Trung tâm Tưởng niệm & Di sản Hải quân Hoa Kỳ (US Navy Memorial & Heritage Center), ở Thủ đô Washington DC, ông Nguyễn Từ Huấn đã bộc lộ cảm nghĩ và lòng biết ơn của mình:

 “Tôi rất vui mừng được đến và định cư ở Mỹ, một đất nước thịnh vượng và hùng mạnh. Nhưng sự giàu có mà tôi nhìn thấy không chỉ là về của cải vật chất mà đó là sự hào hiệp và lòng nhân ái dành cho con người. Những người lính trẻ trong Hải quân và Thủy quân Lục chiến ở đảo Guam đã giúp đỡ hơn 100 ngàn người Việt tị nạn, luôn luôn phục vụ với tinh thần hết lòng và tôn trọng.

Đây là đất nước Hoa Kỳ của chúng ta. Một quốc gia xây dựng trên nền tảng phục vụ, lòng nhân từ, sự hào hiệp, cơ hội, tự do, hy vọng và ước mơ. Những giá trị đó đã khích lệ cho tôi tham gia vào quân đội và được vinh dự phục vụ trong binh chủng Hải quân, bảo vệ quốc gia và Hiến pháp.”

Với tâm tình đó, ông Huấn đã thay mặt người Việt hải ngoại truyền đạt đến khắp nơi suy nghĩ và quyết tâm của họ.

Những năm tháng sau 30 tháng tư năm 1975, mà người việt tự do gọi là Ngày quốc hận, thật kinh hoàng và thảm khốc!  Nhiều gia đình không đủ cơm ăn, họ phải kiếm sống trên những đống rác bẩn thỉu, trong những việc làm nguy hiểm.

Tôi đã có dịp quen biết một thanh niên, đang định cư tại California theo diện con lai vì anh ấy có một em gái cùng mẹ và có cha là một sĩ quan Hoa Kỳ. Người cha thân yêu  của anh đã hy sinh trong trận đánh năm Mậu Thân 1968  khi mẹ anh đang mang thai gần đến ngày sanh.  Sau đó, mẹ anh phải đi làm tại mộtcăn cứ quân sự của Hoa Kỳ để nuôi anh và mẹ già.  Mẹ anh đã quen biết một sĩ quan Mỹ và hai người có được một bé gái.

Chào đời không biết mặt cha, không có cha chăm sóc như những đứa bé khác và phải sống khốn khó bên cạnh người mẹ bệnh hoạn và bà ngoại già yếu. Anh không được đến trường vì vừa lên 8 tuổi đã phải ra đời kiếm sống. Bấy giờ trong ký ức của anh thì quê hương Việt Nam lúc đó chỉ là những hình ảnh tang thương, những ngày đói khát, thiếu ăn khi phải lặn lội trong bãi rác, tìm kiếm những bọc ni-lông bẩn thỉu để rửa sạch và đem bán lấy tiền giúp mẹ và nuôi em, nuôi ngoại.  Anh kể có một lần anh mệt quá muốn ngất xỉu trong bãi rác vì sức nóng, vì thiếu ăn.  Lần mò vào quán ăn gần đó đề tìm bóng mát, anh đã thèm thuồng nhìn một cặp vợ chồng trẻ đang ngồi ăn. Hai người hảo tâm này đã không ngần ngại mua một tô phở cho anh.  Lúc đó là giây phút đẹp nhất trong đời anh và chưa bao giờ anh được ăn ngon như vậy.

Quê hương thứ nhất của anh, với những câu chuyện đau lòng cũng như cảm động trên thường được anh kể lại cho vợ và hai con. Mỗi lẫn nghe anh kể là vợ và con anh không cầm được nước mắt, nhất là cô con gái cứ ôm chầm lấy anh mà khóc.

Bây giờ có được cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai, có được hai đứa con ngoan đã bước chân vào đại học và vài năm nữa chúng sẽ tốt nghệp, sẽ có tương lai tốt đẹp, anh thật đã hết sức may mắn và diễm phúc, Anh đã không bao giờ muốn trở lại một đất nước đã tạo nên thảm cảnh cho mình!

“Chúng ta đi mang theo quê hương”, đó chỉ có thể là tâm tình của người Việt Tự Do đã may mắn hưởng không khí an vui trong thời gian hai mươi năm không cộng sản. Quê hương vẫn còn trong tim nhưng đất nước đã bị hủy hoại, bị tàn phá và đang đứng trước thảm họa diệt vong như lời than của nhạc sĩ Việt Khang trong bài hát đã đưa anh vào nhà tù: Việt Nam Tôi Đâu?

Giờ đây

Việt nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu

Cùng với Việt Khang, Lê Hoàng Trúc, trong bài hát “Hồi Trống Tự Do”, cũng đã nói lên thực trạng đau buồn của Việt Nam hiện nay:

Gia tài của mẹ ai đã bán đi?
Gia tài của mẹ ai đã bán dần?
Vạn hờn  căm trong mắt mẹ cha”

Một lời than, một bài hát cùng nói lên tâm tư của người Việt thiết tha đến vận mệnh đất nước không đủ để tạo nên sức mạnh cho một quần chúng đang bị chèn ép hay chạy theo các nhu cầu vật chất. Làm thế nào để tạo được tinh thần yêu dân chủ, một ý thức dấn thân thông qua việc giáo dục và sách báo đề cập đến nhân quyền và những vận động dưới hình thức chính trị hay hội thảo là những điều người việt hải ngoại có thể thực hiện được và truyền đạt đến mọi người, nhất là giới trẻ tại Việt Nam.

 
Kim Hoa

 

Posted: 10/04/2023 #views: 548
Add comment
:
Pages:  [-1]