VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
Từ đứa trẻ nhặt rác đến 'cha đẻ' máy bay không người lái

Lương Việt Quốc

Câu chuyện đổi đời của đứa trẻ nhặt rác ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được tám trường đại học hàng đầu của Mỹ cấp học bổng đào tạo tiến sĩ trở về mở nhà máy sản xuất máy bay không người lái đầu tiên tại Việt Nam.

Người có thể nói rành mạch nhất về công nghệ máy bay không người lái (Drone), tiềm năng ứng dụng vào các lĩnh vực dân dụng hay cơ hội phát triển của Drone tại Việt Nam… không ai khác chính là TS. Lương Việt Quốc. Cậu bé nhặt rác ngày nào ở kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đã làm cuộc đổi đời thần kỳ, biến khát vọng của đời mình thành hiện thực với dự án khởi nghiệp đầy mạo hiểm.

Quốc sinh ra ở Sài Gòn, trải qua một tuổi thơ sống không phương hướng, lam lũ, tơi tả với công việc bới rác trên dòng kênh. Chín chị em chen chúc nhau như cây dại trong căn chòi 10m2 cất tạm trên rạch, trời mưa nước tuôn khắp nhà, lạnh lẽo cũng thua cái đói, đói thường xuyên, muối cũng phải đi xin hàng xóm. Lúc ấy, giấc mơ lớn nhất của anh chỉ là làm sao kiếm được việc làm mà ông chủ cho mình ăn no tùy thích, chứ không hình dung làm là có lương.

Chuyện học của anh cũng như con nước, sống trong một xóm lao động nghèo, đứa trẻ nào cũng như vậy cả, chỉ có một điều may mắn là không bị nghỉ học giữa chừng thôi. Bà nội chính là người thúc giục anh phải học hành tới nơi tới chốn, vì thương bà nên anh đã ráng theo đuổi học hành.

Tuy cố gắng học nhưng với hoàn cảnh ăn còn không đủ, lay lắt vì đói đó, chẳng bao giờ anh nghĩ mình sẽ có cơ hội bước vào giảng đường đại học nói gì đến du học hay “Giấc mơ Mỹ”. Với nghị lực và một ý chí sống không khuất phục, kiên trì rèn luyện tiếng Anh, anh tốt nghiệp Trường trung học Tài chính TP. HCM hệ tại chức (hiện là Trung học Kinh tế TP. HCM) rồi làm việc cho chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc. Khi học bổng Fulbright bỏ điều kiện phải tốt nghiệp đại học chính quy, đó là cơ hội duy nhất để anh đến với giấc mơ Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp ngành thạc sĩ kinh tế học của trường đại học Cornell với luận án xuất sắc, anh đã được tám trường đại học tổ chức hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ gồm Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland... Trong đó Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm nhằm “cạnh tranh” khi biết anh đang được “săn”.

Sự xót xa đối với nghèo đói và ước muốn về đôi cánh bay lên cho những số phận chưa may mắn ấy đã khiến anh bằng mọi cách phải làm được điều gì đó cho quê hương. Là chuyên gia công nghệ nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng robot trong sản xuất tại Mỹ, anh chính là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) để mở nhà máy sản xuất Drone đầu tiên tại Việt Nam.

Anh Quốc cho biết, xu hướng ứng dụng máy bay không người lái vào kinh doanh sản xuất và cuộc sống đang làm thay đổi mọi tư duy và hành động của con người. Ứng dụng Drone hiện nay đang mở rộng đến vô tận. Trong nông nghiệp nhất là trên phạm vi canh tác rộng lớn, Drone giúp chẩn đoán sớm, kiểm soát bệnh và sức khỏe của cây trồng nhằm can thiệp sớm, bảo đảm năng suất cao hơn.

Ứng dụng Drone vào ống dẫn gas trong ngành dầu khí, giúp tiết giảm chi phí rất nhiều. Drone giúp kiểm đếm hạ tầng hay trong khai thác hầm mỏ, Drone tính được thể tích với độ chính xác cao. Drone cũng ứng dụng rất tốt trong bảo vệ môi trường, trồng rừng, vận chuyển hàng khẩn cấp, cấp cứu, báo chí, phim ảnh… Hiện đã có một số trường đại học dạy ngành máy bay không người lái. Ngành viễn thông cùng đã áp dụng máy bay không người lái, khi di tản lũ lụt trên quy mô lớn cần theo dõi thì máy bay không người lái cũng là phương tiện.

 
Theo ước tính của một công ty kiểm toán toàn cầu, dịch vụ Drone toàn cầu khoảng 127 tỷ USD vào năm 2020, trong đó lớn nhất là hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, an ninh, truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, khai thác mỏ…

Đối với Mỹ, lợi ích Drone đã vượt chi phí. Công ty chuyên tích hợp ảnh từ Drone đã có 50 công ty sử dụng dịch vụ của họ. Hiện nay ở Trung Quốc, chỉ tính riêng Thâm Quyến đã có hơn 300 công ty làm Drone còn ở Việt Nam con số này đếm chưa hết đầu ngón tay.

Quốc cho rằng Drone cũng giống như Internet trước đây, ban đầu chúng ta rất ngần ngại nhưng bây giờ nó đã trở thành phổ biến. Người Việt Nam chắc chắn sẽ dùng Drone. Việt Nam có nguồn IT phong phú, nhu cầu bảo mật nên không dùng Drone của Trung Quốc. Yếu tố bảo mật là nhu cầu tự nhiên, đòi hỏi phải có sự tham gia của các công ty nội địa.

Anh Quốc cho rằng vấn đề là làm sao người giữ trọng trách của đất nước phải thấy sự phát triển của Drone là tất yếu, giảm chi phí, gia tăng sản xuất trong nhiều ngành? Làm sao bảo đảm an toàn hàng không mà vẫn khuyến khích Drone phát triển, khi số lượng Drone tăng cao lên đến hàng triệu con cũng là thách thức, phải có đào tạo, huấn luyện.

Hạ tầng mạng 3G có thể đáp ứng đủ cho hệ thống Drone. Về ứng dụng, Việt Nam đã có thông tư chính thức của Bộ Quốc phòng, nếu bay từ 50m trở xuống cách sân bay 5 -7 km thì xin giấy phép từ Bộ chỉ huy quân sự huyện. Nếu trên 50m thì xin Bộ chỉ huy quận sự tỉnh, thành phố. Ví dụ như nông trường mía TTC rộng mấy ngàn ha, phương tiện hợp lý sử dụng máy bay cánh bằng, 1 giờ có thể phủ 5-10 ngàn ha.

Chia sẻ về quyết định trở về và khởi nghiệp với một nhà máy sản xuất Drone đầu tiên tại Việt Nam, anh Quốc cho biết: “Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 13,5 triệu USD, thuê hơn 9.000m2 trong khu công nghệ cao của TP. HCM, được ưu đãi về thuế, nguyên liệu nhập về cũng được hưởng lãi suất ưu đãi. Nhà máy có khu vực thử nghiệm Drone trong nhà, ngoài trời, làm cả phần cứng và phần mềm. Đội ngũ có một số anh em bên Mỹ kết nối cùng làm nhưng phần lớn trông cậy vào anh em trong nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài năng trong lĩnh vực công nghệ của giới trẻ Việt Nam, đội ngũ chất xám trẻ của Việt Nam sẽ tiếp sức cho tôi trong thử thách lớn này".

"Tất cả những điều họ cần là bài toán mang lại giá trị và các nguồn lực đầy đủ để họ giải bài toán đó. Hơn nữa, chính sách ưu đãi đầu tư vào SHTP và đặc biệt là sự nhiệt tình, ủng hộ của Ban Quản lý SHTP đã khiến tôi tự tin hơn với dự án này”, anh Quốc nhận định.

CEO Real Time Robotics Inc cho biết lý do khiến anh quyết định khởi nghiệp ở tuổi này với một dự án đầy mạo hiểm và còn rất mới lạ ở Việt Nam như Drone bởi đây là ngành có tiềm năng ứng dụng lớn vào nhiều lĩnh vực. Thứ hai, Việt Nam cần có công nghiệp Drone của riêng mình vì nhiều ứng dụng trong thực thi pháp luật, kiểm lâm, kiểm định hạ tầng...

Tham vọng trở thành một chuyên gia phát triển kinh tế nông nghiệp ngay trên đất nước mình đã được Quốc nuôi nấng từ khi học đại học Cornell. Luận án “Phân tích việc trồng cà phê ở Việt Nam” của anh nhằm lý giải vì sao chỉ trong vòng 10 năm Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê cao thứ hai trên thế giới nhưng doanh thu từ cà phê vẫn thấp.

Anh Quốc cũng đã từng cùng bạn bè hùn làm một rẫy cà phê và chẳng đi đến đâu bởi cũng giống như những người nông dân trước kia thường đầu tư theo hi vọng “thơ ngây”, khi cả thế giới được mùa cà phê, cung vượt cầu nhưng nông dân vẫn không nỡ đốn bỏ cả vườn cây. Họ cứ trồng đến mức lỗ không còn gì mới ngưng trồng. Những chính sách từng có cho cà phê đã thật sự thất bại.

Trước làn sóng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra trên toàn cầu, khát vọng đổi thay cho bản thân và đất nước chính là động lực khiến anh dấn thân và tận hiến cho cuộc cách mạng công nghệ còn đầy gian truân ở Việt Nam. Quốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt phải mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng, cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng của Việt Nam càng lớn thì càng có thể hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn.

“Hãy sống tử tế, biết hàm ơn, biết chia sẻ. Cuộc đời luôn phải đối diện với những khó khăn, dù biết phía trước còn rất nhiều thử thách nhưng tôi là người rất lạc quan, không sợ thất bại. Đối diện với những cú sốc, ngay lúc ấy mình có thể thấy như đất trời sụp đổ nhưng 5 năm sau nhìn lại, thấy nó rất nhỏ. Bình tĩnh là cách đầu tiên để tìm ra phương án giải quyết”, anh tâm sự.

Hà Anh/Nhà Quản trị

 
Một bài viết khác về TS Lương VIệt Quốc:

 

Chiếc máy bay không người lái vọt lên 220m trên bầu trời xứ Bavaria, Đức. Nhờ camera quang và nhiệt, nó phát hiện đám cháy, tiếp cận mục tiêu và thả đồ cứu trợ.

Khi nó hạ cánh xuống mặt đất, tràng pháo tay của những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới vang lên không ngớt. Đến lúc này mọi người đều thừa nhận mẫu máy bay không người lái (drone) mang tên Hera của Việt Nam "nói được, làm được" với những thông số vượt trội trong khi những mẫu khác trên thế giới khi bay thực tế đều không được như thiết kế.

 

Cuộc thử nghiệm thành công trước sự chứng kiến của các chuyên gia drone hàng đầu cuối tháng 9/2023 mở ra chương trình hợp tác giữa "cha đẻ" của Hera, tiến sĩ Lương Việt Quốc và đại diện công ty Protrack của Israel, đơn vị chuyên sản xuất phần mềm chiến thuật quân sự.

Israel vốn là cường quốc drone nên thông thường các công ty Do Thái ưu tiên hợp tác với nhau nhưng Protrack lại chọn một drone từ Việt Nam vì các tính năng vượt trội.

"Đó là điều khiến tôi tự hào", tiến sĩ Lương Việt Quốc, 58 tuổi, CEO Công ty Real-time Robotics (RtR) chia sẻ.

 



 

Gần 50 năm trước, dòng người vô gia cư lũ lượt kéo nhau về xóm Gò Mả - khu nghĩa địa nằm dọc dòng kênh Rạch Lào, nay thuộc quận 8, TP HCM - dựng nhà sát mộ, tạo nên cảnh tượng "người sống ở chung với người chết". Gia đình cậu bé Lương Việt Quốc nằm trong số đó.

Bố mẹ Quốc trở về thành phố từ vùng kinh tế mới, cất căn nhà tạm trên con rạch nhỏ, nơi người ta vứt rác, mảnh vỡ thủy tinh và đi tiêu xuống. Hàng ngày, cậu bé phải đợi nước thủy triều rút, lặn xuống rạch bắt cá và mò phế liệu. Đôi chân trần chằng chịt những vết thương.

 

Tiến sĩ Quốc kể, con rạch có chu kỳ nước cách nhau 25 tiếng nên hôm nay xuống lúc nhập nhoạng, những ngày sau sẽ phải xuống muộn hơn, lúc nửa đêm và khi về sáng. "Những đêm trời mưa, tôi cố nán lại kéo dài thời gian nhưng vì cái bụng đói quá vẫn phải xuống", người đàn ông 58 tuổi hồi tưởng.

 

Tuổi thơ của ông còn là nỗi ám ảnh những đêm mưa to, gió lớn, khắp nhà là xô chậu nhồi giẻ rách để nước mưa không bắn ra ngoài. 9 anh em ông mỗi người một góc, che đầu bằng giấy báo, nilon ngủ gà ngủ gật.

"Đói triền miên nên suốt tuổi thơ tôi chỉ ước ao lớn lên kiếm được việc làm, được chủ cho ăn tùy thích, không cần lương bổng gì cả", ông Quốc nói.

Cuộc sống lam lũ khiến những người bạn của Quốc bỏ học từ lớp 3. Các chị, các em cũng bỏ ngang đi làm. Chỉ duy cậu bé bám trụ vì luôn nhớ lời bà nội: "Chỉ có học mới thay đổi cuộc đời".

 

Tốt nghiệp cấp ba, Lương Việt Quốc học trung cấp tài chính, sau đó tiếp tục học lên đại học hệ tại chức. Đầu những năm 1990, Việt Nam bắt đầu mở cửa, khi đó Quốc 26 tuổi, nhận thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh nên quay lại trường học. Nhờ có ngoại ngữ, anh trở thành một quản đốc Dự án tăng cường nhân lực xóa nghèo tại Trà Vinh của Liên Hiệp Quốc.

 

Năm 2002, học bổng Fulbright thay đổi chính sách, không yêu cầu bằng đại học chính quy. Thông tin này lập tức thắp lên một giấc mơ táo bạo trong lòng chàng trai trẻ. Anh nộp hồ sơ và "run lên vì bất ngờ và sung sướng" khi được cấp học bổng thạc sĩ tài chính tại Đại học Cornell (Mỹ).

"Tôi không có tiền đi du học, không có bằng đại học chính quy. Tôi học tiếng Anh chỉ vì nó làm cuộc sống mình phong phú nhưng cuộc đời đôi lúc vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng, mà ngay cả trong giấc mơ cũng không mơ nổi", anh nói.

 

Mùa thu 2003, chàng trai Việt đặt chân đến thành phố Ithaca, bang New York. Trên đất Mỹ, Quốc mới biết có cơ hội học lên tiến sĩ, nên song song chương trình thạc sĩ kinh tế, anh dốc sức học thêm các môn mà chương trình yêu cầu. Thành tích xuất sắc giúp Việt Quốc nhận được học bổng của 8 trường khác nhau. Sau cùng, anh chọn Viện Đại học California -Berkeley. Bốn năm sau khi tốt nghiệp, anh làm việc ở Thung lũng Silicon.

 

Tại đầu não công nghệ toàn cầu, tiến sĩ kinh tế người Việt nhận thấy drone sẽ là thiết bị của tương lai, nên quyết định thành lập Công ty Real-time Robotics (RtR), năm 2014. Ba năm sau, anh mở trụ sở ở Việt Nam, tuyển 100% kỹ sư Việt. Nhà khởi nghiệp này ví hành trình của RtR như con bướm phải qua nhiều lần lột xác. Ba năm đầu chỉ học việc, ba năm tiếp theo đuổi kịp thế giới và cuối cùng là thiết kế được sản phẩm vượt trội hoàn toàn.

 

Khi ra mắt, Hera có 5 điểm vượt trội so với các sản phẩm đang có trên thị trường. Đầu tiên, nó là sản phẩm duy nhất nhỏ đến mức nhét vừa balo, dễ dàng để một người mang đi và tự thao tác. Tiếp theo, nó khỏe, bởi tất cả những con nhỏ chỉ nâng được tối đa hai kg nhưng Hera mang được 15 kg. Hera gắn được bốn camera với mỗi tải có tầm quan sát 360 độ trong khi các dòng khác chỉ gắn được một.

 

Nó cũng thông minh gấp ba, bốn lần và đặc biệt đa năng. Một Hera có thể làm nhiệm vụ trinh sát, tác chiến, cứu hộ cứu nạn, truyền tin, truyền thông, quản lý rừng, phòng cháy chữa cháy, quét lidar lập bản đồ, dò phóng xạ, khí độc, mang thả vũ khí, thiết bị chữa cháy. Nếu không tải Hera bay được 56 phút, bay với tải một kg là 53 phút, đủ bốn tải là 16 phút.

 

Hiện Hera được bán tại thị trường Mỹ giá 58.000 USD/chiếc, cao hơn 1,5 lần so với các sản phẩm khác. Nó đang được Công ty Valmont Industries, ở Mỹ sử dụng để kiểm tra đường điện cao thế định kỳ để đảm bảo an toàn; được Almos National Lab, nơi chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới sử dụng. Tại Việt Nam, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã tiếp cận Hera.

"Trong năm nay, chúng tôi sẽ tung ra ba phát minh là khung chống rung OmniSight gimbal, máy bay không người lái trồng rừng và máy bay không người lái có khả năng chống chiến tranh điện tử", CEO này nói.

 

Trong số này, khung chống rung OmniSight là một phát minh đột phá. Suốt 10 năm nay trên thế giới là dòng gimbal mang một camera, quét ngang, không thể quét 360 độ. Tiến sĩ Quốc mong muốn gimbal phải như hai mắt của tắc kè quan sát được 360 độ môi trường xung quanh, giúp tăng năng suất làm việc lên gấp đôi.

 

Trong một lần phải nằm viện làm thủ thuật, anh chợt nghĩ ra giải pháp. Ngay lập tức anh gọi cho kỹ sư trưởng đến trình bày cách để gắn hai camera vẫn giữ được trọng tâm, đồng thời thêm não cho gimbal để chạy trí tuệ nhân tạo. Cái tên OmniSight mang nghĩa "thiên lý nhãn".

Nghe tiến sĩ Quốc trình bày xong, người kỹ sư trưởng cười nói: "Vậy ra đây là kết quả của bốn ngày nằm viện?".

 

Nhìn lại hành trình của mình, Lương Việt Quốc rút ra hai bài học. Thứ nhất, giáo dục thực sự thay đổi cuộc đời con người. Học tập không chỉ trong hệ thống giáo dục chính thống mà học suốt đời theo nghĩa rộng cả không gian và thời gian. Nhờ học, anh đi lên từ dòng kênh chết. Và cũng nhờ tự học, anh đã ghi tên người Việt vào bản đồ phát minh trên thế giới.

 

Sự ra đời của Hera là minh chứng cho thấy trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể sánh tầm với các quốc gia trên thế giới, thậm chí vượt trội. Mặt khác, nó truyền cảm hứng, nếu đi theo con đường phát minh sáng chế, người Việt có khả năng thành công. Theo tiến sĩ Quốc, đây là con đường mà duy nhất để một nước từ vị thế là quốc gia đang phát triển thành quốc gia phát triển, như Hàn Quốc đã đi, Trung Quốc đang đi.

 

Chiều cuối năm 2023, Lương Việt Quốc quay trở lại xóm Gò Mả thăm những người bạn, người thân. Anh vẫn dùng ngôn ngữ xưa của những đứa trẻ khu ổ chuột, vẫn cười ngặt nghẽo ôn chuyện cũ. Nhưng ra về, lòng anh nặng trĩu. Thương những khuôn mặt thân quen vẫn mắc kẹt trong cái thế giới nhỏ bé, ngày ngày buôn thúng bán bưng, tối về uống rượu, đánh lộn.

"Tôi mong rằng tương lai chúng ta không còn phải kể câu chuyện anh hùng nữa. Bởi, khi ai đó nói về tôi như những anh hùng thì ngoài kia vẫn còn quá nhiều đứa trẻ sống trong một thế giới trái ngược", anh nói.

Đó mới là phần chìm của tảng băng - mà cậu bé bước ra từ dòng kênh chết - đang góp phần thay đổi.

 
 
 
 
Posted: 24/03/2024 #views: 1156
Add comment
:
Pages:  [-1]