VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA 19 THÁNG 6

 

Hải Bằng HDB - Ngày Quân Lực VNCH ra đời vào ngày 19 tháng Sáu, 1965 đánh dấu giai đoạn chính quyền quốc gia hoàn toàn điều hành bởi Hội Ðồng Quân Lực với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ Tịch Ủy ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (Quốc Trưởng) và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Quốc Gia (Thủ Tướng).

Tại sao lại xảy ra sự kiện này? Ðây là hậu quả tất nhiên của sự tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm dân sự và quân sự trong hai năm liên tục kể từ sau cuộc đảo chính lật chính quyền Ngô Ðình Diệm ngày 1 tháng 11, 1963 và có thể cũng là do ý muốn của Hoa Kỳ: muốn hợp tác với chính quyền quân nhân hơn là với chính quyền dân sự. Dó đó, chính quyền dân sự do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát cuối cùng phải bàn giao chính quyền cho phe quân đội vào ngày 19.6.1965.

Chính vì sự ưu thắng của quân đội mà ngày 19 tháng 6 năm 1966, lần đầu tiên, được chọn làm Ngày Quân Lực với sự biểu dương lực lượng rất quy mô gồm đủ các thành phần của Hải, Lục, Không Quân và bán quân sự tham dự. Nhờ đó, khí thế chống Cộng được hồi sinh và mọi người phải tạm gác sang một bên những bất đồng chính kiến.

Nhân Ngày Quân Lực, tưởng cũng nên nhìn lại một số sự kiện liên quan như sự hình thành Quốc Gia VN với lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ, Bài Quốc Ca, và hình ảnh thu gọn của chiến sĩ VNCH: họ đã được huấn luyện và chiến đấu như thế nào trong sứ mạng bảo vệ quê hương.

Quốc ca VNCH

Sự Hình Thành Quốc Gia Việt Nam

Sau khi hoàn toàn thất bại trong mưu đồ tái lập đô hộ tại VN, Pháp đã ký kết với Hoàng Ðế Bảo Ðại để thành lập Quốc Gia VN và chính quyền VN đầu tiên ra đời ngày 20.5.1948 với Bảo Ðại là Quốc Trưởng, ông Nguyễn Văn Xuân Thủ Tướng.

Ngày 8.3.1949, Pháp mới hoàn toàn thừa nhận VN độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ (trả lại Nam Kỳ vốn là nhượng địa của Pháp) và VN có quân đội riêng. Ðó gọi là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam đặt dưới quyền chỉ huy của các tướng Nguyễn Văn Hinh, Lê Văn Kim, và Trần Văn Ðôn, với quốc kỳ là Cờ Vàng, Ba Sọc Ðỏ nhưng Pháp vẫn chưa bàn giao các cơ cấu chính quyền cho VN.

Ngày 7.2.50, Hoa Kỳ và Anh Quốc thừa nhận Chính Quyền VN do Bảo Ðại lãnh đạo.

Ngày 11.4.1954, Pháp nhìn nhận Quốc Gia VN hoàn toàn độc lập và có quân đội riêng.

Ngày 26.6.1954, thấy sẽ không thể kéo dài sự có mặt của Pháp tại Ðông Dương lâu hơn nữa nên Pháp phải theo đề nghị của Hoa Kỳ chấp nhận Bảo Ðại mời ông Ngô Ðình Diệm trở về làm thủ tường toàn quyền VN.

Ngày 20.7.1954, Pháp và Việt Minh tức Ðảng Cộng Sản VN ký Hiệp Ðịnh Geneva chia đôi VN theo vĩ tuyến 17, lấy Sông Bến Hải làm giới tuyến: Miền Bắc thuộc Khối Cộng do Hồ Chí Minh làm chủ tịch; Miền Nam thuộc Khối Tự Do do Bảo Ðại là quốc trưởng.

Ngày 23.10.1955, Thủ Tướng Toàn Quyền Ngô Ðinh Diệm với sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã mở cuộc trưng cầu dân ý lựa chọn ông hoặc Bảo Ðại làm quốc trưởng. Kết quả ông Ngô Ðình Diệm thắng với một số phiếu đa số tuyệt đối.

Ngày 26.10.1955, ông Ngô Ðình Diệm làm lễ nhậm chức Tổng Thống và tuyên bố Quốc Gia VN đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (Republic of Vietnam, RVN) và Quân Ðội Quốc Gia đổi tên thành Quân Lực VNCH (Republic of Vietnam Armed Forces, RVNAF). Ngày này được chọn làm Ngày Quốc Khánh tức là Ngày Ðộc Lập (như Independence Day của Hoa Kỳ). Nền Ðệ Nhất Cộng Hòa này kéo dài 9 năm.

Ngày 1.11.1963, được Hoa Kỳ bật đèn xanh, Tướng Dương Văn Minh cùng một số tướng lãnh làm cuộc đảo chánh lật TT Diệm. Tiếp theo đó là một loạt tranh chấp giữa các phe phái diễn ra khiến cho chính trường vô cùng sôi động tạo thuận lợi tối đa cho Cộng Sản Hà Nội.

Ngày 19.6.1965, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu chấp nhận trao quyền hành điều khiển quốc gia cho nhóm quân nhân với Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (Tổng Thống) và Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng). Từ đó, các chức vị tỉnh trưởng và quận trưởng đều do các quân nhân nắm giữ và để phô trương uy lực, chính quyền quân đội tuyên bố ngày 19.6 là Ngày Quân Lực.

Tại sao Tướng Thiệu đã được chọn làm Tổng Thống thay vì chức vị đó phải là của Tướng Kỳ khi mà mọi quyền hành đều còn nằm trong tay Tướng Kỳ? Trong cuốn hồi ký Buddha’s Child của ông Kỳ (Con của Bụt, St. Martin’s Press xuất bản, 2002), ông Kỳ cho biết cho đến ngày nay ông rất hối hận đã chịu nhường và đứng Phó chung liên danh với Tướng Thiệu trơng nhiệm kỳ 1967 – 71 và cũng rất hối hận đã rút lui không ứng cử trong nhiệm kỳ 1971- 75. Ông xác nhận là Hoa Kỳ không có ảnh hưởng gì ông trong các vụ tranh cử này.

Trong thực tế phải nhìn nhận rằng HK đã đạo diễn mọi sự kiện quan trọng trong Cuộc Chiến VN từ A đến Z. Sự kiện Tướng Thiệu được HK ủng hộ hơn là ủng hộ Tướng Kỳ là vì ông Thiệu đã tỏ ra chịu nghe lời và kín đáo hơn hơn ông Kỳ. Hoa Kỳ quả đã lựa chọn một diễn viên Tổng Thống rất thích hợp cho vở tuồng “Bàn Giao Nam VN cho CS Hà Nội”.

Sơ Lược Quá Trình Hình Thành Quân Lực VN

Quân đội VN được chính thức thành lập và lấy tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam sau khi Tổng Thống Pháp Vincent Auriol cùng với Hoàng Ðế Bảo Ðại ký Hiệp Ðịnh Élysée ngày 8.3.1949 xác định Pháp trao trả độc lập cho VN.

Giai đoạn một (1946 – 49): nghị định quốc phòng 13.4.1949 thành lập quân đội VN lấy tên là Vệ Binh Quốc Gia (National Guard). Tiếp theo, tháng 10 năm đó, ba đơn vị bộ binh được thành lập là Tiểu Ðoàn 2, 3 và 18. Rồi các lực lượng khác nữa là Cộng Hòa Vệ Binh trong Nam; Bảo Vệ Quân (sau đổi là Việt Binh Ðoàn) ở Trung; và Bảo Chính Ðoàn (sau đổi là Binh Ðoàn) ở Bắc.

Giai đoạn hai (1950 – 52): ngày 11.5.1950, Thủ Tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với lập trường chống cộng, gia tăng quân số từ 45 ngàn lên 60 ngàn. Viễn trợ Mỹ cũng bắt đầu chuyển thẳng cho VN qua Chương Trình Viện Trợ Hỗ Tương Quốc Phòng (Mutual Defense Assistance Program). Các quân trường cơ bản được thành lập trong giai đoạn này là: Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, Nam Ðịnh, và các trung tâm nhập ngũ Quang Trung (Nam), Phú Bài (Trung), Quảng Yên (Bắc).

Ngày 5.5.1951, Bộ Quốc Phòng quốc gia VN mới chính thức hình thành với những cơ cấu đầu não như Bộ Tổng Tham Mưu, Nha Quân Pháp, Nha Thanh Tra, Tổng Nha Hành Chánh & Quân Lương, Nha Quân Cụ, Nha Quân Y, v.v.

Ngày 15.7.1957, lệnh tổng động viên được ban hành kêu 60 ngàn thanh niên nhập ngũ tăng quân số lên 110 ngàn. Các đơn vị được thành lập thêm là Tiểu Ðoàn Nhẩy Dù, Ðại Ðội 1 và 3 Truyền Tin, Ðệ Nhất Chi Ðoàn Thám Thính Xa, Tiểu Ðoàn Pháo Binh, Ðại Ðội 2 & 3 Công Binh.

Tháng 7.1952, các Bộ Chỉ Huy Quân Khu được thành lập: Ðệ Nhất Quân Khu (Nam), Ðệ Nhị QK (Trung), và Ðệ Tam QK (Bắc). Cuối năm 1952, Quân Ðội Quốc Gia có 148 ngàn gồm 95 ngàn chính quy và 53 ngàn Bảo An. Các đơn vị chiến đấu có: 59 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn ngự lâm quân, và 8 tiểu đoàn sơn cước. Về cơ giới có: 6 chi đoàn thám thính xa, 1 tiểu đoàn pháo binh và 8 pháo đội, 6 đại đội vận tải, 6 đại đội truyền tin, và 2 liên đoàn tuần giang. Cũng trong giai đoạn này các trung tâm luyện Không Quân và Hải Quân được thiết lập tại Nha Trang.

Giai đoạn ba (1953- 54): đây là giai đoạn quân đội Pháp chuyển giao dần trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ cho quân đội quốc gia nên nhiều bộ tham mưu, bộ chỉ huy, và đơn vị chiến đấu được thành lập như Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và 54 Tiểu Ðoàn Khinh Binh, 15 Liên Ðoàn Bộ Binh, và một Liên Ðoàn Dù.

Giai đoạn bốn (1954- 75): Ngày 26.10.1955, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đổi tên Quân Ðội Quốc Gia thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân số QLVNCH lúc này là 167 ngàn.

Dinh Độc Lập Việt Nam Cộng Hòa (1975)

Nam Việt Nam chia thành 4 Vùng Chiến Thuật, mỗi vùng có một Quân Ðoàn chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ: Bộ Tư Lệnh (BTL) Quân Ðoàn I (QÐI)/Vùng 1 Chiến Thuật đóng tại Ðà Nẵng; BTL/QÐII/V2CT đóng tại Huế; BTL/QÐIII/V3CT đóng tại Mỹ Tho; BTL/QÐIV/V4CT đóng tại Cần Thơ với 11 Sư Ðoàn Bộ Binh và các lực lượng tổng trừ bị: Sư Ðoàn Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân.

Các loại vũ khí và quân dụng nói chung chỉ là những gì còn dư thừa sau Thế Chiến Thứ II với khoảng 800.000 vũ khí các nhân và cộng đồng; 2000 chiến xa và đại bác; 44 000 máy truyền tin, nhưng cũng dư để chiến thắng quân Việt cộng. Chỉ sau 1970, quân Cộng Sản Bắc Việt được trang bị với những vũ khí và xe tăng tối tân của Tàu cộng và Liên Xô thì Hoa Kỳ mới trang bị lại cho Quân Lực VNCH những vũ khí và chiến cụ tương đương.

Từ 1972, Mỹ làm ngơ cho quân cộng sản Hà Nội và vũ khí nặng tự do xâm nhập Nam VN, cuộc chiến trở nên càng ngày càng gay go và ác liệt hơn, nhưng Quân Lực VNCH vẫn thừa sức đẩy lui các cuộc tấn công quy mô của quân cộng sSản Hà Nội. Vì Hoa Kỳ và Liên Xô + Tàu cộng bắt tay nhau thỏa thuận về mật ước phân chia khu vực ảnh hưởng nên Hoa Kỳ bỏ tiền đồn Nam VN, chấm dứt viện trợ nên ngày 30.4.75, quân đội Nam VN đành phải buông súng. Nhưng Cuộc Chiến VN mới chỉ tạm chấm dứt tại đó vì người Việt hải ngoại và trong nước khẳng định không chấp nhận chế độ cộng sản.

 

Hải Bằng HDB

 

Posted: 17/06/2023 #views: 902
Add comment
:
Pages:  [-1]