VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
VỊ NỮ TƯỚNG MANG TÊN MÙA XUÂN VÀ TẤM LÒNG TRUNG LIỆT NGHÌN ĐỜI VẪN LƯU TRUYỀN

Xuân này ta hãy cùng xem lại những trang sử ghi chép tấm lòng trung liệt tuyệt vời của một vị nữ tướng mang tên mùa Xuân.

Minh Bảo - Xưa nay lòng trung nghĩa đâu chỉ là khí phách riêng của đấng nam nhi đại trượng phu... xuân này ta hãy cùng xem lại những trang sử ghi chép tấm lòng trung liệt tuyệt vời của một vị nữ tướng mang tên mùa Xuân: nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình cho sự thành công của triều đại Tây Sơn...

"Xưa nay khăn yếm vượt mày râu

Bùi thị phu nhân đứng bậc đầu

Chém tướng chặt cờ khoe kiếm sắc

Vào thần ra quỷ tỏ mưa sâu

Quên nhà nợ nước đem toan trước

Vì nước thù nhà để tính sau

Tài đức nghìn thu còn nức tiếng

Non cần chảy ngọc bởi vì đâu?"

(Khuyết danh).

“Trung nghĩa” hay “trung quân ái quốc” là những phẩm chất, giá trị đạo đức hàng nghìn năm qua vẫn được đề cao trong văn hóa truyền thống. Giá trị tốt đẹp này phần lớn bắt nguồn từ Nho giáo. Nó chẳng những là nền tảng tư tưởng để các vĩ nhân xây dựng nên các triều đại huy hoàng, mà còn là tín điều có thể giúp cho quốc gia được bảo vệ trong lúc nguy nan bởi những trung thần nghĩa sĩ lẫm liệt. Có lẽ vì thế mà tấm gương trung nghĩa đã và sẽ luôn là những câu chuyện lay động lòng người, dù cho lịch sử đã trải qua bao nhiêu thế hệ.

Có thể nhiều người Việt không thuộc lịch sử nước nhà, nhưng chắc chắn rất nhiều người vẫn ghi nhớ câu nói hiên ngang của Thái sư Trần Thủ Độ “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo”, hoặc rơi lệ trước lời trăn trối “khoan sức dân” làm “thượng sách giữ nước” đầy trí tuệ của Hưng Đạo Vương. Tuy nhiên, lòng trung nghĩa đâu chỉ là khí phách riêng của đấng nam nhi đại trượng phu hoặc các anh hùng tài ba cái thế... xuân này ta hãy cùng xem lại những trang sử ghi chép tấm lòng trung liệt tuyệt vời của một vị nữ tướng mang tên mùa Xuân: nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình cho sự thành công của triều đại Tây Sơn.


Nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình cho sự thành công của triều đại Tây Sơn. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Tuổi nhỏ chí cao, xếp bút nghiên theo nghề cung kiếm

Bùi Thị Xuân (1752–1802), là con của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Đắc Tuyên là chú, vốn người ấp Xuân Hòa, thôn An Hòa, thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, nay thuộc xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn. Vùng rừng núi ấp Xuân Hòa này phía tây liền với Phú Phong, phía đông lấy suối làm ranh giới, nam cận núi, bắc giáp sông, địa thế hiểm yếu phi thường nên con người ở đây có phần nhiều cá tính mạnh mẽ và chuộng võ hơn văn.

Có lẽ vì thế mà trời khiến cho Bùi Thị Xuân từ nhỏ đã xinh đẹp lại còn có sức mạnh bẩm sinh, là thiên bẩm của một nhân tài hàng đầu cho võ học. Nên dù lớn lên trong gia đình khá giả, được học hành đàng hoàng, đầy đủ công dung ngôn hạnh, nổi tiếng viết chữ đẹp nhưng trong lòng bà chỉ muốn học theo gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu chứ không muốn lấy chồng sinh con như những nữ nhân bình thường khác.

Việc phải đến đã đến. Vào năm 12 tuổi khi đến trường làng học, nhân lúc thầy đồ có việc ra ngoài, giao lớp lại cho trưởng tràng coi sóc. Bọn học trò nam muốn đem Bùi Thị Xuân ra giễu cợt bèn ra câu đối : “Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn”.

Một người trong bọn đối lại: “Đứng Xuân ngồi thung, lá vông lá chóc”.

Cả bọn cười ầm lên. Bà giận đỏ mặt, vung tay ra quyền tới tấp vào hai người ấy rồi bỏ về, từ ấy quyết theo nghiệp võ.

Sau khi bỏ văn học võ, mấy năm sau tài nghệ võ công của Bùi Thị Xuân tăng tiến vượt bậc và nổi danh khắp vùng. Tương truyền Bùi Thị Xuân được một bà lão bí ẩn dạy dỗ rất nhiều năm vào ban đêm.

Trích sử:

“Trước kia không biết Bùi Thị Xuân học võ với ai và học vào lúc nào. Nhưng từ khi bỏ học văn thì đêm đêm có một lão bà đến dạy. Dạy từ đầu hôm đến gà gáy lần thứ nhất thì bà lão lui gót. Không ai hiểu lai lịch ra sao. Suốt ba năm trời, trừ những khi mưa gió, đêm nào bà lão cũng đến cũng đi đúng giờ giấc. Dạy quyền, dạy song kiếm. Rồi dạy cách nhảy cao nhảy xa. Nhảy cao thì cột hai bao cát nơi chân mà nhảy, ban đầu bao nhỏ, rồi đổi bao to dần, cuối cùng mới nhảy chân không. Còn nhảy xa thì ban đầu dùng sào, sau dùng tre tươi ngoài bụi, níu đọt uốn cong xuống thấp rồi nương theo sức bung của cây mà nhảy. Ðêm học ngày tập. Ðến 15 tuổi thì tài nghệ đã điêu luyện.

Một hôm bà lão đến, cầm tay Bùi Thị Xuân khóc và nói:

-Ta có duyên cùng con chỉ bấy nhiêu. Ðêm nay ta đến từ biệt con.

Bùi Thị Xuân khóc theo và nài nỉ xin cho biết tánh danh và quê quán.

Bà lão đáp: - Ta ở gần đây. Trong ba hôm nữa con sẽ biết tin tức. Nhưng con phải giữ bí mật.

Nói rồi, vụt một cái biến mất.

Ba hôm sau, ở thôn An Vinh có một đám ma của một bà lão. Bà lão nhà nghèo, góa bụa, sống với vợ chồng người con gái làm nghề nông. Khi Bùi Thị Xuân được tin, tìm đến thì việc chôn cất đã xong. Biết bà lão đây chính là thầy mình, nhưng nhớ lời thầy dặn, chỉ điếu tang như một người thường. Về nhà mới đợi lúc khuya vắng, thiết hương án nơi vườn dạy võ mà thành phục. Nhưng chỉ để tâm tang”. (Trích: Nhà Tây Sơn - Quách Tấn Quách Giao).

Đến nay người ta vẫn không biết lai lịch bà lão ấy nhưng qua những chiến tích võ công tung hoành sa trường không địch thủ của Bùi Thị Xuân thì chắc hẳn Sư phụ lão phụ nhân kia cũng là một tuyệt thế cao thủ ẩn danh nơi giang hồ (theo cụ Bùi Sơn Nhi ở Xuân Hòa thì đó là bà cao tổ của ông Hương mục Ngạc, một võ sư trứ danh ở An Vinh, thời Pháp thuộc).


Với những chiến tích võ công tung hoành sa trường không địch thủ của Bùi Thị Xuân thì chắc hẳn Sư phụ lão phụ nhân kia cũng là một tuyệt thế cao thủ ẩn danh nơi giang hồ. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Theo gương Trưng chúa, trai anh kiệt mới xứng thành đôi

Trưng Nữ Vương khi xưa khởi sự có dưới tay một đạo quân các nữ tướng nữ binh hết sức tinh nhuệ làm khiếp vía quân thù. Hơn nghìn năm sau ở đất Tây Sơn nay lại có Bùi Thị Xuân muốn học theo Trưng chúa, thế nên ông Trời cũng an bài cho bà thành lập một đạo quân như thế:

“Một hôm Bùi Thị Xuân ở ngoài về, tình cờ thấy đứa ở gái dùng hai chiếc đũa bếp làm kiếm múa. Múa đúng bài bản phép tắc. Bùi Thị Xuân giật mình! Té ra cô ả ngày ngày thấy tiểu chủ múa kiếm, bắt chước múa theo, lâu thành quen tay. Ðợi cô ả múa hết bài, Bùi Thị Xuân chạy đến ôm chầm, và khen: Em giỏi, em giỏi lắm! Từ ấy cho cô ả dùng gươm thiệt mà tập. Lại rủ chị em trong xóm ai muốn học võ học kiếm thì ban đêm rảnh việc đến nhà, Bùi Thị Xuân dạy cho. Không mấy lúc nhà họ Bùi trở thành trường dạy võ. Ðệ tử từ năm ba người trong xóm vụt nhảy lên hàng chục, hàng vài ba chục”. (Trích: Nhà Tây Sơn - Quách Tấn Quách Giao).

Lớp võ gia đình của Bùi Thị Xuân ai ngờ được sau này có thể cho ra lò những nữ tướng kiệt xuất nhất cho nhà Tây Sơn, tục gọi là Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Họ gồm có:

- Bùi Thị Nhạn (sau này là vợ vua Quang Trung);

- Nguyễn Thị Dung (vợ tướng Trương Đăng Đồ nhà Tây Sơn);

- Huỳnh Thị Cúc (nữ tướng dưới quyền Bùi Thị Xuân);

- Trần Thị Lan (sau này là vợ đô đốc Nguyễn Văn Tuyết);

Năm người phụ nữ tài danh tụ cùng một chỗ đã làm nên kỳ tích. Họ đã cùng nhau tổ chức, huấn luyện và điều khiển một đoàn tượng binh gồm một trăm thớt voi và một đoàn nữ binh trên hai ngàn người cho nhà Tây Sơn. Ai cũng biết tượng binh chính là bảo bối trên chiến trường và uy danh của các danh tướng Tây Sơn từ Trần Quang Diệu đến Nguyễn Huệ đều là được lập nên trên bành voi chiến.

Vì cho rằng chuyện lập gia đình không quan trọng và để chuyên tâm theo nghiệp cung kiếm, nên mặc dù là người có nhan sắc, lại đã hơn 20 tuổi rồi nhưng Bùi Thị Xuân vẫn ở vậy một mình. Có lẽ cũng một phần vì xứ Tây Sơn chưa có anh tài nào đủ khả năng lọt vào mắt xanh của bà.

Nhưng trời cao không phụ người chí lớn, Ngài chẳng những an bài cho Bùi Thị Xuân gặp gỡ và kết duyên cùng một bậc quân tử tài đức vẹn toàn mà còn có thể cùng bà làm nên công nghiệp hiển hách cho nhà Tây Sơn, đó là danh tướng Trần Quang Diệu:

“Một hôm Bùi Thị Xuân cùng vài cô học trò đi săn ở vùng núi Thuận Ninh, xảy gặp một tráng sĩ đương đánh cùng một mãnh hổ. Tráng sĩ mình đầy máu me, sức đã sắp đuối. Hổ hung hăng chụp vấu. Bùi Thị Xuân hét lên một tiếng, rút song kiếm xáp vào cứu tráng sĩ. Hổ bỏ tráng sĩ, đánh cùng Bùi Thị Xuân. Hổ đã lanh, tránh khỏi những nhát kiếm hiểm độc, Bùi Thị Xuân lại càng lanh hơn, tránh khỏi những cái vồ như bão như chớp, khiến mấy phen hổ chụp hụt bị té nhào. Hổ cự địch với tráng sĩ đã lâu, sức đã mỏi, nên động tác chậm dần. Cuối cùng bị một nhát kiếm nơi vai, gầm lên một tiếng bỏ chạy Bùi Thị Xuân trở lại băng bó cho tráng sĩ Hỏi tên. Ðáp: - Trần Quang Diệu.

Thoát chết, Trần yêu cầu đưa về Kiên Mỹ, nhà Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc và Bùi Thị Xuân vốn đã từng nghe tiếng nhau, nhưng chưa có dịp làm quen. Nhờ cọp theo gió, gió đưa duyên mà nên nghĩa vườn đào Bùi, Trần, Nguyễn. Rồi để cho nghĩa thêm nặng tình thêm thâm, Nguyễn Nhạc đứng làm mai và làm luôn chủ hôn để Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nên đôi nên lứa”. (Trích: Nhà Tây Sơn - Quách Tấn Quách Giao)


Nguyễn Nhạc đứng làm mai và làm luôn chủ hôn để Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nên đôi nên lứa. (Ảnh: Soha)

Tận lực phò tá nhà Tây Sơn, xây dựng binh nghiệp, tiến cử hiền tài

Nhìn lại lịch sử nhà Tây Sơn từ trước lúc khởi nghĩa đến khi diệt vong, ta sẽ dễ dàng nhận ra sự đóng góp to lớn của vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu cho triều đại này. Có thể nói không ngoa rằng họ chính là các vì phúc tướng mà trời ban cho anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Có lẽ vì thế mà trong 18 tướng lãnh trụ cột, thì hai vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân được anh em Tây Sơn coi như cật ruột.

Giai đoạn tiền khởi nghĩa, bà chẳng những một tay lo việc kinh tế tài chính mà còn huấn luyện nghĩa quân, khai phá đồn điền, thành lập tượng binh…

“Ở bên Phú An nay hãy còn một đám đất gọi là Trường Võ, đó là nơi bà mở trường dạy võ nghệ cho các nghĩa sĩ trong quân đội Tây Sơn.

Thuở ấy, bà Bùi Thị Xuân còn là một nữ tướng trẻ tuổi, xinh đẹp. Ngoài tài năng võ nghệ, cầm binh, huấn luyện voi rừng (nghe đâu dãy gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà)... bà còn giỏi cả việc đi buôn trầu ở An Khê, có tài thuyết phục người ở miền Thượng hơn cả Nguyễn Nhạc, giỏi cả việc khai hoang, làm thủy lợi như biến lòng một con suối khô, chỉ toàn là cát đá thành vùng đất màu mỡ "nhất đẳng điền" tên là ruộng Trại, rộng hơn hai chục hécta để lấy lúa nuôi quân…” (Trích: Bút Ký - Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Ngoài các nữ võ sinh trường võ của bà sau này đều là tướng lãnh, chỉ huy quan trọng như đã dẫn ở trên, bỏ qua luôn cả ông chồng danh tướng - Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân còn chứng tỏ mình rất “mát tay” khi giới thiệu một số anh tài về đầu quân dưới trướng Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc. Tiêu biểu như:

Phi Vân Báo Lý Văn Bưu nổi danh với tài kỵ xạ bách phát bách trúng và gia đình truyền đời nuôi chiến mã, huấn luyện ngựa chiến. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực kỵ binh Tây Sơn và lập công trong chiến dịch Thăng Long năm Kỷ Dậu.

Lũy Tiệp tướng quân Đặng Xuân Phong gia nhập năm 1775, người Dũng Hòa, lập công đầu trong trận Quảng Nam giết chết Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân, cùng Nguyễn Văn Tuyết trấn thủ Quảng Nam. Sau đó ông tham gia trận Phú Yên đánh bại Tống Phước Hiệp, bắn chết tướng Nguyễn Văn Hiền. Ông làm quan đến Thái phó, huyện công Tuy Viễn.


Bùi Thị Xuân với kiếm pháp tuyệt luân của mình đã chém bay đầu Lục Cổn tại trận. (Tranh Loc Minh Duong)

Xưa nay lòng trung nghĩa đâu chỉ là khí phách riêng của đấng nam nhi đại trượng phu... xuân này ta hãy cùng xem lại những trang sử ghi chép tấm lòng trung liệt tuyệt vời của một vị nữ tướng mang tên mùa Xuân: nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và tài năng của mình cho sự thành công của triều đại Tây Sơn...

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, dẹp yên Xiêm La

Năm 1783, Nguyễn Vương Phúc Ánh sau nhiều trận đại bại đã quyết định đem hết tàn binh của mình cầu viện Xiêm La, một đế quốc láng giềng đang thời hùng mạnh, quyết giành lại giang sơn bằng mọi giá.

Người Xiêm vốn cũng là những kẻ cơ hội lọc lõi, đầu tiên họ vốn muốn đứng ngoài cuộc làm “ngư ông đắc lợi” cho cuộc chiến Nguyễn - Tây Sơn. Hơn nữa bên phía Nguyễn Nhạc cũng có động thái muốn hòa hoãn với Xiêm La để rảnh tay bình định trong nước, bởi Tây Sơn không muốn có thêm một kẻ địch mạnh. Do đó Nguyễn Nhạc đã cử sứ giả đến Bangkok gặp vua Xiêm La Rama I.

Nhưng tháng 12 năm 1783, phò mã Trương Văn Đa của Tây Sơn theo lời cầu cứu của Nặc Ấn, đã đem quân sang Chân Lạp tấn công viên tướng Chiêu Thùy Biện (Chao Phraya Abhaya Bhubet, Nhiếp chính vương Chân Lạp, do Xiêm ủng hộ) và đụng độ quân Xiêm ở đó. Vì thế mà vua Xiêm đã lựa chọn động binh giúp chúa Nguyễn, vừa để giành lại ảnh hưởng ở Chân Lạp và vừa muốn chiếm Nam Bộ.

Tháng 4 năm 1784, vua Xiêm Rama I phái hai tướng Lục Côn và Sa Uyển cùng với Chiêu Thùy Biện, đem hai đạo bộ binh tiến sang Chân Lạp để từ đó, mở một mũi tiến công đánh phối hợp. Tổng quân số của liên quân Xiêm Nguyễn khoảng 2 vạn người.

“... Vào tháng 5 [lịch Xiêm, khoảng tháng 3 DL] của năm Thìn [Giáp Thìn 1785], nhà vua sai cháu là Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy một đội chiến thuyền và 5.000 quân, phát lệnh tấn công và tái chiếm – không được thất bại – lãnh thổ Saigon cho Ong Chiang Su [chúa Nguyễn]. Nhà vua cũng cho phép đích thân Ong Chiang Su đi theo với đoàn quân. Một toán quân đường bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy được lệnh tiến theo đường Cam Bốt và điều động thêm một đoàn quân Cao Miên. Chaophraya Aphaiphubet tuyển thêm một lực lượng 5.000 quân Cam Bốt để đi cùng quân Thái”. (Nguyễn Duy Chính - trích từ tài liệu lịch sử của Xiêm La).

Tháng 7 năm 1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên đánh lấy Rạch Giá (thuộc đạo Kiên Giang), tiến đánh quân Tây Sơn của Đô đốc Nguyễn Hóa ở Trấn Giang (Cần Thơ), tiến chiếm các miền Ba Thắc (Srok Pra-sak, Sóc Trăng), Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít rồi chia quân đóng giữ. Xét thấy quân ít, không chống chọi được, phò mã nhà Tây Sơn là Trương Văn Đa cho quân lui về giữ Long Hồ. Quân Xiêm đi đến đâu cướp bóc đến đó, Nguyễn Ánh dù bất bình nhưng không can thiệp được, vì họ (quân Xiêm) cậy mình là kẻ cứu giúp nên đàn áp, cướp bóc nhân dân, khinh mạn cả chúa Nguyễn và quân Nguyễn.


Tháng 7 năm 1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên đánh lấy Rạch Giá. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Lần này kể cả Nguyễn Ánh cũng phải hối hận vì quyết định của mình:

“Vua thấy quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, nhân dân ta oán rất nhiều, bảo các tướng rằng: “Muốn được nước phải được lòng dân. Nay Chu Văn Tiếp đã mất, quân Xiêm không ai chế ngự được. Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ nhân dân”. (Theo: Đại Nam Thực Lục).

Trương Văn Đa gửi tin cáo cấp về Quy Nhơn, Thái Đức Hoàng đế cử Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ dẫn quân vào đánh quân Xiêm. Đầu năm 1785, quân đội Tây Sơn đã có mặt ở miền Nam.

Với quân số ít hơn, Nguyễn Huệ quyết định dùng chiến thuật mai phục và tập kích nhanh mạnh bằng hỏa lực lớn, là điều mà ngày nay gọi là “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Ông chọn khúc sông Rạch Gầm Xoài Mút làm địa điểm quyết chiến. Nguyễn Huệ tổng chỉ huy chiến dịch và trực tiếp thống lĩnh thủy binh, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân phụ trách bộ binh mai phục.

Sau khi sắp đặt xong mọi thứ, Nguyễn Huệ cử binh đi khiêu chiến quân Xiêm. Tướng Xiêm là Chiêu Tăng giao Sạ Uyển ở lại giữ đại bản doanh, cử tướng Lục Cổn dẫn bộ binh men theo tả ngạn sông Tiền để cùng phối hợp; còn ông cùng với tướng tiên phong là Chiêu Sương, dẫn hàng trăm thuyền chiến tiến xuống Mỹ Tho, nơi đặt đại bản doanh của Tây Sơn.

Đêm ngày 18 tháng 1 năm 1785, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công.

Đến khoảng đầu canh năm ngày 19 tháng 1 năm 1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm-Xoài Mút, tức thì pháo lệnh tấn công của Tây Sơn nổ vang. Các đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút bất ngờ lao ra, chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vào vòng vây đã bố trí sẵn. Đồng thời, từ hai bờ sông Tiền (đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút) và dọc bờ cù lao Thới Sơn, bãi Tôn, cồn Bà Kiểu, Rừng Dừa... các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra dữ dội vào giữa đoàn thuyền địch lúc bây giờ đang bị dồn lại. Dưới sự đốc chiến trực tiếp của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn thủy bộ phối hợp cùng nhau tận dụng sự chi viện của hỏa lực đại bác số lượng vượt trội trên bờ bắn xuống tiêu diệt gần như toàn bộ thủy quân Xiêm. Lục quân Xiêm trên bờ cũng bị tập kích bất ngờ bởi đạo kỳ binh do vợ chồng Bùi Thị Xuân chỉ huy. Vừa sợ hãi vừa rối loạn nên đoàn quân bộ của Xiêm - Nguyễn cũng mau chóng bị tiêu diệt, Bùi Thị Xuân với kiếm pháp tuyệt luân của mình đã chém bay đầu Lục Cổn tại trận.


Bùi Thị Xuân với kiếm pháp tuyệt luân của mình đã chém bay đầu Lục Cổn tại trận. (Tranh Loc Minh Duong)

Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm cùng một số quân của chúa Nguyễn, không đầy một ngày, đã bị quân Tây Sơn phá tan. Hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy trốn về Sa Đéc, bị truy kích, lại hối hả cùng Sa Uyển dẫn vài nghìn tàn quân chạy bộ sang Chân Lạp rồi về Xiêm.

Chính sử nhà Nguyễn dẫu không công nhận nhà Tây Sơn, nhưng vẫn phải nhận xét về cuộc chiến này như sau:

"... Quân Xiêm (từ sau khi thua trận Rạch Gầm – Xoài Mút) tuy ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp". (Trích: Đại Nam thực lục).


Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm cùng một số quân của chúa Nguyễn, không đầy một ngày, đã bị quân Tây Sơn phá tan. (Ảnh: Shutterstock)

Vỗ yên Vạn Tượng, Miến Điện kết minh

Đoàn tượng binh do đích thân Bùi Thị Xuân lãnh đạo đã trở thành lực lượng chủ lực quan trọng đem đến nhiều chiến thắng cho quân đội Tây Sơn. Hình tượng vua Quang Trung oai dũng trên bành voi chiến trong trận công thành Thăng Long năm 1789 đã đi vào lịch sử. Và sau năm Kỷ Dậu lịch sử đó, đạo tượng binh này phải cùng với vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân bôn ba vài phen để giữ yên bờ cõi cho nhà Tây Sơn.

Sau đại thắng Thăng Long, tân hoàng đế Quang Trung và chính phủ của ông phải tập trung lập lại bang giao với nhà Thanh, xin phong vương để chính vị hiệu và tránh bị tấn công từ Trung Hoa thì ở miền Nam lại bất ổn. Nguyễn Vương Phúc Ánh chiếm Gia Định, xây dựng lực lượng chuẩn bị đánh ra Bắc. Đế quốc Xiêm La đánh chiếm một số tiểu quốc ở Lào, cùng với Lê Duy Chỉ, em vua Lê Chiêu Thống khởi binh uy hiếp đến mặt Tây của nước ta ở Nghệ An. Có thể nói là lưỡng đầu thọ địch, nguy cơ trùng trùng.

Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Trần Quang Diệu lấy được Trấn Ninh, bắt tù trưởng Cheo Nan và Cheo Kiêu, tháng 8 bình định được Trịnh Cao và Quy Hợp. Tháng 10, Trần Quang Diệu tấn công Vạn Tượng, buộc thủ lãnh bỏ thành chạy trốn, thu được vô số chiêng, trống và vài chục thớt voi. Thừa thắng, Quang Diệu đánh thẳng đến biên giới Xiêm La, chém được Tả súy Phan Dung, Hữu súy Phan Siêu. Binh Xiêm thua chạy tán loạn. Trần Quang Diệu và Lê Trung dẹp yên biên giới, kéo binh về Tuyên Quang đánh Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Tân, Đồng chống không nổi bị chém tại trận tiền. Lê Duy Chỉ trốn không thoát cũng bị giết.

Mùa Xuân năm Tân Hợi (1791), vua Ai Lao là Chiêu Án không chịu triều cống, Trần Quang Diệu lại được cử đem binh sang vấn tội. Trận ra quân này có nữ tướng Bùi Thị Xuân tháp tùng. Quân Ai Lao chống cự không lại, sợ hãi xin hàng. Ở lại bình định một thời gian, hai vợ chồng kéo binh về nước, chuẩn bị sang đánh Miến Điện. Vua Miến Điện hay tin liền sai sứ sang xin thông hiếu, từ ấy bờ cõi phía Tây cũng như phía Bắc được yên ổn.

Một đời trung nghĩa, đến chết mới thôi

Cũng như Khổng Minh Gia Cát Thừa tướng, một đời hiến dâng cho nhà Thục Hán nổi tiếng với câu “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” khiến cho hậu thế bao đời tán thán, nữ tướng Bùi Thị Xuân tuy là thân nữ nhi nhưng tấm lòng trung nghĩa của bà đối với nhà Tây Sơn cũng sáng ngời sử xanh. Có thể nói cuộc đời của bà từ lúc sinh ra cho đến lúc mất là dành cho sự nghiệp Tây Sơn vậy.

Sau khi Quang Trung mất, nhà Tây Sơn bắt đầu xuống dốc không phanh. Thái sư Bùi Đắc Tuyên nhân vua còn nhỏ tuổi lộng quyền, hãm hại trung thần, vận nước ngày càng suy yếu đến nỗi đánh mất cả kinh đô Phú Xuân.

Mùa xuân năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy vào trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân đi đánh chiếm lại Phú Xuân. Trong chiến dịch này, Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá. Lịch sử gọi trận đánh này là trận đánh lũy Trấn Ninh.


Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Cùng sự canh tân quân đội học tập từ Tây Phương và các quân tướng tôi luyện qua nhiều năm chiến đấu, quân nhà Nguyễn giờ đây không yếu ớt như xưa nữa, mà đã trở thành một đạo quân rất hùng mạnh. Quân Tây Sơn tiến công cả ngày đêm nhưng không xuyên nổi phòng tuyến quân Nguyễn. Thấy tình thế ngày càng bất lợi, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh thẳng từ sáng đến chiều vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Vương Phúc Ánh đang cố thủ, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp, làm cho quân tướng và cả Nguyễn Vương cũng nao núng.

Nhưng trời không chiều người, những tưởng có thể chuyển bại thành thắng thì ngay lúc đó tướng Nguyễn Văn Trương đã phá tan thủy binh Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), cướp được hầu hết tàu thuyền, tướng giữ cửa biển Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng. Đội quân của bà dưới áp lực đó đã hốt hoảng bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy, vua Cảnh Thịnh cũng đành hạ lệnh cho lui binh. Bùi Thị Xuân khuyên vua cố đánh tiếp nhưng không được. Bấy giờ chồng bà là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng không thể giữ Quy Nhơn, đưa quân theo ngả thượng đạo ra Nghệ An để hội với vua Tây Sơn lo việc chống giữ. Vừa đến huyện Hương Sơn thì được tin thành Nghệ An đã bị hạ. Được mấy hôm, cả hai vợ chồng đều bị bắt.

Vốn đã nhiều phen khốn đốn với tài cầm quân của hai vợ chồng bà, sau khi chiêu hàng Trần Quang Diệu không xong, Nguyễn Vương đã ra lệnh chém đầu Trần Quang Diệu, riêng Bùi Thị Xuân và con gái bị nhà Nguyễn xử bằng hình phạt tàn khốc nhất... voi dày. Vậy là kết thúc một cuộc đời của vị nữ tướng lẫy lừng nhất nước Nam ta từng có từ sau thời Hai Bà Trưng.

Trích tài liệu của giáo sĩ De La Bissachère:

“Đứa con gái trẻ của bà (Bùi Thị Xuân), một thớt voi từ từ tiến đến. Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy. Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách: Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta!... Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời... Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống to lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo… Bùi Thị Xuân chết rồi, bọn lính bèn lấy dao cắt lấy tim gan, thịt ở cánh tay bà mà ăn sống, vì muốn được can trường như bà”. (Việt Sử tân biên - Phạm Văn Sơn).


Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời... (Ảnh chụp từ màn hình Youtube)

Lời kết

Con người sinh ra hầu như ai cũng cầu cho bản thân được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp, vinh thân phì gia và chắc chắn không ai muốn đầu rơi máu đổ, thịt nát xương tan cả. Vì thế mà hàng tỷ người trên trái đất này mới là những người bình thường. Vì thế mà nhân loại đông đúc thế mà qua nhiều năm lại có không mấy những anh hùng thật sự, đến lúc chết vẫn một thân đầy hạo nhiên chính khí, làm cho chính kẻ thù cũng phải khâm phục và khiếp sợ.

Và cũng vì thế mà lời nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng và bài thơ Chính Khí Ca của Văn Thiên Tường dẫu qua mấy trăm năm vẫn làm trái tim bao người ái quốc phải rung lên vì khâm phục.

Và giờ đây, sau Bảo Nghĩa Vương mấy trăm năm lại có một người phụ nữ mà trước cái chết tàn khốc nhất đang đợi mình và con thơ lại còn có thể làm cho kẻ thù kinh hãi và tôn trọng. Trong lịch sử có lẽ chưa có ai làm được thế, chỉ có mỗi một Bùi Thị Xuân mà thôi. Bỏ qua hết những búa rìu công tội của sử gia phe chiến thắng, ta chỉ thấy một tấm lòng trung nghĩa chói lọi đến ngày nay của một nữ kiệt vô song, đáng kính thay. Quả đúng là:

Cân quắc do tư báo quốc cừu

Khả liên di hận phó đông lưu

Dạ lan mỗi độc Tây Sơn sử

Phảng phất phương dung hiện án đầu.

(Vịnh phu nhân Bùi Thị Xuân- Nguyễn Bá Huân (1853- 1915))

Dịch thơ:

Phận gái lo tròn chuyện nước non

Thương thay mối hận chảy về đông

Đêm khuya lần đọc Tây Sơn sử

Phảng phất dung nhan trước án còn.

(Bản dịch của Việt Thao).

 

Minh Bảo (ntdvn.net)

 

Posted: 21/02/2024 #views: 75
Add comment
:
Pages:  [-1]