VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
MỸ VÀ PHILIPPINES TẬP ĐÁNH CHÌM TÀU VÀ TÁI CHIẾM ĐẢO TRÊN BIỂN ĐÔNG, TÀU CỘNG CẢNH CÁO

Binh lính Mỹ trước bệ phóng pháo phản lực HIMARS trong khuôn khổ đợt tập trận Balikatan năm 2023 của Mỹ và Philippines (Getty Images)

BBC - Mỹ và Philippines sắp tập trận quân sự chung thường niên, bao gồm mô phỏng đánh chìm tàu và giành lại đảo bị chiếm đóng.

Cuộc tập trận chung thường niên sẽ diễn ra từ thứ Hai (22/4) và kéo dài hơn hai tuần, theo Reuters.

Đại tá Michael Logico, sĩ quan quân đội Philippines phụ trách hoạt động tập trận lần này, cho biết đây là lần đầu tiên các cuộc tập trận trên biển được thực hiện bên ngoài lãnh hải của Philippines.

Philippines đang dần tập trung hơn vào phòng thủ chống lại các thế lực nước ngoài, dựa trên yêu cầu phòng thủ quần đảo một cách toàn diện của chính quyền Tổng thống Marcos Jr.

Theo Nikkei Asia, chiến lược này được thúc đẩy bởi nhu cầu giải quyết các tranh chấp trên biển với Tàu cộng và mới đây đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro nhắc lại khi nói rằng Philippines "cần phải tăng cường năng lực trên biển và trên không".

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tàu cộng ngày càng gia tăng sức ép trên Biển Đông và eo biển Đài Loan – cũng là những điểm nóng căng thẳng giữa Tàu cộng và Mỹ.

Đây hứa hẹn sẽ là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay của Philippines.

Trong cuộc tập trận này, Pháp cũng điều một tàu tới, nhưng chưa rõ mức độ tham gia như thế nào.

Nội dung tập trận

 

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ trong cuộc tập trận chung với Philippines hồi tháng 5/2023 (Getty Images)

Theo ông Logico, quân đội Mỹ và Philippines sẽ diễn tập giành lại các đảo bị lực lượng thù địch chiếm đóng ở các đảo vùng cực bắc của đất nước (khu vực gần Đài Loan) và tại tỉnh miền tây Palawan, giáp với Biển Đông, hai bên cũng sẽ mô phỏng đánh chìm tàu chiến giả định của kẻ thù ở vùng biển ngoài khơi thành phố Laoag thuộc tỉnh Ilocos ở miền bắc Philippines.

Các hoạt động diễn tập sẽ kéo dài từ 22/4 tới 10/5, trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan thường niên, hay còn gọi là "vai kề vai", với sự tham gia của 16.700 binh sĩ.

Binh lính hai nước sẽ được tập trung huấn luyện về các lĩnh vực như an ninh hàng hải, chiến tranh phòng không, phòng thủ mạng và các hoạt động thu thập, xử lý thông tin.

Pháp sẽ có lần đầu tiên góp mặt trong cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines kể từ khi hoạt động này được tổ chức thường niên từ năm 1991.

Một nhóm quân nhỏ của Pháp sẽ triển khai tàu khu trục đồng hành cùng tàu hải quân của Philippines và Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông.

Tàu cộng lên tiếng

Phản hồi về cuộc tập trận, Bộ Ngoại giao Tàu cộng đã cảnh cáo Philippines nên "tỉnh táo nhận ra" việc để các quốc gia ngoài khu vực phô trương lực lượng ở Biển Đông và kích động đối đầu sẽ chỉ càng gia tăng căng thẳng và bất ổn khu vực.

“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm kéo các thế lực bên ngoài vào để bảo vệ cái gọi là an ninh sẽ càng khiến an ninh Philippines trở nên xấu đi,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tàu cộng Lâm Kiến phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.

Ông này cũng lên tiếng kêu gọi hai quốc gia [Mỹ và Philippines] dừng các hành động khiêu khích. Trước đó, Tàu cộng đã nhiều lần nói rằng Philippines mới là bên hay có động thái kích động trên Biển Đông.

Đầu năm nay, có những ý kiến cho rằng Philippines đang dần trở thành một lực lượng ủy nhiệm của Mỹ để chống lại Tàu cộng ở khu vực Biển Đông.

“Chúng ta đang bị kẹt trong cuộc chiến tranh ủy thác của Mỹ và Tàu cộng. Đến cuối cùng, chúng ta sẽ là những con kiến bị giẫm đạp,” South China Morning Post trích lời bà Teresita Ang See, thành viên hội đồng cố vấn của Hiệp hội Nghiên cứu về Tàu cộng của Philippines.

Tàu được sử dụng làm mục tiêu trong bài tập đánh chìm tàu có lẽ cũng đáng chú ý.

Ông Michael Logico nói rằng chiếc tàu được sử dụng là “một tàu hải quân Philippines đã ngừng hoạt động.”

Một bài quan điểm trên Hoàn Cầu Thời báo viết rằng tàu mục tiêu được sử dụng là tàu tiếp nhiên liệu cũ của Hải quân Philippines mang tên "BRP Lake Caliraya" và là phương tiện hải quân duy nhất của Philippines được “sản xuất ở Tàu cộng.”.

Bài viết này cho rằng bản chất của cuộc tập trận Balikatan lần này là “cực kỳ tiêu cực”.

Động thái của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

 

Mỹ, Nhật Bản và Philippines vừa có hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của ba quốc gia tại Washington (Getty Images)

Đầu năm nay, Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung “Keen Edge 24” trên biển Philippines. Keen Edge 24 có sự tham gia lần đầu tiên của Úc.

Khi đó, Washington và Tokyo đã lần đầu tiên chỉ định Bắc Kinh là "kẻ thù giả định" trong quá trình tập trận, truyền thông Nhật Bản dẫn lời các nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết.

Cuộc tập trận sử dụng bản đồ thực, không có chỉnh sửa, phá vỡ thông lệ sử dụng bản đồ có sự khác biệt nhỏ so với thực tế, theo South China Morning Post.

Đại sứ quán Tàu cộng tại Tokyo khi đó đã lên tiếng cảnh báo bất cứ ai can thiệp vào sự hợp nhất của Tàu cộng sẽ phải “trả giá đắt”.

Mới đây, quân đội Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tham gia các cuộc tập trận chung với Philippines.

Tàu cộng đã lên tiếng kịch liệt phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Typhon ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương , theo Tân Hoa Xã.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/4/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm cho biết Tàu cộng "quan ngại sâu sắc" và phản đối việc Mỹ “tăng cường triển khai quân sự ngay trước thềm của Tàu cộng với mục đích theo đuổi lợi thế quân sự đơn phương".

“Philippines cần hiểu rằng họ sẽ không đạt được mục đích chỉ bằng cách dựa vào Mỹ,” ông này nói thêm.

Tuần trước, Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có cuộc tập trận chung ở phía nam đảo Jeju của Hàn Quốc, nhằm cải thiện khả năng ứng phó với năng lực hạt nhân của Bắc Hàn.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng sự hợp tác quân sự giữa Washington với Seoul và Tokyo cũng có thể gây lo ngại cho Tàu cộng.

South China Morning Post trích lời ông Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết vùng biển nằm ở phía nam Jeju và phía bắc Đài Loan có ý nghĩa chiến lược đối với Bắc Kinh. "Do đó, Tàu cộng có thể lo ngại các cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến Tàu cộng, đặc biệt là đối với vấn đề eo biển Đài Loan.”

Theo ông Cho, khu vực phía nam đảo Jeju của Hàn Quốc là vị trí Mỹ có thể sử dụng để kiềm chế cả Bắc Hàn lẫn Tàu cộng. (BBC)

 

Posted: 24/04/2024 #views: 139
Add comment
:
Pages:  [-1]