VietOrg Media
Dịch vụ    Việc làm    Tiệm ăn    Y tế & sức khỏe    Địa ốc    Cửa hàng    Xây dựng    Âm nhạc    Luật sư    Du lịch    Kỹ thuật    Bảo hiểm    Khách sạn    Lưu thông    Thẫm mỹ    Dịch vụ tổng quát    Tài chánh, ngân hàng    Truyên thông
      
ĐÀ LẠT ĐẦY CÔNG AN, MẬT VỤ SAU KHI CÓ TIN KHỦNG BỐ

Đà Lạt chiều tối ngày 30 Tháng Tư (Ảnh: FB)

Y Nguyên - Vào trưa ngày 30 Tháng Tư tại Đà Lạt, giờ Việt Nam, người dân đến thành phố này theo các chuyến du lịch đã ngạc nhiên khi nhìn thấy đâu đâu cũng thấy công an, cảnh sát cơ động… đi tuần và đứng chốt chặn. Không khí căng thẳng hoàn toàn khác ngày thường. Cùng lúc đó, tin nhắn đóng cửa bất ngờ của hệ thống rạp chiếu Cinestar cũng làm xôn xao dân chúng.

Nguyên văn, ban quản lý Cinestar gửi đi, để là “thông báo khẩn”, và nói rằng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân Dân Thành phố Đà Lạt, phải đóng cửa từ chiều ngày 30 Tháng Tư cho đến hết ngày 3 Tháng Năm. Lý do chỉ được đưa ra mơ hồ là “do sự cố bất đắc dĩ”.

Cinestar cũng báo tin là tất cả những khách đã mua vé trước sẽ được lần lượt gửi trả tiền lại.

 

Không chỉ Cinestar, mà các điểm ca nhạc đã bán trước như Mây Lang Thang, hay lễ hội Dalat Best Dance Crew 2024, vốn được chuẩn bị công phu từ nhiều tháng trước cũng phải ngừng bất ngờ.

Những nguồn tin không được kiểm chứng, xôn xao trong dân chúng, nói là công an xác định có tin sẽ có đánh bom khủng bố vào những chỗ tập trung đông người nhất như rạp hát, quảng trường… Thậm chí, danh sách năm người bị công an tình nghi và tổ chức lùng bắt, gồm có ba người Kinh, là Nguyễn Quốc Hùng, Vạn Quang Vỹ, Ninh Viết Cường, cùng 2 người K’ho là Bojo Phú và Krajan Jortem.

Hình ảnh năm người này được phát tán khắp nơi trên các trang mạng, được nói là từ nguồn của công an. Trong buổi chiều ở Đà Lạt, các con đường trung tâm vắng một cách bất ngờ so với lượng khách du lịch đổ về. Nhiều gia đình cũng dặn dò con cái hãy hủy các chuyến đi đến chỗ đông người.

 

(ảnh: FB)

Báo chí nhà nước, như trang VTC, cũng đưa tin “Ngày 30/4, UBND TP Đà Lạt có văn bản hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh tại quảng trường Lâm Viên tạm ngưng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ từ 13h ngày 30/4”, là một minh chứng cho sự hốt hoảng của chính quyền Đà Lạt.

Cụ thể, nguyên văn tin đưa “Trong thời gian diễn ra Lễ kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và Quốc tế Lao động 1/5/2024, thành phố Đà Lạt sẽ tổ chức các sự kiện chính trị – xã hội tại khu vực Quảng trường Lâm Viên.

Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt công tác an ninh trật tự trong quá trình tổ chức, UBND Đà Lạt đề nghị các doanh nghiệp đang kinh doanh tại khu vực Quảng trường Lâm Viên (Chi nhánh Công ty cổ phần bất động sản Việt Nhật tại Đà Lạt, Công ty TNHH rạp chiếu phim – thể thao và giải trí Ngôi Sao Đà Lạt, Công ty cổ phần Milli) tạm ngưng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu vực Quảng trường Lâm Viên từ 13h đến 23h ngày 30/4/2024.”

Tuy nhiên đến chiều tối ngày 30 Tháng Tư, chính quyền Đà Lạt đã rút lại các tin báo, và thậm chí ra lệnh cho các trang mạng đưa tin về lệnh hủy các hoạt động bình thường, phải đồng loạt trấn an dân chúng là việc bất ngờ dừng vui chơi, tập hợp ở một số điểm là “bình thường”. Thậm chí, buồn cười hơn, là các trang tuyên truyền của chính quyền còn nói việc đồn thổi, là do phá hoại, xuyên tạc tình hình.

Sự chạy chữa khó hiểu này, được ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch Ủy ban TP Đà Lạt nói là ngoài tạm ngưng một số hoạt động như đã yêu cầu thì các sự kiện, hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường. “Việc tạm ngừng hoạt động tại siêu thị, rạp chiếu phim trong thời gian diễn ra sự kiện lớn của thành phố là việc hết sức bình thường, trước đây như Festival hoa vẫn làm ở địa phương. Người dân không nên hoang mang hay làm quá sự việc lên”, ông Tú nói. Nhưng ông Tú không giải thích là việc dừng bất ngờ, chỉ cách vài tiếng trước các sự kiện là vì sao.

 

Khách du lịch trước quảng trường ở Đà Lạt, vào giờ có tin tức gây hoang mang (Ảnh: FB)

Không có lời giải thích nào về việc chính quyền gấp rút ra lệnh đóng cửa các nơi sinh hoạt, giải trí ở Đà Lạt, cũng như nguồn hình về các “nghi phạm” mà chỉ riêng công an mới có, được tung ra ở nhiều nơi, mà cũng không có lời đính chính.

Theo mô tả của thông tín viên Sài Gòn Nhỏ ở Việt Nam, tối 30 Tháng Tư ở khu chợ trung tâm Đà Lạt, không khí vẫn căng thẳng khi xe bán tải của công an, và các thành phần cảnh sát, chen lẫn trong các dòng người đi bộ,

Bính luận trên trang cá nhân, ông Y Phic Hdok, thuộc tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ),  viết “Chính quyền là người đưa ra thông báo là có nguy cơ khủng bố, bắt người dân ở yên tại chỗ, giờ lại bắt xoá hết các bài đăng cũ, giờ đăng trấn an người dân bằng bài viết mới. Thay vào đó là nói không gian mạng lan truyền. Nhanh thiệt! Phải theo kịp chứ không là cứ hở tí là khủng bố, rồi đi vu khống bậy bạ, người này người nọ, tổ chức này tổ chức nọ tội người dân Daklak.”

Phân tích thái độ hai mặt này của chính quyền Đà Lạt, một quan chức giấu tên nói, sau khi hô hoán và ra lệnh rầm rập vì quá hoảng sợ về một hình ảnh biến cố có thể xảy ra, những người chịu trách nhiệm ở Đà Lạt đã nhận được ý kiến từ Trung Ương là yếu kém trong việc giải quyết vấn đề, vì vậy phải tự phủ nhận, vội vã tìm cách rửa mặt với dân chúng và cấp trên.

 

Y Nguyên (SGN)

 

Posted: 30/04/2024 #views: 172
Add comment
:
Pages:  [-1]