Minh Hạnh - Ngày 23 tháng Chạp là Tết ông Công ông Táo - ngày Táo Quân cưỡi cá chép chầu trời. Dân gian tin rằng, Táo Quân lên trời là để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc làm thiện ác dưới trần gian, qua đó Thượng Thiên sẽ quyết định phúc lành và vận khí của từng gia đình trong năm tới.
Táo Quân về Trời là việc nhà nhà đều biết, nhưng nếu nói có người đã đích thân chuyện trò với Táo Quân thì không phải ai cũng từng nghe qua. Dưới đây là câu chuyện về một gia đình nọ bất ngờ gặp gỡ Táo Quân trong một ngày đặc biệt. Cố sự ấy được lưu truyền trong dân gian với tên gọi: Du Tịnh Ý Công gặp Táo Thần.
Phát thệ phóng sinh hành thiện lại càng gặp nhiều tai họa
Vào những năm Gia Tĩnh triều Minh, tại tỉnh Giang Tây có một người tên là Du Đô, tự Lương Thần. Du Đô từ nhỏ đã thông minh chăm chỉ, ngày ngày đều nỗ lực nghiệp bút nghiên, đến năm 18 tuổi thi đỗ tú tài. Ai cũng tin rằng chàng trai này rất có triển vọng, tương lai sẽ làm rạng rỡ tổ tông, gia đình được vinh hiển. Nhưng nào ngờ, kinh qua bảy lần thi thố, Du Đô mãi không có tên trên bảng vàng. Đến khi kết hôn và sinh con, Du Đô phải kiếm sống bằng nghề dạy học. Hai vợ chồng cùng sinh được năm cậu con trai và bốn cô con gái, đứa con nào cũng thông minh lanh lợi.
Nhưng chẳng bao lâu, bảy người con của Du Đô đột ngột qua đời khi tuổi còn nhỏ. Nhà họ Du chỉ còn lại duy nhất một cô con gái và một đứa con trai thứ ba. Cậu bé này vừa sinh ra đã có hai nốt ruồi màu đỏ dưới lòng bàn chân trái, hơn nữa lại là đứa trẻ thiên tư thông dĩnh, vẻ mặt thanh tú, lại ngoan ngoãn lễ phép nên được mọi người yêu mến. Vợ chồng Du Đô rất yêu thương con, coi đó là bảo bối, nâng niu như viên ngọc minh châu trong tay. Nhưng nào ngờ, vào năm đứa trẻ lên 8, cậu bé ra ngoài chơi đùa, mãi đến đêm vẫn chưa thấy trở về. Hai vợ chồng hốt hoảng đi tìm khắp nơi, cả làng trên xóm dưới cũng đều giúp đỡ, nhưng cuối cùng vẫn không có tung tích. Một đứa trẻ hoạt bát năng động, chỉ một ngày đã không thấy tăm hơi. Lúc này cả chín đứa con chỉ còn lại một mụn con gái, người vợ vì thương nhớ con mà ngày ngày đầm đìa nước mắt, không lâu sau hai mắt cũng mù lòa.
Du Đô vô cùng sầu não, bất bình trong tâm. Ông nghĩ:
“Ta tự hỏi bản thân chưa từng làm việc gì xấu, vì sao Thượng Thiên lại trừng phạt ta thảm hại đến như vậy? Vì sao tai ương lại xảy ra với con trẻ thơ ngây vô tội?!”.
“Ta tự hỏi bản thân chưa từng làm việc gì xấu, vì sao Thượng Thiên lại trừng phạt ta thảm hại đến như vậy? Vì sao tai ương lại xảy ra với con trẻ thơ ngây vô tội?!”. (Ảnh: Pixabay)
Du Đô và nhóm bạn học cùng thành lập Văn Xương Xã để thờ kính và tỏ lòng tín phụng Văn Xương Đế Quân, yêu cầu các thành viên trong xã phải kính con chữ, quý trọng giấy, hàng tháng đều phóng sinh, thường hằng giới dâm, tu khẩu, hành thiện, tích đức, hy vọng làm việc thiện sẽ được Trời bảo hộ. Nhưng vài năm trôi qua, cảnh ngộ của Du Đô không những không chuyển biến, mà ngược lại còn ngày càng tồi tệ hơn. Nhà họ Du quanh năm khốn đốn, gia cảnh bần cùng, thậm chí ngay cả việc sinh hoạt thường ngày cũng là ‘giật gấu vá vai’. Trong tâm ông đầy những lời trách móc, cảm thấy Trời xanh thật bất công với mình.
Thời gian cứ thế trôi đi, bất giác Du Đô đã 47 tuổi rồi. Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông lại viết một bài sớ, cầu xin Táo Quân hãy bẩm báo cảnh ngộ của mình lên Ngọc Đế. Nhưng ròng rã nhiều năm viết sớ thỉnh cầu, rốt cuộc Thượng Thiên chưa một lần cảm ứng, cuộc sống của nhà họ Du vẫn khốn đốn như xưa, đứa con trai thất lạc nay vẫn bặt vô âm tín. Gia cảnh đã vậy, mà chuyện công danh lại càng đen đủi. Mặc dù ông vẫn miệt mài học tập, hễ gặp kỳ thi đều ra ứng thí, nhưng lần nào cũng trượt, bảng vàng mãi chẳng đề danh.
Táo Thần kỳ ngộ
Đêm giao thừa năm ấy, ai nấy đều háo hức sửa soạn sắm lễ nghênh xuân, cả gia quyến cùng nhau tế tổ, cúng Thần, nghênh tiếp Táo Quân trở về. Nhà nhà dán câu đối, treo đào phù, bày yến tiệc, các thế hệ ông bà và con cháu ngồi quây quần bên nhau, cùng tận hưởng niềm vui gia đình, không khí nhà ai cũng vô cùng náo nhiệt. Chỉ riêng gia đình Du Đô là lạnh lẽo buồn tẻ, phòng ốc tiêu điều, sân vườn vắng vẻ, đêm đã khuya chỉ còn lại hai vợ chồng ngồi ở đó, thê lương không nói lời nào.
Chỉ riêng gia đình Du Đô là lạnh lẽo buồn tẻ, phòng ốc tiêu điều, sân vườn vắng vẻ, đêm đã khuya chỉ còn lại hai vợ chồng ngồi ở đó, thê lương không nói lời nào.
Du Đô nhìn người vợ hai mắt đã mù lòa mà đau xót lệ rơi. Ông thở dài ngao ngán:
“Ông Trời ơi, xin Ngài hãy nghĩ đến Du mỗ con đây, bình sinh con không làm điều ác, hà cớ gì lại phải chịu tai ách như thế này?! Ai cũng nói Trời xanh có mắt, Thiên Đạo vô tư, ấy thế mà…”.
Vẫn đang suy nghĩ miên man, đột nhiên nghe thấy có tiếng gõ cửa, ông nghĩ:
“Nhà ta bần hàn, lạnh lẽo cô quạnh, đã rất lâu rồi chưa có ai ghé qua, giờ lại là giao thừa, vậy ngoài kia có thể là ai được nhỉ?”.
Du Đô ra mở cửa, chỉ thấy trước mặt là một vị tiên sinh tóc đã ngả hoa râm, đầu đội mũ giác cân, thân mặc áo đen, vẻ ngoài nho nhã lễ độ, rất có thần thái. Vị tiên sinh ấy chắp tay vái chào và nói:
“Đêm hôm cô quạnh, khách đường xa trở về, không biết có làm phiền đến gia chủ không? Chỉ dám mượn một chỗ thấp kém, tạm nghỉ qua giao thừa đêm nay”.
Du Đô mời vị khách lạ mặt vào nhà và nói:
“Tại hạ hàn vi, nhà cửa tuềnh toàng không biết lấy gì đãi khách, nay chỉ có một tách trà nhạt mong tiên sinh đừng khách sáo”.
Vị khách nói:
“Tôi họ Trương, đi qua nghe thấy tiếng than thở âu sầu, vì vậy đặc biệt đến đây thăm hỏi”.
Du Đô cảm thấy vị Trương Công này rất đặc biệt, không phải người bình thường. Vì vậy ông rất cung kính trả lời Trương Công rằng:
“Ấy là vì tiên sinh vừa mới đến nên chưa rõ. Tôi bình sinh vốn chăm chỉ đọc sách, lại hay hành thiện tích đức, nhưng đến nay công danh mãi vẫn không được toại nguyện. Ấy còn chưa kể là vợ con tôi đều không được lành lặn, cơm ăn áo mặc cũng không lo được, cuộc sống khốn cùng lao đao, không bằng được mức sống của một người bình dân thông thường”.
Trong nỗi bất bình oán thán, Du Đô kể rằng bao nhiêu năm qua ông đều đứng trước Táo Quân, đốt bài văn sớ để trình bày sự tình lên Ngọc Đế, vậy mà Trời nào có biết, đất nào có hay.
Trương Công chăm chú lắng nghe, sau đó nói:
“Kỳ thực, nỗi đau của ông thì tôi biết, có thể nói là rõ như lòng bàn tay. Nhưng dối người chứ không thể dối Trời, điều Thần xem trọng là nhân tâm chứ không phải biểu hiện bề ngoài. Ông làm việc thiện là hư danh chứ không phải xuất phát tự đáy lòng, trong tâm ông lại đầy những ý nghĩ bất chính. Thiện tâm không có, ác ý lại quá nặng, lẽ nào ông không thấy sao?”.
Du Đô lấy làm lạ, bèn hỏi lại:
“Tôi từng phát thệ chuyên làm việc thiện, kính cẩn tuân theo các quy củ do Văn Xương Xã định ra, cung kính giữ gìn giấy chữ, phóng sinh, giới dâm, tu khẩu… Vậy cớ sao lại là hư danh cho được?”.
Trương Công nói:
“Hừm, chẳng lẽ ông vẫn không ngộ ra sao?”.
Rồi ngập ngừng một lát, Trương Công nói tiếp:
“Nói về việc giữ gìn giấy chữ, đúng là khi thấy giấy viết rơi trên đường, ông thường tiện tay mang về nhà đốt. Nhưng khi học trò và bạn bè của ông dùng sách cũ để gói đồ, dùng giấy có chữ để lau chùi cửa sổ, thì ông đối đãi ra sao? Ông đã khuyên bảo người ta, rằng nên giữ gìn giấy chữ hay chưa? Nếu như ông thật sự xuất phát từ trong tâm, hễ thấy người khác coi thường sách vở hay giấy chữ, ông sẽ thương xót từ đáy lòng mình, lập tức ngăn họ lại. Ông sẽ thực lòng hành thiện, cũng bảo người khác đừng tạo nghiệp, đó mới thật sự là chân tâm. Nhưng ông thì sao, luôn nhắm mắt làm ngơ trước những việc xấu mà người khác làm, chẳng mảy may lưu tâm. Nhìn lại, loại hành vi bề ngoài thì kính cẩn giữ gìn giấy chữ, nhưng có thực là phát tự chân tâm không?”.
“Nói về phóng sinh, trong Văn Xương Xã mỗi tháng đều tổ chức hoạt động phóng sinh, nhưng tâm ông thì sao? Ông chỉ thuận theo dòng, vì để người khác công nhận mà phóng sinh, nói trắng ra là làm cho Thần nhìn. Ông có bao giờ tự hỏi: tự đáy lòng ông có thực sự thương tiếc những sinh mệnh đó hay không? Trong nhà ông hễ có cơ hội là chiên tôm nấu cua, giết gà thịt vịt, lẽ nào chúng không phải sinh mệnh sao? Nói thẳng ra, việc phóng sinh ông làm chỉ là bề ngoài mà thôi”.
Trong nhà ông hễ có cơ hội là chiên tôm nấu cua, giết gà thịt vịt, lẽ nào chúng không phải sinh mệnh sao? Nói thẳng ra, việc phóng sinh ông làm chỉ là bề ngoài mà thôi”. (Ảnh: Pixabay)
“Nói về tu khẩu, ông khéo ăn khéo nói, thường hay thể hiện lời hay ý đẹp. Mỗi khi nói đều mưu tính cho mình qua tài miệng lưỡi, hoàn toàn không quan tâm rằng điều đó có chính đáng hay không, có tổn hại đến người khác hay không. Nhất là, ông làm thầy người ta, đáng lẽ phải làm gương cho kẻ khác, ở đâu cũng cần lấy thiện đãi người. Nhưng ông thì sao? Đối với những khiếm khuyết của người khác thì ông lại tùy ý chê bai giễu cợt, miệng lưỡi sắc bén, trong tâm đầy đố kỵ, hoàn toàn không có thiện ý khuyên bảo người ta. Lời nói tùy tiện của ông đã chọc giận quỷ Thần, sổ của Thần đều ghi chép lại, vậy mà ông còn tự cho mình là người ngay thẳng. Trên đầu ba thước có Thần linh, nhân tâm hễ sinh một niệm, cả trời đất đều biết hết, lẽ nào ông không biết hay sao?”.
“Còn nói về giới dâm, mặc dù ông chưa từng có quan hệ bất chính nào, nhưng mỗi khi gặp các cô gái có chút nhan sắc trên đường, thì tâm ông thế nào?”.
Dứt lời Trương Công vẫy tay một cái, trước mắt Du Đô liền xuất hiện cảnh vào ngày ấy tại nơi ấy, ông đang ngơ ngẩn trông theo một thiếu nữ trẻ đẹp, bản thân không hề tiết chế, còn trong tâm thì mơ hồ tưởng tượng cảnh ái ân. Du Đô thấy toàn thân nóng bừng, xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu.
Trương Công tiếp tục nói:
“Ông đã tự mình suy xét chưa? Nếu như cô gái ấy ngưỡng mộ ông, biểu thị tình ý, thì ông sẽ thế nào? Có thể làm được như bậc chính nhân quân tử của nước Lỗ là Liễu Hạ Huệ: mỹ nữ ngồi trong lòng mà không nảy sinh dục niệm hay không? Ông nói suốt đời không phạm tà sắc, nhưng đối với Trời đất quỷ Thần, ông thực là ăn nói lung tung, suy nghĩ xằng bậy, nói năng tùy tiện vậy”.
Trương Công tạm ngừng một chút rồi nói tiếp:
“Vừa rồi là những giới luật mà ông phát thệ sẽ tuân thủ, thế mà ông hành vi giả dối, tâm khẩu bất nhất. Vậy còn những điều khác mà ông không phát thệ giữ giới, thì thế nào đây?”.
“Bao nhiêu năm qua, những bài văn sớ mà ông gửi lên Thiên thượng, Ngọc Đế đều biết rõ. Ngọc Đế đã phái Nhật Du sứ giả ngày ngày quan sát việc làm thiện ác của ông, nhưng nhiều năm qua vẫn không tìm được một việc tốt nào để mà ghi chép lại. Ngược lại, chỉ thấy nội tâm ông rất nhiều ý nghĩ xấu xa: tham lam, dâm dục, tật đố, ích kỷ, yêu thích gái đẹp, coi thường và khinh mạn người khác, oán trời trách người, tự cao tự đại, lấy oán trả ơn, v.v. Các loại ác niệm ẩn sâu trong lòng, nhưng ông lại không tự mình tìm lỗi sai trong mình, cũng chẳng mảy may có ý hối cải. Lâu dần tích lại qua ngày tháng, tội nghiệp đã chất chồng như núi. Nếu như ông không biết hối cải thì tai họa còn lớn hơn. Vậy mà ông vẫn còn muốn thoát khỏi tai ách, cải biến vận mệnh sao? Còn trông mong Thượng thiên sẽ ban phúc cho ông thì chỉ là vọng tưởng mà thôi!”.
Du Đô đi hết từ kinh ngạc, chấn động, đến hổ thẹn, nghe đến mức toàn thân run rẩy, mồ hôi đầm đìa, không ngờ rằng tất cả nội tâm của mình đã bị phơi bày hết! Ông hoảng sợ khuỵu gối xuống, phủ phục trên đất cầu xin rằng:
“Trương Công, ngài trên thì biết rõ việc của Thần, dưới thì minh tỏ nội tâm của tiểu tử. Ngài nhất định là Thần Tiên, khẩn cầu ngài hãy cứu nguy cho tiểu tử”, vừa nói vừa khấu đầu lia lịa.
Trương Công đỡ Du Đô đứng dậy và khuyên:
“Ông là người đọc sách, vốn đã minh tỏ lý lẽ, đồng thời cũng là người có thiện căn. Con người không biết rằng hết thảy những việc tốt xấu đều do tự mình chiêu mời đến. Gieo hạt giống của cỏ dại bụi gai mà lại muốn thu hoạch lúa gạo cao lương, thì liệu có được không?”.
Du Đô nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt tuôn rơi, gật đầu lĩnh ý.
“Tiểu tử biết sai rồi, xin ngài hãy từ bi, chỉ điểm cho tiểu tử nên làm thế nào để cải biến ác vận này?”.
“Tiểu tử biết sai rồi, xin ngài hãy từ bi, chỉ điểm cho tiểu tử nên làm thế nào để cải biến ác vận này?”.
Trương Công nói:
“Kỳ thực rất dễ. Đã biết các loại ác niệm của bản thân, vậy thì hãy nỗ lực cải chính là được rồi. Từ nay về sau, ông cần phải tận lực chú ý từng ý từng niệm, dẹp bỏ hết thảy những tâm xấu và ý nghĩ không tốt, luôn nghĩ cho người khác, chỉ giữ thiện niệm, không giữ ác niệm. Làm việc thiện thì cần tận tâm mà làm, không cầu hồi báo, không cầu hư danh, không so đo tính toán, không hời hợt qua quýt, cần phải xuất phát từ chân tâm. Cứ kiên trì bền bỉ như vậy, tự sẽ có cải biến”.
Trương Công cuối cùng nói:
“Bao nhiêu năm qua ông vô cùng thành kính đối với tôi, hơn nữa tôi thấy ông vốn có thiện căn, không phải là vô phương cứu chữa. Vậy nên tôi đặc biệt đến đây để báo cho ông biết những điều này, hy vọng ông có thể thành tâm sửa đổi, sớm được Trời xanh khoan thứ”.
Dứt lời, Trương Công quay người tiến vào trong phòng, đến dưới bếp thì đột nhiên biến mất. Du Đô lập tức minh bạch rằng: Trương Công chính là Táo Quân! Sau đó ông gọi vợ và con gái đến, cả ba cùng nhau khấu đầu, cảm tạ ân điển của Táo Quân.
Cải tà quy chính
Sáng sớm hôm sau, Du Đô dẫn theo vợ và con gái đến trước Thần điện, cùng nhau bái lạy Thiên địa, phát thệ sẽ triệt để sửa chữa lỗi lầm. Ông cũng đổi tên mình thành Tịnh Ý Đạo Nhân để thể hiện quyết tâm sẽ trừ bỏ hết thảy những vọng niệm tà tâm, bảo trì tâm thuần tịnh.
Lúc vừa mới bắt đầu thực là rất khó, những ý nghĩ xấu liên tục nổi lên khiến ông khó có thể khống chế. Mỗi lần như vậy, Du Đô lại đứng trước bàn thờ, lẳng lặng nhớ lại lời khuyến cáo của Táo Quân, tự nhủ rằng hết thảy đều có quỷ Thần đang quan sát, vì thế không được phóng túng dù chỉ một chút. Phàm là những việc giúp đời giúp người, không kể lớn nhỏ hay khó dễ, không kể người khác có biết hay không, ông đều thành tâm giúp đỡ. Gặp phải khó khăn, thậm chí bị hiểu lầm, bị phỉ báng, bị cười chê… ông cũng không tính toán so đo, không oán không hận. Ông luôn cố gắng dùng nhân nghĩa, lấy thiện đãi người mà đối nhân xử thế.
Du Đô không chỉ làm việc thiện, mà bất cứ khi nào có cơ hội ông đều kể cho mọi người về cuộc kỳ ngộ với Táo Quân, từ đó thiện hóa nhân tâm. Ông nói về nhân quả báo ứng, rằng thiện ác hữu báo là Thiên lý. Ông dạy học sinh phải hiếu thuận với cha mẹ, dạy bảo các trò cần phải thủ lễ khiêm nhường, nỗ lực siêng năng, tiết kiệm không phung phí, v.v.
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, Du Đô đều hồi tưởng lại những việc bản thân đã làm trong ngày, phát hiện có việc nào không đạt, ông đều ghi chép lại để sửa đổi. Cứ như vậy trải qua mấy năm, Du Đô không còn phải dụng ý để quy phạm chính mình, mà mỗi khi động niệm thì vạn thiện cùng theo, mỗi khi tĩnh thì một niệm cũng không dấy lên được.
Du Đô không còn phải dụng ý để quy phạm chính mình, mà mỗi khi động niệm thì vạn thiện cùng theo, mỗi khi tĩnh thì một niệm cũng không dấy lên được. (Ảnh qua Secretchina.com)
Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai
Năm Du Đô 50 tuổi, có một vị quan giám khảo của triều đình tên là Trương Giang Lăng đến thôn làng. Trương Giang Lăng vì muốn tìm một người thầy đức cao vọng trọng cho con trai mình nên đã cất công đi tìm hỏi, mọi người đều nhất loạt giới thiệu thầy Du. Nhận lời mời của Trương Giang Lăng, Du Đô dẫn theo vợ và con gái cùng lên kinh thành. Trương Giang Lăng vì kính trọng nhân phẩm của Du Đô nên đã tiến cử ông vào trường Quốc học. Hai năm sau, ông tham gia kỳ thi ở kinh thành và trúng tuyển, đến kỳ thi năm thứ hai thì đỗ Tiến sĩ. Lúc ấy mọi người đều gọi ông là Du Công.
Một ngày, Du Đô được quan Nội giám của triều đình là Dương Công triệu kiến. Vì từ lâu đã ngưỡng mộ danh tiếng và nhân phẩm của Du tiên sinh, quan Nội giám thỉnh mời ông làm thầy dạy cho các con của mình. Vị quan nội giám vì không có con nên đã nhận nuôi năm người con trai, trong đó có một cậu thiếu niên 16 tuổi, Du Đô vừa gặp đã cảm thấy thân quen. Hỏi ra mới biết, cậu bé này bị lạc từ nhỏ, năm 8 tuổi vì ham chơi nên chạy vào một con thuyền chở đầy lương thực, sau đó mơ mơ hồ hồ theo con thuyền đi xa rồi không tìm được đường về nhà. Cậu chỉ nhớ mang máng là mình họ Du, là người Giang Hữu ở Giang Tây.
Du Đô vô cùng kinh ngạc, mạo muội xin lệnh công tử hãy cởi chiếc giày bên chân trái ra xem. Vừa nhìn, liền thấy rõ hai nốt ruồi màu đỏ dưới lòng bàn chân. Du Đô mừng rỡ kêu lên: “Con trai tôi!”, rồi ôm lấy con mà nước mắt không ngừng tuôn rơi. Quan Nội giám quá đỗi kinh ngạc, thật là trong cõi vô hình tự có Thiên ý, Thần Phật an bài thật khéo hay. Sau đó vị quan Nội giám quyết định để gia đình được đoàn viên, đồng thời ban thưởng cho Du Đô rất nhiều gấm lụa, dụng phẩm và ngân lượng. Du Đô mừng vui quá đỗi, vội vã về nhà báo tin mừng cho thê tử.
Vợ của Du Đô hai mắt không trông thấy gì, chỉ có thể dùng tay sờ lên mặt đứa con bảo bối mất tích đã lâu nay mới tìm lại được. Bà không khỏi bi thương, hai hàng lệ chan chứa, chỉ hận đôi mắt không thể nhìn thấy gì. Cậu con trai tìm thấy đấng sinh thành nên mừng vui rớt nước mắt, cậu không kìm lòng được bèn ôm lấy mẹ, liên tục hôn lên khuôn mặt đẫm lệ của mẹ. Và như có phép màu, hai mắt bà sáng lại, lại nhìn thấy con trai mình như xưa! Đến lúc này, gia đình mới thật sự sống trong cảnh đoàn viên. Sau đó, Du Đô xin Trương Giang Lăng cho phép từ quan trở về cố hương. Trương Giang Lăng rất kính phục lòng nhân nghĩa của Du Đô, bèn tặng thưởng nhung y hậu hĩnh cho ông hồi hương.
Sau khi về quê nhà, Du Đô lại càng tận lực làm việc thiện, thường hằng quy chính bản thân, cuộc sống nhờ đó mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Sau này con trai ông cũng thành gia lập thất, liên tiếp sinh được bảy cháu trai, đứa nào đứa nấy đều là những kẻ sĩ phẩm hạnh đoan chính.
Những năm cuối đời, Du Đô tự tay viết sách kể về cuộc đời mình. Ông kể rằng, nhờ có may mắn gặp Táo Thần và được điểm hóa, ông mới thực sự sửa đổi thân tâm, cuối cùng được phúc báo. Ông viết ra câu chuyện của mình để giáo huấn con cháu, đồng thời cũng cảnh giới người đời sau: nhất định tâm phải chính! Du Đô an hưởng tuổi già, cuối đời ra đi thanh thản, hưởng thọ 88 tuổi.
Câu chuyện trên từng được truyền tụng trong dân gian qua nhiều thế hệ. Nhưng sau này, do ảnh hưởng của thuyết vô Thần người ta không còn kể, cũng không còn nhớ đến những cố sự như vậy nữa. Con người ngày nay không tin Thần, không kính Thiên kính Địa, nên mới đề xướng phong tục ‘đường qua tế táo’ (dùng kẹo dưa tế Táo Thần), cho rằng cúng lễ Táo Quân bằng kẹo bánh và dưa ngọt để mong ngài nói những lời tốt đẹp về mình. Người nay dùng nhân tâm mà đo lường Thần, nào hay rằng lễ vật dâng lên Thần là tấm lòng thành kính, nào đâu phải cỗ đầy mâm cao?
Minh Hạnh (ntdvn)
(Theo Tử Quân - Sound of Hope)