Máy bay trực thăng Nga Mi-28 bắn tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraina, ngày 20/07/2022. Ảnh do bộ phận báo chí bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. (© AP - Russian Defense Ministry Press Service)
Thu Hằng (RFI) - Ngày 20/07/2022, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) thẩm định đã có khoảng 15.000 lính Nga chết ở Ukraina và khoảng 45.000 người bị thương. Nhưng theo bộ tư lệnh Ukraina, con số này trên thực tế cao hơn gấp đôi, tức là có đến 37.000 người chết, còn bộ Quốc Phòng Anh đưa ra con số từ 16.000 đến 20.000 người chết trên tổng số 230.000 lính Nga tham chiến ở Ukraina từ ngày 24/02.
Trong mọi trường hợp, số lính Nga chết tại Ukraina đã vượt tổng số quân Liên Xô chết tại Afghanistan trong 10 năm tham chiến (15.000 người) vào thập niên 1980. Giám đốc CIA William Burns nêu « tổng thiệt hại nặng nề » cho quân đội Nga và có thể cảm nhận được trên chiến trường. Ngay sau khi Nga chiếm được tỉnh Luhansk, đích thân tổng thống Vladimir Putin tuyên bố những đơn vị đã tham gia đợt tấn công cần được « nghỉ ngơi » để « phục hồi năng lực chiến đấu ».
Nhưng để làm được việc này thì phải cần có lực lượng mới. Đây là nhiệm vụ khá phức tạp, vì trong những năm gần đây, « quân đội Nga đã gặp nhiều khó khăn về cơ cấu trong việc tuyển quân », theo nhận định với tuần báo Pháp L’Express của Vincent Tourret, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược. Còn nhà nghiên cứu Samantha de Bendern, chuyên gia về Nga tại Viện Chatham House ở Luân Đôn, cho rằng « Nga đang thực sự có nguy cơ thiếu quân được huấn luyện và chiến đấu hiệu quả ».
Kéo dài tuổi đăng lính, tăng lương
Hệ quả là Nga tìm mọi cách để mở rộng lực lượng quân trù bị. Biện pháp thứ nhất là kéo dài tuổi đăng lính. Theo một đạo luật được tổng thống Vladimir Putin ký ban hành ngày 28/05, độ tuổi tối đa có thể đăng lính được nâng từ 40 lên thành 50 tuổi, thậm chí cho nam giới đến 65 tuổi. Cùng lúc, Matxcơva tăng hơn gấp đôi lương cho các đội quân Nga, lên thành 170.000 rúp/tháng (tương đương với 2.840 euro), cao hơn ba lần so với mức lương trung bình ở Nga. Ấy là chưa tính đến các khoản tiền thưởng khác tùy vào hiệu quả trên chiến trường. Các hợp đồng nghĩa vụ quân sự 3 tháng được ký nhiều hơn so với thời hạn thông thường 3 năm.
Một biện pháp khác là khuyến khích lính nghĩa vụ, về mặt chính thức không bị đưa ra chiến trường Ukraina, đăng lính sau khi hết nghĩa vụ. Ngày 09/07, Trung tâm chống tin giả của Ukraina, trực thuộc Hội Đồng An Ninh và Quốc Phòng Quốc Gia, đăng một thông tin trên mạng Telegram : « Nhiều trung tâm việc làm cấp vùng ở Liên bang Nga đăng tuyển hơn 22.000 vị trí quân nhân theo hợp đồng », trong số đó có nhiều lính bắn tỉa tinh nhuệ, lính pháo binh và sĩ quan huấn luyện. Theo trang superjob.ru, đứng đầu trong lĩnh vực tìm việc làm ở Nga, ngoài những công việc có mức lương thông thường, còn có rất nhiều thông báo tuyển dụng đề xuất mức lương hàng tháng lên đến 200.000 rúp (khoảng 3.200 euro) cùng với nhiều khoản phụ cấp xã hội khác.
Một ví dụ được RFI nêu lên là trang tìm kiếm việc làm của vùng Khabarovsk đăng tuyển 356 việc làm cho đơn vị n°51460, trong đó có lữ đoàn 64 súng trường cơ giới, bị tình nghi gây tội ác chiến tranh ở Bucha, gần Kiev, dù Nga vẫn bác bỏ những cáo buộc trên.
Giao mỗi vùng thành lập một tiểu đoàn tình nguyện viên
Một thông tin khác được blogger người Nga về quân sự Maksim Fomin viết trên mạng Telegram hôm 13/07 cho thấy Matxcơva đang tăng tốc tuyển lính tình nguyện : « Huy động tình nguyện viên ở Nga (…) Mỗi vùng thành lập các đơn vị và gửi ra chiến trường ». Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiều vùng không ngại dùng đến biện pháp phi pháp, ví dụ Cộng hòa Tchetchnia cưỡng ép nhiều người có tiền án tham gia « đội quân tình nguyện » ở Ukraina.
Trả lời RFI ngày 21/07, ông Alexandre Tcherkassov, chủ tịch Hội đồng hành chính của Trung tâm Nhân quyền Memorial (bị giải thể cách đây 4 tháng), cho biết : « Cảnh sát Tchetchnia bắt những người trước đây dính trong vài vụ án và đề xuất : Anh có thể trở thành lính tình nguyện, có thể trả tiền hoặc phải đi tù ». Ít nhất có 15 « tình nguyện viên tiềm năng » được đưa đến sở cảnh sát Grozny vào nửa sau tháng Sáu.
Biện pháp này tiếp tục được tiến hành trong tháng Bẩy, vì đây là mục tiêu được lãnh đạo Cộng hòa Tchetchnia Ramzan Kadyrov nghiêm túc thực hiện. Ông Alexandre Tcherkassov giải thích : « Ở mỗi vùng, người ta thành lập một tiểu đoàn tình nguyện viên. Riêng Tchetchenia có đến 4 tiểu đoàn như vậy. Ramzan Kadyrov thường xuyên cho thấy ông là người đầu tiên tham gia cuộc chiến này, trong mọi khuôn khổ ».
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), chiến dịch tuyển tình nguyện viên bắt đầu từ tháng Sáu, đã được tăng tốc trong tháng Bẩy. 85 vùng và khu vực tự trị của Liên bang Nga phải thành lập các tiểu đoàn khoảng 400 người từ 18-60 tuổi, sau đó sẽ được đưa vào các đơn vị bộ binh cơ động, hải quân hoặc truyền thông và hậu cần. Họ được lĩnh lương hàng tháng từ 220.000 đến 350.000 rúp (khoảng 3.800 đến 6.000 euro). Dù không nêu rõ tân binh có bị đưa ra chiến trường Ukraina hay không, nhưng « tất cả những đề xuất việc làm này cho thấy quân đội không có đủ người. Một phần do những tổn thất về nhân mạng hoặc những thương tật, nhưng cũng do nhiều người rời quân ngũ. Tất cả những vấn đề đó gây khó khăn cho việc tuyển quân », theo nhận định với RFI của chuyên gia về quân sự Pavel Luzin tại Saint-Peterburg.
Cụ thể, chuyên gia Kirill Martynov, nhà phân tích của tổ chức Conflict Intelligence Team, được các nhà điều tra độc lập Nga ở Ukraina hành lập, cho biết : « Theo dữ liệu của chúng tôi, từ 20% đến 40% quân nhân hợp đồng từ Ukraina trở về đã từ chối trở lại chiến trường. Con số này là rất lớn, thậm chí nhiều hơn cả tổn thất quân sự trên thực địa ».
Tuyển tù nhân
Ngoài kêu gọi tình nguyện viên, Nga còn có nhiều cách tuyển quân khác thường. Một thông tin ngày 12/07 của bộ Quốc Phòng Anh nêu nhiều trường hợp « tuyển quân trong các nhà tù Nga cho công ty quân sự tư nhân Wagner ». Và « nếu thông tin này được xác nhận thì có thể cho thấy những khó khăn thay thế số nạn nhân lớn ». Ba ngày trước đó, trang web bảo vệ nhân quyền Nga gulagu.net báo động về việc « khoảng 300 tù nhân » được tuyển dụng trong một nhà tù ở Adygea (phía bắc Kavkaz), nơi giam giữ nhiều cựu nhân viên lực lượng an ninh.
Từ cuối tháng Sáu, tổ chức phi chính phủ Gulagu.net nhận được vài chục tin nhắn về việc công ty tư nhân Wagner tuyển lính đánh thuê trong các nhà tù Tver, Riazan, Smolensk, Voronezh và Lipetsk ở thành phố Saint-Peterburg. « Người ta nói đến khoảng 200 tù nhân đã được đưa đến Rostov trên sông Đông », theo ông Vladimir Ossetchkine, đứng đầu tổ chức Gulagu, đang tị nạn tại Pháp.
« Tình hình ở mỗi nhà tù không giống nhau : ở một số nhà tù, có khoảng 20-30 người tình nguyện, nhưng chúng tôi cũng được thông báo con số không tưởng là 300 tù nhân muốn đi chiến đấu ». Những tù nhân không có kinh nghiệm quân sự được giao nhiệm vụ dò phá mìn hoặc tái thiết những vùng quân Nga chiếm đóng. Còn những người từng phục vụ quân ngũ được lĩnh lương khoảng 200.000 rúp (khoảng 3.200 euro) và được giảm án nếu cam kết ở lại Ukraina 6 tháng.
Thiếu quân ảnh hưởng đến triển khai chiến thuật
Chuyên gia Vincent Tourret phân tích : « Việc thiếu người đang đặt ra những vấn đề lớn cho việc triển khai chiến thuật. Ví dụ Nga thiếu bộ binh để bảo vệ xe tăng và như vậy sẽ dễ bị tấn công khi bị Ukraina phục kích và điều này cũng phần nào giải thích cho tỉ lệ thiệt hại lớn trong số những xe bọc thép. Điều này cũng hạn chế khả năng của Nga chiếm thêm các vùng đất mới, trong khi các khu vực đã chiếm được cũng cần người để bình định và như vậy không thể điều những người này ra chiến trường ».
Những yếu tố trên phần nào kiềm chế bớt phát biểu hùng hồn của tổng thống Putin hôm 07/07 khi ông khẳng định Nga « còn chưa bắt đầu những việc nghiêm túc » ở Ukraina. Để bổ sung cho lực lượng ngày càng bị phân tán, chủ nhân điện Kremlin hiện vẫn chưa ra lệnh tổng động viên, vì làm như thế sẽ giống như thất bại trong cuộc chiến mà Nga vẫn gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Và đáng nói hơn, tổng thống Nga công nhận « đang có chiến tranh ».
Cuối cùng, « ngoài rủi ro chính trị đối với một quyết định như vậy, việc tổng động viên có lẽ còn gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga hiện đang thiếu nhân lực », theo nhà nghiên cứu Yohann Michel, chuyên về các vấn đề quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). « Hơn nữa cũng không có gì bảo đảm là quân đội Nga có đủ nhân lực, đặc biệt là sĩ quan, để quản lý và huấn luyện những người được huy động ».
(Theo L’Express, RFI, JDD)