Nguyên Phong - Lại nói chuyện An Dương Vương sau khi nối ngôi Hùng Vương thứ 18, dời đô về Phong Khê (ngày nay là huyện Đông Anh - Hà Nội) và xây dựng một tòa thành mà nước Nam xưa nay chưa từng có. Thành rất lớn, có cấu trúc đặc biệt gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, dễ thủ, khó công. Nhưng thành xây xong ban ngày thì ngay đêm đó lại đổ, ba lần đều như thế.
An Dương Vương đến chân thành thị sát, cho gọi dân chúng địa phương đến hỏi. Họ trả lời rằng: ban đêm nghe tiếng chân bước từ khắp nơi rầm rập đổ về, rồi tiếng nói lao xao không dứt như ma gào quỷ khóc, lại có âm nhạc ghê rợn tục tĩu. Người dân đều sợ hãi, ai nấy đóng chặt cửa không dám ra ngoài, sau đó nghe tiếng đổ rầm rầm như sấm nổ. Sáng ra thì cả tòa thành lớn đã gần như sụp thành bình địa.
Nhà vua đêm ngày lo nghĩ, tự trách mình từ xa đến phong tục chưa tỏ tường, lẽ đâu còn khiếm lễ với quỷ thần nước Nam. Có người tâu rằng: “nước Nam xưa nay vẫn là đất của cha Lạc Long Quân đời đời bảo hộ, xưa kia mỗi lần dân khổ đều ra Biển Đông mà gọi: “Cha ơi! Sao không về cứu chúng con?”, tức thì Lạc Long Quân đều hiển linh cứu giúp. Gần đây nhất là thời Hùng Huy Vương chống giặc Ân, Long Quân đã hóa cụ già để báo về việc Thánh Gióng đánh giặc cứu nước”. An Dương Vương nghĩ tổ tiên mình cũng là con cháu họ Hùng, song năm tháng xa cách đã trở thành ngoại tộc, chẳng hiểu có thể “hữu cầu tất ứng” như xưa hay không. Tuy vậy, cũng không còn cách nào khác, bèn trai giới tắm gội, lập đàn cầu đảo ở cạnh chân thành. Cầu đảo xong, bỗng thấy một cụ già dáng tùng vóc hạc, tiên phong đạo cốt, chống gậy gỗ lê đi từ phương Đông đến dưới cửa thành ngẩng mặt than rằng: “Xây thành thế này biết bao giờ mới xong được” (1).
Vua lấy làm lạ, rước cụ già vào trong cung, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?” (2). Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công” (3), nói xong liền từ biệt, ra đến cửa cung bỗng thoắt biến đi đâu mất.