(Minh họa của Tuấn Khanh)
Tuấn Khanh - Ông Ngộ cho biết cuộc đời ông trải qua rất nhiều bể dâu, nhưng việc lên tàu đến Mỹ, bỏ lại tất cả, là một câu chuyện ông luôn kể lại cho con cháu về một cách sống, và cách dựng lại đời mình bằng hai bàn tay trắng. Tôi biết ông Ngộ trong một chuyến bay dài xuyên đại dương. Người đàn ông lớn lên ở miền biển Kiên Giang về thăm quê trong một dịp Tết và rồi quay trở lại nơi mà ông sẽ sống hết cuộc đời mình ở miền Trung nước Mỹ. Khi chiếc máy bay chầm chậm băng qua đại dương và những thảm mây trắng bồng bềnh, ông cứ nhìn qua cửa sổ, ánh mắt vô định như đang nghĩ về điều gì đó – chỉ im lặng nghĩ mà thôi.
“Người Việt Nam bây giờ sao bây giờ giàu dữ vậy anh?”, ông Ngộ đột ngột bật câu hỏi, pha chút vẻ ái ngại, như thể sợ tôi cũng là một trong những người của thế hệ mới giàu lên ở Việt Nam. Tôi phải mất một lúc lâu, với nhiều câu chuyện minh họa, để giải thích cho ông Ngộ hiểu rằng ở Việt Nam bây giờ những người nghèo vẫn còn rất nghèo.
Những đứa trẻ tại cao nguyên vẫn phải ăn cơm trắng với muối, và những người nghèo đô thị vẫn lây lất bất định bằng các bữa ăn từ thiện của người hảo tâm. Có những người miền Nam, sau khi mất hết tất cả từ những ngày tháng bị đánh tư sản, đã cố gắng gầy dựng lại, và giờ họ có cuộc sống khá hơn. Nhưng lớp người mới giàu từ phía Bắc – mà không thể giải thích bằng một hai câu đơn giản – bây giờ bắt đầu tràn xuống miền Nam. Họ không ngại thể hiện sự giàu có qua việc mua vét đất đai, nhà cửa và sống sung túc với các loại tiện nghi đắt tiền.
Một trong những câu chuyện mà tôi kể lại cho ông Ngộ, mà chính bản thân tôi cũng không tìm được cái tên gọi đúng cho nó, là chuyện một bà giáo từ miền Bắc vào Nam sau 1975. Bà mang theo sứ mạng là gieo nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, truyền bá tư tưởng cho người miền Nam, ở thời điểm mà tất cả sách giáo khoa phi chính trị của chế độ cũ đều bị buộc phải vứt bỏ.
Từ một căn phòng nhỏ được chia lại trong một khu biệt thự của một người ở Sài Gòn di tản năm 1975, bà giáo sớm nhận ra rằng trong tương lai, biệt thự này sẽ vô giá. Bà tìm cách mua lại giá rẻ từng căn, hoặc bằng việc mặc cả đem lại những cơ hội hiếm hoi cho những người sống chung mà họ rất khó xoay sở trong một xã hội mới trong đó sự quen biết là một trong những điều kiện có thể quyết định tất cả… Rồi dần dà, bà trở thành chủ khu biệt thự. Vài thập niên sau, lúc nhà đất lên giá, bà tích góp được một gia sản khổng lồ từ việc cắt bán bớt, và cho thuê với giá vài ngàn đôla một tháng.
Giờ thì bà giáo già ngày xưa từng cặm cụi lau chùi chiếc xe đạp Phượng Hoàng vốn là quà được tặng khi vào Nam đã không còn cuộc sống túng bấn của người giáo viên xã hội chủ nghĩa. Bà bắt đầu mặc những bộ quần áo may rất khéo, có xe hơi riêng với tài xế đưa đón mỗi ngày. Trong một lần bà tổ chức tiệc sinh nhật, có những người bạn nhiều thành phần đến dự. Tôi được góp mặt trong buổi tiệc đó. Cuối buổi, có cuộc trò chuyện quanh chén trà giữa bà và một người bạn vốn là dân Sài Gòn cũ định cư ở Mỹ. Tôi đã dùng câu chuyện này để giải thích phần nào câu hỏi tại sao “người Việt Nam bây giờ giàu quá” mà ông Ngộ thắc mắc.
Có lẽ do đã ngà ngà say, người bạn của bà giáo thốt lên:
“Hôm nay chị giàu có như vậy cũng là lấy của cải từ người Sài Gòn trước 1975 thôi”.
Bà giáo đáp ngay, giọng tức giận:
“Tôi chẳng chiếm của ai cả. Chỉ là người ta đi và bỏ lại, và tôi nhận được mà thôi”.
Người bạn bật cười hỏi:
“Vậy, nếu bây giờ người ta đem giấy tờ về đòi lại, chị có trả lại không?”.
Không khí quanh bàn trà chết lặng. Quả là một câu hỏi rất khó trả lời. Một câu hỏi chứa đựng nhiều câu chuyện dài về con người và của cải, mồ hôi nước mắt của miền Nam; về những niềm hy vọng mong manh và mất mát tận cùng. Một câu hỏi rất khó trả lời, không chỉ riêng cho bà giáo.
Bà giáo chựng lại, và sau đó nói:
“Không thể. Mọi chuyện đã là lịch sử rồi”.
Ai đó vội mở đầu một câu chuyện khác để phá tan bầu không khí trở nên ngột ngạt và căng thẳng của cái “lịch sử” sau 1975. Câu chuyện ngượng ngùng chìm dần trong những tiếng lao xao trà rượu. Bà giáo xoay qua nói về một đề tài khác, để không phải bàn thêm về “lịch sử” giàu có của bà.
Quán cafe vỉa hè Sài Gòn
Ở những quán cafe vỉa hè Sài Gòn, người ta vẫn nói với nhau rằng có rất nhiều người mới giàu vào miền Nam, giới thiệu về sự giàu có của mình, vẽ nên những huyền thoại về may mắn, hay tài năng kinh doanh, nhưng mọi nguồn cơn vẫn luôn mù mờ giống như lớp mây trắng bồng bềnh mà tôi và ông Ngộ nhìn thấy qua cửa sổ máy bay.
Những người đó, họ chưa bao giờ dám ngước mặt để nhìn thẳng cuộc đời, và nói thật rằng sự thịnh vượng mà họ có được là từ đâu. Có một thời vì tự ngượng ngùng, khi bị phát hiện những biệt điện và cơ ngơi bao la, đám quan chức chế độ nói rằng tài sản mà họ có được đều nhờ những công việc mang màu sắc xã hội chủ nghĩa muôn đời như nuôi heo, trồng rau, buôn chổi… Những công việc đầy “lương thiện” mang tính “lịch sử”.
Ông Ngộ kể, gia đình của ông sau khi bị đánh tư sản ở quê, chỉ vì sở hữu một vựa cá, đã kịp chôn giấu được ít vàng và sau đó tìm đường vượt biên. Ông Ngộ nói lúc đó ông không nghĩ nhiều về chính trị. Tiếng tây tiếng u không biết, nhưng ông biết rằng nếu ông tiếp tục sống trong cái chế độ đó, con cái ông sẽ không có tương lai, và bản thân ông mãi mãi nghèo đói, không bao giờ có thể có được cuộc sống như trước nữa. Khi ông đến Mỹ, cả gia đình chỉ có hơn 100 đôla.
Ông Ngộ kể về hành trình dựng lại đời của mình tại Kansas, nơi ít người Việt đến, do thời tiết không đãi ngộ con người. Hành trình đó cũng là một loại lịch sử sau 1975 của ông, cũng như của vô số gia đình miền Nam khác. Nhưng lịch sử đó, ông không lấy của ai hay thứ gì không thuộc về mình. Lịch sử của ông bao gồm việc dạy con cái lớn lên bằng chính đôi tay và sức lực mình. Ông luôn dặn dò chúng sống lương thiện, sống nghĩ đến người khác, từ cái vốn học vấn ít ỏi của ông có được thời Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Ngộ xin vào làm ở một nhà máy sản xuất pizza. Công việc đầu tiên của ông đơn giản, nhận đồng lương cơ bản của người mới đến, một người lưu lạc và ngơ ngác không biết cả tiếng nói của nơi mình sẽ sống đến cuối đời. Trong câu chuyện kể với gương mặt đầy tự hào, ông Ngộ nói rằng những đứa con của ông nay đều công thành danh toại. Những đồng lương chắt chiu của ông từ công việc đơn giản trong nhà máy pizza, qua nhiều năm chắt bóp, cũng giúp ông mua được một căn nhà khang trang.
“Tôi thấy người Việt giàu có qua Mỹ mua nhà lớn và tìm cách ở lại nhiều lắm”, ông Ngộ nói. Ý của ông Ngộ là nói về những người Việt mà trên Facebook người ta thường thấy họ khoe đi du lịch khắp nơi, mua quốc tịch và tài sản ở nước ngoài. Thậm chí họ công khai là con cái quan chức, chẳng hề ngại ngùng hoặc xấu hổ khi khoe vừa tậu căn nhà mới hay vừa tốt nghiệp ở những trường rất đắt tiền ở Mỹ mà thâm tâm họ chắc chắn biết rằng những gì họ có được không phải từ sự chắt chiu lương thiện của cha mẹ họ.
Quả thật, có những người Việt rất khó để có thể giải thích về “lịch sử” cuộc đời giàu có của họ. Cũng như bà giáo nọ sẽ khó mà ngước mặt với đời để nói về chuyện hôm qua của mình. Không ít siêu tỷ phú của Việt Nam hôm nay luôn phải vất vả tìm kiếm người viết tiểu thuyết giỏi, nhằm sáng tác những câu chuyện cổ tích thành đạt đầy “lương thiện” và “đáng kính trọng” của mình. Mục đích cũng là để họ có thể tự tin ngước mặt nhìn đời, nhìn người; để vợ chồng, cha mẹ, con cái… có thể nhẹ nhàng mô tả về gia thế mình mà không ấp úng.
Chiếc máy bay đáp xuống, tôi chia tay và chưa bao giờ có dịp gặp lại ông Ngộ. Bây giờ là một người Việt có tài sản triệu đô nhưng ông vẫn mặc chiếc áo khoác sờn và chiếc quần jeans cũ. “Tôi tiết kiệm lắm, vì nhớ mình làm ra mọi thứ cũng cực lắm mới có”, ông cười hiền, khi thấy tôi nhìn bộ dạng ông trước khi tạm biệt.
Tôi nhớ là mình có hỏi ông Ngộ có tiếc những gì đã mất ở Việt Nam khi lên tàu vượt biển đi vào vô định hay không? Lúc đó, ông không nói gì, chỉ cười và lắc đầu. Khi ông đi khuất dần, tôi chợt nghĩ rằng, với ông Ngộ, cũng như hàng triệu người Việt Nam khác lìa bỏ tất cả mọi thứ quý báu của đời mình để đi tìm tự do, thì họ không tiếc gì của cải, mà chỉ day dứt thương nhớ quê hương, chỉ muốn quay trở về để được nhìn thấy mảnh đất có những gốc rễ chôn chặt.
Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp những người như ông Ngộ, những người thanh thản ngước mặt nhìn đời với quá khứ và kỷ niệm đã qua, những người an nhiên bước đến tương lai mà chẳng bao giờ cảm thấy thẹn với bóng tối “lịch sử” của đời mình.
Tuấn Khanh