Các nữ chiến binh tình nguyện Ukraina thuộc một đơn vị cơ động chuyên bắn hạ drone Nga tập huấn tại Bucha, gần Kiev, ngày 03/08/2024. (AP - Efrem Lukatsky)
Thụy My (RFI) - Về việc quân đội Ukraina bất ngờ tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, L'Express nhận định đó là « Ván bài tẩy của Kiev ». Nhờ chiến dịch táo bạo này, Ukraina đã nắm lại thế chủ động trước Nga, nhưng hệ quả vẫn còn bất định. Le Point đánh giá là « cú đòn bậc thầy » của Ukraina, nhưng phương Tây cần giúp đỡ để Kiev không phải rút về trong những tuần tới.
Thành phố biên giới Sumy nhộn nhịp, Ukraina cứu trợ dân Nga ở Kursk
Tại Sumy, thành phố 260.000 dân từng bị quân Nga bao vây hồi mùa xuân 2022, những hình tam giác trắng, tượng trưng cho chiến dịch Kursk xuất hiện khắp nơi. Đầy những xe tăng Ukraina trùm lưới ngụy trang, thiết giáp của Mỹ và xe tăng tịch thu được của Nga : kể cả ở Donbass, hiếm khi thấy số xe quân sự đông đảo như vậy. Các quân nhân mà đặc phái viên tuần báo Pháp tiếp xúc đều nói rằng một ngày trước cuộc tiến công, chỉ huy mới cho biết sẽ đánh sang Nga, và họ rất hài lòng vì có đủ đạn pháo cùng với các loại vũ khí chất lượng cao.
Hầu hết cư dân Sumy đều ủng hộ chiến dịch, vì họ ít bị Nga câu moọc-chê qua do tiền tuyến đã lùi sang phía đất Nga. Tuy nhiên nay quân Nga dùng nhiều bom lượn hơn. Nhiều người Ukraina hy vọng số đất giành được sẽ giúp trao đổi với những vùng đất đã bị quân Nga chiếm. Nhưng nhà phân tích Vitaliy Portnikov cho rằng việc từ bỏ Donbass hay Crimée rất nhạy cảm chính trị, thậm chí bất khả đối với Vladimir Putin. Tuy vậy sáng kiến táo bạo này tạo thế mạnh cho Kiev trong những cuộc đàm phán tương lai.
Hiện diện trên đất địch, quân đội Ukraina còn phải lo quản lý số thường dân Nga có thể là thù nghịch. Theo Matxcơva, khoảng 19.300 người Nga vẫn đang ở Kursk. Chính quyền quân quản Ukraina bắt đầu kiểm tra dân số và thống kê nhu cầu. Còn tại Soudja, các quân nhân bắt đầu phân phát nước uống, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng vệ sinh cho dân Nga. Kiev cho biết sẵn sàng mở hành lang nhân đạo, nhưng Matxcơva lẽ ra phải lo an nguy cho công dân mình, không hề đòi hỏi.
Nguồn lợi Nga không vô tận để kéo dài chiến tranh
L’Express thuật lại trường hợp bà Galina ở Kursk, hồi mới 6 tuổi từng thấy lính Đức tiến vào tận nhà, và tám thập niên sau lại là các chiến binh Ukraina. Các viên chức chính quyền bỏ chạy trước tiên cùng với gia đình họ, những người dân không có xe đành trốn trong hầm nhà. Oleg, con trai bà là doanh nhân đang đi công việc ở Matxcơva, lái xe về tìm mẹ, bị thương vì một drone nhưng rốt cuộc hai mẹ con được lính Ukraina giúp di tản sang Sumy. Họ là những người may mắn, vì bộ trưởng bộ Tái hội nhập các lãnh thổ chiếm đóng của Ukraina cảnh báo sẽ không nhận tiếp những người Nga từ Kursk.
Diễn biến cuộc chiến sắp tới sẽ ra sao ? Không ai có thể đoán được. Theo New Stateman được Courrier International dịch lại, Nga được sự ủng hộ của Tàu cộng, Ấn Độ, và được Iran, Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí. Tuy nhiên nguồn lợi của Nga không phải vô tận. Hiện thời nhờ kinh tế chiến tranh và sản xuất gia tăng nhờ nhu cầu quân sự, kinh tế vẫn vững nhưng không kéo dài mãi. Nếu không có tiến triển đáng kể từ nay đến sang năm, tiếp tục chiến tranh không có lợi gì cho Vladimir Putin và cả Ukraina.
Đối với Volodymyr Zelensky, chỉ có một lối thoát duy nhất là quân Nga phải rút toàn bộ, còn Kremlin đòi được sở hữu bốn tỉnh đã tự ý sáp nhập là Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporijjia. Luật pháp quốc tế đứng về phía Ukraina, nhưng cuộc chiến không được giải quyết trước tòa án. Tờ báo cho rằng Kiev và Matxcơva rốt cuộc sẽ phải tìm ra một thỏa thuận, có thể vào năm tới. Không bên nào được đáp ứng hoàn toàn yêu sách của mình, nhưng đều tuyên bố chiến thắng, và thế giới đứng trước việc đã rồi.
Ukraina đang thắng thế ở Kursk, nhưng chỉ còn Anh và Ba Lan chung thủy
Le Point phân tích « Vì sao phải ủng hộ nỗ lực chiến đấu của Ukraina ». Kẻ xâm lược nay lại bị xâm lăng ! Việc chiếm được một phần tỉnh Kursk của Nga là cú ra đòn bậc thầy của quân đội Ukraina. Để cú đột phá chiến thuật này trở thành chiến thắng về chiến lược và buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán, điều chính yếu là làm thế nào để Ukraina không phải rút về trong những tuần lễ tới. Muốn vậy, cần có sự ủng hộ quân sự liên tục, trước một kẻ địch mạnh hơn nhiều về vũ khí và quân số, áp lực ở Donbass vẫn không dịu bớt. Thế nhưng châu Âu đang làm gì ?
Vào lúc sự táo bạo của Ukraina mang lại kết quả, thì Đức, quốc gia châu Âu viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev, lại quyết định giảm phân nửa số quân viện trong năm tới. Ukraina không còn là ưu tiên chính trị của Đức trong lúc các đảng cực hữu và cực tả thân Nga, theo các thăm dò, sắp sửa giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử tháng Chín ở các bang Saxe, Thuringe, Brandebourg.
Bức tranh cũng không mấy sáng sủa ở phần còn lại của châu Âu. Tại Paris, « kinh tế chiến tranh » mà Emmanuel Macron hứa hẹn vẫn chưa thấy cụ thể hóa, khủng hoảng chính trị khiến chiến tranh Ukraina trở thành thứ yếu. Ở Ý, thủ tướng Giorgia Meloni không muốn lên tuyến đầu để chỉnh đốn đối tác thân Nga trong liên minh là Lega. Trong số các nước lớn châu Âu, chỉ còn Ba Lan và Anh quốc là trung thành với Kiev.
Putin chỉ lùi trước sức mạnh, sao phương Tây thụ động lúc này ?
Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, Bỉ, Áo, Hungary vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của Ukraina. Vladimir Putin đang chống lại châu Âu, chống lại quyền tự quyết của các dân tộc, chống tự do chính trị, chống lại tất cả những gì đe dọa quyền lực độc tài của ông ta. Nếu Ukraina bại trận hoặc bị chế độ chuyên chế Kremlin nuốt chửng vì phương Tây hèn nhát bỏ rơi, hậu quả về an ninh và ổn định sẽ rất trầm trọng cho châu lục. Các nạn nhân sắp tới sẽ là Moldova, Armenia, Gruzia, các quốc gia vùng Baltic…
Khó thể trông cậy vào Hoa Kỳ. Dù Kamala Harris đã cam kết bảo vệ, nhưng Donald Trump vẫn chưa nói gì về chủ đề này, và người đứng chung liên danh là J. D. Vance đòi ngưng viện trợ cho Ukraina. Nhìn rộng hơn, người Mỹ có lý khi tự hỏi tại sao phải tiếp tục giúp đỡ Kiev nếu châu Âu vốn bị ảnh hưởng trực tiếp lại từ chối.
Cuộc tiến công vào Kursk là một nỗ lực tuyệt vọng của Ukraina để vận động trở lại phương Tây, bằng cách chứng tỏ có thể cải thiện tình thế. Kiev hy vọng những tiến bộ trên chiến trường và khó khăn của quân Nga trong việc trả đũa, sẽ giúp phương Tây bớt e ngại leo thang. Kremlin phản ứng yếu ớt trước cuộc đột phá này, một lần nữa chứng tỏ Putin « mềm nắn rắn buông ». Trong những điều kiện đó, sự thụ động ngày càng tăng của phương Tây vừa không thể hiểu nổi, vừa rất đáng lo. (RFI)