SAU DRONE, ĐẾN LƯỢT ROBOT XUẤT HIỆN TRÊN CHIẾN TRƯỜNG UKRAINA

Một quân nhân Ukraina thuộc một đơn vị phòng không cơ động chống drone bên cạnh một đại bác phòng không ZU-23-2 đang canh chừng các drone tự sát của Nga tại Kherson, Ukraina, ngày 11/06/2024. (Reuters - Ivan Antypenko)

Thụy My (RFI) - Le Figaro ngày 12/06/2024 cho biết trên chiến trường Ukraina, các robot sát thủ đã hiện diện. Sự xuất hiện của các cỗ máy trên không và trên đất liền, cùng với việc vận dụng trí thông minh nhân tạo nơi tiền tuyến, đang thay đổi sâu sắc cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.

Robot sát thủ : Vũ khí mới

Đặc phái viên Le Figaro nhận xét, có lẽ lịch sử sẽ ghi nhận một trong những trận đấu đầu tiên giữa các robot diễn ra tại Ukraina, gần Pokrovsk, vào một ngày tháng Ba năm nay. Vitaly, một chiến binh điều khiển drone của lữ đoàn 47 cơ giới kể lại, hôm đó drone thám thính nhận ra hai cỗ máy tự hành mang cờ Nga ở gần đơn vị, một vũ trang súng máy và một có súng phóng lựu Liên Xô. Đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy robot tác chiến và chỉ vài phút sau, bốn drone tự sát đã biến hai robot địch thành đống sắt vụn bốc khói.

Dù chỉ mới là trường hợp cá biệt, sự kiện này báo trước một giai đoạn mới trong cuộc đua sáng tạo giữa quân đội Ukraina và Nga. Hai năm đầu chiến tranh được đánh dấu bằng sự xuất hiện các drone giá rẻ, thường do tình nguyện viên lắp ráp, dùng để giám sát cả ngày lẫn đêm và tấn công vào xe cộ, chiến lũy địch. Đôi bên không dừng lại ở đây.

Đầu tháng Ba, bộ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraina loan báo muốn sản xuất số lượng lớn các cỗ máy trên bộ điều khiển từ xa. Ông Mykhailo Fedorov cho biết mục đích chính là giảm thiểu người trên tiền tuyến để bảo vệ mạng sống người lính. Lực lượng bộ binh Gonor từ hai tháng qua tập dượt sử dụng robot « Rys », trang bị camera, di chuyển với tốc độ 35 km/h, có thể điều khiển ở khoảng cách 1.500 mét. Rys được chế tạo để di tản thương binh về hậu cứ.

Cuộc đua công nghệ để tiết kiệm mạng lính

Được gắn một « ShaBlya » (loại kiếm thời xưa của người cô-dắc) và một súng máy PKT loại 7,62 ly với 800 viên đạn, robot này cũng có thể yểm trợ tấn công hay phòng thủ. Cần có ba người lính : một để điều khiển robot, người thứ hai về súng máy và người thứ ba để hướng dân drone thám thính đi kèm. Sau nhiều tháng thử nghiệm, các robot này đang được triển khai tại nhiều đơn vị. Một số như Rys trang bị bánh xe, số khác dùng bánh xích. Oleksandr Yabchanka, chỉ huy đơn vị Gonor vốn là bác sĩ, đã bị thương ba lần, nói rằng cần biết sáng tạo để tiết kiệm sinh mạng.

Với hệ thống hồng ngoại và động cơ không gây tiếng ồn, các robot có thể lặng lẽ tiếp cận phòng tuyến địch. Một số ứng dụng khác cũng được hy vọng như tiếp tế cho tiền phương, gỡ mìn, tấn công tự sát...Cách đây hai năm, drone cũng bị coi như đồ chơi nhưng rồi đã thay đổi sâu sắc cách đánh. Cuộc cách mạng này chỉ mới bắt đầu. Hiện chỉ 10 % đến 20 % drone tự sát của Ukraina đánh trúng mục tiêu, do điều khiển sai, vật liệu không tốt, bị gây nhiễu hay khoảng cách với người sử dụng quá xa.

Yaroslav Azhnyuk khoảng 30 tuổi là người sáng lập start-up The Fourth Law, trước chiến tranh chuyên buôn bán thiết bị giám sát thú cưng. Anh cho biết đang phát triển một hệ thống giúp drone tự di chuyển đến mục tiêu trong 500 mét cuối cùng - giai đoạn nhạy cảm nhất vì tín hiệu bị yếu đi. Ở một khu rừng ngoại ô Kiev, một start-up khác trắc nghiệm thuật toán để phối hợp các nhóm từ 6 đến 8 drone nhằm xác định mục tiêu và oanh tạc.

Trong tương lai, Azhnyuk dự báo có thể có các súng máy tự hành hay drone chống drone để nhận ra các cỗ máy của địch trước khi bị tấn công. Vấn đề đạo đức cũng được đặt ra, tuy nhiên Yaroslav Azhnyuk chất vấn : « Hãy nhìn cách người Nga tiến hành chiến tranh từ hai năm qua, bạn có tin rằng họ sẽ tự đặt ra những giới hạn cho mình ? »

Bài học từ Ukraina để bảo vệ các cơ quan đầu não

Le Figaro cho biết các cuộc tập trận sắp tới của quân đội Pháp ở Rumani, sườn phía đông NATO, không chỉ liên quan đến các quân nhân trực tiếp tham gia mà cả những người chỉ huy ở phía sau. Chiến tranh ở Ukraina và Gaza đã làm đậm vai trò chiến lược của các sở chỉ huy, đã trở thành mục tiêu ưu tiên của hỏa tiễn tầm xa và các vũ khí mới như drone và tin tặc. Lữ đoàn thiết giáp số 7 sẽ trắc nghiệm các phương pháp mới, thích ứng với sự hỗn loạn của chiến tranh : liên lạc bị cắt đứt, chuyển tiếp sang một sở chỉ huy khác, cơ động…

Bộ Tổng tham mưu Pháp và đồng minh theo dõi sát cuộc chiến ở Ukraina. Để tránh bị Nga oanh kích, người Ukraina chứng tỏ rất sáng tạo. Họ sử dụng internet, ưu tiên cho linh hoạt và đơn giản hóa, hệ thống Starlink đóng vai trò quan trọng. Các ăng-ten Starlink dễ dàng di chuyển, có thể gắn vào xe cộ hạng nhẹ để phát wifi, khuếch tán bằng nhiều thiết bị. Để bảo đảm liên lạc sát tiền tuyến, Kiev sử dụng mạng truyền thống thậm chí cả thư trao tay. Người Ukraina chế ra các ứng dụng cần thiết cho máy tính cố định và máy tính bảng nhất để đánh giá tình hình chiến thuật, tính toán quỹ đạo hay xem trực tiếp các hình ảnh do drone thu thập.

 

Thụy My (RFI - Điểm báo)

 

Posted: 13/06/2024 #views: 4812
Add comment
:
Pages:  [-1]