
Cha con Hun Sen và Tập Cận Bình
Trúc Phương - Hun Sen và con trai, Hun Manet bán rẻ quốc gia cho Tàu cộng vì họ thèm khát quyền lực vô độ.
Cambodia đang trở thành điểm nóng thu hút sự lôi kéo giữa Washington và Bắc Kinh. Ngay ngày mà ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, gặp ông Hun Manet, thủ tướng Cambodia, tại Phnom Penh hôm 4 Tháng Sáu, Bắc Kinh cũng bổ nhiệm “thái thú” mới. Tân đại sứ Tàu cộng tại Cambodia không là gương mặt xa lạ: Uông Văn Bân, vốn là cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Tàu cộng, một “chiến binh sói” nổi tiếng hiếu chiến.
Quan hệ Cambodia-Tàu cộng thay đổi nhanh từ năm 1996. Ngày 18 Tháng Bảy, 1996, ông Hun Sen được mời đến Bắc Kinh trong chuyến công du cấp nhà nước. Tàu cộng thậm chí đưa một máy bay sang Cambodia để đón ông Hun Sen. Trước khi lên máy bay, ông Hun Sen nói rằng chuyến kinh lý đánh dấu sự chấm dứt “nghi ngờ trong quá khứ.” Trong năm ngày sau đó, ông Hun Sen gặp ông Giang Trạch Dân, chủ tịch, và ông Lý Bằng, thủ tướng. Hai bên ký thỏa ước về mậu dịch và đầu tư cũng như thiết lập hợp tác giữa đảng hai nước.
Tháng Bảy, 1997, dưới hậu thuẫn Bắc Kinh, ông Hun Sen đảo chính đảng bảo hoàng FUNCINPEC (“Mặt trận thống nhất quốc gia vì một Cambodia hợp tác, hòa bình, trung lập và độc lập”), kết thúc sự chia sẻ quyền lực giữa ông Hun Sen và đồng Thủ Tướng Norodom Ranariddh. Tây phương lên án sự kiện này và ASEAN “treo” tư cách thành viên của Cambodia. Giữa cơn bão chính trị, Tàu cộng nhảy vào như một cứu tinh. Bắt đầu từ đó, tiền Tàu cộng đổ vào Cambodia như suối. Bắc Kinh không chỉ đóng vai như một nhà viện trợ tài chính mà còn là nhà bảo trợ an ninh quốc gia cho Cambodia. Ông Hun Sen nhanh chóng xây dựng quyền lực và biến mình thành một hung thần độc tài.
Cambodia bây giờ thật sự là “sân nhà” của Tàu cộng. Trong bài báo ngày 1 Tháng Năm, trang web East Asia Forum cho biết các công ty Tàu cộng hiện sở hữu đến 90% nhà máy may mặc ở Cambodia, coi như nắm thóp cả nền kinh tế nước này, bởi ngành may mặc chiếm 40% GDP quốc gia. Hiệp Định Thương Mại Tự Do Tàu cộng-Cambodia, có hiệu lực vào Tháng Giêng, 2022, đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Thuế quan đối với 90% hàng xuất cảng của Tàu cộng sang Cambodia; và 97.53% hàng xuất cảng Cambodia sang Tàu cộng, đã được xóa bỏ.
Không chỉ đầu tư làm ăn kinh tế, Bắc Kinh luôn mạnh tay chi tiền cho các thương vụ chính trị đặc biệt. Tháng Bảy, 2016, để mua chuộc ủng hộ Cambodia trong hồ sơ Biển Đông, Bắc Kinh đã “nhá” cho Phnom Penh một “phong bì” $600 triệu. Để tăng uy lực kim tiền, vài ngày sau, Bắc Kinh cho biết họ sẽ xây một “nhà hội nghị” cho Quốc Hội Cambodia với chi phí $16 triệu.
Cho nên, Phnom Penh chẳng khác gì con rối của Tàu cộng và luôn sẵn sàng phục vụ lợi ích chính trị của Bắc Kinh. Từ năm 1997, ông Hun Sen đã đóng cửa Đại Sứ Quán Đài Loan, trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Tàu cộng; không lên án các hành động của Tàu cộng trong vấn đề Biển Đông; không đưa ra thông cáo chung ASEAN vào năm 2012. Cambodia cũng từ chối cho phép treo cờ Đài Loan vào năm 2017. Năm 2019, Phnom Penh đưa ra tuyên bố chính thức ủng hộ Tàu cộng liên quan cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông.
Chẳng có công trình lớn nào của Cambodia mà không vay Tàu cộng. Tháng Mười, 2023, phi trường mới nhất và lớn nhất Cambodia đã khai trương tại tỉnh Siem Reap. Nằm trong khuôn khổ Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường, được xây với chi phí khoảng $1.1 tỷ, phi trường này là phi trường quốc tế đầu tiên ở nước ngoài được các doanh nghiệp Tàu cộng xây dựng theo mô hình “Xây Dựng-Vận Hành-Chuyển Giao” (BOT) và do Tập Đoàn Đầu Tư Công Nghiệp Hàng Không Vân Nam vận hành và quản lý.
Dự án tiếp theo là Phi Trường Quốc Tế Techo Takhmao trị giá $1.5 tỷ. Thủ Tướng Hun Manet xem Techo Takhmao là trung tâm kinh tế mới và là trọng tâm chiến lược phát triển ở phía Tây Nam, khi nó bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2025. Phi trường này, cách trung tâm Phnom Penh 20 km về phía Nam, hiện được xây trên khu đất rộng 2,600 ha. Phần lớn nguồn tài trợ ($1.1 tỷ) được vay từ Ngân Hàng Phát Triển Tàu cộng.
Cái giá phải trả của chư hầu Cambodia là họ đang biến quốc gia mình thành con nợ khổng lồ của Tàu cộng. Tính đến năm 2023, nợ chính phủ của Cambodia là $10.27 tỷ, trong đó chỉ riêng với Tàu cộng là $3.9 tỷ (Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của Cambodia; Nhật đứng thứ hai với $1.2 tỷ và tiếp theo là Nam Hàn với $520.12 triệu).
Có thể có người đặt câu hỏi rằng tại sao ông Hun Sen, bây giờ là ông Hun Manet – con trai của ông Hun Sen – bán rẻ quốc gia cho Tàu cộng? Đơn giản, vì họ thèm khát quyền lực vô độ. Chấp nhận để Bắc Kinh luồn sâu vào hệ thống chính trị nội bộ và đưa Cambodia vào phạm vi ảnh hưởng của mình, gia đình ông Hun Sen biến mình làm con rối, nhưng bù lại, Tàu cộng bảo đảm giữ vững chế độ cho họ, giúp họ xây chắc pháo đài chính trị củng cố quyền lực cai trị quốc gia.
Trúc Phương (Người Việt)