NATO LẬP CĂN CỨ MỚI TẠI PHẦN LAN, SÁT BIÊN GIỚI VỚI NGA  Share

Bản đồ Phần Lan (màu xanh đậm). (© Wikiwand)

Trọng Thành (RFI) - Phần Lan, quốc gia tuyến đầu của Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương - NATO, sẽ tiếp nhận một căn cứ của khối. Bộ trưởng Quốc Phòng Phần Lan trong một cuộc họp báo hôm qua, 27/09/2024, chính thức cho biết sở chỉ huy NATO phụ trách các lực lượng lục quân vùng Bắc Âu (MCLCC) sẽ được đặt tại Mikkeli, cách biên giới với Nga gần 200 km.

Hãng tin Pháp AFP dẫn phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Antti Hakkanen, theo đó, với quyết định này, Helsinky ‘‘muốn gửi đến Nga thông điệp: Phần Lan là thành viên đầy đủ của khối NATO và NATO có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ Phần Lan’’. Mikkeili là một trong các thành phố gần nhất với đường biên giới dài hơn 1.340 km với Nga. Phần Lan là một trong ba thành viên NATO có đường biên giới trên bộ với Nga, và là nước có đường biên giới chung dài nhất.

Thành phố Mikkeli cũng là nơi đặt trụ sở của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Phần Lan. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng giải thích là việc ‘‘tập hợp các cơ sở này tại một vị trí sẽ tạo điều kiện cho việc kết nối thuận lợi nhất giữa các hoạt động quốc phòng và các hoạt động phòng vệ của NATO’’.

Sở chỉ huy NATO phụ trách các lực lượng lục quân vùng Bắc Âu được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh NATO, trụ sở ở Norfolk, Mỹ, có nhiệm vụ giám sát các khu vực Đại Tây Dương và Bắc Cực. Hồi tháng 6/2024, các bộ trưởng Quốc Phòng NATO bật đèn xanh cho việc đặt trụ sở của các lực lượng lục quân vùng Bắc Âu và các lực lượng lục quân tuyến đầu (FLF) sườn đông của NATO tại Phần Lan.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Antti Hakkanen, riêng các chi tiết liên quan đến các lực lượng lục quân tuyến đầu – FLF sẽ được thông báo sau. Hiện tại các lực lượng lục quân tuyến đầu của NATO bao gồm ‘‘các nhóm tác chiến đa quốc gia’’ được đặt tại 8 nước, Bulgari, Estonia, Hungari, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia. Hồi tháng 6/2024, sau khi gia nhập NATO, Thụy Điển cho biết sẵn sàng chỉ huy một lực lượng NATO đặt tại Phần Lan.

Phần Lan trở thành thành viên NATO từ năm 2023, chấm dứt quy chế quốc gia trung lập kéo dài nhiều thập kỷ. Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga khiến hai nước Bắc Âu, Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO.

THỤY ĐIỂN SẴN SÀNG CHỈ HUY LỰC LƯỢNG TRÊN BỘ CỦA NATO TẠI PHẦN LAN

 

Bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển Pal Jonson (T) và đồng nhiệm Phần Lan Antti Hakkanen họp báo tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 16/09/2024. (via REUTERS - Claudio Bresciani)

Thùy Dương - Thụy Điển sẵn sàng đảm nhận vai trò chỉ huy lực lượng trên bộ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO tại nước láng giềng Phần Lan, vốn có đường biên giới dài với Nga. Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng hai nước Phần Lan - Thụy Điển được đưa ra vào hôm 16/09/2024. Theo hai thành viên mới của NATO ở Bắc Âu, mục đích của việc triển khai lực lượng này là tăng cường khả năng răn đe.

Trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Thụy Điển, Pal Jonson, tại Stockholm, bộ trưởng Quốc Phòng Phần Lan, Antti Häkkänen, hôm qua 16/09 nhấn mạnh là biện pháp tăng cường bảo vệ sườn phía đông của NATO bao gồm triển khai các lực lượng trên bộ « sẵn sàng chiến đấu », theo định nghĩa của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và cần có một « quốc gia khung » để triển khai kế hoạch. Và chính Helsinki đã yêu cầu Thụy Điển đảm nhiệm vai trò này, theo tuyên bố của cả hai vị bộ trưởng.

Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển nhấn mạnh quá trình này vẫn mới ở « giai đoạn sơ khai ». Dự kiến sẽ có các cuộc tham vấn bổ sung với Quốc Hội Thụy Điển. Bộ trưởng Quốc Phòng Phần Lan, Antti Häkkänen, cho biết chưa có quyết định cụ thể về số lượng binh sĩ và vị trí đồn trú của quân đội NATO. Các nội dung này sẽ được bàn bạc với các thành viên khác của NATO.

AFP nhắc lại là vào tháng 07/2024, NATO tuyên bố cần tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông của khối, đặc biệt là ở Phần Lan, thành viên thứ 31 của NATO, chính thức gia nhập khối hồi tháng 04/2024. Nước này có biên giới dài 1.340 km với Nga.

« Sự hiện diện ở tiền phương » của NATO ở sườn phía đông của khối được chia thành « 8 đội quân chiến đấu đa quốc gia », đồn trú tại Bulgari, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia. Bộ trưởng Quốc Phòng Antti Häkkänen khẳng định, ở Phần Lan, sự hiện diện quân sự của NATO sẽ « bảo đảm khả năng răn đe và phòng thủ vững chắc » của khối. (RFI)

 

Posted: 28/09/2024 #views: 21207
Add comment
:
Pages:  [-1]