VIỆT CỘNG KHÔNG HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN CỦA MỘT NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Hội Bảo Vệ Người Lao Động – Vietnam Worker Denfenders (VWD) đã gửi một lá thư ngỏ đến Bộ Trưởng Thương Mại Gina Raimondo ngày 13 tháng 5 năm 2024 về việc Việt cộng yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Việt cộng là một nền kinh tế thị trường.

Hội Bảo Vệ Người Lao Động là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại California với sứ mạng bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong thư của VWD có nêu rõ “xét trên mọi phương diện, Việt cộng không hội đủ điều kiện của một nền kinh tế thị trường. Hiến pháp của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gọi nền kinh tế Việt cộng là kinh tế theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.“

Lá thư nêu ra những trường hợp chứng tỏ Việt cộng không hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường như tỷ giá ngoại tệ (VND/USD), thương lượng tự do về lương giữa chủ và người lao động, các hạn chế đối với Liên Doanh và Đầu Tư, kiểm soát của nhà cầm quyền đối với các phương tiện sản xuất và phân bổ tài nguyên, …

VWD yêu cầu bà Bộ trưởng cũng như Bộ Thương Mại nên cân nhắc các yếu tố nêu trên trong quá trình duyệt xét nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và việc làm của người Mỹ, đồng thời bảo vệ cho luật thương mại của Hoa Kỳ không bị vi phạm.

Xin giới thiệu với độc giả những yếu tố còn thiếu sót của nền kinh tế Việt cộng được nêu ra trong thư ngỏ của VWD.

1) Giới hạn trong khả năng hoán chuyển đồng tiền Việt cộng sang ngoại tệ: Đồng tiền Việt cộng không dễ dàng chuyển đổi sang ngoại tệ vì nhà cầm quyền Việt cộng đặt ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ngoại tệ đưa vào cũng như rút ra khỏi Việt Nam. Ngân hàng của nhà cầm quyền Việt cộng định giá hối suất dựa trên một số ngoại tệ. Ngân hàng này cũng đặt ra những quy định giới hạn việc dùng ngoại tệ để thanh toán và chuyển tiền trong các dịch vụ thương mại, đầu tư, vay nợ hay cổ tức.

2) Thương lượng tự do giữa chủ và người lao động để định mức lương: Mỗi năm, Hội Đồng Tiền Lương Quốc Gia thuộc nhà cầm quyền quy định mức lương tối thiểu cho mỗi khu vực trong nước. Các thành viên của Hội đồng đến từ Bộ Lao Động, đại diện nhà cầm quyền, Phòng Thương Mại và Công Nghệ, đại diện cho doanh nghiệp và Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt cộng, đại diện Công Đoàn; nhưng những thực thể đó đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của nhà cầm quyền, không coi mức lương của công nhân là một ưu tiên.

Một quyền căn bản để người lao động có thể trực tiếp đứng ra thương lượng tiền lương và phụ cấp với ban quản trị là quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của chính họ. Khi bộ Luật Lao Động 2019 bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021, nhà cầm quyền khoe khoang đây là lần đầu tiên người lao động được phép thành lập tổ chức đại diện của chính họ mặc dù những điều lệ trong bộ Luật Lao Động lại dựng lên những chướng ngại không thể vượt qua nổi cho những công nhân có ý định thành lập nghiệp đoàn.

Việt cộng dự kiến sẽ phê chuẩn Công Ước 87 trong tương lai gần. Tuy nhiên, việc luật pháp trong nước cần được tu chỉnh để phù hợp hoàn toàn với các điều khoản của công ước thậm chí còn quan trọng hơn nhiều. Hiện nay chưa hề có dự thảo của nghị định thực thi tổ chức độc lập đại diện người lao động được đưa ra Quốc hội Việt cộng để thảo luận.

Chỉ Thị mật số 24 bị tiết lộ ra ngoài từ Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Việt cộng càng làm cho tình hình lao động tồi tệ hơn. Chỉ Thị 24 ra lệnh cho cán bộ Đảng ngăn cản việc thành lập các tổ chức lao động, thậm chí tới độ cho thiết lập những công đoàn có vẻ như độc lập nhưng dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền để cho quốc tế thấy là Việt Nam đã tuân thủ Công ước 87 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO).

3) Các hạn chế đối với Liên Doanh và Đầu Tư: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn bị hạn chế và phải tuân theo nhiều quy định, kiểm soát và phê duyệt của nhà cầm quyền, và đây là một nguồn tham nhũng nghiêm trọng. Báo cáo Thực trạng Đầu tư 2023 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Việt cộng có nêu rõ những vấn đề này (1).

4) Kiểm soát của nhà cầm quyền đối với các phương tiện sản xuất: Tầm quan trọng của các Công Ty Quốc Doanh (CTQD) trong nền kinh tế Việt cộng vẫn đáng kể theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo số liệu chính thức của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), CTQD chiếm hơn 30% GDP (2).

5) Kiểm soát của nhà cầm quyền đối với việc phân bổ tài nguyên: Việt cộng duy trì kiểm soát giá cả trên toàn bộ nền kinh tế và nâng đỡ một cách thiên vị con số công ty quốc doanh đáng kể qua hệ thống ngân hàng do nhà cầm quyền hoàn toàn làm chủ. Các ngân hàng nhà nước dành ưu đãi cho các CTQD dựa trên sự bảo đảm của nhà cầm quyền, vì vậy phần lớn tín dụng được dồn vào các CTQD và hạn chế nguồn tài trợ cho khu vực tư nhân (3).

6) Một số yếu tố khác: Bản báo cáo của Bộ Lao Động và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho thấy tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, nô lệ nợ và những vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế vẫn còn đầy rẫy ở "Việt Nam cộng" (4). Chúng tôi kêu gọi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ quan tâm đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Việt cộng và Tàu cộng, đặc biệt trong bối cảnh Tàu cộng và Việt cộng đang tích cực tìm cách liên kết sâu đậm hơn nữa trong mối quan hệ thương mại song phương (4).

Ngành công nghệ sản xuất của Việt cộng phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm đến từ Tàu cộng nên có nguy cơ dính líu với những sản phẩm dùng lao động cưỡng bức. Hơn nữa, chính Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo về việc Tàu cộng lợi dụng Việt cộng để né tránh luật thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng hóa sản xuất tại Tàu cộng.

Theo Chỉ Số Tự Do Kinh Tế năm 2023 của Heritage Foundation thì tình trạng pháp quyền nói chung ở Việt Nam cộng còn yếu kém. Các điểm về quyền sở hữu tài sản, sự hiệu quả của ngành tư pháp và sự minh bạch của nhà cầm quyền của Việt cộng đều ở dưới mức trung bình so với các quốc gia trên thế giới (5).

Việc Việt cộng tuân thủ các tiêu chuẩn nêu trên sẽ góp phần phát triển thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt cộng, theo chiều hướng có lợi cho cả người dân Mỹ và người dân Việt. Chỉ khi Việt cộng đáp ứng đủ tất cả các chỉ tiêu của một nền kinh tế thị trường, thì xác xuất các sản phẩm nhập cảng vào bờ biển Hoa Kỳ bị cáo buộc bán phá giá, sử dụng lao động cưỡng bức hay các vi phạm khác mới được giảm thiểu.

Đã đến lúc Hoa Kỳ từ bỏ ảo tưởng rằng thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn qua việc gia tăng thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự với Việt cộng sẽ đưa đến những cải thiện về mặt nhân quyền và quyền lao động. Chỉ Thị 24 đã chứng minh rõ ràng rằng Việt Nam sẵn sàng phê chuẩn các Công Ước về Nhân quyền, các Công Ước Lao Động Quốc tế và các hiệp định Thương Mại Tự Do – đồng thời mưu tính những kế hoạch vi phạm các quyền và hiệp định này – để được tăng viện trợ, thương mại và đầu tư, và thâu tóm lợi ích kinh tế.

Tình trạng bất ổn chính trị gần đây với cuộc thanh trừng ở cấp lãnh đạo cao nhất cho thấy họ đang dùng quyền lực và sự thối nát để tranh giành quyền lợi cá nhân một cách công khai và dữ dội.

Một bộ máy cầm quyền thối nát không thể mang lại ấm no cho người dân và tôn trọng các hiệp định thương mại quốc tế.

 

Hội Bảo Vệ Người Lao Động (VNTB)

________________

Nguồn:  Open letter to Secretary Raimondo – US Department of Commerce – https://www.vietnamworkerdefenders.net/post/open-letter-to-secretary-raimondo-us-department-of-commerce

 

Posted: 01/06/2024 #views: 1602
Add comment
:
Pages:  [-1]