VietTuSaiGon - Cho đến thời điểm này, không còn cách nào khác, phải gọi Thầy Thích Minh Tuệ là một phản đề của chủ nghĩa cộng sản. Và sở dĩ gọi ông là phản đề bởi chính vì điều này mà bằng cách này hay cách khác, ông bị “biến mất” ở Huế trong mấy ngày nay. Và cũng chính vì ông là một phản đề, nên hệ thống chính trị buộc phải quan tâm đến ông một cách “sâu sắc nhất” có thể. Vì sao gọi ông là một phản đề? Dựa trên cơ sở nào?
Ông là một phản đề đáng sợ nhất của mọi triều đại cộng sản xã hội chủ nghĩa, có thể khẳng định như vậy. Bởi nói tới người cộng sản là phải nói tới vật chất, vật dục, bởi triết thuyết của người Cộng sản dựa trên vật dục, mọi phát triển dựa trên cơ sở này.
Gần đây nhất, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố, đại ý “Tự do, dân chủ là cái nhà để ở, áo quần để mặc, cơm, để ăn...”, chuyện ăn, mặc ở là tiền đề phát triển, là nền tảng và cũng là cứu cánh của người cộng sản.
Dựa trên cơ sở lý luận này, mọi giá trị tinh thần đều bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong xã hội cộng sản, nhà cầm quyền bằng cách này hay cách khác, đưa con người vào quĩ đạo của ăn - mặc - ở và con người luôn xoay vần, quây quần, cuống cuồng trong quĩ đạo ấy.
Các giá trị tinh thần như Tự Do, Dân Chủ, Văn Minh, Nhân Bản, Tiến Bộ... được lồng ghép trong quĩ đạo ăn - mặc - ở. Và người ta luôn dựa trên cơ sở phải có ăn mặc ở đầy đủ rồi hãy nói tới tiến bộ. Chính vì vậy mà cho dù nghèo rớt mùng tơi hay giàu nứt đố đổ vách thì các giá trị tinh thần vẫn cứ bị bỏ lơ trong xã hội cộng sản.
Hơn nữa, một khi các giá trị tiến bộ bị khỏa lấp, bị dìm mất dấu thì cơ hội phát triển phe nhóm trục lợi, thủ đoạn, toa rập, đội trên đạp dưới và không trọng dụng hiền tài, chỉ cần dùng người biết trung thành, càng trung thành càng tốt, càng dốt, càng chịu bị sai vặt và biết nịnh bợ càng tốt... luôn phát triển và phát triển không ngừng trong xã hội cộng sản.
Chính vì cái quĩ đạo ăn - mặc - ở đã đẩy xã hội đến chỗ chuồng trại, bất nhân, bất trí, bất nghĩa và người ta sẵn sàng dẫm đạp lên nhau mà thăng tiến. Một xã hội không cần suy tư, không cần phản tỉnh, không cần tư lự và càng thủ đoạn thì càng thành công.
Và trong xã hội ấy, mọi sinh hoạt tinh thần đều được chỉ định, áp đặt, giả trá và trình diễn theo một yêu cầu, theo cái gật đầu và theo sự hài lòng của một bề trên nào đó, vừa xa lại vừa gần, người ta vừa lo sợ sau gáy có người theo dõi lại vừa nghĩ rằng cái ở sau gáy tít tận trên cao, nhưng nghe thấy tất cả.
Một xã hội được kiến tạo bởi miếng ăn, cái mặc và chỗ ở nhanh chóng đẩy toàn bộ hệ thống giá trị tinh thần qui về mối ấy, các hoạt động tinh thần, tâm linh đều được đánh tráo bằng vật dục và giá trị con người cũng được định bằng vật dục.
Chính vì vậy mà hầu hết các chùa, các sư, các ni đều rất đỏ, thậm chí các nhà thờ, các linh mục cũng nhuộm đỏ không ít, và người ta định giá đỉnh cao tinh thần bằng vật dục nốt. Vật dục càng cao thì giá trị càng lớn.
Người ta bàn về chùa này lớn, sư kia giàu, một buổi nói chuyện của giảng sư có thể thu về tiền tỉ, người ta bàn về chiếc xe của sư đi, đồng hồ của sư đeo, đệ tử nữ của sư là hot girl... Người ta bàn về các tôn giáo khác cũng vậy, nhà thờ lớn, chuông lớn, giáo đoàn giàu có... Mọi thứ đều xoay quanh giá trị vật chất.
Và, các giá trị tinh thần đều được xem là nhạy cảm, đều bị giới hạn trong chừng mực của các chỉ thị, không ai được nói quá lời, vì nói quá lời sẽ mất miếng ăn. Kỳ thực, cái mà người ta gọi là “nói quá lời” ấy vốn dĩ là lời bình thường, lời cần phải nói của một giảng sư chân chính, của một người tu chân chính. Nhưng người ta lựa chọn ngậm miệng ăn xôi.
Và chuyện giá trị tâm linh bị đánh tráo, đến giờ phút này đã thành căn bệnh xã hội, nó vô hình trung trở thành lá chắn vững vàng cho chủ nghĩa vật dục, cho triết lý lấy vật chất làm trung tâm và nó củng cố thêm niềm tin về vấn đề “vật chất quyết định ý thức”.
Hay nói cách khác, tất cả những lộn xộn và lợn cợn ở các chùa chiềng, các tôn giáo góp phần bảo vệ mọi lộn xộn, mọi ung nhọt tham nhũng, tư lợi, bòn rút công sản... đang diễn ra nhan nhản mỗi ngày.
Con người trong xã hội vật dục không cần phản tỉnh, bởi phản tỉnh trên cơ sở nào? Bởi ngay cả những bậc dẫn dắt tâm linh cũng mặc nhiên thừa nhận giá trị vật chất, thì cứ như vậy mà đi, cứ như vậy mà cuống cuồng, cứ như vậy mà ngoi lên để sống... Đó là khuynh hướng của xã hội.
Mọi thứ có liên quan đến vật chất trở thành hệ hình phát triển xã hội và là định hướng chung của xã hội cộng sản. Điều này khiến cho xã hội đông cứng các hoạt động tinh thần, các giá trị tinh thần bị tê liệt và chết dần chết mòn theo thời gian. Bởi người ta luôn thấy trước mắt rằng nếu không có vật chất, người ta sẽ chết, sẽ bị đạp xuống đáy.
Thế rồi hình ảnh một vị sư đi chân đất, đầu đội trời, khoác chiếc y phấn tảo được vá víu từ những mảnh vải vụn nhặt được bên đường, tay ôm chiếc lõi nồi cơm điện, ăn mỗi ngày một bữa, bừa nào xin hết buổi sáng mà không ai cho thì trưa nhịn đói, tối đến nghĩa địa ngồi thiền, rồi ngủ ngồi.
Một con người bình thường sẽ không bao giờ làm được việc ấy một cách cô độc chỉ trong vòng một tuần lễ. Ở đây, Sư đã hành tu suốt sáu năm ròng như vậy. Và, sư vốn dĩ xuất thân là một con người bình thường như bao con người khác, nhưng Sư có chí nguyện và quyết tâm. Giá trị tinh thần vụt sáng.
Hình ảnh của Sư Thích Minh Tuệ như một cú sấm rền đánh thẳng vào lương tri nhân loại, đánh thẳng vào suy tư con người và đánh thẳng vào lý tưởng, các giá trị tinh thần vốn dĩ đã ngủ quên hoặc lạc đường rất lâu trong mỗi người.
Một người hâm mộ, kính ngưỡng, vài người hâm mộ, kính ngưỡng, hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, và hàng triệu người ngưỡng mộ, tín thành, yêu kính một vị Sư chân đất, không có tài sản gì ngoài Bi - Trí - Dũng.
Một khi Bi - Trí - Dũng được đánh thức trong mỗi người, thì giá trị vật dục sẽ bị đẩy lùi vào đúng vị trí của nó, nó không còn là một hệ thống tiên phong dẫn đường cho tinh thần con người nữa.
Và một khi vật chất không còn là nhà lãnh đạo tinh thần thì mọi hệ thống liên đới, mọi tổ chức, đảng phái và chính thể vận dụng triết thuyết của nó cũng sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi một cách tự nhiên.
Một khi triết thuyết bị khủng hoảng, các giá trị được xét lại và con người có đường hướng, lý tưởng riêng để theo đuổi, để so sánh một cách “bất bạo động” thì e rằng đây là lúc mà chủ nghĩa coi trọng vật chất đang đối mặt với chuyện sống còn.
Một con người không có tài sản, tu hạnh đầu đà, chẳng màng gì đến lợi danh nhưng lại vô tình rơi vào thái cực đối trọng, phản đề của một hệ thống chính trị, một hệ thống tư tưởng. Thì liệu cái hệ thống ấy có để yên cho con người ấy tiếp tục tu hành, tiếp tục hạnh nguyện không?
Câu trả lời đã quá rõ ràng. Nên cũng đừng ngạc nhiên nếu Sư Thích Minh Tuệ bỗng đứt gánh giữa đàng và tiếp theo sau sự vắng bóng của Sư là một trào lưu, một hệ phái (giống như hệ phái Khất sĩ của Ngài Minh Đăng Quang chẳng hạn!) ra đời, sau đó trở thành một chi nhánh của giáo hội nhà nước và cuối cùng là những câu chuyện vật dục quanh quẩn, cồn cào nơi hệ phái ấy! Bởi Thích Minh Tuệ, đến lúc này là một phản đề của chủ nghĩa cộng sản. Vậy thôi!
VietTuSaiGon's blog