PHÍA SAU NHỮNG ĐÁM TANG LỚN CỦA CHẾ ĐỘ

Tang lễ của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp (hình Znews.vn)

Song Chi - Còn nhớ năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam (Việt cộng) đã tổ chức một đám tang rất lớn, nói theo ngôn ngữ bây giờ là “hết sức hoành tráng”. Toàn bộ bộ máy truyền thông của đảng đã được huy động hết công suất để ca ngợi Võ Nguyên Giáp, hàng trăm bài báo, bài thơ với mọi ngôn ngữ, lời lẽ tốt đẹp nhất, thậm chí so sánh Võ Nguyên Giáp ngang hàng với Alexander Đại đế, Napoleon…; rồi những hình ảnh tràn ngập về những dòng người xếp hàng bên ngoài nhà Đại tướng chờ viếng, những khuôn mặt đẫm nước mắt, đoàn xe tang với nghi thức quốc tang…

Đám tang lớn không chỉ dành cho người chết

11 năm sau, đảng và nhà nước Việt cộng lại có dịp tổ chức long trọng một đám tang khác cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vừa qua đời ngày 19/7/2024. Lại một lần nữa, bộ máy tuyên truyền khổng lồ với nghệ thuật thuộc hàng thượng thừa của nhà nước Việt cộng lại được dịp phát huy. Rất nhiều từ ngữ, cụm từ đẹp đẽ, khoa trương được sử dụng cho Nguyễn Phú Trọng và sự kiện này như “người đốt lò vĩ đại”, “người cộng sản cuối cùng”, “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, “sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh, ngang Lê Duẩn” rồi thì “sự đau thương mất mát lớn của dân tộc, đất nước” v.v…

Đâu là sự giống và khác nhau ở những đám tang này?

Đối với nhà cầm quyền, những đám tang lớn hiếm hoi này là cơ hội để đánh bóng, tô son trát phấn cho chế độ, để cố gắng đề cao tính chính danh của đảng với trong nước và thế giới. Và tất nhiên khi đã đánh bóng thì “tốt khoe, xấu che”.

Với Võ Nguyên Giáp, nhà cầm quyền bám vào những chiến thắng trong quá khứ thời chống Pháp gắn với tên tuổi của Giáp, nhưng cố tình bỏ qua vai trò của các cố vấn Tàu cộng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 hay cái giá sinh mạng rất lớn phải trả theo chiến thuật “biển người” của Giáp. Báo chí cũng cắt bỏ luôn trong tiểu sử của Giáp, giai đoạn Giáp bị điều làm “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch” cho đỡ xấu hổ bộ mặt của nhà nước trong khi ai cũng biết có một giai đoạn như vậy trong đời ông đai tướng.

Với Nguyễn Phú Trọng, họ nhắc đến cuộc chiến “đốt lò” chống tham nhũng nhưng bỏ qua sự thất bại của chiến dịch này trước thực tế là hàng trăm hàng ngàn đảng viên, quan chức từ thấp đến cao đã phải từ chức, bị mất chức hay phải vào tù vì tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành trong xã hội Việt cộng; cũng như sự thất bại trong việc xây dựng, chọn lựa nhân sự của Trọng khi hàng loạt cán bộ do chính Trọng giới thiệu cũng bị khui ra là tham nhũng. Họ ca ngợi sự thành công của chính sách ngoại giao đa phương được gọi là “ngoại giao cây tre” của Trọng, nhưng bỏ qua sự tai hại của việc quá mềm mỏng, bạc nhược của Việt cộng trước Tàu cộng, và thực tế Việt Nam ngày nay đã bị Tàu cộng bao vây mọi mặt từ biên giới phía Bắc, biển Đông cho tới phía Tây khi mối quan hệ giữa Campuchia và Tàu cộng trở nên gắn bó hơn nhiều v.v…

Cái khác nhau trong cách tuyên truyền là trong trường hợp Võ Nguyên Giáp, họ gắn Giáp với cái quá khứ chống Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ để nhắc nhở đến điều mà họ cho là “công lao đánh Pháp giành độc lập của đảng Việt cộng”, mặc dù trên thực tế thì có nhiều quốc gia sau thế chiến thứ Hai đã được Anh, Pháp trả tự do độc lập mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến hao tốn xương máu. Còn trong trường hợp Nguyễn Phú Trọng thì họ gắn với hình ảnh một người hiếm hoi ngay trong chính đảng Việt cộng vẫn còn tin và suốt ngày nói về chủ nghĩa Mác Lenin, về con đường tiến lên XHCN…giữa lúc đảng cộng sản từ lâu rồi chỉ còn cộng sản ở cái tên. Và tình trạng “nhạt đảng, khô đoàn, xa rời lý tưởng, tự diễn biến” trong đảng viên diễn ra rất nhiều, tình trạng cán bộ quan chức tham nhũng càng kinh khủng hơn, cho nên họ phải dùng hình ảnh một người cộng sản thanh liêm để cố vớt vát bộ mặt của đảng, của chế độ.

Những đám tang này cũng là dịp để trưng ra với người dân và quốc tế hình ảnh đoàn kết một lòng trong nội bộ đảng Việt cộng, nhằm cố gắng dẹp đi dư luận về sự bất hòa hay khủng hoảng bên trong. Ví dụ, với Võ Nguyên Giáp, rất nhiều người dân hôm nay còn nhớ rõ Giáp đã bị Lê Duẩn liên minh với Lê Đức Thọ loại cho ra rìa từ lâu, sau đó bị đưa qua làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch từ năm 1984; và suốt gần bốn thập niên vừa qua các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước Việt cộng đã đối xử với ông Võ Nguyên Giáp như “một người đã chết”, nhưng khi Giáp qua đời thì họ lại làm đám tang rình rang, tân dụng cái chết đó cho những mục đích như đã nói ở trên. Với Nguyễn Phú Trọng, ai cũng biết, suốt một thời gian dài kể từ khi phát động cuộc chiến chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng và phe của y đã khui ra và hạ bệ bao nhiêu quan chức, mối quan hệ giữa Trọng với những quan chức “ngã ngựa” này không thể nào vui vẻ, tốt đẹp được; càng về sau cuộc chiến càng khốc liệt, thậm chí khi sức khỏe Trọng đã suy yếu thì những người mà y ta giới thiệu, tiến cử hoặc thân cận cũng bị phe khác, ở đây là phe Tô Lâm, đánh văng như Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai v.v…Nhưng trong đám tang của Trọng, người ta lại thấy có mặt đầy đủ các nhân vật đã từng bị mất chức hoặc bị buộc phải từ chức như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng. thậm chí một người vừa bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng như Lê Thanh Hải cũng xuất hiện…Cứ như thể không có chuyện gì xảy ra, mọi người đều đoàn kết đề huề.

Và cuối cùng, những đám tang của các nhân vật cỡ lớn như Võ Nguyên Giáp hay Nguyễn Phú Trọng là dịp để đảng và nhà nước đo lường, kiểm soát phản ứng của người dân. Ai dám có những lời chỉ trích trên mạng sẽ bị phạt, ai không tỏ ra đau buồn, biết ơn thì sẽ bị “nhắc nhở” ngay.

Yêu hay ghét cũng phải được chỉ đạo và yêu nước có nghĩa là yêu lãnh đạo

Như đã nói ở trên, đảng và nhà nước Việt cộng đã rất thành công trong việc tổ chức một tang lễ lớn, và kiểm soát mọi thứ trong khuôn khổ. Bên ngoài thì lãnh đạo các nước đều chia buồn, một số quốc gia như Lào, Cuba còn để quốc tang, các nước khác thì cử người đến viếng tại đại sứ quán Việt cộng ở nước ngoài hoặc đến Việt Nam dự tang lễ, thậm chí Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken còn đến viếng tận tư gia Nguyễn Phú Trọng. Trong nước thì con số hàng trăm ngàn người xếp hàng viếng, có lẽ cũng không thua hồi đám tang ông Võ Nguyên Giáp bao nhiêu.

Nhưng phía sau và bên lề cái đám tang “hoành tráng”, trọng thể đó là gì?

1. Gia tăng đàn áp trước và trong những ngày diễn ra lễ tang:

Đài RFA tiếng Việt có bài “Việt Nam tăng cường đàn áp trên mạng và ngoài đời trước tang lễ Nguyễn Phú Trọng” nêu lên một số trường hợp nổi bật như bà Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm hiện đang sống ở Mỹ và ông Lê Trung Khoa –Chủ bút trang thoibao.de ở Đức bị Facebook thông báo “Bài viết của bạn không hiển thị tại Việt Nam” vì “Chúng tôi nhận được yêu cầu từ Vietnam Ministry of Information and Communications (Bộ Thông tin và Truyền thông- Bộ 4T- PV) đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết của bạn.” Nguyên nhân chỉ vì họ đã có những bài viết có những góc nhìn khác về Nguyễn Phú Trọng. Bài viết này cũng cho hay “Nhiều Facebooker bị phạt tiền, có người bị công an đánh” vì đã “chỉ trích những việc  [Nguyễn Phú Trọng] đã làm và chưa làm được trong thời gian Trọng tại thế.”

Chính báo chí trong nước cũng đưa tin “3 chủ tài khoản Facebook bị phạt vì xuyên tạc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, báo VnExpress, “Thêm hai đối tượng đăng tải thông tin xuyên tạc, xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước bị xử lý”, báo Tiền Phong, “Triệu tập một số đối tượng đăng tin sai sự thật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Báo Lào Cai v.v…

2. “Đấu tố”, “săn lùng” những ai không buồn, không tỏ ra thương tiếc hay biết ơn ông Tổng Bí thư vừa qua đời:

Còn trên mạng xã hội là hiện tượng “đấu tố”, “săn phù thủy” những người nổi tiếng, nhất là giới showbiz, vì đã không tỏ ra thương tiếc Nguyễn Phú Trọng hoặc lỡ xếp lịch biểu diễn trùng ngày đang làm tang lễ. Ví dụ chương trình biểu diễn Mây Concert dự kiến diễn ra tối 27/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), trưa 27/7/2024, Ban Tổ chức chương trình nhận được công văn từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và đơn vị cho thuê địa điểm về việc tạm dừng chương trình. Fanpage của chương trình đăng bài "kêu cứu" vì đang tổng duyệt thì nhận tin phải dừng chương trình, liền bị “phản ứng” dữ dội, bài viết này đã bị xóa, ban tổ chức đã dời ngày và xin lỗi nhưng vẫn bị “ném đá” (“Mây Lang Thang phải dừng gấp đêm nhạc, xin lỗi nhưng dân mạng vẫn phẫn nộ”, Tiền Phong)

Hay như trường hợp một cô ca sĩ trẻ H.L Hạ Linh bị những người tự cho là yêu nước, kính yêu lãnh tụ đòi "phong sát" chỉ vì cô này đăng lịch trình làm việc (biểu diễn nghệ thuật) của mình lên vào ngày 21/7. Phải đọc những comment mắng mỏ cô này mới thấy hãi v.v…

Thật ra chuyện một nước nào đó có cái gọi là quốc tang thì mọi chương trình biểu diễn vui chơi phải dừng lại là chuyện có thể hiểu được. Nhưng nhân danh “quốc tang”, nhân danh “ngày đau thương mất mát của đất nước, dân tộc” để mắng người khác không buồn, không biết ơn; rồi đòi báo công an, đòi cấm sóng vĩnh viễn ở Việt Nam và nước ngoài (như trường hợp Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn 9 tháng vì đeo huy chương “lạ”), rồi so sánh với bên Tàu cộng cho rằng fan Việt còn quá hiền, chứ fan Tàu là phong sát luôn…thì không còn bình thường nữa rồi.

Những thái độ này từ đâu mà có?

Nếu không phải là dư luận viên tức là những người được trả tiền, ăn lương của nhà nước để theo dõi, báo cáo những bài viết nào trên mạng có tính phê phán, chỉ trích nhà cầm quyền và các quan chức lãnh đạo, chỉ ra những sự thật về thực trạng xã hội Việt cộng; mà là những người bình thường nhưng lại có những phản ứng, ngôn ngữ cực đoan như vậy thì chúng ta thấy gì?

Rõ ràng là sau gần 80 năm độc quyền lãnh đạo ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, đảng và nhà nước Việt cộng đã quá thành công trong việc tạo nên vài thế hệ bị tẩy não, tin và nghe theo những gì đảng và nhà nước nói, gắn việc yêu nước với yêu CNXH, yêu nước với yêu kính lãnh đạo.

Người Việt Nam chúng ta đã từng bật cười khi đọc những bài báo của Triều Tiên ca ngợi các lãnh tự họ Kim của họ ra sao, hay những hình ảnh người dân Bắc Hàn khóc ngất lên ngất xuống trong đám tang lãnh tụ Kim Jong-il, chúng ta có bao giờ giật mình nghĩ rằng thế giới thật sự nghĩ gì về cách báo chí Việt cộng đưa tin về việc hàng trăm ngàn người khóc trong đám tang Võ Nguyên Giáp trước kia hay trong đám tang Nguyễn Phú Trọng bây giờ với những câu như “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”“Dân đã thờ ai thì không sai bao giờ”? Và họ sẽ nghĩ gì nếu biết đến những cuộc “đấu tố”, “săn phù thủy” trên mạng để tìm ra ai không khóc, không thương tiếc, biết ơn Trọng?

Những cuộc đấu tố kiểu này khiến nhiều người, nhất là những người có tên tuổi mà công việc của họ tùy thuộc rất nhiều vào dư luận, vào sự yêu thích của đám đông như văn nghệ sĩ, giới biểu diễn… ngày càng ít dám chia sẻ thành thật cảm xúc, suy nghĩ của mình trên mạng xã hội. Họ sẽ sống theo thời, trưng ra những tình cảm yêu ghét theo đám đông.

Có phải nhiều người Việt có tính thích thần tượng hóa ai đó và nếu có thì tại sao?

Thứ nhất, do người Việt chúng ta phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài có xu hướng thần thành hóa, thần tượng hóa các lãnh đạo từ thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp… rồi bây giờ là Nguyễn Phú Trọng.

Thứ hai là do chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục tuyên truyền một chiều, thường xuyên cắt xén sửa đổi bóp méo lịch sử và hiện thực cho phù hợp với quan điểm và vai trò của đảng, một nền giáo dục chỉ đọc và chép, làm theo văn mẫu, không dạy cho học trò và cả sinh viên thôi quen suy nghĩ độc lập, tư duy phản biện (critical thinking)…

Thứ ba nữa là Việt Nam dù sao vẫn là một nước Á Đông, văn hóa Nho giáo, Khổng giáo lâu đời vẫn còn ảnh hưởng, trong đó người trẻ được dạy phải tôn trọng người già, tôn trọng thầy cô cha mẹ cấp trên, những người dám cãi lại hay nói khác cha mẹ, thầy giáo, sếp…thường không được đám đông đồng tình; và trong xã hội đó thì cái tôi cá nhân không được coi trọng mà phải xếp sau gia đình, dòng tộc, làng xã …

Cái tính thần thánh hóa lãnh tụ này còn xuất phát từ trong thâm tâm sâu xa một số người dân vẫn khao khát một vị “minh quân”, một quan chức tử tế. Giữa tình trạng hàng trăm hàng ngàn quan chức sống xa hoa, tham nhũng nặng nề thì cứ nghe nói Trọng thanh liêm, sống giản dị, quyết liệt chống tham nhũng là tin, là kính trọng, còn những mặt trái hay những sự thật về con người và xã hội dưới thời Tổng Trọng ra sao, người dân bình thường làm sao biết được.

Còn việc khó chấp nhận sư khác biệt cũng do sống trong một xã hội độc tài, quen phải nghĩ và sống theo “chỉ đạo”, theo đám đông. Bên cạnh đó, xã hội Việt Nam đa số là người Kinh, cho dù có 54 sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số nhưng vẫn là người Việt Nam, khá là thuần nhất; không phải như Mỹ, Canada, Úc, hay các nước châu Âu… ở đó con người ta đến từ mọi nơi trên thế giới, khác nhau về nguồn gốc, sắc tộc, tôn giáo, với cả một hành trang văn hóa lịch sử khác nhau, cho nên người ta đã quen với việc chấp nhận sự khác biệt và sống hòa hợp với những sự khác biệt, và vì vậy trở nên khoan dung hơn.

Cả hai hiện tượng thích thần tượng hóa ai đó hay khó chấp nhận sự khác biệt đều là hệ quả của việc thiếu thói quen suy nghĩ độc lập, thiếu tư duy phản biện, không trưởng thành.

Còn nhớ câu thơ của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn?

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Câu thơ viết từ những năm hai mươi của thế kỷ XX đến giờ vẫn đúng.

So với xã hội Bắc Hàn bị khép kín với thế giới, xã hội Việt cộng mở hơn, người dân Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu từ năm 1997 tức là gần 30 năm qua, vậy nhưng hầu như nhận thức chung về chính trị không khá hơn Bắc Triều Tiên là bao nhiêu. Cứ nhìn vào những gì diễn ra trước và trong đám tang ông Nguyễn Phú Trọng là có thể thấy điều đó. Và đây là một điều rất đáng buồn.

 

songchi's blog

 

Posted: 30/07/2024 #views: 677
Add comment
:
Pages:  [-1]