Tàu cảnh sát biển Tàu cộng (trên, chếch về bên phải) va chạm với tàu tuần duyên Philippines hôm 5/3
BBC - Philippines hôm thứ Ba cáo buộc cảnh sát biển Tàu cộng thực hiện “các hành vi nguy hiểm” dẫn đến va chạm giữa tàu của của tuần duyên nước này với tàu của Tàu cộng trong một chuyến làm nhiệm vụ tiếp tế định kỳ cho quân đội Philippines ở Biển Đông.
Người phát ngôn của Tuần duyên Philippines (PCG) Jay Tarriela cho biết trên mạng xã hội X rằng tàu PCG bị hư hại nhẹ phần thân vỏ.
“Hành động khinh suất và phi pháp của họ đã dẫn đến vụ va chạm,” Tarriela viết trong bài đăng trên mạng xã hội, kèm theo các video ghi lại khoảnh khắc hai con tàu va vào nhau.
Con tàu PCG trong vụ việc là một trong hai tàu tuần duyên hỗ trợ tiếp tế lương thực định kỳ cho binh lính Philippines đóng quân trên một tàu chiến đã được Manila cho neo đậu tại Bãi Cỏ Mây từ năm 1999 đến nay để thể hiện yêu sách chủ quyền, theo Reuters.
Nhưng hải cảnh Tàu cộng cho biết các tàu Philippines đã xâm nhập trái phép vào vùng biển gần bãi cạn mà Tàu cộng gọi là Bãi đá Nhân Ái nên họ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Tàu cộng tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, và đã triển khai đưa tàu ra tuần tra tại đó, trong số đó có cả các tàu mà Manila gọi là "dân quân biển Tàu cộng". Các tàu này cũng xuất hiện trong khu vực xảy ra vụ va chạm trên.
Sự việc hôm thứ Ba nối dài thêm chuỗi các vụ va chạm trên biển giữa Philippines và Tàu cộng. Hai nước này đang vướng chặt vào tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực rằng các yêu sách của Tàu cộng là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết trên.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Úc hôm thứ Hai, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết mặc dù nước ông thiện chí hợp tác đàm phán với Tàu cộng, nhưng cũng sẵn sàng đáp trả nếu chủ quyền và các lợi ích hàng hải của Philippines bị phớt lờ.
Trái ngược với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, ông Marcos đã công khai cáo buộc Tàu cộng gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bao gồm việc sử dụng vòi rồng, tia laser "dùng cho quân sự" và dùng các vụ đâm va như chiến thuật để xua đuổi tàu Philippines.