Nguyễn Phú Trọng chết trao quyền cho Tô Lâm (Ảnh: Internet)
Thanh Phương|Nguyễn Giang (RFI) - Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Việt Nam (đảng Việt cộng), cùng nhiều tờ báo chính thức khác, vừa thông báo tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã qua đời hôm nay, 19/07/2024, vào lúc 13 giờ 38 phút, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội, “sau một thời gian lâm bệnh”, thọ 80 tuổi.
Theo tờ báo này, các cơ quan lãnh đạo của Việt cộng sẽ có “Thông cáo đặc biệt” về tổ chức Lễ Quốc Tang cho Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên kể từ thời Lê Duẩn qua đời khi đang tại chức. Lên làm tổng bí thư từ năm 2011, Trọng cũng là lãnh đạo đảng đầu tiên cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Nguyễn Phú Trọng là người đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất từ trước đến nay.
Tình hình sức khỏe của tổng bí thư đảng Việt cộng được hiểu là đã rất nguy kịch sau khi hôm qua Bộ Chính trị thông báo là ông Nguyễn Phú Trọng phải tạm ngưng làm việc để “tập trung điều trị tích cực”, đồng thời thông báo là chủ tịch nước Tô Lâm thay thế Trọng để điều hành đảng.
Sau đó, báo chí chính thức loan tin là các lãnh đạo chế độ Hà Nội đã vào tận bệnh viện để trao cho ôNguyễn Phú Trọng Huân Chương Sao Vàng để tặng thưởng “những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc” của tổng bí thư đảng.
Ngay từ hôm qua, báo chí chính thức của Việt cộng cũng đã đăng các hình ảnh tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Phú Trọng, kèm theo tiểu sử của Nguyễn Phú Trọng.
Báo chí châu Á nói gì về di sản của Nguyễn Phú Trọng?
Câu hỏi về di sản và tiến trình kế tục vai trò lãnh đạo của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là những điều truyền thông châu Á và quốc tế quan tâm nhất, ngay cả trước khi có tin chính thức từ Việt Nam là Trọng qua đời ở tuổi 80, sau gần ba nhiệm kỳ nắm chức lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền ở Việt Nam, từ 2011.
Trang Nikkei Asia của Nhật nói mọi sự chú ý đổ về việc kế vị Trọng và đăng hình Trọng cùng Chủ tịch nước, cựu Bộ trưởng công an Tô Lâm.
Trang Strait Times ở Malaysia thì trích lời giới quan sát nhương Tây nói rằng việc Tô Lâm tạm nắm quyền điều hành công việc của Bộ Chính trị và Trung ương đảng Việt cộng có thể kéo dài cho tới Đại hội Đảng năm 2026 và “rất nhiều khả năng Tô Lâm sẽ tập trung quyền lực vào cá nhân mình”.
Trong ngày 19/07, khi mới có tin về sức khỏe suy yếu khiến Nguyễn Phú Trọng phải để Chủ tịch nước Tô Lâm nắm quyền điều hành việc của đảng, trang web của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore có ngay bài của hai học giả Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang đánh giá di sản của Trọng là “chưa hoàn tất” (incomplete). Cũng Viện ISEAS vừa đăng bài mới của học giả Trần Lê Quỳnh từ Luân Đôn đánh giá về bốn công cụ quyền lực tạo nên vị thế không đối thủ của Trọng những năm qua. Đó là chiến dịch chống tham nhũng; việc tập trung quyền lực vào tay tổng bí thư; chiến lược phân bổ vùng miền trong hệ thống chính quyền và đảng, cùng chính sách cân bằng về nhân sự.
Điểm cuối cùng này nói về cách lãnh đạo cao nhất tìm cách cân bằng các quan hệ cá nhân của những người được bổ nhiệm nhờ thân hữu với Nguyễn Phú Trọng với các quy định của đảng Việt cộng về nhân sự.
Nhưng ngay khi sức khỏe của Trọng suy yếu thì bốn chính sách này đã rơi vào tình thế bị thử thách kịch tính chưa từng có (facing an unexpected and critical test).
Việt cộng có chuyển giao quyền lực ổn định hay không và định hướng đối nội, đối ngoại giai đoạn tới sẽ là gì? Đây cũng là câu hỏi các nhà quan sát trong vùng và giới truyền thông quốc tế muốn có câu trả lời khi tìm hiểu về tình hình Việt Nam những tháng tới.
Ngay sau khi Việt cộng công bố tin tổng bí thư Trọng từ trần lúc 6 giờ tối 19 tháng 7/2024, phóng viên BBC News Tessa Wong từ Singapore có bài nói đây là sự kiện khép lại một thời đại ở Việt Nam.
Còn ông Michael Tatarski, chủ trang web thời sự Vietnam Weekly bằng tiếng Anh, đăng độc lập ở Sài Gòn, cho rằng theo quan sát của ông về cuộc chuyển giao quyền lực sau khi Trọng chết, câu hỏi lớn hơn cả là cách Việt cộng đối xử với xã hội dân sự, việc kiểm soát Internet, các thảo luận mở, và việc kiểm duyệt văn hóa.
Ngoài ra là điều ông gọi là “bệnh của giới quan liêu" (bureaucratic malaise) đang làm chậm lại các dự án đầu tư công và các quyết định khác. Đây là những vấn đề chưa hề thấy lối ra (endpoint) sau diễn biến lớn liên quan tới tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (RFI)