TỔNG THỐNG BIDEN VẮNG MẶT TẠI HỘI NGHỊ ASEAN – VIENTIANE : MỘT SAI LẦM LỚN CỦA HOA KỲ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới dự thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 12, Vientiane, Lào, ngày 10/10/2024. (REUTERS - Athit Perwongmetha)

Thanh Hà (RFI) - Lần thứ nhì liên tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden vắng mặt tại hội nghị cấp cao ASEAN, khiến khối các nước Đông Nam Á càng thấm thía nguyên tắc « Mỹ thì xa, Tàu cộng thì gần ».

Đành rằng tổng thống Nga và chủ tịch Tàu cộng không đích thân đến dự hội nghị Vientiane nhưng có lẽ nếu được mời tham dự một « thượng đỉnh » do Mỹ chủ trì, sẽ không một quốc gia nào dám chỉ cử ngoại trưởng đi tham dự. Sự bất cân đối đó có thể hiểu là trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, khối Đông Nam Á chỉ đóng vai trò « thứ yếu » hay là Washington đã nhường sân chơi cho Bắc Kinh ?

Tại thượng đỉnh ASEAN năm ngoái tổ chức tại Indonesia, Nhà Trắng đã cử phó tổng thống Kamala Harris đến dự. Lần này, hơn 30 ngày trước bầu cử tổng thống bất phân thắng bại trước đối thủ Donald Trump, ai cũng hiểu, ASEAN đương nhiên không là mối quan tâm hàng đầu của bà Harris. Vào lúc chỉ cử ngoại trưởng Antony Blinken đại diện cho Hoa Kỳ đến hội nghị ASEAN thì tổng thống Biden dự trù công du Angola ở châu Phi và đến dự hội nghị hỗ trợ Ukraina tại Ramstein, Đức. Giờ chót, bão Milton buộc tổng thống Hoa Kỳ phải hủy hai chuyến đi này để « chăm lo cho người dân Mỹ trước đã ». Một lần nữa công luận dễ thông cảm rằng nguyên thủ Mỹ đặt quyền lợi của người Mỹ lên trên hết. Nhưng theo giới quan sát, việc ASEAN không mấy hiện diện trong lịch làm việc của tổng thống Biden cho thấy Nhà Trắng không quan tâm nhiều đến Đông Nam Á. Điều này làm dấy lên nghi vấn về những mục tiêu lâu dài của Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Tháng trước tổng thống Biden tiếp lãnh đạo nhóm Bộ Tứ QUAD gồm Úc, Nhật và Ấn Độ tại nhà riêng ở bang Delaware. Úc còn là một trong ba cột trụ của liên minh quân sự AUKUS bên cạnh Hoa Kỳ và Anh Quốc. Tháng 4 vừa qua, ông Joe Biden họp thượng đỉnh với Nhật Bản và Philippines. Xa hơn nữa vào tháng 8/2023 ông đã tiếp lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc tại Camp David… Theo nhà nghiên cứu Joanne Lin, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak - Singapore, rõ ràng là Hoa Kỳ « củng cố liên minh với các đối tác chia sẻ cùng những mục đích chiến lược chủ yếu là để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Tàu cộng trong khu vực ».

Theo quan điểm của chính quyền Biden, ASEAN tuy là một mắt xích quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á mà bằng chứng là đích thân tổng thống Biden đã đến Việt Nam, nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên hàng cao nhất - Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện - nhưng Washington thiên về đối thoại song phương hay đối thoại với một nhóm nhỏ các nước thành viên ASEAN hơn là với toàn thể 10 thành viên trong khối.

Có điều trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Tàu hiện nay và nhất là để tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Bắc Kinh đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế chẳng hạn, Washington muốn chiêu dụ ASEAN với IPEF - Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng trong lúc IPEF còn là một khái niệm trừu tượng và mơ hồ đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, thì Tàu cộng đã đẩy mạnh dự án Một Vành Đai Một Con Đường, đáp ứng nhu cầu phát triển của các đối tác Đông Nam Á, mà điển hình là qua các chương trình đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng tại Lào, Cam Bốt hay Indonesia.

Về phía ASEAN nhà nghiên cứu Joanne Lin viện Đông Nam Á tại Singapore cho rằng, bản thân khối này tự hỏi về mặt an ninh, có thể tin cậy vào Hoa Kỳ đến mức nào vào lúc mà Washington càng lúc càng bận tâm về những vấn đề nội bộ của nước Mỹ như là thâm hụt mậu dịch, lạm phát hay là nhập cư...

Chuyên gia Lin ghi nhận, « Mỹ đang mất dần ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Xung đột giữa Israel và Hamas càng khiến ASEAN kém tin tưởng vào vai trò đầu tàu của Mỹ trên sân khấu quốc tế ». Trong hoàn cảnh đó, nhiều nước ASEAN đã loay hoay đi tìm những điểm tựa mới, đó là những « cường quốc bậc trung bình » như là Úc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu…

Điều đó không cấm cản Tàu cộng tiếp tục củng cố và mở rộng vai trò với các nước Đông Nam Á. (RFI) 

 

Posted: 10/10/2024 #views: 2869
Add comment
:
Pages:  [-1]