Kim Nguyễn - Sau gần hai tháng kể từ ngày Biden rút lui khỏi cuộc tranh cử, Kamala Harris đã không có một cuộc họp báo nào và cũng không có một cuộc phỏng vấn nào. Cuối cùng Kamala đã có một cuộc phỏng vấn trên đài CNN vào trưa Thứ Năm 29/8/2024 tại Savannah thuộc tiểu bang Georgia. Cuộc phỏng vấn này không trực tiếp truyền hình, được thực hiện tại một quán càfe, và tới 9 giờ tối CNN mới cho phổ biến. Giới báo chí cho rằng cuộc phỏng vấn đã bị cắt xén những phần bất lợi cho Kamala vì vậy thời gian cuộc phỏng vấn chỉ còn lại 20 phút.
Kamala bối rối ngồi bên cạnh Tim Walz dưới ánh đèn mờ trong quán càfe làm cho mọi người liên tưởng tới hình ảnh một đứa trẻ cần sự bảo vệ của phụ huynh. Gần 4 năm nay Hoa Kỳ có một Tổng Thống yếu kém, bệnh hoạn, đã gây ra nhiều thảm họa cho đất nước. Giờ đây người dân Hoa Kỳ lại gặp phải một ứng cử viên Tổng Thống thiếu bản lãnh, thiếu tự tin. Rồi đây đất nước Hoa Kỳ sẽ ra sao?
Khi Dana Bash, người phụ trách chương trình thời sự của CNN hỏi Kamala về quan điểm và chính sách, Kamala trả lời “Quan điểm và quyết định về chính sách của tôi từ trước tới nay có giá trị, và tôi sẽ không thay đổi.” Kamala khoe rằng bà ta rất tự hào về chính sách của Biden-Harris trong 4 năm qua. Trong thực tế đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn vì lạm phát đã tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Biên giới bị bỏ ngỏ, hàng chục triệu người đã vượt biên vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Kamala khẳng định bà ta sẽ tiếp tục chính sách của Biden-Harris, một chính sách thất bại. Kamala đã đánh mất niềm tin của cử tri. Chính sách của Biden-Harris đã và đang gây ra nhiều thảm họa cho đất nước. Trước thực trạng đen tối đó, người dân mong đợi một một sự thay đổi. Họ mong đợi một người lãnh đạo có kinh nghiệm, có khả năng giải quyết tất cả mọi vấn đề.
Trong thời gian hơn 6 tuần qua, Kamala được hưởng nhiều quảng cáo miễn phí trên các phương tiện thông tin trị giá hàng tỷ Dollars nhưng điểm tín nhiệm của bà ta vẫn không vượt trội, trái lại còn bị giảm sau Đại Hội Toàn Quốc của đảng Dân Chủ. Thăm dò tại 7 tiểu bang chiến địa vào ngày 31/8/2024 cho kết quả như sau:
Theo Trafagar:
- Pennsylvania: Trump có 47%, Harris có 45%.
- Michigan: Trump và Harris có 47%, ngang nhau.
- Wisconsin: Trump có 47% và Harris có 46%.
Theo Insider Advantage:
- Arizona: Trump có 49%, Harris có 48%.
- Nevada: Trump có 48%, Harris có 47%.
- North Carolina: Trump có 49%, Harris có 48%
- Georgia: Trump và Harris có 48%, ngang nhau.
Thứ Sáu 16/8/2024 vừa qua, trong cuộc vận động bầu cử tại Raleigh thuộc tiểu bang North Carolina, Kamala tuyên bố sẽ trợ cấp 25,000 Dollars cho những người mua nhà lần đầu tiên. Theo tài liệu của Viện Nghiên Cứu Hoover: Dựa trên thông tin do văn phòng Kamala cung cấp, sẽ có khoảng 20 triệu người đủ điều kiện hưởng tài trợ giúp mua nhà. Như vậy chương trình tài trợ này sẽ tốn khoảng 500 tỷ Dollars. Kamala còn công bố một ngân quỹ 40 tỷ Dollars hỗ trợ chính quyền địa phương trong những dự án giải quyết nhu cầu nhà ở.
Kinh nghiệm tại California cho thấy kế hoạch chính quyền kiểm soát giá cả trên thị trường địa ốc đã thất bại. Từ năm 2017 tới 2022, chính quyền California đã thông qua gần 100 luật gia cư nhưng việc phát triển gia cư tại tiểu bang này vẫn không đáp ứng nhu cầu. Thêm vào đó chi phí xây dựng lại quá cao, đã vượt quá 1 triệu Dollars cho một căn nhà. Các biện pháp can thiệp của chính quyền vào giá cả thị trường dù là cấp liên bang hay địa phương cũng đều thất bại. Chương trình này sẽ gây ra phản tác dụng, khi thị trường địa ốc bị khan hiếm, giá nhà sẽ tăng cao, người mua nhà sẽ không có khả năng trả nợ. Cuối cùng khủng hoảng tài chánh sẽ xảy ra như năm 2008 dưới thời Obama.
Tháng Ba năm 2021, chính quyền Biden-Harris đã ban hành Đạo luật Cứu Nguy Hoa Kỳ trị giá 1 ngàn 900 tỷ Dollars. Trên nguyên tắc đạo luật này nhằm giúp phục hồi kinh tế Hoa Kỳ sau đại dịch COVID-19 nhưng thực tế chỉ có 9% ngân quỹ của đạo luật được chi cho COVID-19, còn lại 91% được tài trợ cho những dự án không liên quan tới việc phục hồi sau đại dịch.
Một thông cáo báo chí của Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện James Comer cho hay “Hàng ngàn tỷ Dollars tiền thuế của người dân cho Đạo Luật Cứu Nguy Hoa Kỳ đã bị lạm dụng, lãng phí do sự lãnh đạo yếu kém của chính quyền liên bang và địa phương.” Dân Biểu James Comer nhấn mạnh “Chúng tôi đã thấy báo cáo của Tổng Thanh Tra Michael Horowitz thuộc Văn Phòng Giám Sát Chi Tiêu của chính phủ: Ngân quỹ đã được chi một cách bừa bãi, phung phí, không kiểm soát, gần 400 tỷ Dollars cho trợ cấp thất nghiệp, 100 tỷ Dollars cho các chủ doanh thương, 189 tỷ Dollars cho các trường tiểu học và trung học, 350 tỷ Dollars cho các tiểu bang Dân Chủ bị phong tỏa, 200 triệu Dollars cho Bảo Tàng Viện, . . .” Dân Biểu James Comer kết luận “Những người có trách nhiệm trong việc chi tiêu bừa bãi này sẽ phải trả lời chúng tôi và trước pháp luật. Tới nay chúng tôi đã thu hồi được hàng chục tỷ Dollars và 371 người gian lận đã bị truy tố.”
Từ nhiều năm nay chương trình Obamacare đã gây thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia hàng trăm tỷ Dollars. Trong 5 năm qua, trợ cấp cho chương trình này đã gia tăng mạnh, chính phủ đã chi tới 57 tỷ Dollars mỗi năm. Giám Đốc Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Phillip Swagel thông báo: Ngân quỹ tài trợ cho bảo hiểm Obamacare sẽ tốn khoảng 383 tỷ Dollars trong 10 năm tới. Trên nguyên tắc chương trình này giúp trả chi phí bảo hiểm cho những người có lợi tức thấp nhưng thực tế những người giàu, có lợi tức cao gấp 400% lợi tức thấp (FPL) vẫn xin trợ cấp bảo hiểm y tế.
Khi Đạo Luật Giảm Lạm trị giá gần 3 tỷ Dollars được ban hành vào tháng 8 năm 2022, Biden-Harris đã cam kết đạo luật này sẽ giảm lạm phát, giúp cho đời sống của người dân được tốt hơn. Tuy nhiên lạm phát không những đã không giảm mà còn gia tăng nữa. Giá xăng đã tăng gần 60%, giá thực phẩm, hàng hóa tăng hơn 20%. Chính Biden phải thừa nhận: “Đạo luật này đã không giúp giảm lạm phát.”
Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại và Năng Lượng Cathy McMorris Rodgers chỉ trích Biden-Harris: “Thực chất của đạo luật này là đẩy mạnh chương trình Năng Lượng Xanh của chính quyền Biden-Harris và Hoa Kỳ phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp sản phẩm của Tàu cộng.” Đạo luật này đã chi 780 tỷ Dollars cho những dự án Năng Lượng Xanh nhưng kinh tế vẫn tiếp tục suy giảm, và người dân vẫn tiếp tục chịu đựng tình trạng lạm phát cao.
Đảng Dân Chủ không quan tâm tới sự phồn thịnh của đất nước mà họ chỉ chú ý tới việc lấy tiền thuế của người dân để chi bừa bãi cho những chương trình không cần thiết, gây tổn hại ngân quỹ quốc gia hàng ngàn, hàng ngàn tỷ Dollars. Sự chi tiêu quá mức chắc chắn sẽ đưa Hoa Kỳ vào con đường phá sản.
Tạp Chí Tài Chánh Forbes ngày 13/3/2024 đã cảnh báo “Nếu chính quyền liên bang tiếp tục sự chi tiêu quá mức như hiện nay thì Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với tình trạng phá sản.” Tạp chí này nhấn mạnh về mức tín dụng của Hoa Kỳ: “Một điều cần lưu ý, vào năm ngoái, tín dụng của Hoa Kỳ đang ở hạng AAA đã bị tụt xuống hạng AA+. Tình trạng này xảy ra là do sự bất ổn chính trị và tham nhũng tại Hoa Kỳ.” Khi nền kinh tế còn mạnh, còn thu thuế được thì sự thâm thủng không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, khi chính phủ liên bang tiếp tục chi nhiều hơn thu, sẽ phải tăng thuế và vay nợ. Tới một thời điểm nào đó kinh tế sẽ rơi vào suy thoái hoặc một biến cố tài chánh lớn xảy ra thì chính phủ sẽ không thu đủ tiền thuế để duy trì hoạt động. Điều này sẽ đưa tới nhu cầu phải tăng thuế cao hơn, và vay nợ nhiều hơn. Tín dụng sẽ bị xếp hạng thấp hơn, và Hoa Kỳ sẽ phải trả lãi suất cao hơn cho các khoản tiền nợ.
Nợ quốc gia hiện nay đã hơn 34 ngàn 500 tỷ Dollars, tương đương với 102,562 Dollars cho mỗi người dân Hoa Kỳ. Hai mươi năm trước đây nợ quốc gia là 5 ngàn 600 tỷ Dollars, tương đương với 19,760 Dollars cho mỗi người dân. Nếu chính quyền liên bang tiếp tục mức chi vượt quá mức thu, thâm thủng ngân sách quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng. Tình trạng này sẽ dẫn tới bất ổn dân sự. Tạp chí Forbes kết luận: “Sự chi tiêu quá mức của chính quyền sẽ đưa Hoa Kỳ vào con đường phá sản.”
Cuộc bầu cử sớm sẽ bắt đầu vào ngày 6/9/2024 tại tiểu bang North Carolina. Sự sinh tồn của đất nước này nằm trong tay của tất cả mọi người chúng ta. Tham gia bỏ phiếu là con đường tất yếu. Bầu cho Liên Danh Donald Trump và J.D. Vance là lựa chọn tốt nhất.
Kim Nguyễn (Nhận Định Thời Cuộc)