Nhân viên y tế đưa bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào xe cứu thương tại bệnh viện dã chiến số 6 ở TPHCM hôm 8/8/2021 (hình minh họa)
Lý Thần Dân - Chứ còn sao nữa chị Lan ơi! (Chị Lan đây không phải là người tình anh Điệp, mà là chị Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế). Anh Chính đã nói vậy rồi, chúng mình cứ làm theo thôi. Mẹ nó, sợ gì!
Ví dụ cái chuyện ngành y tế đang lâm vào giai đoạn (có lẽ là) lao đao nhất từ trước đến giờ. Đến nỗi người ta bảo năm nay hội nghị tổng kết ngành thì cứ vào tù làm cho nhanh: hầu hết lãnh đạo y tế địa phương lẫn lãnh đạo bộ đều có hết trong ấy rồi. Còn nhân viên y tế thì đang tháo chạy sang các bệnh viện tư cả nên không cần họp nữa.
Câu hỏi đúng mà lẽ ra quyền bộ trưởng nên hỏi đầu tiên là: Tại sao có cảnh này?
Cháu của bạn tôi, bác sĩ nội trú, học xong thì cầm một lúc ba bằng: thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I. Học hành tổng cộng ngót 10 năm, ra trường đi làm bệnh viện lớn. Được quy hoạch làm trưởng khoa. Chuyên môn tốt, ân cần với bệnh nhân. Không tơ hào, vòi vĩnh, dọa dẫm.
Nhưng lương thì 5,5 triệu đồng/tháng.
Hỏi nó sống bằng gì?
Thưa Quyền bộ trưởng, nó và vô số bác sĩ như nó sống bằng cách ban ngày thì làm việc trong bệnh viện, trực đủ 24 tiếng, hết ca trực thì chạy xé gió đi khám ngoài. Một ngày quần quật từ 7h sáng đến 8, 9 giờ tối, gần như ngày nào cũng vậy. Cả tuần lắm khi chẳng tối nào được ở nhà ăn bữa cơm với chồng con, cha mẹ. Làm như thế, tổng thu nhập được khoảng 20 triệu đồng, xem như đủ sống.
Quyền Bộ trưởng có biết từ lóng “câu cá”, “bắt gà” của nhân viên dưới quyền bà không? Đó là các bác sĩ, sau khi mệt phờ với việc ở bệnh viện công thì về phòng khám tư ngồi chờ bệnh nhân đến. Công việc phụ nhưng đem lại thu nhập chính, tuy vậy nó bấp bênh như người ta đi câu cá vậy, con cá cắn mồi hay không hoàn toàn là quyền của nó. Nên có hôm câu được u cá đủ lo bữa cơm có thịt cho con. Bữa nào mưa bão, hoặc xui xui thì ngồi chóc mỏ đến nửa đêm cũng xếp cần về không.
Quyền Bộ trưởng có biết các bác sĩ dưới quyền bà hiện tại gần như không ai được ngủ đủ giấc bao giờ? Nhiều người phải thức “câu cá” đến 10 h, 11 h đêm, rồi 6 giờ sáng hôm sau lại thức dậy đi đến bệnh viện công làm việc.
Quyền Bộ trưởng đọc báo Việt Nam có biết các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm cấp cứu 115 của TP HCM vừa trực cấp cứu vừa nhận trực thay cho bác sĩ chính để kiếm thêm chút tiền, hoặc tranh thủ đóng gói tăm bông thuê, 100 gói thì được trả công 4.000 đ? Làm suốt một tháng, họ nhận được tổng cộng thêm một triệu đồng nữa, bù cho khoản lương hơn năm triệu đồng cho 10 năm làm việc vất vả.
Có những điều dưỡng đi dọn nhà, làm ôsin ngoài giờ, bán đủ thứ hàng online. Người nào may mắn lắm, hoặc sống ở thành phố lớn mới kiếm được việc làm thêm đúng ngành ở phòng khám tư, ngoài giờ.
Quyền Bộ trưởng có biết do không cạnh tranh nổi với bệnh viện công, nguồn bệnh nhân giảm mạnh nên có những khoa phòng phải cắt giảm chi phí đến nỗi cắt luôn cả tiền mua bút bi (tháng ba chiếc) cho nhân viên?
Quyền Bộ trưởng có biết trong đại dịch, nhiều nhân viên y tế đã phải hấp đi hấp lại khẩu trang để dùng, vì không được cấp đủ theo yêu cầu?
Những bác sĩ gợi ý người bệnh sử dụng các dịch vụ đắt tiền (dù không thật cần thiết) bằng nhiều cách như vừa hứa hẹn kết quả điều trị, vừa dọa ngầm về hậu quả xấu nếu không dùng. Chuyện bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng thật đắt tiền cho người bệnh ung thư, người bệnh chỉ cần gọi điện theo số cho sẵn thì vừa ra đến cổng bệnh viện đã có người chờ giao hàng. Chuyện những nhãn hàng, hãng dược chi hoa hồng thật đậm cho bác sĩ điều trị đổi lấy việc kê đơn thuốc của họ cho người bệnh, bất cần biết tình trạng sức khỏe và tài chính của bệnh nhân ra sao. Chuyện những thiết bị y tế kém chất lượng hoặc phải khử trùng dùng đi dùng lại, mặc kệ yêu cầu chỉ được dùng một lần để đảm bảo chống nhiễm khuẩn.
Nếu trước kia chưa biết, thì bây giờ bà đã biết rồi đấy.
Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh ở Hà Nội căng băng rôn đòi trả lương hồi tháng 3/2022. Hình: Người Lao Động
Và những chuyện ai cũng biết như khoảng 50-60 cán bộ lãnh đạo các cục, vụ và CDC các tỉnh bị bắt vì nhận hoa hồng của Việt Á để mua KIT test xét nghiệm COVID hay tiếp tay bán thuốc giả ra thị trường. Lãnh đạo BV mắt nhiều địa phương kê khống số lượng các ca mổ đục thủy tinh thể (thường được tài trợ) để lấy tiền đút túi.
Như ngạn ngữ đã nói, tiền không tự nhiên sinh ra hay mất đi. Trong những trường hợp nói trên, nó chỉ chuyển từ quỹ tiết kiệm còm cõi cả đời, từ số tiền bán nhà, thậm chí bán máu. Từ số học phí lẽ ra con cái họ được dùng để theo đuổi học vấn. Từ những đêm thức trắng để cày thêm kiếm tiền chữa bệnh cho chính mình hoặc người thân. Hoặc từ sự lao khổ, cực nhọc của đồng nghiệp cấp dưới trong ngành. Chui thẳng và làm ắp lên những cái bụng phưỡn của các vị lãnh đạo được có quyền duyệt chi, duyệt cấp.
Cơ hội của các sếp có ở khắp nơi: mở bệnh viện riêng, lôi kéo nguồn bệnh nhân từ bệnh viện công nơi chính mình đang làm quản lý. Hưởng hoa hồng cực cao khi mua thiết bị hay hợp tác đặt máy. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận mua máy mổ mắt Phaco cũ rích mà nơi khác thải ra, mang về không thể vận hành, phải đắp chiếu nhưng ngân sách đã chi ra, hoa hồng đã vào túi giám đốc. Hay như vụ việc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi đã có tám người chết oan khi chạy thận nhân tạo khiến cả xã hội rúng động và bàng hoàng về cách công ty hợp tác, vận hành, chi trả hoa hồng cho lãnh đạo.
Cũng những con người ấy, khi làm việc ở bệnh viện tư thì khác hẳn. Nở nụ cười từ khi đón bệnh nhân đến khi tiễn bệnh nhân ra về. Phòng bệnh luôn sạch sẽ. Thái độ luôn tận tụy nhẹ nhàng. Giải thích tư vấn bệnh cặn kẽ đầy trách nhiệm. Dúi phong bì đố dám cầm.
Chị Lan lo cho người bệnh nghèo không có tiền vào bệnh viện, thật quý quá. Nhưng nếu vào bệnh viện công để chịu cảnh chi phí cơ bản thì rẻ nhưng phong bì đi kèm đắt gấp ba mà vẫn bị gằn hắt, lườm nguýt, bỏ bê, dọa dẫm và chăm chăm moi tiền… thì hãy để thị trường tự cạnh tranh, để bệnh nhân tự chọn thứ hạng điều trị họ có thể chi trả và dùng quyền lực nhà nước để điều chỉnh, giảm chi phí cho những ai thật sự cần. Việc của cơ quan quản lý Nhà nước là theo dõi thực tế, kịp thời ban hành luật, thực thi luật để đảm bảo giảm thiểu những kẽ hở cho sự lợi dụng, lạm dụng nhằm đút của công và của người bệnh vào túi riêng.
Ở dưới những bề mặt ca tụng và tôn vinh “thiên thần áo trắng”, kêu gọi và phớt lờ sự hy sinh của họ, một phần xã hội đang thật sự vận hành như vậy.
Và những cuộn sóng ngầm đó đã trào lên rồi, chị Lan ạ! Sẽ không có biện pháp hành chính nhà nước nào cản được việc nhân viên y tế chuyển dịch qua y tế tư nhân, nơi có những giám đốc dám bán nhà để đầu tư bệnh viện, dám chấp nhận căng bạt, che dù trong sân để nhận bệnh nhân COVID vào điều trị khi những cơ sở y tế khác sợ hãi, thiếu thốn và bị ràng buộc đủ thứ bởi cơ chế.
Đồng tiền liền khúc ruột, mà khúc ruột được nuôi đủ đầy thì mới yêu cầu người ta giữ vững lương tâm nghề nghiệp được.
Nhà nước có tiền để làm điều đó không?
Có quá đi chứ. Có rất nhiều những bệnh viện công lưu chiếm đất vàng nhưng quanh năm chỉ được vài chục bệnh nhân lai vãng, nhân viên y tế phải căng băng rôn quanh năm đòi tiền lương. Những cơ chế cho phê duyệt mua sắm máy móc thiết bị rác thải nhưng trong điều trình vẫn là “trong sạch”. Những kẽ hở của pháp luật khiến người ta dễ dàng ăn hối lộ và tham nhũng đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ vẫn công nhiên tồn tại hàng vài chục năm, khiến bất cứ ai cũng phải đặt ra câu hỏi “người làm luật có chủ ý không?”. Hãy nhìn con số người bệnh đến các bệnh viện để người dân chỉ cho chị những nơi họ thực sự tin tưởng, và những cơ sở y tế nên xếp xó, giành lại quỹ đất và ngân sách cho những đơn vị hoạt động hiệu quả.
Rõ ràng, sòng phẳng, đấy chính là thần chú cho mọi việc, mọi lĩnh vực của nhà nước hiện tại. Sếp mình đã dõng dạc phán như thế, chúng mình chỉ việc làm theo thôi, chị Lan nhỉ?
Lý Thần Dân (RFA)
___________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/cho-ray-neu-4-kien-nghi-quyen-bo-truong-bo-y-te-dao-hong-lan-dat-hang-bai-toan-gi-20220825104700433.htm
https://tuoitre.vn/hau-qua-lon-tu-viec-mua-dao-mo-gia-re-20220824083355336.htm