Cha mẹ đưa con đi chữa bệnh thuê võng 20 ngàn một ngày - đặt cọc 500 ngàn - ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM
Song May - Không có tiền chẳng ai dám vào bệnh viện. Đó là một thực tế từ nhiều năm nay, nhưng càng gần đây tôi lại thấy giá khám chữa bệnh ở bệnh viện lên nhanh và lên rất cao, khiến người ta phải “tự điều trị”.
Ai cũng biết Việt Nam có các bệnh viện công và tư. Cả hai loại này đều mở khu khám dịch vụ “chất lượng cao”. Thế nhưng, người nghèo không quan tâm việc các bệnh viện trang bị tiện nghi đến cỡ nào, họ chỉ biết nếu mình bệnh mà không có tiền thì… cứ ra các nhà thuốc gần nhà khai bệnh mua thuốc uống theo ngày. Bởi vậy, các nhà thuốc tây ở Việt Nam đều kiêm luôn việc chữa trị, vì có cầu ắt có cung.
Thực tế này khiến các công ty lớn đua nhau đầu tư mở chuỗi các nhà thuốc tây, vì thị trường dược phẩm ở Việt Nam ước tính lên đến gần 6,5 tỷ USD một năm, được tổ chức UQVIA Institute xếp vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới.
Phòng khám và bệnh viện đông vì dân tỉnh đổ về
Các bệnh viện nổi tiếng ở Sài Gòn thường đông đúc bệnh nhân tại chỗ lẫn bệnh nhân các tỉnh. Anh chị tôi ở Tây Ninh mỗi lần bệnh nặng đều thuê xe xuống bệnh viện Đại học Y Dược (Quận 5) từ lúc nửa đêm để bốc số chờ. Mỗi chuyến đi, anh chị tôi phải chuẩn bị ít nhất từ 5 - 10 triệu đồng, tương đương một – hai tháng lương.
Hiện nay tiền lương thực tế ở TP.HCM chỉ 20.000 đồng – 25.000 đồng/giờ (khoảng trên dưới 1 USD), còn mức lương trung bình mà người lao động nhận được chỉ khoảng 5 triệu đồng (200 USD). Mức lương hưu của đại đa số dân Việt cũng tầm đó, dù trong độ tuổi nhiều bệnh tật.
Một thống kê từ Hội nghị Lão khoa quốc gia tổ chức cuối năm 2021 tại Hà Nội cho biết thời gian người Việt sống khỏe mạnh chỉ 64 năm, sau đó 96% đều bệnh tật, từ 65 trở lên mắc ba bệnh, còn trên 80 mắc hơn sáu bệnh.
Anh rể tôi năm 2017 bị lao màng não suýt chết ở bệnh viện tỉnh Tây Ninh và khi đưa anh xuống bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở TP.HCM điều trị, chị tôi phải vay một cây vàng (khoảng 37 triệu đồng). Sau một năm điều trị lao anh khỏi bệnh và đến nay vẫn khoẻ mạnh. Chị tôi thường nói: “Nếu không có tiền đem anh xuống Sài Gòn chữa chắc anh đã chết rồi.”
Tuy nhiên không may mắn như chồng, mới đây chị tôi bị viêm khớp chân và đi lại khó khăn. Đã hai lần chị thuê xe đến bệnh viện Đại học Y Dược và bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, mỗi lần tốn kém hơn 3 triệu đồng để nhận một bọc thuốc uống trong một tháng. Thế mà bệnh không thuyên giảm mà còn trở nặng, khiến chị phải bốc thuốc nam sắc uống.
Bệnh nhân và thân nhân ngủ tạm trên cầu đi bộ nối khu khám bảo hiểm và khu khám dịch vụ của Bệnh viện Bình Dân
Giữa tháng 8/2019, trên xe từ Sài Gòn đến huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vào buổi trưa, tôi gặp sáu người quê huyện Châu Đức vừa đi khám bệnh trở về. Anh bạn ngồi kế bên tôi kể: “Tui đi từ lúc hai giờ sáng đến bệnh viện Bình Dân, ngồi chờ đến bảy giờ được khám và nội soi dạ dày, kết quả bao tử chưa loét nhưng có vi khuẩn phải mua thuốc giá hơn hai triệu đồng.”
Hỏi anh sao không mua thẻ bảo hiểm y tế khám ở bệnh viện tỉnh mà đi Sài Gòn chi cho cực, anh cười:
“Nếu có bảo hiểm y tế thì cũng cần thêm giấy chuyển viện từ bệnh viện tỉnh mới sử dụng được, chưa kể khám bảo hiểm y tế bác sĩ cho thuốc dở lắm, uống không hết, thôi thì trả tiền khám dịch vụ cho rồi. Bệnh nhẹ thì tui đến trạm xá chứ bệnh nặng thì lên Sài Gòn. Bệnh viện tỉnh xây to đẹp nhưng ít bệnh nhân lắm.”
Một anh bạn tôi ở Phan Thiết mua bảo hiểm y tế ở bệnh viện tỉnh Bình Thuận nhưng năm 2017 khi bị đau tim đã tức tốc đến bệnh viện Chợ Rẫy đóng 210 triệu đồng để phẫu thuật can thiệp mạch vành. Bác sĩ chỉ định thay 3 mạch, tùy anh chọn loại 50 triệu đồng - 70 triệu đồng và anh đã chọn loại tốt nhất.
Các bệnh viện công giờ đều có khoa thẩm mỹ bắt kịp xu hướng 'đập mặt xây lại' của nữ giới đủ mọi lứa tuổi
Thẻ bảo hiểm y tế chỉ đỡ được một phần
Người bệnh ở Việt Nam dù có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn có những tình huống không sử dụng được hoặc được trừ cũng chẳng là bao.
Cha tôi hơn 80 tuổi được Nhà nước cho thẻ bảo hiểm y tế chữa tại bệnh viện huyện gần nhà. Khi ông bị thoát vị bẹn và phải phẫu thuật, chúng tôi quyết định đưa ông đến một bệnh viện tư ở Sài Gòn, xét nghiệm các kiểu 3 triệu rưỡi và đặt cọc nhập viện 5 triệu đồng. Hồi phục sau ba ngày nằm bệnh viện, cha tôi xuất viện và phải trả 23 triệu rưỡi, vì bảo hiểm nhà nước chỉ trả 3 triệu đồng.
Một người thầy của tôi tuổi gần 80 cũng bị thoát vị bẹn, dù có bảo hiểm y tế tại bệnh viện Nguyễn Trãi nhưng vì thầy đã từng bị mổ đặt stent mạch vành, một bác sĩ – học trò của thầy – khuyên thầy nên đến bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Kết quả ca phẫu thuật thành công và thầy bảo: “Tổng cộng ca phẫu thuật hơn 20 triệu đồng, nhờ có bảo hiểm y tế bớt được mấy triệu, thầy phải đóng 18 triệu đồng”.
Đến ngay cả tôi, khi đi khám chữa bệnh thông thường ở bệnh viện mua bảo hiểm y tế, cũng phải thủ sẵn vài triệu đồng, vì bất kỳ chỉ định nào của bác sĩ cũng phải cầm phiếu đi đóng tiền trước rồi mới được khám.
Chẳng hạn, khám bệnh 180.000 đồng, có thẻ đúng tuyến được bớt 34.500 đồng (-19%), siêu âm tim 480 ngàn, được bớt 37%, điện tim 185 ngàn đóng đủ 100%, xét nghiệm máu 1,3 triệu được bớt 250 ngàn…
Bảng giá khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố với nhiều mức giá khác nhau
Muốn khám chữa nhanh thì chọn dịch vụ, còn nhập viện phải đặt cọc
Bệnh viện công nào ở TP.HCM cũng có khu khám dịch vụ riêng với hai bảng giá: bảo hiểm và dịch vụ. Thậm chí trong giá dịch vụ sẽ còn chia tiếp: giá thấp (với bác sĩ thường) và giá cao (với bác sĩ có chức danh và đương chức). “Khám dịch vụ” là người bệnh phải đóng nhiều tiền hơn để được khám nhanh, với những bác sĩ giỏi và được phục vụ tốt hơn.
Chẳng hạn bệnh viện Nhi Đồng 2 xây khu khám dịch vụ rộng rãi ở đường Nguyễn Du, với giá 150.000 đồng/lần khám theo yêu cầu – 300.000 đồng/lần khám chất lượng cao.
Muốn khám chữa bệnh cho trẻ em nhanh thì trả tiền khám dịch vụ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) còn chia nhiều hạng mục hơn: khám theo yêu cầu từ 80.000 đồng – 500.000 đồng; khám chuyên gia 150.000 đồng; khám nội trú (trưởng/phó khoa) 200.000 đồng; khám bệnh ban giám đốc 300.000 đồng.
Tại Bệnh viện Bình Dân, giá khám dịch vụ bên khu thường 100.000 - 200.000 đồng, còn khám bên khu chất lượng cao 150.000 – 250.000 đồng.
Bạn đừng tưởng bỏ tiền khám cao mà kết quả như ý. Một thiếu niên 13 tuổi mà tôi biết sau khi phẫu thuật tái tạo bàng quang năm 2019 với giá 100 triệu đồng tại khu kỹ thuật cao của bệnh viện này, sau đó đã phải nong niệu đạo đến lần thứ hai mới có thể tiểu qua đường bình thường được, vì lần đầu bệnh viện nong thất bại. Điều đáng nói là gia đình cháu phải trả tiền cả hai lần, mỗi lần gần 20 triệu đồng.
Tại khu dịch vụ sạch đẹp của Bệnh viện Hùng Vương, nữ giới muốn khám phụ khoa phải đặt cọc 600.000 đồng, khi ra về phải tự nhớ quay lại tính toán xem có dư đồng nào không. Đáng nói là phòng khám không có chỗ kín đáo thay đồ, lại lùa bệnh nhân vô nhiều người một lúc thiếu sự riêng tư; phòng siêu âm thì thay đồ xong phải cầm theo vì không biết để đâu; phòng vật lý trị liệu thì vừa không có chỗ kín đáo thay đồ vừa không có chỗ để đồ, đúng kiểu “dịch vụ nửa vời”.
Việc khám chữa bệnh phân biệt bảo hiểm y tế và dịch vụ ngay trong bệnh viện công cũng kỳ quặc y như việc các trường tiểu học và trung học công lập kêu gọi phụ huynh đóng góp để lớp học của con cái mình tiện nghi và đầy đủ trang thiết bị hơn.
Không chỉ khổ vì bị đối xử phân biệt, thủ tục phải đặt tiền cọc khi nhập viện khiến người nghèo phải lờ bệnh. Tiêu biểu như Bệnh viện Ung Bướu: người lớn muốn chữa trị phải đặt cọc năm triệu đồng, còn trẻ em bị ung thư phải đặt cọc hai triệu đồng. Cho con nhập viện Nhi Đồng 2 thì thân nhân phải đặt cọc hai triệu đồng.
Có khi chỉ vì không có vài triệu đồng đặt cọc mà người ta có thể lờ đi căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn đầu, để mặc nó phát triển đến mức di căn rồi chết. Có khi chỉ vì không có hai, ba triệu đồng đặt cọc, người mẹ nghèo sẽ ngậm ngùi đưa con về uống thuốc nam… cầm cự cho qua ngày.
Những con số nói trên vẽ ra bức tranh đau buồn của bệnh nhân Việt Nam.
Song May (BBC)