GIỮ LẠI TRÍ NHỚ

 

Huy Lâm - Người ta kể câu chuyện một giáo sư đại học trong lúc đang giảng dạy trong lớp bỗng dưng tâm trí của ông trở nên trống rỗng. Vị giáo sư quên mất tên của người phụ giảng. Một vài tiếng cười khúc khích phát ra từ phía các sinh viên đang ngồi nghe một cách chăm chú khi ông nói sai tên người phụ giảng và sau đó cố nhớ lại mà không thể nhớ ra được.

Vị giáo sư cảm thấy thật hổ thẹn và không hiểu sao trí nhớ của ông trong một lúc bất ngờ lại tồi tệ như vậy. Điều đáng nói hơn nữa, ông là nhà nghiên cứu về trí nhớ và đang dạy về đề tài căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến nhận thức của con người như thế nào.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về trí nhớ, những trường hợp hay quên ngắn hạn, tạm thời – mà thường được cho là dấu hiệu của tuổi già – trong thời gian gần đây xảy ra thường xuyên hơn với nhiều người trong chúng ta, là những người trong lứa tuổi chưa được xem là già. Nhiều người gặp khó khăn lúng túng khi cố nhớ lại những điều đơn giản: tên của bạn bè và đồng nghiệp mà mình lâu ngày không gặp, những từ ngữ mà bình thường có thể phát ra trên môi miệng rất dễ dàng, thậm chí quên một vài hành động thường ngày mà trước đây gần như là những phản ứng tự nhiên.

Chúng ta đang sống vào thời điểm có những thay đổi lớn trong cuộc sống: nhiều người làm việc từ nhà suốt hai năm qua thì nay phải trở lại sở làm, tập làm quen với một vài thói quen mới và sắp xếp lại cuộc sống để thích ứng với hoàn cảnh của sự bình thường mới. Tất cả những thay đổi trên, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu về thần kinh, lấy mất khá nhiều năng lượng nhận thức của chúng ta, và thường là nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Không có gì phải ngạc nhiên khi ta không thể nhớ ta đã ăn gì sáng nay. Tâm trí của chúng ta đang phải vật lộn với thời gian chuyển tiếp và nhiều thay đổi trong cuộc sống.

Theo nhận định của giáo sư Sara C. Mednick thuộc Đại học California tại Irvine chuyên nghiên cứu về thần kinh, bộ não của chúng ta giống như chiếc máy điện toán đang phải làm việc quá tải và vì vậy nó làm chậm khả năng xử lý của chúng ta, và bộ nhớ là một trong những lĩnh vực bị chùn lại.

Cuộc sống căng thẳng thường xuyên và tích lũy trong suốt hai năm qua cũng góp phần gây ra hậu quả nói trên. Kết quả một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều người phải trải qua những căng thẳng trong cuộc sống thời đại dịch có dấu hiệu bị suy giảm trí nhớ. Căng thẳng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung chú ý và giấc ngủ của chúng ta, và qua đó, ảnh hưởng tới trí nhớ. Và tình trạng căng thẳng kinh niên có thể làm tổn hại tới bộ não, khiến cho vấn đề liên quan tới trí nhớ lại thêm tồi tệ hơn nữa.

Quá nhiều thông tin, với đủ mọi loại thượng vàng hạ cám, thật có giả có, mà chúng ta nhận được mỗi ngày từ nhiều nguồn khác nhau cũng đang làm rối loạn bộ não của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta không chỉ ít tập trung chú ý mà còn liên tục đưa ngón tay rà màn hình chiếc điện thoại trong khi cùng lúc làm những việc khác (một thói xấu của thời đại), điều mà các nhà nghiên cứu thần kinh cho biết khiến cho việc ghi nhận sự kiện vào trong ký ức ngay từ bước đầu đã gặp trở ngại. Và có thể còn gây thêm khó khăn hơn nữa để nhớ được những tiểu tiết trong toàn bộ sự kiện, chẳng hạn như tên của người đồng nghiệp bỗng dưng đứng nói chuyện với ta bằng xương bằng thịt ngay trước mặt, thay vì xuất hiện trên màn ảnh Zoom.

Và kia là cuộc sống được lập đi lập lại giống nhau mỗi ngày đến nhàm chán trong thời gian đại dịch. Không đi ra khỏi nhà và nhiều người thậm chí không cần phải đến sở làm thì ngày thường trong tuần hoá ra cũng không khác gì ngày cuối tuần. Như vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể nhớ được một sự kiện cụ thể khi mỗi ngày đều giống hệt nhau? Trí nhớ dễ nhận vào từ những cái mới. Khi mà tất cả những sinh hoạt cũng như trải nghiệm trong cuộc sống hoà lẫn vào nhau một cách nhập nhằng thì khó có thể tách rời để nhớ được từng mỗi một sự kiện một cách rõ ràng.

Não người thay đổi kích thước theo tuổi tác?

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các biểu đồ tăng trưởng não theo tuổi thọ của con người dựa trên hơn 120.000 lần quét MRI.

Trí nhớ suy giảm theo tuổi tác, nhưng cho đến nay y khoa vẫn chưa biết đích xác là khi nào thì điều đó xảy ra. Sự nhận thức cũng kém đi theo tuổi tác và ở mỗi người mỗi khác – có người bị sớm hơn, người khác thì lại trễ hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy khả năng trí nhớ đạt tới đỉnh điểm ở những người tuổi 20 và từ đó suy giảm dần đi; một số cuộc nghiên cứu khác thì cho rằng sự sụt giảm trí nhớ mạnh nhất bắt đầu vào khoảng tuổi 60. Các nhà nghiên cứu khuyên nếu những ai lo lắng về trí nhớ của mình thì nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt trong trường hợp sự mất trí nhớ của mình biểu lộ rõ rệt đến nỗi người khác cũng nhận ra thì đừng chần chừ thêm nữa.

Dưới đây là một số lời khuyên các chuyên gia đưa ra có thể giúp cho ta tăng cường được trí nhớ:

Đừng cố thúc ép. Khi ta cố gắng tự ép mình để nhớ điều gì đó thì rất có thể bị phản tác dụng. Cũng giống như học thi mà cố nhét vào trong đầu hàng chục công thức và phương trình thì hoá ra lại chẳng nhớ được điều gì. Ta sẽ trở nên thất vọng và sự thất vọng đó cho phép phần cảm xúc của bộ não của ta lấn lướt lên phần bộ não có nhiệm vụ khôi phục ký ức. Giáo sư Jennifer Kilkus, dạy khoa tâm lý tại Đại học Yale, khuyên là trong trường hợp đó hãy để cho bộ não được thư giãn một chút, hít vào thật sâu cho bộ não dịu bớt căng thẳng và thử lại vào một lúc nào khác.

Đừng làm nhiều việc cùng một lúc. Rất khó để nhớ lại điều gì đó hoặc ghi lại điều gì đó vào bộ nhớ khi ta làm hai việc cùng một lúc. Vậy hãy để chiếc điện thoại qua một bên. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự quá tải. Và hãy cố gắng thử làm từng việc một. Chú ý tới những việc nhỏ nhặt mà ta thường làm một cách tự động, chẳng hạn như đánh răng trước khi đi ngủ.

Giúp bộ não bình thản thư thái. Được như vậy thì thùy trán của ta – là phần não có liên quan đến những chức năng như ghi nhớ và nhớ lại – hoạt động hữu hiệu hơn cũng như kiểm soát được mức độ căng thẳng. Để cho bộ não được thư thái, các nhà nghiên cứu khuyên nên tập thiền mỗi ngày, hoặc đơn giản là tập hít thở chậm và sâu ít nhất 10 phút mỗi ngày. Đi bộ, tốt nhất là ngoài thiên nhiên. Giữ mối giây liên lạc với người thân. Sự gần gũi giúp làm giảm căng thẳng bằng cách khiến ta cảm thấy an toàn và được chăm sóc. Và đương nhiên là phải ngủ đầy đủ. Điều này giúp loại bỏ các độc tố trong não có khả năng làm tắc nghẽn quá trình xử lý các hoạt động tinh thần của ta.

Hoà mình vào đám đông. Dành sự quan tâm đầy đủ đối với người đối diện khi ta nói chuyện với họ. Làm vậy sẽ giúp ta dễ dàng nhớ lại những gì ta muốn nói tới trong cuộc trò truyện – bởi vì bộ não của ta không bị phân tâm hoặc quá tải – và nhớ những gì ta đã nói.

Vì vậy, để giúp trí nhớ hoạt động hiệu quả trở lại, xin được nhắc lại một lần nữa: Đặt chiếc điện thoại của ta xuống. Tắt máy tivi đi. Và thực sự chú ý đến những gì người thân yêu của ta đang nói; đừng thụ động chờ đợi đến lượt mình lên tiếng.

Theo tạp chí Think, bộ não của con người có thể lưu trữ đủ dữ liệu để viết đầy hàng triệu cuốn sách, một dung lượng mà bộ nhớ của những máy điện toán hiện đại nhất ngày nay cũng không thể so sánh được.

Trí nhớ giúp mang lại những sự kiện trong quá khứ để ta hồi tưởng và trải nghiệm thêm lần nữa. Khi nhớ lại, ta có thể cảm nhận lại những cảm xúc dào dạt thuở ban đầu.Thật là may mắn khi ta có thể tìm lại được những kỷ niệm quý giá từ trong những ngăn ký ức, giống như nhìn thấy lại tấm ảnh còn rõ nét được dán trong cuốn album cũ. Ta có thể tha hồ hồi tưởng lại bất cứ lúc nào ta muốn niềm vui của những buổi họp mặt gia đình, những ngày lễ kỷ niệm và những khoảnh khắc đặc biệt. Chúng ta nhớ đến niềm vui của chính cuộc sống.

Nói như vậy để thấy rằng trí nhớ là quà tặng tạo hoá ban cho con người. Hậu quả của đại dịch là nó đang lấy mất đi một phần món quà tặng đó, và ta không thể chịu thua, bỏ cuộc mà phải cố giữ lại phần quà tặng đó của chúng ta.


Huy Lâm (thoibao.com)

 

Posted: 26/04/2022 #views: 1892
Add comment
:
Pages:  [-1]