Logo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được nhìn thấy ở lối vào trụ sở chính của tổ chức này tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 09/03/2020. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)
Kevin Stocklin - Các thống đốc từ 24 tiểu bang đã cùng nhau lên tiếng phản đối các cuộc đàm phán hiệp ước đang được chính phủ Tổng thống (TT) Biden tiến hành. Hiệp ước này sẽ “có mục đích trao cho” Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “những quyền lực chưa từng có và vi hiến đối với Hoa Kỳ và người dân nước này.”
Trong một bức thư đề ngày 22/03, những thống đốc này nói rõ rằng họ “đồng thuận phản đối hai phương thức được đề xướng” hiện đang được đàm phán.
“Mục tiêu của những phương thức này là trao quyền cho WHO, đặc biệt là vị Tổng Giám đốc vốn không thể kiểm soát được của họ, với thẩm quyền có thể hạn chế các quyền của công dân Hoa Kỳ, bao gồm các quyền tự do như ngôn luận, quyền riêng tư, đi lại, lựa chọn chăm sóc y tế, và sự đồng ý có hiểu biết cho tiến hành điều trị, do đó vi phạm các nguyên tắc cốt lõi trong Hiến Pháp của chúng ta,” các thống đốc viết. “Nếu được thông qua, thì những thỏa thuận này sẽ tìm cách nâng WHO từ một cơ quan cố vấn lên thành một cơ quan có thẩm quyền toàn cầu trong lĩnh vực y tế cộng đồng.”
Các tài liệu mà họ đề cập đến là một hiệp ước mới gọi là thỏa thuận về đại dịch của WHO và những sửa đổi đối với Các quy định Y tế Quốc tế (IHR) hiện hành, khi kết hợp lại sẽ tập trung một lượng quyền lực đáng kể trong cơ quan này của Liên Hiệp Quốc nếu WHO tuyên bố tình trạng “khẩn cấp về y tế.”
Thống đốc đã ký bức thư đến từ các tiểu bang sau gồm Alabama, Alaska, Arkansas, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Iowa, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, Nevada, New Hampshire, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, Virginia, West Virginia, và Wyoming.
Khi việc đàm phán giữa các quốc gia thành viên bước vào giai đoạn cuối cùng trước khi bắt đầu phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới, dự kiến bắt đầu vào ngày 27/05, WHO dường như đã thu hẹp một số quyền hạn trong số đó mà họ mong muốn hy vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
Dự thảo IHR mới nhất đã xóa bỏ một điều khoản trước đó rằng các quốc gia thành viên “công nhận WHO là cơ quan hướng dẫn và điều phối hoạt động ứng phó y tế cộng đồng quốc tế” và cam kết tuân theo các chỉ thị của WHO trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe. Dự thảo mới nhất cũng nêu rõ các khuyến nghị của WHO là không mang tính ràng buộc.
Trong các dự thảo trước đây, WHO đã cố gắng giành được thẩm quyền đối với “tất cả những rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,” có thể bao gồm các vấn đề về môi trường và khí hậu. Dự thảo mới nhất tìm cách hạn chế thẩm quyền của WHO đối với bệnh tật.
WHO đã cùng lúc khai triển một chiến dịch quan hệ công chúng, sử dụng các chính trị gia, người nổi tiếng, và các nhà lãnh đạo tôn giáo, để khuyến khích các quốc gia thành viên ký các thỏa thuận.
Hôm 20/03, đại sứ WHO và cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã ca ngợi những nỗ lực này của “hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu” đã đứng ra bảo vệ WHO.
“Sự can thiệp có sức ảnh hưởng lớn của 23 cựu Tổng thống, 22 cựu Thủ tướng, một cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và 3 người đạt giải Nobel đang được thực hiện trong ngày hôm nay để thúc đẩy cho một thỏa thuận khẩn cấp từ các nhà đàm phán quốc tế về Hiệp định Đại dịch, theo Hiến Pháp của Tổ chức Y tế Thế giới, để tăng cường sự chuẩn bị chung của thế giới và ứng phó với các đại dịch trong tương lai,” ông Brown nói trong một thông cáo báo chí.
Ông kêu gọi một nỗ lực quốc tế nhằm “vạch trần các chiến dịch thông tin giả của những kẻ theo thuyết âm mưu đang cố gắng phá hoại thỏa thuận quốc tế về Hiệp định Đại dịch.”
Ông tuyên bố: “Không quốc gia nào sẽ nhượng lại bất kỳ chủ quyền nào, và không quốc gia nào sẽ thấy luật pháp quốc gia của mình bị gạt bỏ.”
Vấn đề có nên hay không nên cấp thêm quyền hạn cho WHO đã trở thành một vấn đề mang tính đảng phái, trong đó Đảng Dân Chủ nói chung ủng hộ kế hoạch này còn Đảng Cộng Hòa nói chung là phản đối.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa yêu cầu quyền thông qua hiệp ước
Hôm 01/05, tất cả 49 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã ký một bức thư gửi Tổng thống Biden kêu gọi ông không ký Thỏa thuận Đại dịch của WHO và các sửa đổi IHR hoặc, nếu ký, thì phải đệ trình hiệp ước đó lên Thượng viện để thông qua, như quy định của Hiến Pháp. Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện cho đến nay không ủng hộ những nỗ lực yêu cầu Thượng viện thông qua hiệp ước này.
Những thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa này viết: “Thất bại của WHO trong đại dịch COVID-19 là hoàn toàn có thể dự đoán được và đã gây tổn hại lâu dài cho đất nước chúng ta.”
“Hoa Kỳ không thể lờ đi sự bất tài gần đây nhất này của WHO khi thực hiện các chức năng cơ bản nhất của mình và phải nhấn mạnh vào các cải cách toàn diện của WHO trước khi thậm chí còn xem xét sửa đổi Các quy định Y tế Quốc tế hoặc bất kỳ hiệp ước mới nào liên quan đến đại dịch mà sẽ tăng thẩm quyền của WHO,” họ nói tiếp. “Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng chính phủ của ông tiếp tục trợ giúp những sáng kiến này và đặc biệt yêu cầu ông thay đổi đường hướng.”
Tại Hoa Kỳ, thẩm quyền giải quyết các vấn đề sức khỏe phần lớn thuộc phạm vi của các tiểu bang và nằm ngoài quyền hạn của chính phủ liên bang. Các tiểu bang có đa số Đảng Cộng Hòa đã tích cực phản đối các thỏa thuận của WHO.
Gần đây, Louisiana và Florida đã thông qua luật tuyên bố rằng các quan chức tiểu bang sẽ không tuân theo các chỉ thị của WHO, và các tiểu bang khác, chẳng hạn như Oklahoma, đang xem xét luật tương tự.
Tổng chưởng lý từ 22 tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đã ký một bức thư hôm 08/05 gửi Tổng thống Biden kêu gọi ông không ký các thỏa thuận của WHO và tuyên bố rằng họ sẽ chống lại mọi nỗ lực của WHO nhằm thiết lập chính sách y tế cộng đồng ở tiểu bang của họ.
“Mặc dù phiên bản mới nhất tốt hơn nhiều so với các phiên bản trước, nhưng vẫn có nhiều vấn đề,” các tổng chưởng lý viết. “Ngoài ra, tính hay thay đổi và không rõ ràng của các thủ tục này có thể cho phép các điều khoản nghiêm trọng nhất từ các phiên bản trước quay trở lại. Cuối cùng, mục tiêu của những phương thức này không phải là bảo vệ sức khỏe cộng đồng,” họ nói.
“Đó là nhượng lại thẩm quyền cho WHO — cụ thể là tổng giám đốc của tổ chức này — để hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, đi lại (đặc biệt là đi lại xuyên biên giới) của người dân chúng tôi, và sự đồng ý có hiểu biết cho tiến hành điều trị.”
Biên dịch: Cẩm An (etviet)
(Theo bản gốc từ The Epoch Times)