Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (G) và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/07/2024. (AP - Shuji Kajiyama)
Thanh Hà (RFI) - Hôm 28/07/2024, kết thúc đối thoại 2+2 Mỹ-Nhật, Washington thông báo thành lập một bộ chỉ huy chung với Tokyo. Đây được coi là « thay đổi quan trọng nhất trong liên minh quân sự song phương từ 70 năm qua » để chống lại ý đồ của Tàu cộng muốn vẽ lại trật tự thế giới theo ý muốn của họ và trước mối đe dọa từ hợp tác chặt chẽ của trục Bắc Kinh - Matxcơva, cũng như hợp tác giữa Nga với Bắc Triều Tiên.
Kết thúc cuộc họp tại thủ đô Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo một bộ chỉ huy chung sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 03/2025. Các hoạt động của cơ chế này sẽ từng bước được nâng cấp qua nhiều giai đoạn. Mục tiêu là nhằm « tạo điều kiện đẩy mạnh khả năng tương tác và hợp tác sâu sắc hơn » giữa hai nước « trong thời bình cũng như trong những tình huống đầy bất trắc ». Cơ chế mới này sẽ có « trách nhiệm chính là phối hợp các hoạt động bảo vệ an ninh ngay trên lãnh thổ Nhật và xung quanh Nhật Bản », theo tinh thần của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Trong cuộc họp hôm qua, Washington và Tokyo còn đồng ý đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, và hợp tác quốc phòng, bao gồm cả công nghiệp sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự. Cụ thể là cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Nhật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo hôm qua lưu ý liên minh quân sự Mỹ - Nhật trước hết mang tính « tự vệ », tăng cường các biện pháp phòng thủ, bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Chính những mối đe dọa ngày càng lớn đã « thúc đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng như Hoa Kỳ và các đồng minh khác tăng cường hợp tác quân sự ».
Trong mắt Hoa Kỳ, Tàu cộng là « thách thức chiến lược hàng đầu trong vùng », chủ yếu do Bắc Kinh « có những hành động uy hiếp và khiêu khích », « quân sự hóa » những nơi có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và khẳng định chủ quyền đối với vùng biển này một cách « bất hợp pháp ». Hiểm họa Tàu cộng lại càng trở nên cấp bách hơn từ khi Bắc Kinh mở rộng hợp tác về nhiều mặt với Matxcơva, tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh của Matxcơva trong cuộc xâm lược Ukraina. Bất ổn tại châu Á - Thái Bình Dương lại càng đáng lo ngại hơn nữa khi mà một quốc gia « bất hảo » là Bắc Triều Tiên đang hiện đại hóa cỗ máy quân sự. Công nghệ chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng được nâng cấp nhờ hợp tác với Nga.
Nhưng liệu có quá trễ để bộ chỉ huy chung Mỹ - Nhật kềm hãm những tham vọng của Bắc Kinh trong vùng châu Á Thái Bình Dương? Ngoại trưởng Nhật Bản, Yoko Kamilawa nói đến « một bước ngoặt lịch sử » và « những quyết định ngày hôm nay sẽ tác động đến tương lai chung toàn khu vực sau này ».
Thời gian không còn nhiều
Giới quan sát nói đến một « cuộc chạy đua việt dã » của các giới chức Hoa Kỳ 100 ngày trước bầu cử tổng thống Mỹ và sự gấp rút ấy cho thấy hai điều : Washington muốn đặt một số nền tảng cho hợp tác an ninh với các đối tác trong vùng trước khi chính quyền Biden mãn nhiệm và trước viễn cảnh cựu tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Đồng thời những mối hợp tác « chiến lược » hay « đối tác chiến lược » của hai cặp Tàu cộng - Nga, hay Matxcơva - Bình Nhưỡng buộc Hoa Kỳ và đồng minh phải đề phòng trước mọi tình huống.
Chẳng vậy mà trước ngày khai mạc Đối thoại 2+2 Mỹ Nhật tại Tokyo, hôm thứ Bảy vừa qua (27/07) bộ trưởng Quốc Phòng Austin và hai đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết một thỏa thuận khung « hợp tác ba bên ». Thế rồi trong ngày thứ nhì tại thủ đô Nhật Bản, hôm nay (29/07) ngoại trưởng Mỹ họp tiếp với ba đối tác đối tác quan trọng khác trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương là Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ QUAD. Một lần nữa các bên lại « bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông ». Tránh nêu đích danh Tàu cộng, nhóm Đối Thoại An Ninh Bốn Bên lên án mọi hành vi « đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông ». Tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng với các quốc gia trong vùng cũng là nhằm đối phó với « thách thức » mà Tàu cộng đang đặt ra cho khu vực.
Sau Lào và Việt Nam, ngoại trưởng Antony Blinken đến thủ đô Manila vào lúc chính quyền của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang trên tuyến đầu đối phó với Tàu cộng về những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tại đây, cùng với bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, ngoại trưởng Mỹ tiếp tục đối thoại 2+2 với đồng minh lâu đời nhất tại Đông Nam Á là Philippines.
Giới quan sát nhận định lịch làm việc dầy đặc của các ông Blinken và Austin cho thấy chính quyền Biden sắp mãn nhiệm cố gắng trấn an các đồng minh châu Á về sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực này. Thông điệp của Washington là dù kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2024 có ra sao, điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến hợp tác về an ninh của Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương. Đây cũng là một lời cảnh cáo Washington gửi tới Bắc Kinh. (RFI)