TÌNH HÌNH MỸ-TÀU TẠI ĐÀI LOAN VÀ BIỂN ĐÔNG ?

Hình minh họa

Lê Thành Nhân - Tàu cộng chi tiền lớn vào quốc phòng, sản xuất vũ khí và tàu chiến, điều này đồng nghĩa với việc giảm chi tiêu nhân đạo và viện trợ kinh tế cho các nước đàn em Đông Nam Á. Biến Tàu cộng như một đàn anh keo kiệt đối với các nước láng giềng ASIAN. Không những Tàu cộng bủn xỉn mà còn đi bòn rút đô-la của các nước ASEAN từ các công trình đấu thầu, lúc đầu thầu giá rẻ rồi trì hoãn tiến trình hoàn tất để tăng tiền đấu thầu với nhiều mưu kế vụn vặt! Tàu cộng làm những điều như vậy vô tình tạo những thuận lợi cho Tokyo và Washington nối dài ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Bối cảnh hiện nay

Gần đây, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Quốc Phòng do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế tổ chức tại Shangri-La, Singapore vào ngày 31/05/2024 đã có một số nhân vật gây hấn như Đô đốc Đổng Quân (Dong Jun) Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Tàu cộng tố cáo Đài Loan là “những kẻ ly khai” với những lời lẽ gay gắt. Tân Tổng thống Prabowo Subianto của Indonesia và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia phản đối Israel gây nên những cái chết “nhân đạo” cho dân thường ở Dải Gaza. Thêm sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Ukraine, Zelensky để ủng hộ các nước Đông Nam Á…

Điều nóng nhất là Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tuyên bố “nếu một quân nhân Philippines bị súng nước Tàu cộng giết chết trong một cuộc đối đầu ở Biển Đông, điều đó gần như chắc chắn sẽ được coi là một hành động của chiến tranh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, tránh việc “đổ thêm dầu vào lửa” qua lời tuyên bố của Marcos, nhưng ông tái khẳng định điều khoản ký kết Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines năm 1951, tái ký kết vào tháng 5/2023 có hiệu lực như một thông điệp gửi đi rõ ràng.

Khi trả lời câu hỏi của nhà báo Financial Times, Tổng thống Marcos đã khiến cả căn phòng họp báo vừa hồi hộp vừa ớn lạnh. Đối với nhiều người, thật xúc động khi nghe một nhà lãnh đạo nước nhỏ Đông Nam Á dám phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Tàu Cộng trên Biển Đông.

Điều ớn lạnh hơn nữa, những lời tuyên bố có ẩn dấu trong những câu trả lời của Marcos làm bùng phát một cuộc chiến giữa hai nước hùng mạnh nhất thế giới [Mỹ-Tàu] là cuộc chiến không những nó có thể ở Đài Loan mà còn nổ ra những nơi tranh chấp trên Biển Đông

Tàu cộng thêm lửa vào Biển Đông

Ngày 15/6, Tàu cộng thêm củi vào bếp lửa Biển Đông đang cháy, họ ban hành một sắc lệnh của cho phép Hải Cảnh Tàu cộng bắt giữ bất kỳ người nước ngoài nào xâm phạm việc phân định Biển Đông do Tàu cộng tự ý đặt ra. Hai ngày sau khi sắc lệnh của Tàu cộng có hiệu lực, vào ngày 17/06 lập tức dẫn đến sự đụng độ giữa tàu Tàu cộng – Philippines, khiến một thủy thủ Philippines bị thương nặng mất một ngón tay phải vào bệnh viện điều trị.

May ra, biến cố 17/06 xảy ra, không có người lính Philippines nào thiệt mạng trong cuộc gây hấn của tàu Hải Cảnh Tàu cộng, cho nên chiến tranh chưa nổ ra theo tuyên bố của Marcos ở Shangri-La. Tàu cộng luôn giữ vững lằn ranh đỏ là không để nổ ra chiến tranh bằng cách chọn cách bắt giữ ngư dân, lực lượng bảo vệ bờ biển… theo sắc lệnh mới 15/06 để làm con tin và thách thức đối thủ đáp trả tương tự. Khi con tin hai bên bị bắt, buộc họ phải đàm phán để giải quyết. Khi đàm phán song phương thì “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng” – kẻ mạnh đó là Tàu cộng.

Đó là một viễn cảnh đáng lo ngại, Tàu cộng không cần chiến tranh mà chiếm được phần mình muốn. Rồi đây, chắc chắn rằng sẽ có những cuộc đụng độ tồi tệ hơn trên biển và những lời lẽ gay gắt giữa các bên liên hệ.

Tàu cộng dùng “Bộ quy tắc ứng xử” là khúc xương để nhữ!

Tàu cộng và các quốc gia ASEAN đã thảo luận về sự cần thiết của một “Bộ quy tắc ứng xử” ở Biển Đông. Nó đã khởi đầu từ giữa những năm 1990, nhưng đã 24 năm qua không có một chút tiến bộ nào ngoài những lời hứa từ năm này sang năm khác. Khi gặp nhau thì Tàu cộng nói qua loa không đi trực tiếp vào vấn đề một cách nghiêm chỉnh. Mọi người đánh giá là “Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Động” mà Tàu cộng đưa ra chỉ là khúc xương để nhữ các nước Động Nam Á thì không có gì sai.

Tàu cộng cần có lối ra trong thế kỷ 21

Nước Tàu nói chung bị các cường quốc xâu xé từ bao nhiêu thế kỷ qua, họ bị vây chặt và nhốt vào thềm lục địa không cho lối ra biển. Do đó, Tàu cộng quan tâm toàn bộ Biển Đông và Hoa Đông là không gian chiến lược cốt lõi mà họ phải có được trong thế kỷ thứ 21để làm lối ra biển lớn.

Sự mong muốn này đầu tiên được Tưởng Giới Thạch thực hiện vào năm 1947 bằng cách tự tạo ra một bản đồ có “đường 11 đoạn” tự cho là chủ quyền của họ, 11 đoạn nối lại nó uốn cong như một cái lưỡi bò khổng lồ chiếm xuống toàn bộ Biển Đông. Sau đó, Tưởng bị Mao đánh bại vào năm 1949. Hình lưỡi bò 11 đoạn được điều chỉnh sau năm 1947 còn 9 đoạn cho đến năm 2023. Nay lại lên 10 đoạn. Tuy thêm bớt từng đoạn nhưng bản đồ “lưỡi bò nối liền” vẫn nguyên trạng với diện tích của nó không có gì thay đổi.

Năm 2016 tại Tòa Án Trọng Tài Quốc tế ở The Hague do Philippines đưa ra phán quyết rằng đường đứt đoạn không có giá trị pháp lý theo Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tàu cộng phát lờ.

Từ đầu đến nay Tàu cộng chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng và chính xác yêu sách này là chủ quyền lãnh hải hay chỉ là đưa ra cho sự kiểm soát chiến lược, có lẽ Tàu cộng muốn để các đối thủ của mình dự đoán. Giờ đây, Sắc Lệnh ngày 15/06/2024 của Bắc Kinh cho thấy họ thêm một bước nữa nhằm chính thức củng cố yêu sách của họ ở khu vực trên Biển Đông với bản đồ hình lưỡi bò 10 đoạn.

Tương lai Biển Đông như thế nào?

Một thực tế xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây với sự tăng cường quân sự ồ ạt của Tàu cộng, đó là có sự mất cân bằng quyền lực rất lớn giữa Tàu cộng và các quốc gia Đông Nam Á nằm ven bờ Biển Đông. Trong khi Tàu cộng sở hữu lực lượng hải quân rất lớn, không nước nào trong các nước Indonesia, Malaysia, Philippines hay Việt Nam có khả năng xây dựng lực lượng của mình để có thể kềm hãm sự hung hăng của Tàu cộng. Có lẽ họ đang yếu kém về kinh tế và do các ưu tiên chính trị tay sai như Việt cộng.

Trong số các quốc gia ASEAN nằm xung quanh Biển Đông, chỉ có hai nước Singapore và Brunei chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Singapore chi 13.4 tỷ USD cho quốc phòng gấp đôi 6.1 tỷ USD Philippines năm 2023. Còn Indonesia, nước có dân số lớn nhất ASEAN (275 triệu người), chỉ chi 8.8 tỷ USD quốc phòng, bằng 0.62% GDP của họ và bằng 4.1% ngân sách quốc phòng chính thức của Tàu cộng vào năm 2023 là 219 tỷ USD (không chính thức bao nhiêu tỷ USD). Sự mất cân bằng này làm cho tham vọng của Tàu cộng gây bất ổn trên hai vùng biển rộng lớn Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tình hình Biển Đông sẽ ra sao về ngắn hạn và dài hạn?

Một điều đáng chú ý là kinh tế của Tàu cộng đang đi xuống, theo dự đoán của kinh tế gia trên thế giới thì nền kinh tế của Tàu cộng có GDP tăng quanh quẩn 3% một năm, trong khi kinh tế Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam hiện đang đi lên hằng năm ước tính 7%, hãy lấy ví dụ bằng con số thực để so sánh:

Về dài han

Nếu các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam thành công trong việc kinh tế tăng trưởng đều 7% hằng năm cho đến năm 2050 và nếu tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Tàu cộng 3%, vậy thì tổng kinh tế của bốn quốc gia đó sẽ đạt tới 45% GDP hàng năm của Tàu cộng vào giữa thế kỷ này tức năm 2050. Sự tăng trưởng như vậy sẽ cho phép Philippines và ba quốc gia còn lại tự xây dựng lực lượng quân sự mạnh hơn và có khả năng kiềm hãm phần lớn Tàu cộng ở Biển Đông.

Vấn đề đặt ra là nếu chờ những sự kiện tăng trưởng kinh tế của 4 nước nước Đông Nam Á trên sẽ mất 26 năm, (từ năm 2024 – 2050) trong khi những cuộc xung đột, bắt nạt, cưỡng chế xâm lược của Tàu cộng trên Biển Đông đang có nguy cơ xẩy ra trước mắt thì sao?

Về ngắn hạn?

Nếu nhìn chiến lược dài hạn trên sự tăng trưởng kinh tế bền vững của các nước Đông Nam Á thì sự kiềm chế Tàu cộng có thể tạm được. Nhưng ngày mai nổ ra chiến sự thì sao? Chiến lược ngắn hạn này buộc phải tùy thuộc vào Hoa Kỳ và Nhật Bản. Như vậy, trong ngắn hạn, vai trò trên Biển Đông của Mỹ và Nhật Bản càng ngày càng tăng lên cho đến khi các nước Đông Nam Á lớn mạnh và đủ sức mạnh kiềm hãm Tàu cộng.

Tương lai 5 năm nữa tình hình Biển Động sẽ ra sao?

Có nhiều người nói rằng: Tàu cộng và Mỹ sẽ có chiến tranh ở Đài Loan nay mai. Điều cần nhớ khi chiến tranh ở eo biển Đài Loan nổ ra thì nó sẽ lan rộng tới Biển Đông hay xa đến Ấn Độ Dương, vì nó là một chuỗi lãnh hải liên hệ chiến thuật và chiến lược với nhau. Vấn đề đặt ra là chiến tranh Mỹ-Tàu có thể xẩy ra hiện nay hay không?

Một vài yếu tố quan trọng mang tính sinh tử

Nguyên tắc chiến tranh của các cường quốc hầu hết vì quyền lợi hoặc tranh dành quyền lợi kinh tế: họ sẵn sàng hy sinh xương máu của con dân mình để bảo vệ quyền lợi của nước họ! Chứ không vì một “lý tưởng” nào cả… chỉ là “lý tưởng quyền lợi”. Vì quyền lợi  mà họ kéo những nước nhỏ vào cuộc…

Đối với Mỹ hiện nay: Vì quyền lợi của người dân Mỹ, khi chúng ta vào các cửa hàng tiêu dùng chính như Walmart, Target, Office Depot, BestBuy… trên các quầy hành có đến 95% là hàng Made In China, những món hàng này cung cấp vật dụng cho đời sống thường nhật của 333 triệu người Mỹ. Nếu chiến tranh Mỹ-Tàu xẩy ra thì giao thương bị cắt đứt, hàng tiêu dùng Made In China không được phép nhập vào nước Mỹ. Sau một thời gian ngắn, các kệ hàng trống rỗng, vật giá leo thang ngất ngưỡng, đời đời sống người Mỹ gặp khó khăn vì vật giá leo thang. Tất cả đó là vì người Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng hàng hóa của Tàu cộng mà mấy chục năm nay các nhà tư bản Mỹ và châu Âu đã lợi dụng 1.5 tỷ lao động rẻ của người Tàu để sản xuất tại Tàu cộng. Bắc Kinh trong mấy chục năm qua làm giàu nhờ hàng loạt doanh nhân nước ngoài từ Mỹ và châu Âu ồ ạt đổ vào đầu tư nó trở thành công xưởng sản xuất hàng tiêu dùng cho cả thế giới. Gần đây sau đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, Mỹ thấy sức mạnh của “chuỗi cung ứng” từ Tàu cộng đe dọa đời sống người Mỹ nên có chính sách phân tán chuỗi cung ứng đến các nước Đông Nam Á và Nam Mỹ để không còn lệ thuộc vào Tàu cộng trong tương lai. Không biết thời gian bao lâu Mỹ thực hiện chính sách phân tán chuỗi cung ứng này?! Khi đó mới nói đến chuyện chiến tranh Tàu-Mỹ có xẩy ra hay không.

Đối với Tàu cộng: Hầu hết công ty nước Tàu trong mấy chục năm nay chủ yếu là sản xuất hàng gia dụng để bán ra thế giới. nhất là bán vào thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Bắc Kinh đứng thứ nhì kinh tế thế giới nhờ vào xuất khẩu hàng gia dụng. Tàu cộng không như nước Nga có của chìm mỏ dầu từ dưới lòng đất đào lên, mà phải bán từng món hàng ra thế giới Tây Phương mới có tiền cho ngân sách quốc gia và quốc phòng. Nếu Tàu cộng tấn công Đài Loan, Philippines hay Việt Nam trên Biển Đông, điều này đồng nghĩa với Tàu cộng đưa quân xâm lược nước ngoài. Hậu quả chắc chắn sẽ bị Tây Phương cô lập làm gián đoạn giao thương. Hàng hóa sản xuất tại Tàu cộng không bán ra được nước ngoài, buộc nhiều công ty sản xuất bị đóng cửa, người dân không có công ăn việc làm tạo nên một xã hội loan lạc de dọa sự sống còn của đảng cộng sản Tàu.

Đối với cả hai nước Mỹ và Tàu cộng: Sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine, cả hai nước đều gặp khó khăn về kinh tế. Do đó ưu tiên hàng đầu của của hai nước là củng cố kinh tế. Nước Mỹ đang vật lộn với vật giá leo thang, Tàu cộng đang phá sản vì chính sách “zero-Covid” và kinh tế địa ốc suy trầm chưa ngóc đầu lên được. Mặc dù Tàu cộng không công bố tình trạng kinh tế của họ, nhưng chắc chắn hiện nay họ đang gặp muôn vàn khó khăn.

Qua những sự kiện trên, chiến tranh xẩy ra giữa Mỹ-Tàu thì cả hai nước đều đi đến phá sản, nên họ cố gắng kiềm chế trong lúc này. Đợi khi nào chuỗi cung ứng của Mỹ không còn phụ thuộc vào Tàu cộng. Và Tàu cộng có khả năng quân sự để đương đầu với Mỹ thì lúc đó hai nước có thể dùng có thể thực hiện tham vọng chiến lược của mình. Điều kiện đó có được cũng mất một số năm!

 

Lê Thành Nhân (https://vietquoc.org/)

 

Posted: 07/07/2024 #views: 1154
Add comment
:
Pages:  [-1]