VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
LIỆU LIÊN ÂU CÓ THỂ ĐỨNG VỀ PHE UKRAINA ĐỂ THAM CHIẾN ?

 

Liệu Liên Âu có thể đứng về phe Ukraina để tham chiến ?

Nghị Viện Châu Âu thảo luận về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina và triển vọng gia nhập EU của nước này. 01/03/2022. (REUTERS - YVES HERMAN)

Chi Phương (RFI) - Liên Hiệp Châu Âu cũng như các nước thành viên của Liên Minh Bắc Đại Dương (NATO) đã mạnh mẽ lên án, trừng phạt hành động xâm lược của Nga. Một số nước tuyên bố chiến tranh kinh tế với Nga. Cho đến nay, dù đã gửi binh sĩ và tài khí đến các nước lân cận Ukraina, khối 27 nước Liên Âu vẫn chưa có bất cứ hành động can thiệp quân sự nào. Vậy đặt giả thuyết nếu khối này tham chiến, điều gì sẽ xảy ra với châu Âu ?

RFI xin giới thiệu bài phân tích Sylvain Kahn, giáo sư, thạc sĩ lịch sử, tiến sỹ về địa lý tại trường khoa học chính trị Science Po, đăng trên báo The Conversation ngày 07/03/2022.  

***

Cuộc chiến mà Nga châm ngòi ở Ukraina là một sự kiện to lớn, hàm chứa động lực riêng của nó. Những gì xảy ra ở Ukraina là hệ quả của một chuỗi sự kiện hơn là do những nguyên nhân đã tồn tại từ trước. Tuy nhiên, cuộc chiến này khiến chúng ta suy tưởng đến một thực tế không thể dự liệu được và không được dự liệu. Đó là việc tất cả các quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu cùng nhau “tham chiến” chống lại một kẻ thù chung. Kịch bản này rất ít khả năng nhưng lại không hoàn toàn không thể xảy ra.  

Điều gì sẽ xảy ra nếu khối 27 nước hiệp lực chống lại một kẻ thù chung ?  

Giả thuyết này dựa trên các tín hiệu khác nhau, phác thảo ra một cảnh quan đang hình thành ngay trước mắt chúng ta. Đó là việc châu Âu huy động sức lực phản đối Nga xâm lược Ukraina. Cuộc huy động này được thể hiện dưới nhiều cách thức khác nhau và đa dạng, theo nhiều khía cạnh của thực tế xã hội và chính sách châu Âu.

Thứ nhất đó là tình đoàn kết về mặt vật chất và tài chính mà xã hội dân sự đang triển khai.

Thứ hai đó là sự tiếp đón những người Ukraina lánh chạy khỏi cảnh bắn phá của quân đội Nga, trước tình cảnh quân xâm lược đang tiến sâu vào lãnh thổ Ukraina ; tiếp theo là sự lên án, thậm chí là sự ghê rợn quân đội Nga được công khai thể hiện tại nhiều nơi ; sự ngưỡng mộ và cả sự nhiệt tình mà cuộc vận động yêu nước của người dân Ukraina truyền cảm hứng, sự vận động tinh thần yêu nước này được xem như lòng dũng cảm hay thậm chí là anh hùng ; sự nổi tiếng và được lòng dân bất ngờ của tổng thống Ukraina Zelensky ở châu Âu ; sự tự nguyện dấn thân của cá nhân người dân châu Âu tham gia vào lực lượng Ukraina chống Nga.  

Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có lập trường và hành xử hòa đồng với sự vận động này của xã hội châu Âu. Họ mở rộng cánh cửa biên giới châu Âu và biên giới quốc gia, giúp người Ukraina có thể tự do di chuyển vào trong khối và định cư tạm thời mà không cần làm hồ sơ xin tị nạn. Các nhà lãnh đạo định hướng rất cụ thể một phần các chính sách trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo và trợ giúp phát triển khẩn cấp đối với Ukraina.   

Tất cả đồng loạt lên án, qua con đường ngoại giao, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhưng không ngoại giao cho lắm, cuộc xâm lược của Nga, chế độ chính trị Nga và tổng thống Liên Bang Nga. Châu Âu quyết định đưa ra các trừng phạt mạnh, nhắm đến những người chịu trách nhiệm về chính trị, quân sự và kinh tế của Nga. Họ tạo cảm giác - dù chỉ là trong ngắn hạn - là sẵn sàng chấp nhận hy sinh một phần khả năng tiếp cận năng lượng của mình. Các lãnh đạo Liên Âu dự tính trao ngay cho Ukraina quy chế ứng viên để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ; họ trang bị cho Ukraina các vũ khí chiến đấu và sát thương.  

Một cuộc chiến tranh có thể dự liệu  

Trong cuộc chiến này, các nước châu Âu - xã hội dân sự cũng như chính phủ - chọn phe ngay lập tức. Theo như những gì mà chúng ta có thể đánh giá, việc chọn phe liên quan đến tất cả các vùng lãnh thổ thuộc Liên Hiệp Châu Âu, nhất là về việc huy động chính quyền đứng về phe người Ukraina khi phải đối mặt với yêu cầu về xã hội và vấn đề chỗ ở cho người tị nạn.  

Cuộc huy động này và tính chất châu Âu đã kết tinh lại nhanh chóng, đến mức mà không ai có thể dám chắc là biết được đường nét, nội dung chính xác và điểm đích của nó. Thông qua việc tất cả các nước châu Âu tự nhận diện mình như là người Ukraina, các xã hội châu Âu cũng chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh là hiển nhiên. Đặc biệt là việc các lãnh đạo Nga đưa ra những lời đe doạ rõ ràng thể hiện chống lại châu Âu.  

Trong giả thuyết này, chiến tranh được xem như là việc phải làm để tự trung thành với chính mình và các giá trị của mình. Thêm vào đó là để cùng bảo vệ những gì mà châu Âu quan tâm và chia sẻ cùng nhau. Đó là một xã hội thịnh vượng, của cải được phân phối lại, một xã hội dựa trên các cuộc đối thoại thảo luận, quyền tự do, quyền tự quyết, quyền tự chủ và lựa chọn. Một xã hội mà trong đó chính trị, không gian công cộng, quyền phê bình và văn hoá không chỉ là các vấn đề trung tâm mà là sống còn. Tóm lại, đó là một xã hội vẫn có tương quan lực lượng và thống trị, những phân cực bè phái và sự đối kháng, nhưng lại tổ chức cho phép tự do ngôn luận, biểu tình bác bỏ triệt để tình trạng bạo lực và sự áp bức quân sự.  

Về mặt lý thuyết, kể từ nay, khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và châu Âu có thể được dự liệu với mức độ hợp lý, mà rất gần đây, người ta vẫn còn cho rằng khả năng chiến tranh mở rộng sang lãnh thổ Liên Âu gần như bằng không.  

Tất nhiên, các sự kiện hình thành từ đầu tháng Hai khiến giả thuyết này chỉ mang tính lý thuyết. Khi dấn thân tham chiến, châu Âu dường như phải đối mặt với quân đội Nga hùng mạnh hơn, nhưng trên hết, đó là nguy cơ phá huỷ các thành phố và các quốc gia của Liên Âu bởi kho vũ khí hạt nhân của Nga.  

 Lực lượng vũ trang của các quốc gia châu Âu đúng là đã suy yếu từ 25 năm qua do sự sụt giảm tương đối về ngân sách và công cuộc hiện đại hoá nửa vời. Ví dụ như quân đội Đức - Bundeswehr, những khiếm khuyết về việc bảo trì có thể thấy rõ ràng đến mức mà một trong những quan chức cấp cao của quân đội nước này đã tố cáo trên mạng xã hội gần đây. Tuy nhiên, lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng việc huy động của một xã hội có thể tạo ra một nỗ lực chiến tranh tập thể trong thời gian rất ngắn. Hơn nữa, 10 ngày đầu của cuộc xung đột không cho phép xác nhận chắc chắn rằng việc hiện đại hoá lực lượng vũ trang mà quân đội Nga thực hiện từ 2008 đã có thể đạt được những kết quả đặt ra.    

Nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
 
Đối với mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, nguy cơ này được thể hiện rõ trong các bài phát biểu của tổng thống Nga Putin. Thế nhưng, nếu như nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thực sự tồn tại, thì không có gì chắc chắn về sự kiện quân sự nào sẽ châm ngòi cho nó.  

Tuy nhiên, nếu như châu Âu không chịu đựng được việc Nga xâm lược Ukraina và coi đây là hành động đáng sợ, thì chúng ta có thể tính được thời điểm mà châu Âu thực hiện các chiến dịch quân sự, sát cánh cùng Ukraina, với việc đặt cược rằng sự can thiệp theo ước lệ này (conventionel) không khiêu khích Nga trả đũa lại bằng vũ khí nguyên tử.   

Một kịch bản như vậy có thể trở thành sự thật, bởi những biến chuyển dần dần và bởi các chuỗi sự kiện không theo kế hoạch. Ví dụ như việc thiết lập cầu không vận quân sự từ Ba Lan hoặc từ Pháp để tiếp tế thực phẩm và vũ khí cho Kiev. Chúng ta có thể dự liệu được khả năng gửi đoàn xe bọc thép hạng nhẹ hoặc xe tải quân sự từ Rumani hay từ Đức để sơ tán thường dân bị mắc kẹt tại vùng chiến sự bởi các hành động bạo lực quân sự mù quáng.  

Với đường biên giới dài 1257 km giữa châu Âu và Ukraina, và 2257 km giữa châu Âu và Nga, bất cứ hành động khiêu khích hoặc sai lầm nào của quân đội Nga có thể khiến công luận châu Âu phản ứng và được tiếp sức bởi nghị viện của quốc gia đó và của châu Âu, khiến chính phủ và các lãnh đạo của Liên Âu không thể để yên được.  

Trong khuôn khổ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Mỹ và châu Âu cùng chấp nhận rủi ro về việc chính quyền Nga không sử dụng sức mạnh hạt nhân nếu châu Âu can thiệp quân sự vào lãnh thổ Ukraina dưới bất cứ hình thức nào. Các lãnh đạo của Hoa Kỳ, về phần mình, tham gia vào công tác hậu cần và tài chính. Các kênh đối thoại hiện có sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Những đối thoại cấp cao đã và đang diễn ra giữa các bộ tham mưu của các nước thành viên NATO, Liên Hiệp Châu Âu và Nga.  

Đối mặt với đại dịch Covid-19, châu Âu nhận ra rằng họ hình thành một xã hội, cùng chia sẻ một quần thể chung về chính trị và lục địa. Các quốc gia trong khối trải qua khó khăn cùng nhau, theo cách có thể so sánh được, bất kể những khác biệt về giàu nghèo hay những đặc thù của nền văn hoá quốc gia hay địa phương. Các nước cùng nhau xác định một chiến lược tiêm chủng và phát hành trái phiếu châu Âu trong khi phải gánh một khoản nợ đáng kể. Họ nhận ra rằng các nước có chung những điểm yếu nhưng cũng có chung một sức mạnh thực thụ.  

Tiến hành chiến tranh để tự vệ là một thẩm quyền chủ chốt của một Nhà nước, giống như quyền đúc tiền và phát hành nợ. “Nguy cơ Nga” trở nên hiển nhiên và thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Âu xích lại gần nhau.  

Trong giả thuyết này, cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina – về mặt pháp lý là quốc gia hợp tác với Liên Âu và khao khát gia nhập khối này, dường như sẽ làm tăng cường cảm giác là châu Âu, trong 3 thế hệ qua, đã trở thành một xã hội đơn lẻ, mong manh và đáng được bảo vệ bằng bất cứ giá nào.  

Lòng yêu nước và tinh thần quả cảm của người dân Ukraina có thể trở thành nguồn căn của sự kết tinh một hình thức nhà nước và lòng yêu nước đối với châu Âu.  (RFI)

 

Posted: 09/03/2022 #views: 1669
Add comment
:
Pages:  [-1]