VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
PHƯƠNG TÂY PHẢI BẠO DẠN HƠN TRONG VIỆC GIÚP ĐỠ UKRAINA VỀ MẶT QUÂN SỰ

 

Ukraina: Phương Tây phải bạo dạn hơn trong việc giúp đỡ Ukraina về mặt quân  sự

Những xe bọc thép Humvee đầu tiên đã được Không Quân Hoa Kỳ chở đến sân bay Boryspil (Kiev, Ukraina) ngày 25/03/2022. ( AP - Efrem Lukatsky)

Trọng Ngĩa (RFI) - Phương Tây càng lúc càng gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraina. Vấn đề đặt ra là liệu sự trợ lực của phương Tây có thể giúp Ukraina ngăn chặn được Nga hay không, nhất là trong bối cảnh cả Bruxelles lẫn Washington đều tự đặt ra những giới hạn về mặt quân sự để khỏi bị Matxcơva coi là bên “lâm chiến”?

Theo tiết lộ của hai quan chức Mỹ với hãng tin Anh Reuters, Hoa Kỳ sẽ công bố vào hôm nay, 13/04/2022 một khoản viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraina lên tới 750 triệu đô la. Trước đó, Liên Hiệp Châu Âu hôm 11/04, cũng đã đồng ý tháo khoán thêm 500 triệu euro trợ giúp quân sự cho Kiev. Các quyết định kể trên của Phương Tây được đưa ra vào lúc Ukraina khẩn cấp yêu cầu được chi viện thêm về vũ khí để chống lại lực lượng Nga đang chuẩn bị tung ra một chiến dịch quy mô nhằm thâu tóm toàn bộ vùng Donbass.  

Viên trợ cho Ukraina tăng mạnh và đều đặn

Phải nói là từ khi cuộc chiến bùng lên đến nay, các loại thiết bị và vũ khí Phương Tây cung cấp cho Ukraina đã gia tăng đáng kể cả về lượng lẫn về chất.

Theo nhật báo Mỹ The Washington Post ngày hôm nay, 13/04, nhiều nguồn thạo tin đã cho biết là trong số các thiết bị được Mỹ cung cấp cho Ukraina lần này có các loại xe bọc thép Humvee, pháo phản lực, máy bay không người lái bảo vệ bờ biển, và các loại tên lửa cá nhân khác… Trực thăng Mi-17 từng được dự trù, nhưng có tin là đã bị rút khỏi danh sách vào giờ chót.

Lô vũ khí mới của Mỹ đã cộng thêm vào một khoản trợ giúp mới của Anh. Nhân chuyến đột xuất ghé thăm Kiev hôm 10/04 vừa qua, thủ tướng Boris Johnson đã loan báo viện trợ thêm cho Ukraina 120 chiếc xe bọc thép, cùng với các loại tên lửa chống tăng, chống hạm, và nhất là tên lửa phòng không hiện đại Starstreak, cùng với máy bay không người lái có năng lực “tấn công chuẩn xác”.   

Theo nhận định của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 12/04, các loại vũ khí như tên lửa chống hạm sẽ có giá trị rất lớn trong việc bảo vệ một cảng, như Odessa, trong lúc tên lửa chống tăng và phòng không sẽ rất hữu hiệu trong việc cản bước tiến của quân Nga tại các vùng đô thị như ở Donbass.

Các loại vũ khí “hạng nặng” cũng đã bắt đầu được gởi đến Ukraina. Cộng Hòa Séc chẳng hạn đã cung cấp cho Ukraina loại xe tăng T-72 và xe bọc thép BVP-1 lấy từ kho dự trữ của chính mình, trong lúc Slovakia đã chuyển giao cho Kiev một hệ thống phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất, để đổi lấy Patriot của Mỹ. Cả hai nước này đều đã đề nghị giúp nước bạn sửa chữa các phương tiện của Nga bị bỏ lại trên chiến trường.

Giúp súng đạn nhưng không muốn bị coi là bên "lâm chiến"

Cho đến nay, vũ khí được giao cho Ukraina chủ yếu là các loại vũ khí mệnh danh là “phòng thủ” không cho phép Ukraina tiến hành các cuộc phản công lớn để giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Thế nhưng việc chuyển giao những loại vũ khí gọi là tấn công cho Ukraina vẫn là điều cấm kỵ đối với phương Tây. Cả Bruxelles lẫn Washington đều tự đặt ra những giới hạn về mặt quân sự để khỏi bị Matxcơva coi là bên “lâm chiến”.

Chi tiết liên quan đến việc Mỹ rút bỏ loại trực thăng Mi-17 ra khỏi danh sách hàng viện trợ lần này cho Ukraina cho thấy rõ thái độ dè dặt của Mỹ, đã từng được thấy khi Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị của Ba Lan vào trung tuần tháng 3 vừa qua khi tuyên bố sẵn sàng cung cấp một cách gián tiếp cho Ukraina toàn bộ số máy bay Mig-29 mà họ hiện có.

Trên bình diện quân sự, việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina luôn kèm theo một sự kiềm chế nhất định để tránh mọi nguy cơ leo thang.  

Lập vùng cấm bay tại Ukraina là tuyên chiến với Nga ?

Ngoài ra ý tưởng về “vùng cấm bay” vẫn không được chấp nhận, cũng như trường hợp Syria trước đây, với lý do cố hữu là hành động đó có thể bị Nga xem đó là một hành vi tuyên chiến.  

Còn liên quan đến trừng phạt kinh tế và ngoại giao, các biện pháp được ban hành ngày càng mạnh, nhưng các quyết định có nhiều khả năng tác động đến Nga (cấm vận khí đốt và dầu mỏ) vẫn chưa được đưa ra, do tác hại ngược lại trên các nước châu Âu..

Quan điểm thiếu dứt khoát của Phương Tây ngày càng bị phản đối. Trên trang ý kiến của nhật báo Pháp Le Monde ngày 11/04 vừa qua, ông Michel Duclos, nguyên là một nhà ngoại giao Pháp, hiện là cố vấn đặc biệt cho Viện Nghiên Cứu Montaigne ở Paris, đã cho rằng Phương Tây cần phải nhanh chóng thay đổi chiến lược theo chiều hướng dứt khoát hơn, vì tình hình chiến sự Ukraina kéo dài chỉ có lợi cho Vladimir Putin mà thôi.

Chiến sự kéo dài tại Ukraina chỉ có lợi cho Nga

Theo ông Duclos, thái độ thiếu dứt khoát của Phương Tây trong phản ứng quân sự cũng như trong các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Matxcơva đã khiến Nga nghĩ rằng phần lớn các chính phủ phương Tây không sẵn sàng yêu cầu người dân của họ hy sinh để bảo vệ nền an ninh cũng như các giá trị của chính mình.

Bên cạnh đó, còn có một hạn chế khác đối với hành động của phương Tây là phản ứng của phần còn lại trên thế giới: Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc quy trách nhiệm cho Nga quả là đã được đa số bỏ phiếu ủng hộ, nhưng các cường quốc nặng ký như Ấn Độ, Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và nhiều nước khác lại từ chối góp phần cô lập nước Nga.

Xung đột càng kéo dài, càng có nhiều khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp đã được phương Tây thông qua. Các mầm mống của sự chia rẽ cũng sẽ phát triển nhiều hơn, như đã thấy qua việc Đức từ chối tiến xa hơn ở giai đoạn này trong lệnh cấm vận dầu khí, hoặc với những lời chỉ trích của Ba Lan đối với Paris và Berlin.  

Những đòn trừng phạt của phương Tây có thể tàn phá nền kinh tế Nga, nhưng hoàn toàn có thể nghĩ rằng đối với ông Putin, đó không phải là vấn đề và ông sẽ không ngần ngại áp đặt lên người dân của mình những hy sinh nặng nề nhất.

Mỹ và Châu Âu phải đổi chiến lược để nhanh chóng đẩy lùi Nga

Trong bối cảnh đó, đối với nhà nghiên cứu Pháp, phương Tây - và đặc biệt là châu Âu - sẽ cần phải đánh bại Nga nhanh chóng. Sau khi Nga thay đổi thế trận ở Ukraina, Hoa Kỳ và Châu Âu cũng nên thay đổi chiến lược của mình.

Trên bình diện quân sự, phương Tây nên nâng việc cung cấp các hệ thống vũ khí lên một bậc, để giúp Ukraina chống chọi lại cú sốc trước các cuộc tấn công sắp tới của Nga ở Donbass. Đồng thời, cần tìm một giải pháp thay thế cho việc áp đặt vùng cấm bay, ít nhất là để ngăn chặn không cho tên lửa quy ước của Nga tấn công các thành phố của Ukraina ở những khu vực mà lực lượng Nga đã rút lui trong thời điểm hiện tại. (RFI)

 

Posted: 13/04/2022 #views: 1596
Add comment
:
Pages:  [-1]